Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Túc Kiến Đức Giang 宿建德江 - Mạnh Hạo Nhiên


Nguyên tác Dịch âm

宿建德江 Túc Kiến Đức Giang

移舟泊煙渚 Di chu bạc yên chử
日暮客愁新 Nhật mộ khách sầu tân
野曠天低樹 Dã khoáng thiên đê thụ
江清月近人 Giang thanh nguyệt cận nhân

*Huyện Kiến Đức thuộc tỉnh Chiết Giang.

Dịch thơ

Ở Lại Sông Kiến Đức

Dời thuyền đậu bến khói
Chiều tới khách sầu đời
Rừng hoang trời xuống thấp
Sông xanh trăng gần người

Lời bàn: 

Bài thơ tả một người đang có cuộc sống lãng tử. Chiều xuống tự nhiên lòng thấy buồn vu vơ. Hãy dời thuyền tới đậu ở bờ đầy khói sóng của sông Kiến Đức và đêm nay cứ ngủ tại đó (vì mình chưa đi đâu gấp). Mặt Trời đang xuống thấp trên ngọn cây của vùng hoang dã và trăng dường như gần ta hơn trên bến sông xanh. Vậy thì cứ ung dung tự tại.
Đó là sắc thái phổ thông của thơ tứ tuyệt: nói vu vơ mấy câu, mặc cho thiên hạ suy diễn!

Con Cò
***
Lãng tử là một người sống lang thang và hay làm bậy, họ Mạnh là du tử, không phải lãng tử.

Ở Lại Sông Kiến Đức

Dời thuyền, đậu bến mù sương,
Chiều tà, lòng khách sầu vương mấy lần.
Đồng xa, trời xuống thật gần. *
Sông xanh, trăng cũng làm thân với người.

*(trời xuống thật gần là thơ Vũ Hữu Định, ở đây rất hợp)
Bài này tả cảnh bến sông lúc chập tối, vắng vẻ và buồn nhè nhẹ.

Bát Sách.
***
Qua đêm sông Kiến Đức

Dời thuyền neo bến khói
Ngày xuống khách sầu dâng
Đồng thoáng trời cây thấp
Sông trong nguyệt thật gần

Dời thuyền neo bến khói sương
Chiều buông nắng xế khách vương bao sầu
Đồng không trời thấp cây cao
Sông trong gió mát trăng sao cận kề!

Lộc Bắc
Mars23
***
Qua Đêm Trên Sông Kiến Đức.

Chuyển thuyền neo bến khói,
Nắng tắt khách sầu khơi,
Đồng rộng trời gần đất,
Sông trong trăng sát người.

Lục Bát.

Dời thuyền neo bến khói mờ,
Ngày tàn lữ khách thẫn thờ sầu khơi.
Đồng hoang cây cối liền trời,
Dòng sông xanh biếc trăng người gần nhau.

Mỹ Ngọc.
Mar, 18/2023
***
Đậu Nhờ Kiến Đức Giang

Bến sông sương khói mịt mù,
Thuyền nan dời lại, tạm lưu chốn này.
Ráng chiều sắc đỏ hây hây,
Khách qua du tử chuốc vay mối sầu.
Ngoài vùng hoang dã thâm sâu,
Trời sa xuống thấp, đụng đầu hàng cây.
Mặt sông trong vắt dứt ngày,
Bóng trăng mờ ảo đến ngay cận người.


Khánh-Hưng
***
Đêm Trên Sông Kiến Đức 

Thuyền neo bên bến khói
Chiều xuống khách buồn khơi
Đồng xa trời đất nhập
Sông trong trăng cận người

Thuyền đời đậu bến mờ sương
Nắng đang hấp hối khách vương vấn sầu
Đồng hoang trời đất một bầu
Sông ôm bóng nguyệt sóng chao người kề

Kiều Mộng Hà
March22nd2023
***
Nguyên tác:           Phiên âm:

 宿建德江-孟浩然  Túc Kiến Đức Giang - Mạnh Hạo Nhiên

移舟泊烟渚             Di chu bạc yên chử
日暮客愁新             Nhật mộ khách sầu tân
野曠天低樹             Dã khoáng thiên đê thụ
江清月近人             Giang thanh nguyệt cận nhân

Bài thơ được đăng trong sách Đường, Nguyên,Tống, Minh, Thanh:

Mạnh Hạo Nhiên Tập - Đường - Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然集-唐-孟浩然
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
Đường Thi Kỷ Sự - Tống - Kế Hữu Công 唐詩紀事-宋-計有功
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Kiến Đức: tên khúc sông ở phía tây Kiến Đức, Chiết Giang
di chu: chèo thuyền
bạc: neo đậu thuyền vào bờ
yên chử: bãi nhỏ khói phủ mờ, sương mù bao phủ
nhật mộ: trời tối
khách: chính tác giả
khách sầu: nỗi buồn của khách xa quê hương
dã khoáng: vùng hoang vắng
cận nhân: người có mối quan hệ gần gũi

Dịch Nghĩa:

Ngủ Ðêm Trên Sông Kiến Ðức

Dời thuyền đến đậu bên bãi sông đầy khói
Lúc chiều tối nỗi buồn của khách vừa mới khơi lên
Ðồng ruộng bao la, trời dường như kề sát xuống hàng cây
Sông trong vắt, trăng phản chiếu trong nước gần gũi với con người

Chắc lại đi thi rớt về giống như Trương Kế, nên mới phải đi thuyền thay vì ngựa xe lính hầu.

Dịch Thơ:

Ðêm Trên Sông Kiến Ðức


Thuyền đậu bên bờ ngập khói sương
Ngày tàn dạ khách nổi sầu vương
Bao la đồng ruộng trời gần đất
Sông nước trong veo trăng cận đường.


A Night Mooring on the Jiande River by Meng Haoran

As my little boat moves on its mooring in the mist,
Daylight wanes and old memories begin.
The fields are wide and the sky comes down the old trees.
The river is clear and the moon is closer to man.

A Night-mooring on the Jiande River by Meng Haoran
Translation by Betty Tseng


I steer my boat towards an isle in the misty river to moor,
As daylight draws to a close, there grows a traveller's gloom.
The wilderness is expansive and over trees the nightfall looms,
The river is clear bringing within reach a reflection of the moon.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Tôi đọc bài thơ thấy gượng gượng sao đó. Người ta thường thấy "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" mà đây lại có trăng thanh, xuống rất gần như để trò chuyện cùng du tử thì cảnh đã đẹp mà du tử đâu còn cảm thấy cô đơn nữa. Thêm nữa, người ta sầu đời vì "gần đất xa trời" mà ở đây thì ngược lại, trời vẫn gần với người thì vui mới phải chứ.

Bài thơ dịch của BS hay quá, thật tuyệt vời, cảm thấy như thơ mình chứ không phải thơ dịch mà vẫn tóm thâu đầy đủ ý tác giả. Đọc xong là không thấy hứng dịch nữa vì BS đã đè đầu rồi...

 Hoàng Xuân Thảo
***
Góp ý:

Người ni không nhớ bài thơ này nhưng nhớ đã có góp ý về chuyện ngủ trong thiên nhiên nên giờ bàn tiếp về bài thơ và về thân phận "du tử" này vậy.

Anh Tâm nghĩ chắc họ Mạnh đi thi rớt nên phải trở về bằng thuyền nhưng từ 渚=chử (bãi cát nhỏ trên sông) trong câu đầu cho ta biết rằng đây là một khúc sông ở vùng Ngô-Việt, một nơi mà Mạnh Hạo Nhiên ngao du sau khi không lấy được lòng Đường Huyền Tông.

Muốn thấy "trời xuống thật gần" như ý Bát Sách (câu nguyên thủy là "trời thấp thật buồn"), hay 天低樹=thiên đê thụ thì chỉ khi trời đầy mây thấp nhưng nếu trời đầy mây và sương mù thì không thể thấy trăng nên bài thơ này không tả cảnh hoang dã trong một thời điểm - như một bức tranh sơn thủy - mà trong một giai đoạn lúc chiều tối, sau khi cập thuyền vào một bãi cát giữa sông, vì chỉ có thế mới có chuyện 江清月近人=giang thanh nguyệt cận nhân sau khi mù sương và mây tan; nguyệt cận nhân là lối viết độc đáo hàm ý bóng trăng soi trên mặt nước. Đây là lý do mà anh Hoàng Xuân Thảo cảm thấy bài thơ "gượng gạo sao đó".

Từ 客=khách trong câu nhì cho ta thấy tâm trạng của họ Mạnh đang sống kiếp tha hương - đây là tâm trạng của người tự nguyên làm du tử chứ không phải người xa quê vì bị lưu đày. Cho dù "được" gần trời không phải vì mây xuống thấp cũng khó mà vui được khi sống kiếp giang hồ! Rất có thể rằng Mạnh Hạo Nhiên vẫn muốn đươc về lại Lạc Dương nhưng thầm hiểu rằng đó chỉ là một giấc mộng không thể thành tựu.

Huỳnh Kim Giám
***
Bài Cảm Tác

Khiêm tốn ôm bọc áo quần
Rời trại tỵ nạn tới tuần thái lai
Trời đông rơi tuyết miệt mài
Lòng cũng băng giá ngày mai thế nào
Người bảo trợ tốt lành sao?
Đành phú mặc số nao nao tâm hồn
Bỏ xứ đi tìm tự do
Ngẩng mặt lên sống chẳng lo nỗi gì

Đồ Cóc

 

1 nhận xét: