Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Chuyện Vô Thường

 

Không biết từ hồi nào và do đâu-ờ mà thắc mắc làm chi, đã bảo là mọi sự mọi việc theo mấy ông thầy Tàu đều do... tiền định. Hay nói theo kiểu nhà Phật là do có nhơn duyên. Từ lâu rồi bữa nào cũng vậy, trước khi đi ngủ tui cũng tụng đủ Chú Đại Bi, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, và Chú Dược Sư, như mấy thầy trong chùa đã dạy!!! Hổng biết giấc ngủ có ngon hơn hông mà điều làm như mình in trí là đã làm đúng... thủ tục để dọn đường cho chuyến đi chỉ độc có vé đi mà chẳng có vé về.

Ờ mà nói chuyện kinh kệ thôi sẵn kể luôn vụ thang máy trục trặc hồi trước Tết cho bà con nghe đỡ buồn. Hú hồn tưởng đâu đã lên tủ ngồi!
Vốn là sau Tết tui bị trợt đốt sống lưng, bác sĩ cho tập vật lý trị liệu nhiều ngày liên tiếp để đốt sống giãn ra và trở về chỗ cũ. Phòng trị liệu mãi trên tầng sáu, nên ngày nào tui cũng phải đi thang máy lên.

Một hôm rút số rồi chờ kêu tên dưới tầng một, tui ngồi kế một sư cô trung niên thấp người, phốp pháp vui tánh. Sư cô ghé mắt coi số thứ tự của tui đang cầm trên tay, nói sư cô kế ngay sau tui. Rồi từ đó sư cô nói suốt. Tui vốn vụng nói và không bặt thiệp, nên toàn dạ dạ miết.

Bữa đó khá đông, còn tới 30 người mới tới tui, ý là tui đã thức sớm từ 5g30 sáng để nấu xôi gà cho cả nhà ăn sáng rồi mới vội vã rời nhà lúc 6g30. Trong khi chờ 30 người đó, tôi nghe sư cô khai bệnh, rồi hỏi tui bệnh sao, và xin địa chỉ chỗ bán đai lưng tui đang đeo, sẵn giảng cho tui nghe chuyện giúp đỡ người tu hành mới là phước báu lớn nhứt, rồi rủ tui góp duyên đi làm từ thiện với sư cô, và cuối cùng dặn tui lát đóng tiền xong thì nhớ chờ sư cô có giang thang máy.

Sư cô làm tui nhớ tới mẹ chồng tui quá trời, vì mẹ chồng tui lúc sanh thời cũng nói nhiều y vậy, đến nỗi khi tui dẫn bà đi làm răng, ông nha sĩ lịch sự đứng chờ hoài không thấy mẹ chồng tui ngưng nói, ổng đành phải cắt ngang: "Bác phải yên lặng há miệng thì con mới làm cho bác được chớ!".

Nhập đề lỡ hơi dài! Giờ mới vô phần thân bài:

Bao nhiêu năm nay tui tới lui bệnh viện này, thang máy lên xuống và dừng êm ru không chút dằn xóc.
Nhưng hôm đó khi thang máy đang đi lên giữa chừng thì nó đột ngột xóc mạnh rồi dừng hẳn, đèn đóm tắt ngúm. Tui loạng choạng nhưng nhờ thói quen hay đứng tựa thanh tay vịn nên không té nhào, nhưng vì sư cô lúc đó đang hăng nói nên ngã chỏng gọng đè lên tui, cả hai té lăn đùn cục. Tui tuy cao lớn bự con nhưng trọng lượng vẫn thua xa sư cô, nên tui nhoi nhoi hoài không ngồi dậy được, phần tui viêm hai khớp cổ tay, còn thắt lưng vốn đang bị trợt đốt sống đau nhói đứng lên không nổi, tối thui, nên tui cứ mắc kẹt xà quần trong mớ áo vàng bùng nhùng của sư cô...

Rồi cuối cùng tui cũng ráng ngoi dậy được, tuy hết hồn nhưng cũng ráng nhớ lại lý thuyết phải làm gì khi thang máy trục trặc, tui lẩy bẩy mở điện thoại soi tìm nút emergency, nhưng không thấy, chỉ có nút interphone, nhấn thử chẳng xi-nhê, nhưng quả thật đâu cần bấm alert vì trời đất ơi lúc đó tiếng la ré thất thanh của sư cô nó vang dội còn hơn tiếng tàu xúp-lê, tiếng kèn xe chữa lửa hay cứu thương! Công nhận phổi sư cô khỏe thiệt, chắc lá phổi nó dài xuống tới bàn chân hay sao á? Giọng kim soprano trong, rền, the thé, vừa la trời vừa Mô Phật, nghe như tiếng chà xát vụn kim loại và thủy tinh với nhau, như tiếng đàn cưa trong phim kinh dị, làm ốc ác tui nổi lên cục cục... Tui ngăn không cho sư cô cung tay dộng đùng đùng vào thang máy. Nghe tôi nói làm vậy thang máy càng dễ rơi xuống hơn, sư cô hết hồn thu tay lại liền, nhưng miệng vẫn la chói lói.

Tui đoán bên ngoài có lẽ cũng thất kinh và hỗn độn lắm khi nghe tiếng thét của sư cô. Thang máy có nhiều khe hở nên chắc chắn không đến nổi hết oxy để thở nếu tình trạng này kéo dài, nhưng sức nóng hầm hập từ người sư cô làm tui thấy dần ngột ngạt.

Trong đầu chợt xẹt qua hình ảnh diễn viên Hyun Bin trong bộ phim Nam Hàn "Secret Garden", nhân vật đẹp trai con nhà giàu tánh hợm hĩnh hay khoe áo hàng hiệu, anh chàng có bệnh sợ không gian hẹp, hễ bị kẹt trong thang máy là lên cơn suyễn như sắp tắt thở!

Tui lùi xa sư cô, ngồi dựa vào góc thang máy im lặng chờ đợi... Tưởng tượng nó đột nhiên trôi tuột xuống phía dưới... Tui không sợ chết nhưng... sợ đau! Ơi chèn rơi tự do trong cái thùng sắt mà khi chạm đất nẩy lửa nó biến thành đống phế liệu méo mó bẹp dúm thì chắc chắn bên trong, tui với sư cô nạc xương lẫn lộn chẳng còn gì ngoài đống bầy nhầy xấu xí, còn gì cho bọn sinh viên nó mổ xẻ học hỏi! (vì tui có làm đơn hiến xác cho Đại Học Y Dược). Thầy bói, thầy tướng số nào từng khen tui tướng mạo đoan chánh, nhứt kiến khả kính, hậu vận an nhàn, thì nên coi lại tay nghề đi nghen, vì giờ đây tui sắp sửa bất đắc kỳ tử, chết mềm ụi xấu hoắc không nguyên vẹn, chết "bất thiện chung" đây nè !!!

Tui vẫn thường cầu nguyện Trời Phật cho tui được ra đi êm đềm như má tui, mệt mệt nằm chút rồi ngủ luôn không dậy... Nói nào ngay, bây giờ cái chết này thật sự cũng không tới quá sớm. Nó tới vừa vặn lúc con trai tui đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ, và tui rau răm ở lại nhưng không có đắng cay mà hạnh phúc nhẹ nhàng vì vui niềm vui của con. Trước khi đi nó dặn mẹ giữ gìn sức khỏe ráng chờ con... Nhưng con trai, cái số mẹ không được hưởng thụ tuổi già sung sướng chờ con báo hiếu rồi. Mẹ sắp dúm dó ở lại nơi đây, trong cái thang máy hiện đại này, mà còn quyết tình níu theo hết ráo những bệnh tật hành hạ mẹ lâu nay cho chúng chết hết không còn một mống !!! Thôi thì cầu mong con ở lại khỏe mạnh bình an...

Móc điện thoại ra, mà ngẫm nghĩ hoài thấy cũng chẳng có gì cần dặn lại chồng con. "Mẹ thương con" ư? Sến bolero quá, con trai thừa biết tui thương nó cỡ nào mà, cả cuộc đời hy sinh cho nó, lẽ nào phải nói ra nó mới biết? Tiền bạc để chỗ nào ư? Đời giáo viên thanh bạch, của nả dành dụm có là bao! Có chút éc gởi ngân hàng thì cũng đã ủy quyền, vợ chồng minh bạch không có gì giấu nhau.

Chợt nhớ tới truyện ngắn "̣ĐI QUA KIẾP NGƯỜI" tui viết nhiều năm về trước, tưởng tượng sau khi chết rồi, linh hồn mình bồng bềnh bay lướt qua thân xác, nhìn lại người thân bè bạn đang khóc thương mình... Sẽ có dịp check lại coi những gì mình viết có gần với sự thật không, rằng bên kia thế giới có linh hồn không, và linh hồn tui chơi vơi lờ lững biết buồn thương chăng, hay thong dong tiêu sái mờ xa dần trong bốn chín ngày đầu tiên xa lìa trần thế...

Chỉ trong vòng không đầy mười phút (chính xác là bảy phút ba mươi giây) mà biết bao nhiêu ý nghĩ đã lướt qua trong đầu! Khi cửa thang máy vụt mở, ánh đèn chói chang và không khí máy lạnh ùa vào, trong vắt và mát rợi... Sư cô mặt mày đỏ bừng bừng bóng lưỡng mồ hôi rên lên thảm thiết: "Lên máu rồi, lên máu rồi!" khiến cho mấy cô y tá lẹ lẹ ùa vô kè sư cô ra ngoài cho bác sĩ cấp cứu.

Tui lần tay vịn trong thang máy đứng lên, cà nhắc ra ngồi ngoài hàng ghế đợi. Có tiếng người lao xao: "Cô ơi cô có sao không cô?". Tui lắc đầu, cười nhẹ. Lòng mừng vì không phải chết đau đớn. Mà chẳng biết sao thiệt lâu sau đó tâm tình hơi ngơ ngẩn, không buồn cũng không vui...

Suy gẫm hai chữ "vô thường" luôn ở trên cửa miệng mọi người, sao giống ông lão tiều phu khốn khổ trong truyện ngụ ngôn "La Mort et le Bûcheron" của La Fontaine: Khổ quá chỉ muốn chết nhưng khi nhìn thấy thần chết rồi thì chỉ dám nhờ thần đỡ hộ bó củi lên vai!

Il appelle la Mort ; elle vient sans tarder,
Lui demande ce qu’il faut faire.
«C’est, dit-il, afin de m’aider
A recharger ce bois ; tu ne tarderas guère.»

(Hỡi thần Chết thương tình chăng tá,
Đến lôi đi cho đã một đời.
Chết đâu dẫn lại tức thời,
Hỏi già khi nãy kêu vời lão chi?
Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ:
Nhờ tay ngài nhắc đỡ lên vai)
- Nguyễn Văn Vĩnh dịch –

Chấp nhận "vô thường" quả không dễ, cho dù là tăng lữ hay phàm nhân!

Trần Cẩm Quỳnh-Như

"PLUTÔT SOUFFRIR QUE MOURIR"
(Thà sống khổ còn hơn là chết)
La Fontaine
(Cao Vị Khanh chuyển)


1 nhận xét: