Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Mạn Đàm Văn Thơ Trên Mạng


 (Trao đổi vấn đề chữ nghĩa chúng ta thường nhầm lẫn)

Trước hết xin đề cập một chút về “mạng” mà tiếng Mỹ gọi là internet, và hiện tại được định nghĩa trên mạng là: “Một hệ thống các mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới”. Mà thật vậy từ khi con người phát minh ra cái computer, thế giới chúng ta đã thay đổi rất nhiều trong hầu như mọi lãnh vực, từ y học đến khoa học kỹ thuật, từ nhân văn đến xã hội, chính trị, kinh tế, từ giáo dục học đường đến thể thao, điện ảnh, giải trí, mỹ thuật, truyền thông, giao thông và thương mại… Ngay cả chiếc computer nặng nề đầu tiên cũng đã cải tiến thành những chiếc computer nhẹ nhàng rồi đến những chiếc laptop, iphone, ipat nhỏ nhắn xinh xắn…Cuộc sống và nhịp sống của con người dường như cũng thay đổi hoàn toàn. Có thể nói đi đâu chúng ta cũng thấy cái cảnh người già đến trẻ em cầm trên tay cái ipat, iphone miệt mài trong những trò chơi trên mạng… Còn thi sĩ Bùi Giáng gọi là “Càn Khôn Đại Nã Pháp”. Internet thật muôn hình, muôn vẻ và vạn năng…Nhưng thôi, có nói cũng khôn cùng, ở đây chúng tôi chỉ xin nói về việc Mạn Đàm Văn Thơ Trên Mạng.

Thật vậy, để hòa nhập với những thay đổi của thời đại, ngay cả việc mạn đàm văn thơ của giới người có tuổi, chúng tôi cũng thấy một sự đổi thay rất lý thú. Ngày trước các cụ mạn đàm thơ văn thường tụ tập nhau quanh một bình trà, một bình rượu, thường gọi là “trà dư tửu hậu” , nhưng ngày nay qua internet chúng ta có thể mạn đàm vui chẳng kém mà còn có thể lý thú hơn nhiều, đặc biệt là chúng ta ở cách xa nhau nửa vòng trái đất cũng có thể mạn đàm với nhau chỉ trong vài giây đồng hồ. Câu chuyện tiêu biểu xin được trình bày như sau :

Như mọi lần trước đây, hôm đó từ Little Saigon, nam Cali. ngẫu hứng tôi làm một bài thơ gởi mấy ông bạn già đọc chơi cho vui, bài thơ có tựa đề “Yêu”

Yêu nhau một phút cũng vừa,
Miễn là phút ấy đừng lừa dối nhau.
Tình còn tính trước tính sau,
Thì yêu gượng gạo phải đau ngấm ngầm.
Đâu còn yêu trộm thương thầm,
Giai nhân bất thị băng tâm mới là.
Trăm năm trong cõi ta bà,
Kẻ qua người lại đều là đáng yêu.

Friday, September 05, 2014 , Email :tranvietlongsj...

Một ông bạn già của tôi ở San Jose gởi lại với nhận xét và những trao đổi như sau:

Thấy bài thơ của anh hay quá nhất là câu:

Đâu còn yêu trộm thương thầm, 
Giai nhân bất thị băng tâm mới là.

Không biết anh lấy câu nầy từ đâu, nhưng tôi nhớ vị danh sĩ cuối triều Lê trung hưng và làm quan trong triều Minh Mạng, cụ Lê Quý Thích, có bài thơ “Đoạn Trường Tân Thanh Đề Từ” nói về nỗi lòng của nàng Kiều trong đó có dòng chữ “giai nhân bất thị…” thật hay.

Đoạn Trường Tân Thanh Đề Từ

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường,
Bán thế yên hoa trái vị thường.
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc,
Băng tâm tự khả đối kim lang.
Đoạn trường mộng lý căn nguyên liễu,
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương.
Phạm Qúy Thích

Tạm Dịch:

Ví như người đẹp không đến sông Tiền Đường,
Thì nửa đời hoa (nở) vẫn mang nợ hồng nhan.
Mặt ngọc (mặt hoa) dễ gì che dấu được (dễ gì vùi đáy nước),
Lòng tiết băng không thẹn với chàng Kim.
Tỉnh mộng đoạn trường mới biết nguồn cơn (căn nguyên),
Đàn xong khúc bạc mệnh thì sầu hận vô cùng (câu nầy khó dịch quá mặc dầu rất dễ hiểu).
Một mảnh tài tình ngàn năm lụy.
Tiếng than xé lòng thật đau thương.

Hai chữ “yên hoa” và “băng tâm” rất khó dịch mặc dầu rất dễ hiểu.

Và hai chữ hay nhất trong bài thơ là “bất thị”

1.- Người Việt khi dịch chữ Hán mà gặp chữ “yên hoa” cũng thường lược bỏ và đôi khi lại hiểu sai, dịch sai nữa. Có khi họ dịch là “hoa khói” hay “khói hoa” mà thật ra “yên hoa” chỉ có nghĩa là hoa nở/hoa nở rộ. Mình phải để ý tiến trình hoa nở có ba giai đoạn mà đôi khi chỉ diễn ra trong khoảng dưới 6 giờ như hoa Dạ Quỳnh Hương. Không kể thời gian hoa vị khai, ba giai đoạn hoa nở là hàm tiếu, bán mãn khai, và mãn khai

Bài thơi tứ tuyệt nỗi tiếng của Lý Bạch cũng có hai chữ “yên hoa” mà nhiều người cũng dịch là “hoa khói” trong khi nó chỉ có nghĩa là hoa nở rộ.


Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Được dịch nghĩa như thế nầy:

Bạn cũ ra đi từ phía Tây lầu Hoàng Hạc. 
Giữa mùa hoa khói tháng ba xuống Dương Châu.
Xa xa, bóng hình cánh buồm đơn độc lẫn vào mây biếc đã khuất.
Từ trên lầu chỉ còn thấy sôngTrường Giang bên trời xuôi mãi đâu.

Cụ Ngô Tất Tố dịch “yên hoa” là “hoa khói” và lược bỏ chữ “tam nguyệt”
“Giữa màu hoa khói, Dương Châu xuôi dòng”

Còn cụ Trần Trọng Kim thì dịch “tam nguyệt” mà lược bỏ chữ “yên hoa”
“Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng”

Thật ra “yên hoa tam nguyệt” không phải là”hoa khói tháng ba” mà là “ hoa nở rộ trong ngày đầu xuân” thôi.

Lý Bạch than “Ông bạn Mạnh Hạo Nhiên đã chia tay tôi tại phía Tây lầu Hoàng Hạc đang mùa hoa nở rộ đầu xuân để đi xuống Dương Châu…” làm tôi buồn quá.

2.- Chữ “băng tâm” thì hàm ngụ vô cùng; một mặt nó diễn đạt tính tuyết sạch giá trong, tính trinh nguyên, tính tiết liệt về phương diện vật chất, thể xác; một mặt nó diễn tả tính thủy chung của tình yêu, của hôn nhân; và mặt khác, nhất là trong hoàn cảnh của Thúy Kiều, nó ẩn dụ tính tinh thần của chữ “băng tâm” về một tâm hồn bất biến (tình yêu đối với Kim Trọng) giữa cuộc đời vạn biến “nổi trôi theo kiếp đoạn trường”

Cho nên … sáu chữ của anh “giai nhân bất thị băng tâm mới là” cũng khó giãi thích à nghen.

Saturday, September 6, 2014 1:36AM,

Tôi gởi đi:

Bạn hiền ơi! Nay thì tại hạ bắt được quý nhân rồi…

Thật là lý thú và đầy khoái cảm khi được bạn hiền luận bàn chữ nghĩa cùng tại hạ. Nhiều điều thật đáng nói, nói không cùng… Vậy thì mình từ từ nói với nhau nhé… Thời gian chắc còn dài mà…

1.- Trước tiên xin trả lời về 2 việc: “Giai nhân bất thị băng tâm…” lấy từ đâu và “cái khó giải thích à nghen”.

Tại hạ xin thưa: Nó chỉ là câu nói bình thường như “cái nết đánh chết cái đẹp” mình không nói nôm na như vậy thì mình mượn anh Hán tự mà nói cho vui ấy mà…Người đẹp mà không thấy được có “cái tấm lòng trong” thì mới là cái đáng nói. Vậy thôi.

2.- Nhân ông bạn đề cập đến bài:”Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”thì tại hạ xin ghi nhận những dẫn giải của bạn hiền. Nhưng xin trình bày chút ý riêng của tại hạ như thế nầy. Cái câu “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” theo tại hạ hiểu:

- Chữ “yên hoa” : Yên tức là khói chỉ về việc hút xách (thuốc phiện) và Hoa tức chỉ cho người đẹp. Hán Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn định nghĩa: Yên hoa là Khói và Hoa. Cảnh phong lưu nơi phồn hoa đô hội; cảnh trụy lạc của người đàn bà.

- Chữ “tam nguyệt” có nghĩa là 3 tháng; còn nói Tháng Ba thì chỉ có “Tháng Ba Thiếu” là “Tam Nguyệt Tiểu” hoặc “Thánh Ba Đủ là “Tam Nguyệt Đại”

Do đó hai anh chàng lãng tử Mạnh Hạo Nhiên và Lý Bạch cứ 3 tháng hẹn nhau đến Lầu Hoàng Hạc mà vui chơi thỏa thích với uống rượu, ngâm thơ, chuyện vãng trên trời dưới đất, đông tây kim cổ… nhưng nhất định không thiếu hút xách và “ghế ghiếc”

- Còn chữ “há hay hạ” nhiều bản dịch đều cho là “Xuống”. “Xuống Dương Châu” như hàm một ý như là mình từ Sài Gòn đi xuống Long An, Cần Thơ chơi. Nếu hiểu như thế thì không đúng với cách nói của người Trung Hoa. Ví dụ người Trung Hoa nói “hạ mã” mình gọi là “xuống ngựa” nhưng thật sự là mình từ trên ngựa nhảy xuống. “Hạ sơn” mình gọi là “xuống núi” nhưng thực sự là từ trên núi xuống đồng bằng. Nên câu thơ của Lý Bạch nói rõ là Mạnh Hạo Nhiên vì chuyện “yên hoa” nên 3 tháng một lần từ Dương Châu (quê của Mạnh Hạo Nhiên ở Quảng Lăng, Giang Tô) xuống Vũ Hán, Hồ Bắc để gặp Lý Bạch ở Lầu Hoàng Hạc.

Bạn hiền ơi! Phải hiểu như vậy thì cái tình giữa hai chàng lãng tử nó mới có nhiều kỷ niệm, nó đồng điệu, thấm thía… nên khi xa nhau ắt phải có cái buồn, cái lưu luyến để mà làm những câu thơ để đời như thế nầy. Bạn hiền nghĩ sao?

Saturday, September 6, 2014 6:41AM, Email : huongthuy04....

Một ông bạn già ở Florida gởi đến:

Cảm ơn hai bạn hiền cho chia xẻ về một giai thoại văn chương. Nhấp ly cà phê nóng buổi sáng mà nghe hai bác nhà mình trao đổi thi văn, thật là thú vị. Ngư dân tui lâu nay thơ thẩn với sông hồ nên khi yêu, đượm chút mùi sông nước. Gọi là để hưởng ứng với các vị thân hữu :

“Yêu người ta người ta không biết… 
 Thương người ta người ta nào hay…
Gió lay động dìu, chiếc lá vàng bay.
Nghe xao xuyến mặt hồ loang ngấn nước.”
(Ngư Sĩ)

Saturday, September 07, 2014 3:33PM. Email : tranvietlongsj....
Ông bạn gởi đến:

Bạn hiền à,

Tôi biết anh nói chơi chứ đề bài thơ của Lý Bạch đã nói “tống/đưa đi/đưa tiễn” Mạnh Hạo Nhiên mà.
(Bạn cũ ra đi từ phía Tây lầu Hoàng Hạc Để xuống Dương Châu giữa mùa Xuân ba tháng hoa đang nở rộ Xa xa, bóng hình cánh buồm đơn độc lẫn vào mây biếc đã khuất Từ trên lầu chỉ còn thấy sông Trường Giang bên trời xuôi mãi)
Để thấy bốn chữ “yên hoa tam nguyệt” chỉ muôn hoa khoe sắc thắm trong ba tháng mùa xuân, thì :

Hứa Uyên Xung đã dịch:

Mon ami quitte à l’ouest la Tour de Grue dorée
Pour descendre à la ville en fleur printanière.
(Bạn tôi rời ở phía tây lầu Hoàng hạc 
 để đi xuống thành phố đang nở rộ hoa đầu xuân)

Và:

Maurice Coyaud cũng dịch:

Mon ami quitte à l’ouest, au pavillon de la Grue Jaune,
Fleurs printanière à foison, il descent vers Yangzhou.
(Bạn tôi từ giã tôi ở hướng tây, tại lầu Hoàng Hạc,
Hoa đầu xuân nở rộ, anh đi xuống Giang Châu)

Anh dùng hai chữ “yên hoa” để nói chuyện vui chơi với các ả Phù Dung (yên/khói/hút xách) và vui đùa với các nàng Hoa Dung (hoa/nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ghế ghiếc) thì chắc anh nói chơi rồi.

Mạnh Hạo Nhiên là một văn nhân rất chính nhân quân tử như chàng trai Tây Sơn lạc vào trường QGHC vậy. Lý Bạch là một thi bá chỉ biết vui đùa với rượu và trăng hòa vào thơ mà thôi. Cả hai chàng nầy không biết “ghế ghiếc” gì đâu. Đừng nói oan cho người xưa mà mất tiếng chính nhân quân tử Tây Sơn trong lòng nàng Công Chúa út của vua Lê Hiển Tông đất Thăng Long văn vật đó nghen.

Tuesday, September 09, 2014 4:38AM.

Tôi gởi đi:

Bạn hiền thân kính,

Như thư trước đã thưa, được hiền huynh bàn luận chữ nghĩa tại hạ thật lấy làm thích thú, thấy được chữ nghĩa thật khôn cùng… Tại hạ tưởng rằng mình nói ít thì hiền huynh đã cảm thông, chẳng ngờ hiền huynh lại cho rằng tại hạ nói mà không có căn cứ. Do vậy xin được phân bua mấy điều: Một là chữ nghĩa, hai là cái mà hiền huynh gọi là “đạo đức” của tiền nhân.

1.- Trước hết nói về chữ nghĩa của bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”nghĩa là tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Bài nầy có mấy địa danh cần xác định : Hoàng Hạc Lâu, Quảng Lăng, Dương Châu, Trường Giang.

* Hoàng Hạc Lâu: Là Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Vũ Hán nằm ở ngã ba sông Dương Tử và sông Hán Thủy. Nên Hoàng Hạc Lâu nằm ở phía Tây Nam của Dương Châu. 
* Dương Châu: Là thành phố trực thuộc tỉnh Giang Tô, nằm bên bờ Bắc sông Dương Tử, giáp Nam Kinh. Dương Châu có 6 đơn vị cấp huyện là: Quảng Lăng, Hàn Giang, Giang Đô, Cao Bưu, Nghi Chinh, Bảo Ứng. Nên Dương Châu ở phía Đông Bắc Vũ Hán.
* Trường Giang: Tức là sông Dương Tử chảy từ Tây sang Đông của nước Trung Hoa. Vì sự chảy quanh co nên nếu nhìn trên bản đồ Trung Hoa thì Hoàng Hạc Lâu (Vũ Hán) nằm ở phía Tây Nam của Dương Châu (Quảng Lăng) nhưng vì cả hai đều nằm trên bờ sông Trường Giang nên Hoàng Hạc Lâu nằm về phía Tây của Dương Châu.

Do đó, câu thứ nhất “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu” cụ Trần Trọng Kim dịch “Phía tây bạn biệt Hạc Lâu”, cụ Nguyễn Kỷ Niệm dịch “Bạn cũ rời tây Hoàng Hạc Lâu’ như vậy họ tiễn nhau tại Hoàng Hạc Lâu ở phía tây thì không có gì phải bàn.

Nhưng câu thứ hai “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” thì cần phải nói cho sát, cho rõ:

- Yên hoa: ở đây là cái thú phong lưu của các cụ ngày xưa, nhất là các cụ thi nhân chứ chẳng có hoa nở gì ở đây cả.

- Tam nguyệt : có nghĩa là 3 tháng chứ chẳng phải Tháng Ba như nhiều cụ đã dịch. Nếu gọi là Tháng Ba thì chỉ có Tam Nguyệt Đại (Tháng Ba Đủ) hoặc Tam Nguyệt Tiểu (Tháng Ba Thiếu) mà thôi.

- Há Dương Châu: Có nghĩa là từ Dương Châu đi xuống theo cách nói của người Trung Hoa; như “hạ sơn” là họ nói từ trên núi đi xuống, “hạ mã” là từ trên lưng ngựa nhảy xuống. Còn nói theo người Việt mình là xuống núi, xuống ngựa nhưng đều hiểu là từ trên núi đi xuống, từ trên ngựa nhảy xuống. Như vậy chữ “há Dương Châu’ phải hiểu là từ Dương Châu đi xuống lầu Hoàng Hạc (Vũ Hán), chứ không phải từ Hoàng Hạc đi xuống Dương Châu. Câu thứ hai phải hiểu là: Cái thú “yên hoa” cứ ba tháng một lần bạn đến từ Dương Châu để cùng tôi vui chơi…để có những kỷ niệm khó quên.

Câu thứ ba “Cô phàm viễn ảnh bích không tận” thì cũng không có gì đáng nói nữa.

Nhưng câu thứ tư “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” thì phải nói cho rõ. Phải nói là những bản dịch của nhiều tác giả từ xưa đến nay đều dịch là: “Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau” của Trần Trọng San; “Chỉ thấy Trường Giang chảy cuối trời” của Khương Hữu Dụng; hoặc “Chỉ thấy Trường Giang xuôi mãi đâu”… Tất cả đều thấy chữ “Trường Giang” rồi chữ “lưu” thì đều cho là chảy mau chảy chậm mà lại quên dịch chữ “thiên tế” là gì. Tôi xin mạn phép nói về chữ “thiên tế” ở đây có nghĩa là “cái bờ bên trời” như “ biên tế” là ở sát với, thường dùng trong kinh tế học. Còn chữ “lưu” nghĩa là “bày ra trước mắt” chứ không có nghĩa là chảy mau chảy chậm hay chảy xuôi ở đây. Câu nầy là một câu tả cảnh hay nhất của Lý Bạch và có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Lý Bạch đã thấy một quang cảnh trời nước mênh mông xanh biếc bày ra trước mắt mà con sông Trường Giang càng chạy dài xa tít thì nhìn chỉ còn là một đường gạch nhỏ chia trời đất làm đôi, trên đó ẩn hiện một cánh buồm đơn độc đang chở bạn ông về xứ Quảng Lăng (Dương Châu)…

Cũng xin nói những câu tiếng Pháp của Hứa Uyên Xung và Maurice Coyaud mà bạn đã dẫn, thì cũng chỉ là cái hiểu không đúng theo cái lối nói của người Trung Hoa.

2.- Về cái “đạo đức” của tiền nhân:

Bạn đã trách tôi là “Đừng nói oan cho người xưa mà mất tiếng chính nhân quân tử Tây Sơn…” thì xin thưa rằng cái chuyện phong lưu “yên hoa của cụ Mạnh Hạo Nhiên” không phải tôi dựng chuyện mà nói oan cho cụ, mà đây là do cụ Lý Bạch đề cập trong bài “Tặng Mạnh Hạo Nhiên” xin được viết ra cho rõ:

TẶNG MẠNH HẠO NHIÊN

Ngô ái Mạnh phu tử. 
Phong lưu thiên hạ văn.
Hồng nhan khí hiên miện.
Bạch thủ ngọa tùng vân 
Túy nguyệt tần trung thánh 
Mê hoa bất sự quân.
Cao sơn an khả ngưỡng.
Đồ thử ấp thanh phân.
(Lý Bạch)

Dịch nghĩa:

Ta mến Mạnh phu tử. Tính phong lưu thiên hạ đều nghe tiếng.
Vì người đẹp có thể bỏ cả quan chức.
Lúc bạc đầu nằm dưới thông và mây.
Say dưới trăng là thánh rượu.
Mê hoa cũng chẳng thiết thờ vua.
Núi cao kia có thể ngẫn mặt nhìn.
Chừng đó cũng đủ phần thanh cao.

Chỉ với câu thứ 2 và 3: “Tiếng phong lưu thiên hạ đều nghe và Vì người đẹp có thể bỏ cả quan chức” thì đủ biết là tôi có nói oan gì cho các cụ.

Bạn hiền ơi! Thực tình mà nói hiện nay là “Thời đại Bill Clinton” rồi chứ còn đâu ở “Thời đại Nhạc Bất Quần” mà bạn hiền còn chưa “thoáng”. Riêng tôi tuy là dân Tây Sơn nhưng nhằm nhò gì một “quan đốc phủ”. Bạn hiền có biết Đại Đế Quang Trung có bao nhiêu vợ không ? Đếm vượt hai bàn tay đó. Lại còn một “Đức Tăng Thống” của đất Tây Sơn tôi cũng có nhiều “con rơi” nữa đó bạn hiền ơi!

Thân kính.

Sunday, September 14, 2014 3:55AM, Email : hthanh8....
Một ông bạn gởi đến:

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã cho tôi những giây phút động não nhưng rất thỏa mái khi đi vào thế giới văn chương của các bạn. Thực lòng mà nói, Hán tự của tôi chỉ lõm bõm nên không dám lạm bàn, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận của bạn. Bạn đã nghiên cứu rất tỉ mĩ, công phu, và dẫn chứng rất thuyết phục.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thông với câu:”Giai nhân bất thị băng tâm mới là” của bạn.

Giai nhân cần có thêm băng tâm mới tốt, mới là giai nhân không? 
Giai nhân chẳng cần có băng tâm cũng được? cũng coi là giai nhân?
 (tôi không hiểu nghĩa chữ “bất thị” của bạn ý nói về cái gì?)

Sunday, September 14, 2014 11:20 AM.

Tôi gởi đi: Bạn hiền ơi, Bạn có thấy trong những cuộc thi hoa hậu thế giới ngày nay, người ta không những chấm ngoại hình mà còn chấm về nhiều phương diện khác như kỹ năng, lời đối đáp, phong cách ứng xử, dáng đứng, dáng đi… Còn tôi thì chỉ muốn nói là: Người đẹp dù chẳng biết, mà cái tấm lòng trong thì mới là điều đáng nói.

Đức Huỳnh Phú Sổ có bài thơ về tình yêu cũng rất hay mà cái băng tâm cũng tuyệt vời:

Ta có tình yêu rất mặn nồng.
Yêu đời yêu đạo lẫn non sông.
Tình yêu bao quát trong hoàn vũ.
Nhưng chẳng yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn đặng yêu.
Thì trong tâm tưởng phải xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhân loại.
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình.
Dường như thệ hải với sơn minh.
Tình yêu mà chẳng yêu ai cả.
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh.

KẾT LUẬN CỦA NGƯỜI VIẾT:

Tóm Lại, bài thơ của Lý Bạch theo tôi phải được dịch nghĩa:

Bạn cũ từ biệt nhau tại trời Tây nơi lầu Hoàng Hạc. Thật là đồng điệu biết bao vì cái thú yên hoa mà cứ ba tháng từ Dương Châu bạn đến cùng tôi. Nay bạn trở về trên cánh buồm đơn mỗi lúc một xa dần trên nền trời biếc. Tôi chỉ còn thấy sông Trường Giang bày ra trước mắt như một cái bờ trời chia trời đất làm đôi.

Xin có Thơ Dịch

Hoàng Hạc lầu tây giã bạn hiền.
Dương Châu về ba tháng hoa yên.
Buồm đơn trời biếc xa xa tít. Bờ nước
Trường Giang cảnh hiện tiền.
Lê Nguyễn

Tiễn bạn từ Hoàng Hạc lầu.
Yên hoa ba tháng Dương Châu về từ.
Buồm đơn cảnh biếc xa mờ.
Trường Giang một dải bên trời bày ra.
Lê Nguyễn

Tôi là một kẻ hậu sinh, thấy sao nói vậy, chỉ muốn chúng ta nên sữa lại những điều mà có thể chúng ta còn nhầm lẫn. Mong rằng quý bậc thức giả góp ý để mọi vấn đề còn nghi vấn sẽ được sáng tỏ hơn, riêng tác giả mong nhận nhiều chỉ giáo nơi quý bậc cao minh.

Xin cảm ơn sự mạn đàm văn thơ của các bạn già Trần Việt Long, Ngư Sĩ, Nguyễn Hữu Thành…

Nguyễn Công Lượng
---------------------------
PHỤ ĐÍNH CÁC BẢN DỊCH:

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc Lâu 
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu 
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc 
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau 
Trần Trọng San

Phía Tây bạn biệt Hạc lâu 
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng 
Cánh buồm bóng hút màu không 
Trông xa trắng xóa nước sông bên trời 
Trần Trọng Kim

Hoàng Hạc lầu xưa bạn cũ rời
Dương Châu hoa khói tháng ba xuôi 
Buồm đơn bóng hút vào xanh biếc 
Chỉ thấy Trương Giang chảy cuối trời
Khương Hữu Dụng

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói Dương Châu xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất màu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Ngô Tất Tố

Bạn cũ rời tây Hoàng Hạc Lâu
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu
Buồn đơn, bóng lẫn vào mây biếc
Chỉ thấy Trương Giang xuôi mãi đâu 
 Nguyễn Kỷ Niệm


Giã từ Hoàng Hạc bạn về tây
Cảnh tiết thành Dương hoa khói bay
Nhòa nhạt trời xanh buồm khuất bóng
Trường Giang cuồn cuộn tận chân mây
Hải Đà

Bạn rời từ tây Hoàng Hạc Lâu
Tháng ba sương khói đến Dương Châu
Buồm đơn khuất bóng giữa trời biếc
Duy thấy Trường Giang cuồn cuộn mau 
Nam Long

Hoàng Hạc hướng tây tiễn bạn già
Tháng ba hoa khói Dương Châu xa
Buồm côi dần mất chân trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang nước chảy mau 
Tú Mỡ

1 nhận xét: