Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Trở Lại

  

       Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào).

Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học. Tuy nhiên đằng sau khuôn mặt nghiêm trang ấy là một con người hiền hòa, từ tâm, đầy lòng bác ái, thể hiện trong sự việc, ngoài săn sóc mẹ già, nuôi nấng đứa con trai duy nhất, Dì còn nhận trách nhiệm nuôi ăn ở trong nhà 4 cô cháu gái đang tuổi học trò, là con của em trai mình. Và trong suốt thời gian 2 gia đình ở cạnh nhau, tôi chưa từng nghe Dì lớn tiếng la rầy các cháu mình. 5 năm sau, gia đình Măng tôi dời qua lầu Ba đối diện.

Trần Như Ái là tên con trai của Dì, nhưng tôi thường quen miệng gọi Bé, tên cúng cơm, nhỏ hơn tôi khoảng 4 tuổi. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình 2 bên gần giống nhau – 2 bà mẹ ở góa nuôi con – và nhất là vì hiện tượng mất cha của 2 chúng tôi – cha của Bé mất khi Bé được chừng 5 tháng tuổi, cha tôi mất khi tôi còn là thai nhi 4 tháng trong bụng mẹ - nên Bé và tôi trở nên đôi bạn thân theo thời gian. Bé kêu mẹ mình bằng ME, trong khi tôi gọi mẹ mình lại bằng MĂNG.Tôi vẫn giữ hình ảnh Dì Hoàn và Bà Ngoại của Bé, cả hai trong áo lam, ngồi tụng kinh trước bàn Phật trong một góc cuối phòng, trong vài lần rón rén vào nói chuyện với Bé trước khi ngủ tối.  Đặc biệt nhất âm thanh quen thuộc, đều đặn nhẹ nhàng, boong boong, boong, cốc cốc cốc; boong cốc boong cốc, cốc cốc cốc…. của tiếng tụng kinh gõ mõ của Bà Ngoại và Me của Bé ru giấc ngủ bình an cho tôi hằng mỗi đêm và thanh thoát nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy mỗi sáng sớm. Theo với tiếng gõ mõ tụng kinh là mùi hương thoáng tỏa nhẹ trong không gian lầu Ba. Năm này qua năm khác. Ngoại trừ những ngày làm việc trong tuần, Dì Hoàn thường mặc áo dài lam đi lễ chùa khá thường xuyên. Dì là hình ảnh một Phật Tử thuần chính dưới mắt mọi người.

Sau Mậu Thân 1968, Dì Hoàn đưa mẹ của Dì vào sống tại Saigon. Bé được du học tại Australia năm 1969 sau kết quả đậu Bình về ban Toán. Do phận đời trôi nổi và cuộc sống bươn bả, chúng tôi mất liên lạc một thời gian khá dài, trên cả 4 thập niên, chỉ gián tiếp biết tin tức của nhau. Cho mãi đến hè năm 2018, vợ chồng Bé & Hương (cả hai đều du học trong cùng thời gian) đến chơi Cali chúng tôi mới gặp lại nhau. Trong một lần đến biển Montage, Bé và tôi có dịp ôm vai nhau đi dạo, nói chuyện đời, và lắng nghe tâm sự của Bé về Me của mình. Những điều nghe được làm tôi quá ngạc nhiên, vì qua lời tâm sư tôi nhìn thấy được ánh sáng mang Tin Mừng của Chúa Thánh Thần đã đổ xuống cho Dì Hoàn. Những lời Bé nói vẫn còn văng vẳng trong tôi: 

“Lúc Bé còn nhỏ, thấy Me quen nhiều với Mẹ Bề Trên và mấy Soeurs trong Dòng Kín Carmelites và trong những dòng nữ tu khác, và mấy Mẹ Bề Trên và mấy Soeurs cũng rất thân tình với Me. Me tâm sự với Bé là đã quen nhau từ thời còn đi học trường Tây và Me cũng cảm thấy rất thân tình và mến Đạo. Nhưng vì Bà Ngoại còn sống nên Me không hề dám nghĩ đến chuyện theo Đạo. Tánh Me hiền, ăn chay, đi Chùa thường xuyên, được Thầy Từ Ân hướng dẫn. Rồi biến cố Phật Giáo năm 1963 Me nguyện ăn chay trường cầu mong mọi sự bình yên sẽ đến. Bé nghĩ Me có phần nào bị giằng co giữa 2 tôn giáo và chỉ mong mọi người sống yên lành với nhau. Bé nghĩ cũng vì nguyện ý như vậy nên lúc sanh thời Dì Tiếp và Dì Chương rất thương Me (Dì Tiếp là Măng tôi, Dì Chương là mẹ của anh Nguyễn Xuân Đặng. Cả hai gia đình đều là công giáo và cùng sống trong khuôn viên trường Đồng Khánh). Khi Bé khoảng 4 tới 6 tuổi, rất nhiều lần Me dẫn bé đến thăm Mẹ Bề Trên và các Soeurs tại Dòng Kín Carmelites ở Kim Long. Sau đó tại Bé lớn hơn nên không được phép vào bên trong nữa mà chỉ còn một mình Me được cho vào thôi. Bé vẫn còn nhớ cảnh khuôn viên nhà dòng rất trang nhã với nhiều vườn hoa. Me còn đan nhiều áo ấm con nít rất đẹp để bán gây quỹ cho nhà dòng. Mấy Soeur rất hiền và dễ thương…”

(Hình kỷ niệm sau lễ Rửa Tội (Từ trái sang phải): vợ chồng em trai của Dì Hoàn, Soeur Joseph, mẹ đỡ đầu – Dì Hoàn, mẹ của Bé – linh mục chủ lễ Rửa Tội, Soeur Gabriel và Soeur Sen)

          Phải chờ đến khi Bà Ngoại của Bé mất năm 1977, Dì Hoàn bắt đầu tìm hiểu lại đạo Công Giáo, gắn bó từ từ với tinh thần Công Giáo qua sự hội nhập với cộng đồng Dòng Đức Bà tại Saigon. Khi tôi hỏi Bé có biến cố nào thúc đầy Me của Bé chính thức rửa tội và trở thành con của Chúa, không một do dự, Bé kể tiếp như sau:

“Bấy giờ chị Xi đang kiếm đường vượt biên, nên Me của Bé phát nguyện là một khi chị Xi bình an đến bến bờ tự do, là Me rửa tội theo Chúa - Chị Xi là tên ở nhà của Vương Thúy Loan, con gái út của OB Vương Quan, cũng ở trong Xóm Đồng Khánh với chúng tôi, và là chị em bạn dì với Bé vì 2 Dì Quan và Dì Hoàn là chị em ruột. Sau khi tốt nghiệp Sư Phạm và Cử Nhân Anh Văn từ ĐH Huế năm 1970, Vương Thúy Loan dạy Anh Văn tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, cho đến 1975. Do một cơ duyên tâm linh, Thúy Loan là người duy nhất trong đại gia đình quyết định rửa tội thành người Công Giáo trước khi tốt nghiệp Đại Học. Và có lẽ Dì Hoàn là người nhiệt lòng ủng hộ quyết định cá nhân này.

Quả đúng như vậy, sự cầu nguyện thành khẩn của Me phải linh thiêng như thế nào nên sau đó chị Xi đã vượt biên thành công. Đúng vào ngày 30 tháng 4, 1984, chị Xi đến được đảo Kuku, một hòn đảo nhỏ nằm trong hơn 17 ngàn đảo của nước Nam Dương. Thật là mỉa mai và trớ trêu khi nhóm vượt biên của chị Xi đến bến Tự Do đúng vào ngày Cộng Sản trong nước ăn mừng giải phóng. Ngay sau khi nhận được tin lành, Me của Bé lập tức liên lạc với Mẹ Bề Trên và Soeurs thuộc Dòng Đức Bà tại cơ sở Regina Mundi, thành khẩn xin học khóa giáo lý một cách cẩn trọng trước khi được cha và các soeurs chấp nhận, thực hiện các phép bí tích, rửa tội, cho Me trở lại Công Giáo vào một ngày gần cuối tháng 5, 1984”

Hình bên trái: Dì Hoàn nhận phép Bí Tích Thêm Sức
Hình bên Phải: Dì Hoàn nhận phép Bí Tích Rửa Tội

Trở lại có nghĩa là quay về lại nơi bắt đầu. Trở về với nguyên thủy. Như thể, trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, trở lại với gia đình. Trở lại với niềm tin, trở lại với sự mơ ước. Như thể “con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”. Hơn nửa, phải chăng trở lại mang thêm một ý nghĩa cao quý hơn, một thăng hoa tiến về cái đẹp cái tốt vì chẳng ai muốn trở lại với cuộc sống đen tối, hay trở lại với cái xấu xa của quá khứ.  

Vì vậy sự trở lại luôn mang theo một nguyện ước nguyên thủy của mình, đó là tìm về một ước vọng, hướng về một ý niệm thầm kín khắc sâu trong tâm khảm nhưng chưa thể thực hiện được, vì ảnh hưởng văn hóa, những ràng buộc xã hội, những ép đặc chính kiến, tôn giáo, những trăn trở dấu kín, hay đơn giản vì một chữ Hiếu - như trường hợp của Dì Hoàn – cho đến khi đúng lúc, đúng thì tự nhiên trở thành hiện thực.

If today you hear his voice, harden not your hearts
“Hãy mềm lòng khi con nghe tiếng gọi của Người”

Không cần phải khấn trọn, Dì Hoàn sống một cuộc đời thánh thiện, đơn giản, trong một căn phòng nhỏ với các trang thiết bị cho tiện nghi cá nhân, nằm trong khuôn viên trường Regina Mundi, nay là trường Hồng Gấm. Bé cho biết “Bé & Hương về Việt Nam thăm Me từ năm 1994. Mỗi ngày có một bà đến trông nom từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối. Mỗi ngày Me đi lễ 2 lần sáng tối. Khi già hơn thì được đặc ân của nhà thờ có một dây chuông, ban đêm hữu sự kéo dây thì sẽ có người đến thăm hỏi. Một năm trước khi Me mất, mỗi sáng thức dậy sớm, Me đọc kinh tại phòng, được Cha cho người đem bánh thánh tới phòng để nhận hưởng. Lần cuối cùng Bé & Hương về thăm Me vào năm 2001.


(Hình 2 mẹ con năm 2001)

Me của Bé mất vào tháng 10 năm 2004, hưởng thọ 90 tuổi. Sáng đó, sau khi xem lễ và nhận hưởng bánh thánh, được người giúp việc đút ăn một muỗng cháo, đỡ nằm xuống gối và nhắm mắt lìa đời bình thản. Xác Me được đốt và hủ tro được đặc ân để trong hộc kính ở trên tường phía sau phòng cầu nguyện Hồng Gấm, nơi Cha đến làm lễ mỗi sáng”. Về sau vì nhu cầu mở rộng của nhà Dòng, nên một người cháu gái của Dì đưa hủ tro của Dì Hoàn về nhà thờ Thủ Đức để tiện thăm viếng.

Sống lành, chết lành. Sau đúng 20 năm trở lại đạo Công Giáo, Giuse Maria Trần Thị Như Hoàn, cựu giám thị trường Đồng Khánh, và là Dì Hoàn của Xóm Đồng Khánh chúng tôi - đã được an nghỉ nghìn thu trong vòng tay yêu thương của Chúa.

REQUIESTCAT IN PACE

Vĩnh Chánh

Mùa Phục Sinh 2023

PS: Anh Trần Như Ái hiện đang ở tại Canberra, Australia cùng với vợ, con và cháu - từ ngày anh ra đi du học năm 1969.
Chị Vương Thị Thúy Loan, cựu học sinh ĐK, định cư tại Houston, Texas, từ sau chuyến vượt biên thành công và đến bến bờ tự do vào đúng ngày 30 tháng 4, 1984.

1 nhận xét: