(Chúc mừng thượng thọ chín mươi Ông Cò)
Âu Dương Tu 歐陽修 (1007-1072) tự Vĩnh Thúc 永叔, hiệu Tuý ông 醉翁, Lục Nhất cư sĩ 六一居士, thuỵ hiệu Văn Trung 文忠, người huyện Lư Lăng tỉnh Giang Tây. Ông là một vị cổ văn gia, lịch sử học gia có tiếng, lại là một thi nhân tài tình và phong phú. Ông còn là ân-sư (giám khảo) chấm thi cho Tô Đông Pha đậu thủ khoa tiến sĩ. Tác phẩm của ông hiện còn lại Lục nhất từ 3 quyển.
Nguyên tác Dịch âm
唐崇徽公主手痕和韓內翰 Đường Sùng Huy công chúa thủ ngân hoạ Hàn Nội Hàn
故鄉飛鳥尚啁啾 Cố hương phi điểu thượng chu thu (thâu), 何況悲笳出塞愁 Hà hướng bi già xuất tái sầu. 青冢埋魂知不返 Thanh Trủng mai hồn tri bất phản, 翠崖遺跡為誰留 Thuý Nhai di tích vị thuỳ lưu. 玉顏自古為身累 Ngọc nhan tự cổ vi thân luỵ 肉食何人與國謀 Nhục thực hà nhân dữ quốc mưu. 行路至今空嘆息 Hành lộ chí kim không thán tức, 岩花澗草自春秋 Nham hoa dã thảo tự xuân thu.
Chú giải
尚 thượng: còn, mà còn. Đạo Đức Kinh 道德經 (chương 23): “Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân” 天地尚不能久, 而況於人 Trời đất còn không dài lâu, phương chi là con người.
* 啁啾 chu thu: (từ ghép) khóc hu hu. Nghĩa đen của câu Cố hương phi điểu thượng chu thu là chim nhạn bay xa cố hương còn khóc hu hu. Trong bài LTCD thế kỷ 21 số 77c đã có một cuộc bàn cãi rất bổ ích về tiếng nhạn kêu; sau cuộc bàn cãi này ỐC công nhận rằng tiếng nhạn giống tiếng kèn đồng (có lẽ do hình thể đặc biệt của cổ họng nhạn). Các thi sĩ Đường-Tống vì vậy thường ví tiếng nhạn với tiếng khóc (ví von bao giờ cũng chủ quan nhưng rất thơ).
悲笳 bi già: cái kèn lá; người Hồ cuốn lá lại thổi như kèn, gọi là hồ già 胡笳.
青冢 Thanh Trủng: mộ của Vương Chiêu Quân. Tương truyền rằng cỏ trên mộ quanh năm xanh. Thoạt đầu ÔC viết sai chính tả theo Thi Viện là Thanh Chủng; nay sửa lại cho đúng theo đề nghị của Bát Sách.
埋魂 mai hồn: chôn vùi hồn.
翠崖 Thúy Nhai: tên phiến đá có dấu tay của công chúa Sùng Huy ở Sơn Tây. Nhà Đường gả công chúa Sùng Huy cho Hồi Hột khả hãn; khi công chúa đi qua đây, vì không muốn lấy chồng xa, dùng bàn tay níu vào vách đá nên đã lưu lại dấu tay”.
肉食 nhục thực: nghĩa đen là ăn thịt; nghĩa bóng là quan chức hưởng nhiều lộc.
嘆息: thán tức: than vãn, ấm ức, thổn thức. 空嘆息 không thán tức: chữ không (空) ở đây không có nghĩa phủ định mà có nghĩa là hư không; không thán tức nghĩa là không than vãn vô nghĩa.
** 岩花澗草自春秋 nham hoa dã thảo: hoa trong hang núi cỏ ở đồng nội; cụm từ này đồng nghĩa với câu châm ngôn của người Việt “hoa đồng cỏ nội”, ý nói những hoa cỏ trên mặt đất.
***春秋 xuân thu: mùa xuân và mùa thu. Âu Dương Tu, thi hào danh tiếng về cổ thi đã dùng cụm từ xuân thu để ám chỉ thời gian qua mau. Nguyễn Du cũng lấy nghĩa chóng vánh của xuân thu trong hai câu thơ của truyện Kiều: Những là phiền muộn đêm ngày, Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần. Con Cò rất hứng khởi khi dịch câu Nham hoa dã thảo tự xuân thu là: Hoa đồng cỏ nội sớm xuân thu!
Dịch nghĩa
Dấu tay của công chúa Sùng Huy nhà Đường, hoạ (thơ) Hàn Nội Hàn
Con nhạn bay xa quê còn kêu như khóc, Huống chi lại đi ra ngoài biên ải nghe tiếng hồ-già buồn. (Vương Chiêu Quân) Vùi hồn trong Thanh Trủng (vì) biết là sẽ mãi mãi không về (nước), (Công chúa Sùng Huy) Vì không muốn xa quê mà để dấu tay lại ở Thuý Nhai. Từ xưa tới nay sắc đẹp làm lụy đến thân, Quan chức (người ăn thịt), những ai lo cho nước? Nay (ta) qua đây không khỏi than thở: Hoa trong hang núi, cỏ ở đồng nội sẽ lụi tàn mau (theo mệnh trời)!
Dịch thơ
Dấu tay của công chúa Sùng Huy nhà Đường, hoạ (thơ) Hàn Nội Hàn
Nhạn bay xa xứ khóc hu hu,
Hòa tiếng hồ-già vượt ải mù.
Thanh Trủng vùi hồn than vĩnh biệt,
Thúy Nhai ghi dấu để ngàn thu.
Tự xưa sắc đẹp làm thân lụy,
Quan chức nào ai nhớ quốc thù?
Qua ải buổi nay ta thổn thức:
Hoa đồng cỏ nội* sớm xuân thu!**
Lời bàn:
Trước hết hãy đọc một đoạn trích rất đặc sắc trong Thi Viện:
Bài này tuyển từ Âu Dương Văn Trung toàn tập quyển 13 (Cư sĩ tập). Năm Đại Lịch thứ 4, Đường Đại Tông đem con gái của Thái Ninh quận vương Phác Cổ phong làm Sùng Huy công chúa, rồi gả cho Hồi Hột khả hãn. Nay linh thạch ở Sơn Tây có bia mang ngấn tay của Sùng Huy công chúa; truyền lại là: “Khi công chúa được gả cho Hồi Hột đi qua đây, vì không muốn lấy chồng xa, dùng bàn tay níu vào vách đá nên lưu lại dấu tay”. Bài thơ này làm vào năm thứ tư Gia Hựu (1059); tác giả, thông qua đề tài, bi kịch hoá công chúa Sùng Huy, gửi gắm nỗi lo về phương bắc lúc bấy giờ. Vế đối thứ nhất (hai câu 3 & 4), được Chu Hy khen: “Nói về thơ, là thơ số một, nói về nghị luận, cũng là nghị luận số một” (Trích trong Thi Viện).
Sau đây là lời bàn thường lệ của Con Cò
Chu Hy là một học giả bình luận cổ thi danh tiếng nhất Trung quốc. Ông đã có công chú giải toàn bộ Kinh Thi do Khổng tử san định. (Mạnh Tử chỉ chú giải được một phần nhỏ của KT). Lời khen của Chu Hy cho bài thơ này có một giá trị rất lớn.
Bài thất ngôn bát cú này rất độc đáo nên Con Cò đã phải:
1/ Dùng lời bình luận của học giả Chu Hy để mình khỏi phải bàn cho hai câu 3 & 4. (Xin xem lời khen của Chu Hy do Thi Viện trích ở trên).
2/ Viết chú giải cho cụm từ chu thu để làm rõ nghĩa cho câu 1 của nguyên bản. (Xin xem chú giải cho chu thu*)
2/ Dùng châm ngôn Việt để giải nghĩa cụm từ nham hoa dã thảo. (Xin xem chú giải cho nham hoa dã thảo**)
3/ Phối hợp thơ của Âu Dương Tu với thơ của Nguyễn Du để giải nghĩa cụm từ xuân thu. Nếu không hiểu xuân thu là chóng vánh thì không thể nào dịch suôi được câu 8. (Xin xem chú giải cho xuân thu ***).
Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:
Dấu tay Của Công Chúa Sùng Huy Nhà Đường, Hoạ Hàn Nội Hàn
Chim bay biệt xứ rúc buồn đau,
Lại nữa kèn kêu ở ải sầu.
Thanh Trủng hồn vùi về hết được,
Thúy Nhai dấu ấn có vì đâu.
Từ xưa sắc đẹp làm thân lụy,
Việc nước quan sai chẳng kẻ cầu.
Thấy chuyện qua đường nay thổn thức,
Hoa rừng cỏ nội sẽ tàn mau.
Mỹ Ngọc .
Mar. 6/2023.
***
Hoạ Hàn Nội Hàn
Đến mùa Nhạn bỏ quê hương,
Tiếng kêu ỏi óng - bi thương vang trời.
Huống chi biên ải xa vời,
Âm buồn kèn lá, dạ thời hắt hiu.
Mả mồ Thanh Trủng tiêu điều,
Bất hồi cố quận - Vương Chiêu Quân sầu...
Sùng Huy Công Chúa xót đau,
Thúy Nhai lưu vết năm đầu ngón tay.
Chí kim tự cổ xưa nay,
Hồng nhan bạc phận - chuốc vay lụy phiền.
Quan quyền bổng lộc bao niên,
Mấy ai lo ngại hậu tiền nước non?
Chu du ngang dọc làng thôn,
Thở dài tắc lưỡi - điếng hồn than van:
Cỏ hoa đua nở bạt ngàn,
Phù du chóng úa - bàng hoàng xuân thu...
Khánh-Hưng
***
Dấu Tay Công Chúa Nhà Đường
Chim rời quê cũ khóc hy hu
Huống tiếng kèn than chốn ải Hồ
Mả biếc lấp hồn không trở lại
Vách xanh dấu tích cớ chi lưu?
Mày xinh từ cổ gây thân lụy
Quan giặc ai người góp kế mưu
Qua lộ nay còn vương oán thán
Cỏ đồng, hoa đá cũng xuân thu!
Lộc Bắc
Mars23
***
Dấu Tay Công Chúa Đại Đường
Nhạn lạc xa rừng kêu thảm thê
Âm cùng kèn lá vọng đưa về
Thuý Nhai in dấu bàn tay khắc
Thanh Trủng vùi hồn mộ ủ ê
Nhan sắc xưa/nay thường khốn đốn
Cao lương vạn thưở vẫn mồi mê!
Ải biên không khỏi buồn than thở
Cỏ dại hoa đồng sống ngắn ghê!!!
Rời rừng nhạn lẻ khóc khàn
Tiếng hồ già thổi… lại càng bi thương
Chiêu Quân Thanh Trủng hồn vương
Thuý Nhai công chúa Đại Đường dấu tay
Xưa nay tài sắc hoạ tai
Quan to yến tiệc miệt mài đáng khinh
Ngang qua ải đưa mắt nhìn
Hoa đồng cỏ nội lung linh chiều tàn
Kiều Mộng Hà
Mar23rd2023
***
Góp ý:
Đường Sùng Huy Công Chúa Thủ Ngân Hoạ Hàn Nội Hàn.
Dấu Tay Của Công Chúa Sùng Huy Nhà Đường, Hoạ Thơ Hàn Nội Hàn.
Nhạn bay lìa tổ hót bi thương,
Nghe tiếng kèn Hồ biệt cố hương,
Thanh trủng chôn hồn về chẳng được,
Thúy nhai còn vết tại ai vương,
Mặt ngọc trước nay làm thân lụy,
Quan chức ai người giữ kỷ cương,
Nay tới chốn đây lòng uất hận,
Hoa rừng, cỏ dại đã bao sương.
Bát Sách.
(Ngày 06 tháng 03 năm 2023)
***
Nguyên tác: Phiên âm:
唐崇徽公主手痕 Đường Sùng Huy Công Chúa Thủ Ngân
欧阳修 Âu Dương Tu
故鄉飛鳥尚啁啾 Cố hương phi điểu thượng trù thu
何況悲笳出塞愁 Hà hướng bi già xuất tái sầu
青冢埋魂知不返 Thanh Trủng mai hồn tri bất phản
翠崖遺跡為誰留 Thúy Nhai di tích vị thùy lưu
玉顏自古為身累 Ngọc nhan tự cổ vi thân lụy
肉食何人與國謀 Nhục thực hà nhân dữ quốc mưu
行路至今空嘆息 Hành lộ chí kim không thán tức
巖花野草自春秋 Nham hoa dã thảo tự xuân thu
· Tống Nguyên Thi Hội - Thanh - Trần 宋元詩會-清-陳焯
· Tống Thi Sao - Thanh - Ngô Chi Chấn 宋詩鈔-清-吳之振
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代 詩選-明-曹學佺
· Tống Thi Kỷ Sự - Thanh - Lệ Ngạc 宋詩紀事-清-厲鶚
· Thi Lâm Quảng Ký - Tống - Thái Chánh Tôn 詩林廣記-宋-蔡正孫
Bài thơ được khắc đăng trong các sách bên trên. Sách của Lê Ngạc và Thái Chánh Tông cho tựa bài thơ đơn giản và dễ hiểu là Đường Sùng Huy Công Chúa Thủ Ngân (Dấu tay của công chúa Sùng Huy nhà Đường). Các sách khác có tựa dài 11 chữ: Đường Sùng Huy Công Chúa Thủ Ngân Họa Hàn Nội Hàn.
Chưa kịp hết ngạc nhiên và vui với cái tựa ngắn 7 chữ dễ hiểu dễ dịch. Với cái tựa dài 11 chữ, tôi không chắc dịch nghĩa 4 chữ Họa Hàn Nội Hàn 和韓內翰 ra sao cho đúng? Họa Hàn Nội Hàn = họa theo Hàn Nội Hàn (tên một nhân vật, một tác phẩm?). Các bài thơ với tựa dài 11 chữ dùng 2 chữ 涧草 = giản thảo trong câu 8. Các bài thơ với tựa 7 chữ dùng 2 chữ 野草 = dã thảo trong câu 8. Điều không ngạc nhiên là Thi Viện chép bài thơ tựa dài 11 chữ với câu 8: 岩花澗草自春秋,và phiên âm sai: Nham hoa dã thảo tự xuân thu. Chưa kể bài Hán Việt phiên âm sai chữ 2 câu 3. 冢 = trủng, không phải chủng, theo chính tự điển của Thi Viện.
Ghi chú:
Sùng Huy Công Chúa: Năm 769, Đường Đại Tông phong cho con gái út của danh tướng nhà Đường Cố Hoài Ân làm Công Chúa Sùng Huy và gả cho Hồi Hột Đăng Lý Khả Hãn để giao hòa. Truyền thuyết kể rằng khi công chúa đi qua vùng Âm Địa, bên bờ sông Phần, huyện Linh Sơn, tỉnh Sơn Tây, vì không muốn lấy chồng phương xa, dùng bàn tay níu vào vách đá nên đã lưu lại dấu tay. Người đời sau gọi là bia Thủ Ngân. Trên bia còn có bài thơ Âm Địa Quan Sùng Huy Công Chúa Thủ Tích 阴地关崇徽公主手迹 của Lý Sơn Phủ 李山甫, thi nhân đời Đường.
Thủ ngân: dấu vết của bàn tay
Hàn Nội Hàn: Hàn Ác 韓偓, Nội Hàn chỉ Hàn Lâm học sĩ.
Hàn Ác (khoảng năm 842 – 923), một trong 5 đại thi nhân đời Vãn Đường, tên là Đông Lang, tự Trí Quang, hiệu Trí Nghiêu, tuổi già còn được gọi là Ngọc Sơn Tiều Nhân. Người huyện Vạn Niên, Thiểm Tây (nay là Phàn Xuyên). Thuở nhỏ thông minh hiếu học, năm 10 tuổi, từng làm thi phú tặng cho dượng là Lý Thương Ẩn, khiến mọi người kinh ngạc. Lý Thương Ẩn khen ngợi bài thơ của ông là "Tiếng phượng thanh trong lão phượng". Năm Long Kỷ đầu (năm 889), Hàn Ác phủ đậu tiến sĩ, lần đầu nhậm chức mạc phủ tiết độ sứ trấn Hà Trung. Các triều sau đó, ông giữ các chức vụ: Tả Thập Di, Tả Gián Nghị Đại Phu, Độ Chi Phó Sứ, Hàn Lâm Học Sĩ… Hàn Ác có để lại một thi văn tập gọi là Hàn Nội Hàn Biệt Tập 韓內翰別集. Tuy nhiên tôi không tìm được gì liên quan đến Công Chúa Sùng Huy trong biệt tập này. Ngoài ra trong hơn 316 bài thơ của Hàn Ác để lại trong Toàn Đường Thi Khố, không có bài thơ nào nói về Công Chúa Sùng Huy. Ngự Định Toàn Đường Thi chỉ có duy nhất 2 bài thơ của Lý Sơn Phủ viết về Công Chúa Sùng Huy là Âm Địa Quan Sùng Huy Công Chúa Thủ Tích 阴地关崇徽公主手迹 Di Tích Dấu Bàn Tay Của Công Chúa Sùng Huy Nơi Ải Âm Địa và Đại Sùng Huy Công Chúa Ý 代崇徽公主意 Thay Mặt Sùng Huy Công Chúa Nói Ý.
Trù thu: tiếng chim hót líu lo
Hà hướng: huống chi, dùng giọng điệu hỏi ngược lại để biểu đạt ý tứ
Già: một nhạc cụ ống như sáo cổ xưa, được truyền từ phía bắc và tây vực vào Trung Nguyên. Vì âm của nó buồn nên được gọi là bi già. Cái kèn lá người Mán cuốn lá lại thổi gọi là hồ già 胡笳.
Xuất tái: ra khỏi biên giới
Thanh Trủng: mộ của Vương Chiêu Quân đời Hán, tương truyền rằng địa phương có nhiều cỏ trắng mà cỏ trên mộ này luôn xanh. Ngày nay, nằm trong khu tự trị Nội Mông.
Mai hồn: chôn cất hồn phách anh hùng tử sĩ
Thúy Nhai: tên phiến đá có dấu tay của công chúa Sùng Huy ở Linh Sơn/Đài, Sơn Tây
Di tích: dấu vết của con người và những đồ vật còn sót lại từ thời xưa
Ngọc nhan: dung nhan đẹp đẽ
Nhục thực: ăn thịt, vinh thân phì da chỉ các quan chức hưởng nhiều bổng lộc
Hành lộ: người qua đường
Chí kim: cho đến bây giờ
Thán tức: thở dài, thở than cho số phận hẩm hiu của người phụ nữ; tán thưởng khen ngợi sự hy sinh thân phận cho đất nước
Xuân thu: mùa xuân và mùa thu; việc cúng tế mùa xuân và mùa thu; ánh sáng và bóng tối; quanh năm; tên thời đại; niên sử cổ…
Dịch nghĩa:
Đường Sùng Huy Công Chúa Thủ Ngân
Dấu Tay Của Công Chúa Sùng Huy Nhà Đường
Cố hương phi điểu thượng trù thu
Con chim bay rời xa quê hương còn kêu gào,
Hà hướng bi già xuất tái sầu
Huống chi công chúa lấy chồng ngoài biên ải ngày đêm nghe tiếng sáo buồn.
Thanh Trủng mai hồn tri bất phản
Chôn hồn phách trong Thanh Trủng biết không còn trở về,
Thúy Nhai di tích vị thùy lưu
Để lại dấu tay ở Thúy Nhai là vì ai?
Ngọc nhan tự cổ vi thân lụy
Từ xưa dung nhan xinh đẹp hay làm lụy đến thân,
Nhục thực hà nhân dữ quốc mưu
Những kẻ hưởng bỗng lộc, ai là người lo cho đất nước?
Hành lộ chí kim không thán tức
Hôm nay đi ngang qua đây không khỏi thở than,
Nham hoa dã thảo tự xuân thu
Hoa đồng cỏ nội khắc tự sinh ra và tự lụi tàn.
Bài thơ này làm ở Hà Nam vào năm thứ tư Gia Hựu (1059), tác giả thông qua bi kịch của công chúa Sùng Huy, gửi gắm nỗi lo về phương bắc lúc bấy giờ. Vế đối thứ nhất:
Thanh Trủng mai hồn tri bất phản
Thúy Nhai di tích vị thùy lưu
được Chu Hy khen: “Nói về thơ, là thơ số một, nói về nghị luận, cũng là nghị luận số một”.
Vế đối thứ hai:
Ngọc nhan tự cổ vi thân lụy
Nhục thực hà nhân dữ quốc mưu
cũng hoàn hảo về từ, thanh và ý.
Trong bài thơ, thi nhân không chỉ thương công chúa Sùng Huy phải lấy chồng nơi xa xôi và than khóc cho bất hạnh của mình, mà còn chỉ ra nguyên nhân của thảm kịch này. Bài thơ có phong cách khác với những bài hát buồn thông thường, truyền cảm hứng cho mọi người trong nỗi buồn sâu sắc và sau đó suy nghĩ về bi kịch cá nhân của người phụ nữ, khơi dậy sự phẫn nộ đối với những kẻ hưởng nhiều bổng lộc mà không thể mưu đồ cho đất nước.
Dịch thơ:
Công Chúa Sùng Huy
Xa quê chim chóc cũng thương đau,
Biên ải ngày đêm sáo thảm sầu.
Thanh Trủng phách hồn không trở lại,
Thúy Nhai dấu đá nhắc nghìn sau.
Xưa nay nhan sắc làm thân lụy,
Đâu đấy mâm cao chất của giàu.
Khách ghé qua đây lòng tán thán,
Cỏ hoa đồng nội tự thay màu.
Tang Princess Chong Hui by Ou Yang Xiu
Birds cry flying away from the father land,
The princess, marrying outside the border, listened to the sad flute day and night.
Qing Zhong tomb would not allow the spirit to return home,
Cui Ya stone retains the hand print for whom?
Beauty has from times past been responsible for misfortune,
Who among the well-fed officials have plans for the country survival?
Passers-by to this day do not fail to sigh thoughtfully,
Flowers on the cliff and grass in the wild flush between autumn and spring.
Phí Minh Tâm
***
Góp ý:
啁啾 là từ onomatopoeia bắt chước tiếng chim ríu rít và âm Hán-Việt tru thu (hay trảo thu) không giống gì tiếng ngỗng kêu hết. Câu đầu bài thơ tả cảnh chim bay và hót ríu rít trên trời phương Tây, tương phản với tiếng kèn Hồ buồn bã ở biên ải trong câu nhì và trong hai câu thơ hoàn toàn không có gì gợi ý nhạn/ngỗng thiên di hết! Một tựa đề cho bài thơ cho ta biết rằng đây là một bài họa thơ Hàn Ác (không biết có sử liệu nào có bài đó) và ta chỉ có thể đoán rằng bài thơ của họ Âu phản ảnh tâm trạng người có tài năng bị biếm đến Sơn Đông-An Huy (Đông-Bắc Hoa Lục) chỉ vì triều chính thối nát. Câu đầu bài thơ không tả cảnh chim thiên di mà nói lên tâm trạng nhớ nhà - chim bay và hót ríu rít trên trời có thể ám chỉ đám quan lại nhởn nhơ vô tích sự ở triều đình, tựa như tâm trạng của Sùng Huy công chúa làm vợ người Nội Mông.
笳=già là một loại nhạc khí của người Hung Nô/Mông Cổ mà bây giờ không còn ai biết chính xác thế nào; hình dạng tựa như các loại kèn gỗ, tre hay sừng, có lưỡi gà (reed) hay không.
胡笳
Các dữ kiện kèn làm bằng lá quấn lại rất có thể đến từ Thái Diễm Biệt Truyện trong đó kể chuyện người Hồ cuốn lá thành kèn để tưởng nhớ Thái Văn Cơ (một thi-nhạc sĩ, con gái của Thái Ung thời Tam Quốc bi bắt làm thiếp một lãnh chúa người Hung Nô ở Nội Mông) sau khi cô ta được Tào Tháo chuộc lại. Thái Văn Cơ là nhân vật trong Hồ Già Thập Bát Khúc - một bản thơ và nhạc cho cổ cầm về tiếng nhạc Hồ già - và rất có thể rằng người đời sau dựng hư cấu về Hồ già từ đó. Theo Thái Bình Ngự Lãm, người Hồ cuốn lá sậy làm kèn thổi nhưng rất có thể rằng cái kèn sơ khai này không phải là kèn người Hồ dùng trong trận mạc. Link bên cạnh hình kèn ở trên đưa ta đến một bài viết rất chi tiết về Hồ già và gợi ý rằng cho dù Hồ già là một loại kèn Mông Cổ, tên của kèn có thể có gốc Hán vì kèn nguyên thủy làm từ lá 葭 (gia, lau/sậy) và 笳 (già, kèn) là hai từ đồng âm.
和親=hòa thân, dịch sang Anh ngữ là marriage alliance, là một tập tục/phương cách chính trị rất thông thường thời cổ trong nhiều quốc gia Âu Á, không chỉ riêng gì ở đất Hoa Lục. Từ tập tục này người Việt có truyền thuyết Huyền Trân Công Chúa, và hoàng tộc Âu Châu có hiện tượng di truyền hemophilia. Mặc dù danh từ công chúa được thấy thường xuyên trong các truyền thuyết-dật sử, công chúa không hẳn đã là con gái của vua, mà có thể chỉ là một tước hiệu cho người đàn bà trong vài hoàn cảnh đặc biệt nào đó.
Sùng Huy công chúa là con gái của tướng nhà Đường 僕固懷恩=Bộc Cố Hoài Ân, người bộ lạc Bộc Cố Bộ. Chị của cô đã được gả theo lối 和亲=hòa thân cho 登里可汗=Đăng Ly khả hản và được gọi là 光亲可敦=Quang
Thân khả đôn (khả hản là từ Hán-Việt để gọi vua người Mông cổ/Turk, và khả đôn dùng cho hoàng hậu). Cô chị chết sớm và Đường Đại Tông phong cô em thành Sùng Huy công chúa để tiếp tục đường lối hoà thân với Đăng Ly khả hãn nên Sùng Huy công chúa cũng trở thành một khả đôn.
Tại sao đời sau có dật sử cho cô em họ Bộc Cố mà không thấy nói đến cô chị thì ta chỉ có thể đoán mò nhưng người đọc chuyện có thể phân vân tại sao hình như không ai biết tên cúng cơm của các "khả đôn" này là gì. Có gì đặc biệt nơi cô em để có thể lưu lại dấu tay trên vách đá? Các dữ kiện về Sùng Huy công chúa đến từ đây: 崇徽公主 - zn.Wikipedia
Huỳnh Kim Giám
Chúc Mừng Của Đỗ Tước:
Mừng huynh cửu thập cổ lai hy
Nặng nợ cả đời với cổ thi!
Cắt nghĩa rõ ràng không kẻ vượt..
Dịch thơ bay bướm ít ai bì...
Diễn đàn tranh luận nhiều gây cấn
Chủ bút dung hoà bớt thị phi
Mọi việc sau cùng rồi cũng ổn
Chuyện cho qua được sẽ du di...
Đỗ Tước
29-3-202
***
Thư ký xin mời độc giả đọc bài chúc thọ đàn chủ 90 tuổi của Bát Sách với sự thêm gia vị của Lộc Bắc.
Tặng Ông Cò
Thân già tâm trí vẫn còn tươi, .
Hung hăng, từ Tống nhào vô dịch,
Lãng mạn thơ Đường sửa chút chơi. (hoang đường hóa)
Con cháu góp tiền đi vạn dặm,
Bằng xe đọc trật bị thâu hồi.
Từ nay cuốc bô đi mua sắm,
Tội cặp chân gầy chống gậy thôi.
Bát Sách. (Lộc Bắc thêm chút gia vị)
bài rất hay
Trả lờiXóa