Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Người Đồng Hành“Độc Đoán”


(Phóng tác theo truyện ngắn “Mr. Know-All” của nhà văn W. Somerset Maugham)

Chiếc du thuyền khởi hành không báo trước, êm ái, không kèn , không trống từ lúc nào không hay … tôi chỉ biết là tàu đang chạy khi nhìn qua ban-công của ca-bin, và trông thấy bến cảng Long Beach chạy lùi ra phía sau: dọc theo bến chỉ toàn là những container chở hàng vuông vắn, to như một căn nhà nhỏ, đủ loại màu, đỏ, vàng và xanh - nhưng từ trên tàu, trông nhỏ như cái hộp quẹt-diêm, đang từ từ di chuyển trước mắt yên lặng như một cảnh phim câm đang chiếu trên màn ảnh…

Ngạc nhiên vì con tàu to lớn như một tòa nhà, cao cả chục tầng, đồ sộ như một lâu đài, vậy mà di chuyển nhẹ nhàng như đang lướt trên mặt nước, êm ái không một tiếng động. Lần đầu đi du thuyền- cruise- nên không ngờ , vì cứ ngỡ mỗi khi chiếc tàu rời bến, như trước đây: trong thời chiến; khi tôi quá giang chiến hạm Hải Quân VNCH đi từ căn cứ An Thới ( Phú Quốc ) về Sài-Gòn:

Trước khi chiến hạm nhổ neo, có khẩu lệnh báo hiệu của vị Thiếu Tá Hạm Trưởng, sau đó là còi hụ liên hồi, và cung cách nhỏ neo lớp lang…còn đám sĩ quan phụ tá tụ tập trên đài chỉ huy, nghe lệnh răm rắp, còn dưới boong , thủy thủ đoàn chạy lăng xăng, nhịp nhàng, tuần tự ngăn nắp như được huấn luyện nhiều lần, theo đúng truyền thống của Hải Quân.

Bây giờ, tôi mới thấy là mình đã lạc hậu cả năm chục năm rồi, và có lẽ, con tàu khổng lồ này được điều khiển bằng vi-tính, và vị Hạm Trưởng chỉ cần ngồi trước máy móc, lặng lẽ chỉ huy ?

Sau khi đã sắp xếp hành lý cho gọn gàng, ngăn nắp, đúng như theo lời chỉ dẫn của Phong: nào là va-ly của tôi để đây, cạnh giường, còn quần tây, áo sơ mi, bộ vét, mở ra treo lên mắc trong tủ… anh còn chỉ dẫn tôi về sơ đồ du thuyền : ca-bin số mấy, ở vị trí nào trên tàu, phòng ăn bữa chiều sẽ ở Deck ( boong ) số 4 lúc 5 giờ rưỡi, bàn số 605 bên phải, nhìn ra biển.v.vv.. anh nói với tôi rành mạch, cứng rắn như đang ra lệnh với thuộc hạ.

Có lẽ tự thấy hơi cứng rắn với một người bạn cũ mới gặp lại, nói xong, anh vội giải thích:” Tính tôi ngăn nắp đã quen…nhất là hai đứa mình sẽ cùng ở trong cái ca-bin chật hẹp này trong 5 ngày…chúng ta nên thành thật với nhau, và thà mất lòng trước, được lòng sau, phải không cậu. ?”

Dặn dò tôi xong, anh tự động vô phòng tắm trước, để kịp bữa cơm chiều đầu tiên…

Tôi bước ra ban-công, ngồi xuống ghế nhìn về phía đất liền : nắng chiều chiếu lên dẫy núi đàng xa trông như phủ lên một lớp vải mỏng màu vàng lạt…tàu đang ra khơi, gió biển mát lạnh tạt vào mặt khiến tôi lim dim mắt lại…

Đây không những là chuyến đi cruise, du thuyền đầu tiên của tôi, mà còn là bất ngờ nữa, vì không định trước.
Đầu đuôi câu chuyện như vầy :
Phong là người bạn cũ mà gần 50 năm tôi mới gặp lại. Tình cờ, bắt được liên lạc, rồi chúng tôi hẹn gặp nhau ở Nam Cali, nơi anh có tiệm thuốc Tây.
Được anh mời ghé chơi, tôi sách va-ly, lấy xe đò từ San Jose xuống Quận Cam thăm anh.

Mới về hưu sau hơn ba mươi năm hành nghề dược sĩ , có tiền và thời gian, nên anh và chị thường hay đi cruise. Họ đi nhiều và quen thuộc đến nỗi trở thành người tổ chức những chuyến đi cho bạn bè tham gia. Chuyến đi này, gồm có 8 người, cũng do anh tổ chức, đáng nhẽ có vợ anh đi cùng, nhưng bất ngờ vào phú chót, chị Phong có tin buồn nên phải đi dự tang lễ.

Biết tôi cũng rảnh rỗi và độc thân, anh đề nghị cho tôi thế vào chỗ của chị, cho tôi trả tiền vé với giá sale. Sẵn có cái va-ly mang theo từ nhà, tôi sách túi theo ông bạn lên tàu…

Có tiếng mở cửa phòng tắm… rồi Phong ló đầu tươi cười , nói hắt ra:

-Tôi xong rồi, đến phiên cậu …mà phòng tắm này nhỏ hơn chuyến trước tụi này đi bên Florida…mà thôi giá rẻ hơn nhiều…tiền nào của nấy ! Tôi canh me những chuyến cruise, khi nào có sale là tôi đứng ra mua rồi cho bạn bè tham dự…

Nói xong, Phong bước đi ra ngoài ban-công, đến bên tôi. Chúng tôi cùng nhìn ra biển: tàu đã ra xa bờ, ngoài khơi, sóng biển nhấp nhô gợn lên bọt màu bạc trắng; nếu để ý kỹ, mới cảm thấy con tàu hơi lắc lư nhịp nhàng, lao xao như người sương sương sau vài hớp rượu.
Đã ăn mặc chỉnh tề, Phong trên người chiếc áo ngắn tay, kiểu hạ-uy-di màu xanh, bỏ ra ngoài quần trắng; chân đi đôi giầy vải cũng màu trắng …nhưng có vẻ quá trẻ trung so với tuổi của anh. Đúng là mốt Tây Phương, nhưng trông anh như một du khách Nhật-Bản!

Cách đây 50 năm, khi cùng ngồi ghế nhà trường, anh đeo kính cận thị to đen như che cặp mắt to hơi lồi nhưng tinh ranh và lanh lợi. Bây giờ không còn đeo kính nữa nhưng vẫn còn vẻ thông minh, trí thức như là một nhà giáo.

Người có tiền thường ăn mặc lịch lãm, hay vì vốn họ sang trọng , nên dù cho có mặc quần áo gì , trông cũng quý phái?
Là dân lính cũ, nhà nghèo, tôi chẳng biết phải sửa soạn quần áo ra sao, nên trả lời Phong cho qua:
-Tôi không cần dùng phòng tắm…và mặc đồ thế này thôi, cũng được rồi. Thôi chúng mình lên chỗ ăn tối đi. Tớ cũng hơi đói rồi !
Phong liếc nhìn tôi từ trên xuống dưới, không nói gì. Trông vào ánh mắt của anh, tôi không thể đoán anh nghĩ gì về quần áo của tôi… có lẽ chê nhà quê…nhưng chỉ trong chớp mắt, anh cười, nói như dặn dò:
-Tôi cũng đói, thôi bọn mình đi đây…cậu nhớ cứ mỗi buổi chiều bọn mình ăn ở boong số 4 nhe, đúng 5 giở rưỡi, còn ban ngày tha hồ ăn buffet trên boong 12, cuối con tàu, ăn thả cửa …

Phòng ăn boong số 4 của du thuyền là một trong ba nhà hàng phục vụ bữa cơm tối cho trên hai ngàn du khách. Khi bước vào, tôi có cảm tưởng như lạc vào một tòa lâu đài, vì nó rộng như một sảnh đường, có trần cao hình vòm , rộng lớn, có sức chứa vài trăm thực khách. Dưới ánh đèn treo la liệt trên trần cao, chiếu ánh sáng óng ánh rọi xuống hàng dãy bàn ăn trải khăn bàn trắng tinh, trên đó đã bầy biện đĩa ăn, ly tách , và cạnh mỗi bàn là nhân viên phục vụ, quần áo đen chỉnh tề, đứng đợi hoặc lăng xăng tiếp khách…
Phong dẫn tôi tới bàn số 605, nằm sát tường, trông ra ngoài boong tàu, anh thạo đường đi như người đã từng đi trên du thuyền này.
Tới bàn, đã có mặt 3 đôi vợ chồng, tất cả 6 người đang nói chuyện vui vẻ như hài lòng , thích thú được có dịp thư giãn trên chuyến hải hành này. Thấy chúng tôi, họ reo mừng …mấy ông đứng dậy bắt tay nhau.
Sau khi giới thiệu xong, anh chỉ tôi ngồi xuống cạnh một cặp đã có tuổi, ăn mặc sang trọng:
- Cậu ngồi đây…cạnh anh Lộc và chị Hà. Anh Lộc nguyên là bác sĩ OBGY ở Quận Cam, chuyên môn về đỡ đẻ. Còn chị Hà đánh bài chược cao lắm, một cao thủ ở Irvine.

Lộc ngược lên nhìn tươi cười, trong khi chị Hà chỉ liếc tôi rồi nhếch mép, mỉm chi lạnh lùng một cách kiêu sa…Lộc có lẽ hơn 70 mươi, nhưng Hà chỉ độ 50… nhưng cũng rất khó đoán tuổi mấy bà, nhất là sau khi đã sửa soạn khéo léo, dễ dàng đánh lừa tuổi của họ ?

Như giới sành điệu, quý trọng, bác sĩ Lộc ăn vận đúng kiểu y phục dạ tiệc, áo vét demi-saison navy xanh đậm, quần kaki màu vàng, quanh cổ cuốn một khăn quàng lụa mềm mại, đậm màu nhét vô cổ áo sơ mi trắng, trong khi đó, bà Hà , dáng người mảnh khảnh, mặc đồ bộ màu đậm, phủ trên vai một khăn choàng mỏng, ra vẻ quý phái… Lôc có khuôn mặt chữ điền nam tính, tuy có tuổi nhưng trông quắc thước, cao lớn và cương nghị…Hà có dáng đẹp của một mệnh phụ, tuy đã có tuổi, nhưng vẫn còn dư âm của một thời xuân trẻ sắc sảo… với mũi cao, hơi nhọn, đôi mắt không to, nhưng đen láy, được to đậm chung quanh nên nổi bật trên khuôn mặt bầu bĩnh…đặc biệt bề ngoài lạnh lùng, nhưng có thể, đó là che dấu sự yếu đuối của một tấm lòng đa sầu, đa cảm?

Người thanh niên trẻ tuổi hầu bàn lăng xăng thăm hỏi chúng tôi. Anh ta gốc Ấn Độ nói tiếng Anh rất kho hiểu, khiến nhiều người trong bàn phải hỏi đi, hỏi lại …và dù đã tận tình, hết lòng, nhưng anh vẫn lấy sai thức uống cho vài người trong bàn… khiến Phong không hài lòng, gắt gỏng:
-Tên bồi này dở quá, quý vị đừng cho hắn nhiều tiền típ nhe! À mà, đến đêm cuối mình mới phải cho hắn vì tiền típ đã bị trừ mỗi ngày rồi. Tôi đề nghị quý cứ đưa cho tôi góp chung vào để chung một phong bì?
Khi thức ăn bắt đầu được mang ra, Hà cởi chiếc khăn choàng máng trên thành ghế, để lộ trên cổ một sợi giây chuyền bằng hạt trai trắng tinh, long lanh như những hạt thủy tinh.
Nhìn quanh bàn, tôi thấy mọi người có vẻ đồng ý với ý kiến này, riêng Hà mỉm cười nhìn Phong, nhẹ nhàng phản đối:
- Ơ hay, ông Phong này độc tài nhể? Chúng tôi muốn cho bao nhiêu là tùy chúng tôi chứ!

Tôi cũng ngạc nhiên về tính độc đoán và khinh người của Phong …mấy ngày ở dưới Quận Cam tiếp cận với nhau, tôi nhận thấy anh khác hẳn lúc xưa: khi còn là học sinh, anh ăn nói nhỏ nhẹ và tính tình dễ chịu. Tôi còn nhớ mỗi lần đi ci-né , hay ăn quà vặt, anh đều vui vẻ dành trả tiền. Thời gian tất nhiên làm thay đổi , hay chăng do hoàn cảnh, một khi sống nơi “ gió tanh, mưa máu” ai mà chẳng bị ảnh hưởng?

Trước kia, một khi thuộc giới có học, như bác sĩ hay kỹ sư, họ tự coi như là thành phần trí thức và có trách nhiệm với xã hội, như truyền thống của Pháp để lại cho Việt-Nam Cộng Hòa, và rồi họ trở thành thành phần ưu tú . Ở Mỹ, tất cả chỉ là kinh tế, mỗi nghề là môt dịch vụ không hơn, không kém: nghề nào cũng ngang nhau, chẳng có ai hơn ai… quan trọng là kiếm nhiền tiền và làm tốt trong phạm vi của mình; y tá yêu nghề, sốt sắng trong công việc phục vụ bênh nhân còn hơn bác sĩ lơ là, chỉ lo kiếm tiền !

Trước kia, gia đình Phong ở Hà-Nội, có tiệm vàng gia truyền Hoàng-Kim, nổi tiếng ở phố hàng Bạc. Khi di cư vô Sài-Gòn, họ lại mở cửa hiệu cùng tên trên đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành, và tiếp tục thành công, phát tài, như thể một khi đã có vốn lại sinh lời.. Ở thời nào cũng thế, kẻ giàu càng giàu thêm, người nghèo muôn năm hoàn nghèo.
Nghe đồn, khi di tản năm 75 qua Mỹ, anh mang theo được cả mấy trăm lượng vàng trong hai cái samsonite sách tay, nặng chĩu!

Món ăn đã được dọn ra, để đầy, la liệt trên bàn, và trong khi mọi người đang thưởng thức…khi vừa xong món ăn chính, Phong lôi trong túi áo tờ chương trình giải trí, sinh hoạt trên du thuyền :
Anh loan báo cho cả bàn biết: nào là lúc 8 giờ tối nay, sẽ có show biểu diễn ice skating, trên băng, 9 giờ là ban nhạc Mễ Tây Cơ chơi nhạc bolero ở boong số 5, rồi lớp dậy nhảy đầm .v.v…cuối cùng, Phong nhắc đến chương trình ăn tối mai, sẽ đặc biệt là “đêm dạ tiệc với Hạm Trưởng, Captain Night”, thức ăn sẽ có tôm hùm và filet mignon. Rồi nhắc quý ông nhớ mặc tuxedo và các bà mặc soirée cho đúng điệu.

Nghe đến vụ ăn mặc sang trọng, nhiêu khê của Tây Phương. Hơn nữa làm gì có bộ đồ nào ngoài cáo áo vét cũ mèm, mua ở Good-Will, tôi nghĩ trong bụng, có lẽ phải mượn cái cà-vạt của Phong, hy vọng như thế cũng sẽ đủ tiêu chuẩn tối thiểu của nhóm du hành sang trọng này.

Tôi đang suy nghĩ, băn khoăn chưa biết tính sao…Phong lên tiếng mời:
-Còn, nếu ai là đệ tử của đỏ đen, muốn cờ bạc thì đi theo tôi… vô casino đánh roulette , chỉ cần đặt đen hay đỏ…ăn nhanh và cũng thua mau!

Nhưng, không ai hưởng ứng, vì chỉ muốn đi xem show, riêng Hà đồng ý:
-Tôi sẽ đi thử thời vận, nhưng đâu có cần phải đi theo ông Phong… Cái trò cờ bạc thì ai mà chả biết, cứ thua vài keo là có kinh nghiệm ngay..như tôi đây!
Nói xong , như nhớ đến tôi, anh rủ:
-Này cậu đi với tớ chứ?
Vốn không biết cờ bạc là gì, tôi tính thoái thác… nhưng rồi nghĩ sao:
-Tôi không biết chơi…hay là tôi đi coi anh chơi, hay là chung vốn, rồi anh chơi được thua cũng không sao?

Xong bữa cơm, no nê, cả bàn đứng dậy chia tay: 5 người du hành kéo nhau đi xem show, còn ba kẻ mê bạc hướng về casino …

Không hiểu tại sao, cách trang hoàng của ca-si-nô nào cũng đều hao hao, giống nhau, dưới đất cũng như trên du thuyền: từ đèn xanh đỏ chớp chớp, đến tiếng kêu leng keng như các đồng tiền đang rơi xuống, rồi thoang thoảng mùi thuốc lá đè lên bầu không khí nặng nề của các con bạc, ngồi xung quanh bàn, đang gầm gừ sát phạt nhau, dã man như mấy dã thú muốn thanh toán con mồi trong rừng …

Tôi đi theo Phong đến chỗ đổi tiền ra đồng chip. Trong khi anh xếp hàng, tôi đứng ở xa nên không biết anh đổi bao nhiêu : chỉ thấy Phong đang nhìn nhân viên đếm mấy xấp chip màu xanh có sọc trắng trước mặt. Tôi không hiểu một con chip như vậy là bao nhiêu tiền.
Sau đó chùng tôi đến bàn roulette và Phong đặt chip vào chỗ màu đen…cứ mỗi lần, dù được hay thua, anh lại tăng lên gấp đôi…cho đến khi số tiền của tôi chung với anh thua hết !
Tôi chỉ thua có trăm bạc, nhưng chán nản nên quyết định bỏ về, nghỉ ngơi sau một ngày dài.
Trước về ca-bin, tôi muốn đi bộ ngắm biển, khi băng qua casino để leo xuống boong số 4, nơi có hàng lang nhìn ra biển, tôi không thấy Hà đâu cả.

Gió biển tạt mạnh vào hàng lang dọc con tàu nhưng lại ấm áp, có lẽ vì tàu đang xuôi Nam gần xích đạo, về xứ Mễ nóng bỏng…tôi đút tay vào túi áo nhìn ra xa, biển đen ngòm và sóng chỉ nhấp nhô như đang thử thách với con tàu không lồ. Nơi mũi, sóng rẽ sang đập vào cạnh thành tàu gợn lên bọt biển rồi từ từ tan biến như hoà tan với đại dương…tôi chợt nhớ đến lời giải nghĩa về câu kinh Phật khó hiểu: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc (Sắc tức là không, không tức là sắc)” , của anh bạn đạo sư đã ví sắc và không như: bọt là biển và bọt cũng không là biển; bọt tan dần vào biển và bọt cũng từ biển mà ra, thât khó phân biệt bọt và biển, vì cả hai chỉ khác nhau về hình dạng, chứ cùng là một chất; nước mặn của biển!

Trước khi đi, nghĩ sẽ không thích vụ đi cruise, nhưng giờ đây cảm thấy rõ rệt đúng như thế và chuyến đi này là một thất vọng với tôi : sinh hoạt trên du thuyền chẳng có gì hấp dẫn; ăn thì có ngon… nhưng mà vài ngày nữa…tôi sẽ nhớ cơm cá kho, rau muống luộc…hơn nữa, sao chịu đựng sống chung đụng với giới quý tộc, giàu san: họ ăn nói lịch sự quá mức như khách sáo…và, nhất là tôi không ngờ người bạn học xưa kia, dễ chịu bao nhiêu, bây giờ khó tính và chi ly chuyện tiền bạc, không những thế, mà còn độc đoán, chỉ muốn chỉ huy, ra lệnh như dậy dỗ tôi...

Tôi không thể quên ánh mắt người phục vụ Ấn Độ, khi lúng túng đưa sai món ăn, thức uống, khi Phong dọa sẽ cúp tiền típ… Có lẽ vì tôi có mặc cảm tự ti với những giới giàu có, như giới bác sĩ, dược sĩ…thật ra, ai chả muốn có nhiều tiền…tôi cũng thế thôi. Giàu sang chắc chắn không phải là cái tội, nhưng phải chăng tôi đã có định kiến nhỏ nhen với người nhà giàu?

Đi bộ quanh con tàu vài vòng, mỏi chân, tôi quay về ca-bin rồi lăn ra ngủ…và không biết Phong về lúc nào cả.
Chiều hôm sau, đúng 5 giờ rưỡi, 8 người đồng hành lại gặp nhau ở bàn số 605, nơi boong số 4 của du thuyền.
Mọi người đều ăn diện đồ lớn như đã dự tính, riêng tôi chỉ có cái áo vét cũ kỹ, cộng thêm cái cà vạt mượn tạm của Phong đeo trên cổ.

Lộc mặc bộ tuxedo màu đen, áo sơ mi trắng tinh điểm bởi cái nơ đen trên cổ. Còn Hà khoác áo soirée dài, hở cổ, nhưng đêm nay, nàng đeo một sợi giây chuyền vàng óng ánh … Đa số đang hăng say, sôi nổi lớn tiếng, bàn tán về phần trình diễn ngoạn mục của đoàn trình diễn ice-skating, rồi họ lần lượt phê bình ban nhạc Mễ Tây Cơ…họ tranh cãi nhau sôi nổi…rồi bàn chương trình cho tối nay… trong khi Hà ngồi yên lặng lơ đãng nhìn ra ngoài biển…chợt Phong lên tiếng hỏi thăm:
-Tối hôm qua, tôi không thấy chị ở casino, chị được hay thua vậy? Chúng tôi thua gần 5 trăm, sau đó đành đi nghe nhạc Tây-Ban Nha…làm sao ăn nổi casino bao giờ !

Hà yên lặng nhìn Phong. Tôi nhìn theo, và nhận thấy khuông mặt bà đanh lại, như lưỡng lự trả lời…nhưng Lộc bỗng xen vô, nói thay vợ :
-Vợ tôi không thua, mà cũng chẳng được …tôi đưa nhà tôi cầm theo hai ngàn, nhưng xong xuôi, trước khi về ngủ, nàng lại tạt qua tiệm Key’s mua luôn cái dây chuyền vàng đang đeo đây !
Phong bỗng đứng dậy, nhìn vào cổ hà…rồi trầm trồ :
-Ồ, trông đẹp ra phết…chị đưa tôi xem nào ? Nhưng…có vẻ như là vàng mạ khéo léo, mà chị mua bao nhiêu vậy ? Kiểu thì đẹp thật …

Vừa lúc người hầu bàn loay hoay đưa đĩa thức ăn trước mặt Lộc, trong khi đó, Phong nghiêng tới gần Hà, khiến tôi cũng phải ngả sang một bên gần như chạm vào mặt nàng… phảng phất mùi hoa hồng của nước hoa tỏa ra ngao ngát…
Từ sau lưng anh hầu bàn, Lộc nói lớn tiếng, như thức thách:
-Ông Phong này cứ như biết hết mọi chuyện…em đưa cho ông ta xem sao ? Tôi thách ông Phong một trăm đô xem ông đoán là thật hay giả nào ? Vợ tôi không bao giờ mua hàng giả đâu nhé !
Tự nhiên, tôi liếc qua bên, trông thấy sắc diện Hà biến đổi lạ lùng, như làn da lợt nhạt đi…Hà vội đưa tay lên, nắm lấy cổ tay Phong , nhưng rồi nàng bỏ ra ngay…
Bỗng Phong ngồi xuống ghế, không nói năng gì…rồi tự nhiên anh móc tờ giấy 100 đô đưa ra phía Lộc:
-Xin lỗi anh, chị…sợi dây chuyền này là vàng thật và 2 ngàn là rẻ đó… Xin chung tiền cho anh…
Trước sự chăm chú và ngạc nhiên của mọi người, Lộc nhận lấy tờ 100 đô từ tay Phong :
-Tôi lấy để cho ông Phong một bài học thôi…mai mốt đừng có nói liều nữa nhé…số tiền này tôi sẽ chi cho xe van đưa đón bọn mình.

Cả bàn reo lên, hưởng ứng một cách thú vị, trong khi Phong ngồi yên… và trong suốt bữa ăn, anh cũng không nói năng gì, khác hẳn đêm hôm qua…
Xong bữa, anh đứng dậy rủ tôi:
-Mình lên boong số 4 đi bộ cho tiêu cơm?
Khi chúng tôi đứng dậy, tôi liếc thấy Hà nhìn theo…
Bên ngoài trời tối đen như mực, ở xa tít không còn thấy chân Trời đâu cả, không gian toàn là một màu đen vô tận , tôi chỉ nghe được tiếng sóng biển vỗ vào thành tàu kêu rào rào, đều đặn y như khi ở ven bờ.

Nhưng đêm nay đứng gió, nên nóng hực…
Chúng tôi thong thả bước dọc theo boong tàu…nhưng cả hai đều yên lặng, như mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư… đột nhiên Phong rút trong túi ra điếu xì-gà, mồi lửa hút bập bập như thích thú. Khói tỏa ra theo chiều gió tạt vào mặt tôi một mùi thơm đậm đà ấm áp, khiến tôi nhớ đến ông cụ, đã lâu lắm, lúc còn sinh tiền, thường hút xì-gà vào dịp Tết nhất làm ấm áp cả trong nhà chúng tôi.
Khi đến gần cửa ra vào dẫn vô lại trong tàu, chúng tôi bỗng thấy Hà bước ra… nàng đi một mình, nhìn hai phía, ráo rác như đang đi tìm ai…trông thấy Phong, tiến đến gần, rồi nàng nhìn tôi…biết ý, tôi chào lại rồi bước lại vào du thuyền, để cho hai người ở ngoài hàng lang nói chuyện.

Tôi tính đi xem show, nhưng thấy đã lỡ giờ khai mạc, bèn tạt qua chỗ ban nhạc đang chơi bản Besame Mucho , nhưng đám đông đang bu quanh nên không có chỗ ngồi và vì không kết nhạc Mễ cho lắm, chán nản , tôi bỏ dở, rồi về ca-bin.
Đang loay hoay kiếm đài tin tức… có tiếng mở cửa rồi Phong bước vào :
- Còn sớm mà cậu không đi đâu hả…thôi để tôi thay bộ đồ này rồi bọn mình kiếm bia uống ?
Anh hỏi tôi, xong bước đến gần tủ áo…
- Tôi cũng mới về thôi…định đi nghe nhạc cha cha cha , mà chán quá, nên về xem TV.
Nói xong, tôi yên lặng nhìn Phong, tuy tò mò muốn biết chuyện riêng tư của hai người, nhưng không dám hỏi…

Đến trước tủ, anh móc túi áo tuxedo lấy mấy tờ giấy để trong góc bàn, xong cởi áo mắc lên cho ngay ngắn… và chợt tôi trông thấy có tờ 100 đô lẫn lộn trong đống giấy trên bàn…
Mặc bộ đồ phong phanh xong, Phong đẫn tôi lên boong số 5, đi đến một góc tận cùng, nơi đó có một quán ăn nhỏ, ấm cúng, có vẻ đắt tiền, nên vắng khách… trên bục sân khấu, có anh nhạc sĩ đang dạo chơi piano một bản nhạc êm dịu..chúng tôi kiếm một bàn sát bờ tường bằng kính, nhìn ra biển.
Anh gọi bia, và khi người hầu bàn mang ra, Phong ghé tai nhờ anh ta yêu cầu nhạc sĩ chơi bản “Autumn Leaves “...

Dưới ánh đèn mờ ảo, tiếng đàn dương cấm bắt đầu nhẹ nhàng, nỉ non như lá vàng rơi … đưa tôi trở về kỷ niệm một mùa Thu ở Paris năm nào… Phong vừa uống một ngụm bia, rồi… bỗng nhiên, anh lên tiếng nhỏ nhẹ như tâm sự:
- Chắc ông cũng thắc mắc tại sao bà Hà tìm tôi ? Lộc và Hà là bạn tôi từ khi có phòng mạch cạnh nhau ở Bolsa…chúng tôi thân nhau và tôi biết tính của cả hai vợ chồng. Lúc trước đây, có giai đoạn họ lục đục, suýt nữa định chia tay, vì Hà mê cờ bạc, đi ca-si-nô mỗi tuần, rồi thua đậm…nhưng Hà biết lỗi, nên sau này chỉ đánh bài chược nhỏ với chúng tôi , ăn thua tượng trưng …không biết tại sao, lần này lại cao hứng ghé vô ca si nô, rồi thua hết số 2 ngàn Lộc biết nàng đem theo. Sáng nay, để dấu số tiền thua, nàng vội vàng ghé tiệm Kay mua cái giây chuyền vàng giả để bào chữa với chồng…Ông cũng biết, gia đình tôi có tiệm vàng từ mấy đời, tôi biết cái dây chuyền Hà đeo phải là giả…nhưng Lộc không biết gì cả!

Nhìn Phong và trông thấy đôi mắt anh long lanh hiền dịu khác hẳn lúc trước… cố dấu vẻ xúc động, tôi cũng nâng ly bia lên uống, nhưng không cảm thấy một vị gì…và tự nhiên cảm thấy gần gũi anh hơn, một người ai cũng tưởng là khó tính, nhưng thật ra có lòng trắc ẩn, chịu thiệt thòi cho bạn bè, như đã gánh chịu lời chê bai của Lộc…

Tiếng dương cầm vừa dứt, Phong đứng dậy đến chỗ nhạc sĩ bỏ tiền típ vào trong hộp để trên cây đàn…Tôi chợt nhớ đến câu nói cuối cùng trong cuốn phim Casablanca : “Louis này, tôi nghĩ đây sẽ là khởi đầu của một tình bạn tuyệt diệu !”./.

Ngọc Cường


1 nhận xét: