Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Vấn Hữu 問友 - Bạch Cư Dị (Trung Đường) Từ


Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山 居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây).

Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, mười lăm tuổi đã bắt đầu làm thơ. Ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông thường nói:"Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết, mục đích của văn chương là phải diễn đạt tình cảm của nhân dân”. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Họ Bạch chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được; tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự. Thơ ông rất trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ, hồ sen… đều có đề thơ của mình. Bạch Cư Dị chủ trương thơ phải giản dị, vừa với tầm hiểu biết của dân chúng.

Tình cảm, tư tưởng phải có nhân dân tính, nói lên được những điều xảy ra hàng ngày trong xã hội và phản ảnh nỗi lòng của người dân trước thế sự. Thơ ông rất trữ tình. Khi bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, cách xa bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ, sự lam lũ của nhân dân… ông đều có đề thơ, bày tỏ lòng mình.

Thơ của ông gồm nhiều chủ đề khác nhau; bài nào cũng bay bướm, ý ở ngoài lời; khi thì chân thành ca tụng (Quan Ngải Mạch), khi thì mỉa mai kín đáo (Khinh Phì, Lập Bi), khi thì dạy luân lý (Thái Hoàng Gỉa, Thanh Thạch); khi thì hoà đồng vào cảnh ngộ của nhân vật (Dương Liễu Chi Bát Thủ Kỳ 1-8). Bài nào cũng buồn thương vời vợi hoặc đượm vẻ từ bi.

Trong kỳ 1 của chùm thơ Dương Liễu Chi Bát Thủ, họ Bạch chỉ dùng liễu để giới thiệu những bài hát Dương Liễu Chi.

Nguyên tác  Dịch âm

問友             Vấn Hữu

種蘭不種艾 Chủng lan bất chủng ngãi,
蘭生艾亦生 Lan sinh ngãi diệc sinh.
根荄相交長 Căn cai tương giao trưởng,
莖葉相附榮 Hành diệp tương phụ vinh.

香莖與臭葉 Hương hành dữ xú diệp,
日夜俱長大 Nhật dạ câu trưởng đại.
鋤艾恐傷蘭 Sừ ngãi khủng thương lan,
溉蘭恐滋艾 Khái lan chủng tư ngãi.

蘭亦未能溉 Lan diệc vị năng khái,
艾亦未能除 Ngãi diệc vị năng trừ,
沈吟意不決 Trầm ngâm ý bất quyết,
問君合何如 Vấn quân: “Hợp hà như?”

Chú giải

艾 ngải: Cây ngải cứu. Dùng lá ngải khô quấn thành cái mồi châm lửa cháy rồi hơ vào chỗ đau của kẻ ốm gọi là cứu 
根荄 rễ, mầm: rễ ngải và mầm lan.
莖葉 hành, diệp: giò lan, lá ngải: giò là (thân) lan và lá tức lá ngải.

Dịch nghĩa

Hỏi Bạn

Trồng lan chứ không trồng ngải,
Thế mà lan mọc, ngải cũng mọc.
Rễ ngải và mầm lan bám nhau lớn lên,
Giò (lan) và lá (ngải) tựa vào nhau mà tươi tốt.

Giò thơm mà lá hôi,
Ngày đêm đều nảy nở.
Nhổ ngải đi thì sợ lan chột,
Tưới cho lan thì sợ ngải tốt.

Thế rồi lan cũng chưa tưới được,
Mà ngải cũng chưa nhổ đi.
Ngẫm nghĩ hoài không thể quyết định,
Hỏi bạn: “Nên làm thế nào cho phải?”

Dịch từ
Hỏi Bạn

Trồng lan không trồng ngải,
Lan mọc ngải mọc theo.
Rễ mầm nương nhau lớn,
Giò lá tốt vèo vèo.
Giò thơm mà lá hắc,
Ngày đêm đều lớn chắc.
Nhổ ngải sợ lan teo,
Tưới lan sợ ngải tốt.
Rốt cuộc lan chưa tưới,
Ngải củng vẫn còn leo.
Nghĩ hoài mà chẳng quyết,
Hỏi bạn để làm theo.

Lời bàn:
 
Bài từ này làm theo thể tỷ với hai nghĩa:

Nghĩa đen

Tả một chuyện vặt trong dân gian: trồng lan (đẹp và thơm) để chơi mà ngải (một loại cây có lá mùi hôi nhưng sấy khô có thể đốt để xông hơi) cứ mọc theo.
Nhổ ngải thì sợ lan chết. Tưới lan thì ngải lớn nhanh hơn. Người chơi lan phân vân không biết làm gì; bèn hỏi ý kiến bạn. Vấn đề khá giản dị; anh chỉ có thể giữ một trong hai cây; vậy thì cứ nhổ ngải đi, nếu lan chết thì trồng cây lan khác. Rốt cuộc chính anh là người có vấn đề: bủn xỉn, tiếc tiền.

Nghĩa bóng

Mỗi người đoán mỗi khác, tùy theo thí dụ của bạn. ỐC lựa thí dụ này: Một nhà kia có hai chị em cùng cha khác mẹ ở chung nhà; hai chị em nương tựa nhau mà sống. Cô em vừa trẻ vừa đẹp nhưng nghèo. Cô chị vừa già vừa xấu nhưng nhiều của. Anh muốn cưới ở rể một trong hai cô; lấy cô em thì có vợ trẻ, đẹp nhưng vẫn nghèo; Lấy cô chị thì có của nhưng vợ già và xấu. Chần chừ mãi thì phải biếu quà cho cả hai cô nên tốn tiền. Anh chờ hỏi ý kiến bạn. Vấn đề là do bản tính anh bần tiện và anh sẽ chả lấy được cô nào cả.

Con Cò
***
Hỏi Bạn.

Cấy lan không cấy ngải,
Lan tốt ngải tươi xanh.
Mầm rễ theo nhau sống,
Lá chồi cùng nở nhanh.
Chồi thơm mà lá hắc,
Sớm tối xum xuê cành.
Nhổ ngải lo lan chột,
Tưới lan ngải tốt lành.
Thế rồi lan ngại tưới
Nhổ ngải lại không đành.
Tính toán hoài không thoát,

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jun. 22/2022.
***
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:

問友 - 白居易 Vấn Hữu - Bạch Cư Dị Hỏi Bạn

種蘭不種艾 Chủng lan bất chủng ngải Trồng lan không ngải xanh
蘭生艾亦生 Lan sinh ngải diệc sinh Lan mọc ngải cũng mọc
根荄相交長 Căn cai tương giao trưởng Rễ củ đều lớn nhanh
莖葉相附榮 Hành diệp tương phụ vinh Thân lá cùng tươi tốt
香莖與臭葉 Hương hành dữ xú diệp Lan thơm ngải hôi tanh
日夜俱長大 Nhật dạ câu trưởng đại Ngày đêm đua nảy nở

鋤艾恐傷蘭 Sừ ngải khủng thương lan Nhổ ngải sợ lan động
溉蘭恐滋艾 Khái lan chủng tư ngải Tưới lan e ngải tranh
蘭亦未能溉 Lan diệc vị năng khái Thế là lan chẳng tưới
艾亦未能除 Ngải diệc vị năng trừ Ngải cũng nhổ không đành
沈吟意不決 Trầm ngâm ý bất quyết Trầm ngâm chưa quyết định
問君合何如 Vấn quân hợp hà như Làm thế nào đây anh?

Mộc bản bài thơ ngũ ngôn cổ thể này có trong các sách:

 Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩白居易 集-唐-
Ngự Tuyển Đường Tống Thi Thuần - Thanh - Cao Tông Hoằng Lịch 御選唐宋詩醇-清-高宗弘曆
 Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全 唐詩-清-聖祖玄燁
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩 錄- 清-徐倬

Luận bàn:

Thi nhân chỉ muốn trồng lan thơm, không muốn trồng ngải tanh hôi. Ai ngờ bên cạnh lan ngải tự phát triển, rễ của hai loại quấn lấy nhau, thân và lá cũng tương tác sinh trưởng. Muốn bứng bỏ ngải, nhưng lo sẽ làm hại lan, Muốn lấy nước tưới lan, lại sợ ngải được nuôi dưỡng lớn hơn. Kết quả là: “Trầm ngâm không quyết định, hỏi phải làm thế nào"Thời Thịnh Đường Phật giáo thịnh hành, nhiều thi nhân trong đó có Bạch Cư Dị theo Phật giáo do đó nhiều bài thơ của ông đượm giáo pháp Phật.

Trong thế gian mọi vật, mọi sự việc do nhân duyên mà có, do duyên sanh mà thành. Có nghĩa là mọi vật, mọi sự việc là do một nhân duyên chính mà phát sinh nẩy nở, trưởng thành trong những điều kiện hay duyên phụ thích hợp. Theo Bạch Cư Dị: Mọi thứ trên thế gian đều có mối liên hệ nhân quả.

Các duyên liên tục thay đổi vì chúng là quả của các nhân duyên thay đổi khác. Khi không còn đủ nhân duyên phù hợp hổ trợ, vật hay sự việc sẽ suy thoái và đi đến tiêu diệt. Một hệ luận thứ hai, mọi vật, sự việc thế gian đều lưỡng cực, có âm phải có dương, có sáng thì có tối, có tốt thì có xấu, có thành công thì có thất bại, có hạnh phúc thì có khổ đau, v.v…, có khác chi trồng lan mắc phải ngải trong bài thơ ngụ ngôn của Bạch Cư Dị.

Trong cuộc sống, ta sẽ liên tục gặp khó khăn như thi nhân muốn trồng lan mà không muốn trồng ngải. Khi còn nhỏ sống với cha mẹ, ta không chịu nổi lời nhắc nhở mỗi ngày, nào mặc thêm áo kẻo lạnh, đi ngủ sớm, ăn nhiều hơn, làm việc tốt… Khi đó, ta cảm thấy mình giống như một con chim bị giam cầm, mất tự do, ngày đêm nghĩ muốn bỏ đi. Rồi một ngày, ta rời khỏi nhà. Trời giá lạnh một mình phấn đấu, mới thật sự thấm thía cô đơn, mới bừng tỉnh cha mẹ la rầy kỳ thật hàm chứa tình yêu. Vậy mới biết được, đôi khi bị quản chế cũng là một loại hạnh phúc. Khi bạn hưởng tự do, sự cô đơn đến; khi được cha mẹ chăm lo, tự nhiên có sự kiềm chế mà ta loại bỏ.

Rồi ta tốt nghiệp có được việc làm tốt, khó khăn cũng đến. Khi bị áp lực công việc đến nỗi mất ngủ, ta sẽ nhớ lại cuộc sống êm đềm trong gia đình tuy có bị kiềm chế. Nếu muốn vừa sống yên ổn vừa không nhàm chán, vừa thành công vừa không vất vả, cũng khó khăn như trồng lan không muốn trồng ngải.

Thế sự đại khái là như thế. Hạnh phúc sẽ đi kèm với đau thương, niềm vui sẽ đi theo nỗi buồn, thành công đi kèm vất vả khó khăn… không một lựa chọn nào có thể tận thiện tận mỹ, trồng lan mà không trồng ngải.


Phí Minh Tâm 
***
Hỏi Bạn

Trồng lan không trồng ngải
Lan sinh ngải cũng sinh
Rễ, mầm cùng nhau lớn
Giò, lá nương tốt lành

Thơm giò và hôi lá
Ngày đêm cùng lớn đại
Rẫy ngãi sợ đau lan
Tưới lan e tốt ngải

Lan cũng chưa được tưới
Ngải cũng chưa được trừ
Nghĩ hoài ý không quyết
Hỏi bạn: “sao bây chừ?”

Lộc Bắc
***
Vấn Bạn

Nuôi lan không nuôi ngải
Ngải lá tốt lan tươi
Rể/chồi như đan lại
Quấn quýt nhận nắng mời

Lan thơm ngải mùi hắc
Cùng bung nụ lá xanh
Thương hoa lá chẳng ngắt
Nhổ ngải ngại héo cành

Tưới lan, ngải béo bở
Nên luống cuống phân vân
Nhờ bạn góp ý nhỏ
Cách gì diệt ngải dần

Kiều Mộng Hà
May04th2023
***
Chọn Lan Hay Ngải?

Địa lan chăm chút vun trồng,
Đâu thèm ngải cứu bỗng không tót vào.
Mầm lan - rễ ngải cấu cào,
Bám nhau cùng lớn chao dao tháng ngày.
Giò lan, lá ngải đến hay,
Tựa nhau đùm bọc đắm say giữa trời.
Cánh hoa thơm phức ngát hơi,
Hắc mùi lá ngải - ỉ ôi bao người.
Ngày đêm nảy nở tốt tươi,
Nếu như nhổ ngải, lan thời lụi thôi.
Tưới cho lan thắm say đời,
Sợ rằng ngải ké làn hơi nước cùng.
Phong lan chưa tưới dẫu cưng,
Cay hôi chưa nhổ - lừng khừng còn đây.
Ngẫm đi nghĩ lại khó thay,
Hỏi người: Liệu phải vẽ bày ra sao?

Khánh-Hưng
***
Góp Ý:

BS đọc đi, đọc lại bài thơ này nhiều lần, thấy lạ, và cũng thắc mắc. Ông thi sĩ họ Bạch này sao lại cắc cớ, trồng 2 loại cây trong một chậu: một loại thanh cao, trang nhã, có mùi hương nhẹ nhàng, một loại xấu xí, lại có mùi hôi.Trồng xong rồi, thấy không ổn, mới hỏi ý kiến của bạn bè về cách xử sự… Tại sao không trồng riêng mỗi cây một chậu? BS nghĩ rằng tác giả muốn ẩn dụ ý kiến của mình để nói về việc làm quan: người có tài, có phẩm chất thanh cao lại phải chung sống với đám đồng sự lục lục thường tài, thô lỗ, thiếu tư cách, và mình phải cư xử ra sao? Diệt đám đó thì mình không có quyền, nếu vẫn làm quan thì mình bị ô danh.

Bát Sách.
(ngày 24 tháng 06 năm 2022)

1 nhận xét: