Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Góp Nhặt Một Vài Khuất Sử

Lê Quý Đôn (1726-1784)

Là người sa đà với một vài khuất sử đang ẩn khuất đâu đây. Bởi sử nhà cả ngàn năm trước, nào có thể…nhìn thấy sử rõ mồn một hình thù cổ lỗ ra sao?!

Thảng như chuyện người viết sử dưới đây…

Thời Nga Hoàng Nikolai (1547-1721), công tước Velikiy Knyaz là sử gia nghiêm túc. Ông ngồi trên tầng ba của công thự để viết sử. Vì gò sử từ sáng đến giờ nên oải, ông ra đứng trước hàng hiên để thảnh thơi đôi chút. Bất ngờ trên đường có hai người đuổi nhau, một người cầm khẩu súng trường Mosin, hô hoán: “Tao bắn chết mày, thằng Do Thái”. Ông bảo bà quản gia xuống xem sao. Lát sau bà trở lên thuật lại khác hẳn những gì ông nhìn thấy. Ông nghĩ chuyện ngay trước mắt còn sai lạc huống chi sử kiện cả trăm năm trước. Sau đó theo ngoa truyền ông buông bút, không viết sử nữa.

Đang ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, chả nhẽ lại…quẳng bút. Nhân đọc Phạm Đình Hổ viết Tang thương ngẫu lục chuyện Lê Quý Đôn bị Nguyễn Trãi quở trách:

Lê Quý Đôn xét lại sổ sách đất đai của dân. Nhân thể, cũng muốn rút bớt ân trạch với những khai quốc công thần thuở trước là.Nguyễn Trãi. Thế là Nguyễn Trãi hiện về “mắng” Lê Quý Đôn là kẻ tiểu sinh mới học, sao dám xúc phạm đến bậc khai quốc công thần. Mụ chữ tôi tâm phục khẩu phục Phạm Đình Hổ sống cách đây 270 năm...hoang tưởng thần kỳ đến như thế.

Thế nên nghĩ vụng hay là hãy mài óc viết hư cấu thật, hiện thực giả như Phạm Đình Hổ nhưng lại sợ cụ Lê Quý Đôn…quở trách thì khốn. Ngoài trời có sấm chớp linh đình. Hốt nhiên điện phụt tắt. Tối thui. Đột nhiên có điện trở lại. Tôi muốn nhẩy dựng lên vi có một đại nhân mặc áo quan cách, quấn khăn, để râu chòm, quan…hiện ra ngay trước mặt và từ tốn:

- Bản chức là Doãn Hậu Lê Quý Đôn đây.
Tôi ớ ra gì mà tôi…hoang tưởng quá sức vậy nên lập cập:
- Quan…Quan Toản tu quốc sử…
- Quan cách gì, các hạ rõ vẽ chuyện.

Cụ gần gũi với “các hạ” tôi thế đấy, bởi bản quán cụ cùng đất đồng chua nước mặn với tiện sinh tôi ở Thái Bình. “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”, chả lẽ lại hỏi chuyện cụ bị cụ Nguyễn Trãi quở trách. Lại nữa, sau khi đỗ đại khoa, cụ là Toản tu quốc sử, được bổ làm Tổng tài Quốc sử quán. Sử sách của cụ gồm Đại Việt thông sử, Quốc triều tục biên, v…v….

Mặc dù thân quen qua…địa lý, nhưng với sử ký, mụ sử tôi nắm bắt được từ sử gia Velikiy Knyaz không nhìn thấy sử kiện cả “trăm năm trước”: Trong khi cụ Lê Quý Đôn viết sử biên niên, cụ sinh vào thời hậu Lê, Lê Lợi sống vào thời tiền Lê, sử kiện ắt có nhiều khuất tất. Huống chi Nguyễn Huệ mặc dù nằm tuốt luốt mấy trăm sau nên tôi đồ là sử liệu cũng có những khuất lấp. Nhưng cụ là sử quan, với văn kiến súc tích, sở kiến cao minh để tôi kiến văn sở thị thì hay biết mấy. Bèn thưa với cụ rằng mụ sử tôi đọc ở đâu đó chính cụ ngự sử văn đàn thế này…

Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử: Quân Minh biết Chí Linh là chỗ Lê Lợi lui tới, đem binh vây đánh. Vương hỏi các tướng rằng: Có ai làm được như người Kỷ A Tín chịu chết thay cho Hán Cao Tổ không? Bấy giờ có Lê Lai xin mặc thay áo ngự bào, ra trận đánh nhau với giặc. Quân Minh tưởng thật, xúm lại bắt sống Lê Lai dẫn về thành Đông Quan giết chết.

Nghe thủng rồi, không trả lời ngay, cụ móc trong bị vải nhang nhác như túi Tây ba lô ra hai hòn đá cọc cạch, một bó bùi nhùi rơm, và cái…không phải cái điếu bát, điếu cày mà là cái điếu ống (xưa các quan ta đi vi hành, vì ngồi võng nên dùng cái điếu ống này). Cụ làm một hơi thuốc lào cho nhân sinh quý thích chí rồi thong thả thông điếu, thông sử…

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú kể: “Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem có ai đổi áo đánh lừa giặc, như Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi, mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận, đánh đến đuối sức, bị bắt “

Theo bỉ phu, điều ngạc nhiên các sử quan về sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa, trong khi sử quan đời Lê không ghi truyện này. Sự thực ra sao? Quân Minh có giết Lê Lai không? Theo bỉ phu chắc chỉ có Nguyễn Trãi biết. Vì…

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi được chính Lê Lợi đề tựa, kể rằng:

Bấy giờ thế giặc đang lớn mạnh, vua nói: Ai có thể mặc áo bào thay ta đem quân đi đánh thành Tây Đô? Các tướng đều không dám nhận, chỉ có Lê Lai. Nguyễn Trãi cho biết Lê Lai bị quân Minh bắt sống và bị tra tấn dã man.

(Nguyễn Trãi 1380 – 1442)

Hoàn cảnh của Nguyễn Trãi không cho phép ông viết sự thật lúc Lê Lợi còn sống. Bỉ phu cho là vậy, tôn ý các hạ thấy sao? Vì...Đại Việt sử ký toàn thư chép :Giết Tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết. Ngô Sĩ Liên, sử thần nhà Lê, chép lại cho hậu thế một sự kiện lịch sử. Không hiểu sao sử quan đời sau lại quên chi tiết này của ông nhận xét về Lê Lợi: Vua dấy nghĩa binh đánh giặc Minh, 10 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, mở khoa thi, lập phủ huyện. Có thể gọi là có mưu lớn sáng nghiệp. Song đa nghi hay giết quần thần tôi trung, đó là chỗ kém.

Vì cụ cứ “ bỉ phu” với “các hạ” khiến mụ sử tôi càng bí sử thêm vì ẩn sử: Lê Lợi giết Lê Lai nay đã rõ qua sử thần Ngô Sĩ Liên, ông viết sử từ Hùng Vương đến khi Lê Thái Tổ (Lê Lợi) lên ngôi. Nhưng vì không biết Lê Lợi gốc gác ra sao? Mụ sử tôi mạo muội góp nhóp với cụ…

Theo Keith Weller Taylor qua The Birth of Vietnam: “Năm 1925, tạp chí Nam Phong đã in bài viết do một người Mường viết về những thế hệ lãnh đạo được gọi Quan lang là tước hiệu của thủ lĩnh người Mường như Hùng Vương, Lê Lợi“. Và “từ Hùng có nguồn gốc từ một danh hiệu của người thủ lĩnh đến nay vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ của các dân tộc nói tiếng Môn-Khmer, tiếng Mường sống tại các vùng núi ở Đông Nam Á”.

Thêm sử gia thâm căn cố đế Trần Quốc Vượng cho rằng…

”Thời Hùng Vương là một thời kỳ khuyết sử”. Qua sử phẩm Từ Hoa Lư đến Thăng Long ông viết: “Thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều. Tôi đã tìm ra vua Hùng tên tiếng Việt cổ là Pò Khun (Vua = Bua = Pò, Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh Mường chiếm cứ vùng đỉnh núi châu thổ sông Hồng (Việt Trì)”.

Mụ sử tôi đắng đãi thêm ông cố đạo Tây khác nữa cho óach…

Linh mục Léopold Cadière là sử gia, nhà ngôn ngữ học, trong biên khảo Dialectes du Annam (1902) kết luận hai sắc dân Mường-Việt vốn cùng một chủng tộc nhưng chia làm hai theo cổ thuyết con rồng cháu tiên: Một đằng (Lạc Long) ở đồng bằng, duyên hải. Một đằng (Âu Cơ) ở cao nguyên, miền núi Bắc Việt. Tên Âu Cơ là tên Việt hoá. Tên Mường là Ngu Cơ.

Bởi Tam Quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết lịch sử với những nhân vật huyễn hoặc như Quan Công còn được coi là thánh tổ, của mấy chục nghề như nghề làm đầu bếp, nghề cắt tóc, nghề cầm đồ, nghề đồ tể, nghề bán thịt, nghề thầy tướng, nghề đậu hũ v.v....Thành ra, vào các quán ăn ở đâu chúng ta cũng thấy người Tàu có bàn thờ Quan Công.

Được thể mụ sử tôi trình cụ một tác giả...”giả sử” về Mạnh Hoạch...

Gia Cát Lượng thu phục Mạnh Hoạch, lúc rút quân dừng lại sông Lư, làm lễ tế cho các tử sĩ trong cuộc Nam chinh, trong bài văn tế có câu: ‘’Từ khi giặc xâm lăng cõi Thục - Binh khởi đất Mường’’. “Đất Mường” ở đây cho thấy Man vương (Mường-Mán) là người cầm đầu các tộc người miền núi Bắc Việt. Sông Lư là sông Lô. Lư và Lô là 2 cách phát âm khác nhau của cùng một chữ, chỉ dòng sông chảy vào Hà giang ngày nay. Khổng Minh từ Vân Nam vượt sông Lô, tiến vào bình Mạnh Hoạch ở vùng rừng núi tây bắc nước ta. Trong thần tích Hương Ngải nói rõ khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, khi đó nước Việt ta thuộc về triều Thục Hán của Lưu Bị. Chứ không như sử cũ nước ta thuộc nhà Ngô của Tôn Quyền ở Giang Đông.

Với tiểu thuyết lịch sử, tác giả...”giả sử” trên đổ vấy cho Mạnh Hoạch chính là…Lê Lợi .

Nhẽ này không lạ lẫm lắm, tôi gõ trống qua cửa nhà sấm với cụ mà rằng:
Một là Thiền sư Nguyễn Mạnh Thát luận sử như sau thì có sao đâu: 1. Truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con có nguồn gốc từ nước Phật. 2. Truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện có thật ở Ấn Độ.

Hai là bám như cua cắp vào cố sử gia Tạ Chí Đại Trường:
Dựa vào Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, Trịnh Khả (không phải Trịnh Khải) vì…“biết tiếng Lào” nên được Lê Lợi sai phái liên lạc với người Lào. Trịnh Khả là công thần triều Lê, ông là người tài ba phò vua dựng nước. Giống Nguyễn Trãi, ông không dám nói ra vua Lê (Lê Lợi) của ông cũng là người thiểu số, có hơn một nửa là gốc Lào như ông (nhóm tộc Mường Thái Lam Sơn ở Lũng Nhai). Trần Cảo của nhóm Lam Sơn thuộc nhóm Thái Lào xa. Lê Ba Lao gốc họ Ðinh (cha của Ðinh Triện bị tử trận) nguyên là đầy tớ thủ lĩnh Lê Lợi.

Nghe thủng rồi làm như tương đắc, tương bần lắm, cụ xắng xả: Hơn 9.000 người Đông Kinh (Thăng Long) hợp tác với người Minh. Nguyễn Trãi cố thuyết phục họ theo Lê Lợi. Nhưng họ nhìn Lê Lợi như một kẻ nhà quê. Lê Lợi là người nhà quê, là người Mường vẫn còn nhiều khuất tất? Bởi bất sĩ hạ vấn, là chả mất sĩ diện gì phải hỏi. Cụ búi bấn như Lưu Bị tam cố thảo lư tìm Khổng Minh, thì Nguyễn Trãi hai lần tìm Lê Lợi:

- Ấy đấy thưa các hạ, theo Tang thương ngũ lục của Phạm Đình Hổ kể rằng Nguyễn Trãi (và Trần Nguyên Hãn) đến tìm Lê Lợi để mưu đồ đại sự. Lần đầu gặp ngày giỗ, Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi là hào trưởng miền núi, vừa cắt thịt ăn ngồm ngoàm vừa uống rượu nên thất vọng bỏ về. Lần thứ nhì trở lại, gặp Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư, ông mới vào ra mắt. Dựa vào Phạm Đình Hổ thì: “Lê Lợi là một tù trưởng người Mường”.

Làm như có gì ngẫm ngợi lung lắm, cụ một ngắn hai dài:

Cứ như An Nam truyện của Vương Thế Trinh, một danh thần nhà Minh chép: “Viên thổ quan Lê Lợi vốn là bề tôi của cố vương Trần Quý Khoát nhà Trần làm phản. Rồi bó thân xin hàng thiên triều năm lần, bảy lượt (như Mạnh Họach với Khổng Minh), mãi sau mới được ban chức Tuần kiếm. Nhưng vẫn ôm lòng phản trắc, nay tiếm xưng là Bình Định Vương…”. Theo bản chức, sử kiện Lê Lợi làm bề tôi nhà Minh trong Minh thực lục cũng có chép, nhưng sử thần Ngô Sĩ Liên muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Tiếp đến cụ dật dờ:
- Vì vậy tác giả...”giả sử” về Lê Lợi và Mạnh Họach hãy để tồn nghi. Nhưng tuy nhiên học theo sử thần Ngô Sĩ Liên, các hạ hãy ‘’giấu biến việc này’’ đi, đừng mang vào phiếm sử Góp nhặt một vài khuất sử này. Người đọc mắng cho rỗ mặt đấy, thưa các hạ.

Sau đấy cụ gật đầu tắp lự: Thì sử nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng dựa vào tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa vậy. Ấy là Hoàng Lê nhất thống chí.
***
Trộm vía cụ: Nguyễn Huệ sau Lê Lợi khoảng...360 năm ắt cụ chả thông hanh mấy. Là kẻ hậu bối, tôi nắn no với cụ về chuyện ấy. Cụ cười cái bép...

- Chẳng giấu gì các hạ, bỉ phu là người thiên cổ, là người cõi trên ở chốn thiên đàng. Bỉ phu như tiên ông suốt ngày bay tới bay lui. Lắm khi bỉ phu bay tới cả nghìn năm trước, rỗi hơi bay lui lại trăm năm sau mà chữ nghĩa gọi là “lỗ hổng thời gian” ấy mà, thưa các hạ.

Vồ được cụ bay tới cả…trăm năm mà mụ sử tôi nào nhìn thấy thời Nguyễn Huệ như thế nào?! Quên tiệt cụ là...cụ Lê Quý Đôn, tôi xuôi dòng sử Việt thời cận đại…

Theo một trong 7 tác giả viết Đối thoại với sử học:
“Cuộc hành quân của Quang Trung ra Bắc năm 1789. Ông ấy đi thế nào ra được Hà Nội nhanh như vậy? Từ Huế đi bộ vậy mà ông ấy chỉ đi 20 ngày. Sáu trăm cây số mà đi bộ như thế tức là một ngày đi 30 cây số. Tôi nghĩ rằng các đại quân của Napoléon và những danh tướng lừng lẫy châu Âu đi bộ tối đa, ngày khoảng 15 cây số. Vì vậy tôi cho rằng Quang Trung đi 40 ngày nếu một ngày đi 15 cây số. Tuy nhiên voi đi chậm hơn người, cứ 3 ngày phải cho voi nó nghỉ một ngày vì như người vậy, nó...mệt. Khổ quá, lại thêm chuyện cáng võng nữa...

Tôi đã cáng người nhà lên huyện khám bệnh. Cùng chiều dài con đường lên huyện tôi thấy đi bộ nhanh hơn cáng võng…”

Tôi bày vẽ với cụ chuyện hai người cáng võng một người thế đấy. Cụ ậm ừ dật sử của Ngô văn gia phái viết lịch sử tiểu thuyết theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Sách miêu tả những nhà nho ẩn dật như Giáo Hiến, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, được đưa vào Hoàng Lê nhất thống chí trở thành “bản sao” của Khổng Minh, Bàng Thống, Từ Thứ. Dần dà người viết, người đọc coi là...thật, rồi càng ngày càng trở thành...sự thật của lịch sử.

Cụ quơ cái điếu ống làm một bi thuốc và trích lục đề văn của ai đấy...

Trong trận Ất Dậu, Sầm Nghi Đống không thắt cổ tự tử mà bị tử thương trong trận Ngọc Hồi. Qua lời người có chức vụ Thủ bị tên Lao Hiển bị bắt làm tù binh, khi được trao trả đã khai với quân cơ nhà Thanh: ”Thượng tổng binh, Vương tham tướng (tức Sầm Nghi Đống) bị quân giặc vây, bị chém đứt một cánh tay, ngã ngựa rồi bị giết”.

Chợt nhớ giai thoại ‘’Bà chúa thơ Nôm ghé miếu đề thơ...’’. Bèn hỏi, cụ mà rằng:

- Để lấy lòng Càn Long, Quang Trung Nguyễn Huệ lập miếu Sầm Nghi Đống trên gò Đống Đa. Nhắc đến Nguyễn Huệ gốc họ Hồ thì chẳng quên theo gia phả họ Hồ ở Nghệ An : Đời thứ 11, Hồ Phi Phúc (đổi ra họ Nguyễn) sinh Nguyễn Huệ. Cũng đời thứ 11 Hồ Phi Diễn sinh Hồ Xuân Hương. Vì vậy Nguyễn Huệ và Hồ Xuân Hương cùng chung ông tổ 5 đời là Hồ Thế Anh. Bà em họ Hồ ghé miếu của ông anh họ lập lên và làm bài Đề đền Sầm Nghi Đống, câu thơ đầu: Ghé mắt trông lên thấy bảng treo. ‘’Ghé mắt ’’ đây bà ra vẻ khinh thị thấy rõ.

( Quang Trung 1788–1792)

Thở ra khói, cụ diễn sử theo ai đó…

Người dẫn đầu phái bộ ta sang dự lễ bát tuần đại khánh của Càn Long là Quang Trung. Tuy nhiên vì tình hình còn nhiều bất trắc, quân sư Ngô Thì Nhậm của ông tung ra “màn khói” người đi qua Tàu là giả vương cốt để cho những kẻ thù nghịch trong nước e dè những hư thực mà không dám vọng động trong khi Quang Trung đang ở bên Tàu. Vì nếu là giả vương, thì như Phan Huy Ích đã tiên liệu: Trước đó phái đoàn nhà Thanh khi sang Thăng Long phong vương cho Nguyễn Huệ, họ cũng đã biết mặt Nguyễn Huệ Quang Trung.

Sau lễ Bát tuần đại khánh, bức tranh do Càn Long sai vẽ truyền thần tặng Quang Trung có ghi rõ: An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình. Khuất sử cho đến khi ấy, sử ta và những nhà biên khảo ít ai biết tên thật của Nguyễn Văn Huệ là Nguyễn Quang Bình.

Va vào đầu bức tranh truyền thần, nói cho ngay hình dáng cụ vua ta, tôi chỉ được biết qua ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến; “Tóc quăn, mặt mụn đầy, tiếng nói sang sảng như chuông“. Còn chuyện bức vẽ cũng đã từng nghe rồi, tôi khoe nhắng với cụ chuyện bên lề: Thoạt kỳ thủy theo sử ta Càn Long tặng cho cụ vua ta bức tranh truyền thần của chính Càn Long để làm kỷ niệm. Người thời VNCH ngỡ ấy là tranh vẽ vua ta nên in giấy bạc 200 đồng. Ấy là bức tranh vẽ Càn Long cưỡi ngựa được họa sĩ Ý tên Giuseppe Castiglione vẽ năm 1739.

Mới đây người Hà Nội tên Trần Quang Đức tìm được bức truyền thần vẽ cụ vua ta có ghi rõ: An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình là thế. Như cụ dậy vậy.

Đợi tôi huếch xong, cụ gọ gạy tôi có hay chuyện ta đòi đất Tàu chăng? Tôi chưa kịp trả lời: “Dạ biết“. Cụ nói không phải...Quảng Đông Quảng Tây mà là:

Là trong di văn của Ngô Thì Nhậm có tờ biểu của vua Quang Trung gửi lCàn Long yêu cầu nhà Thanh: Trả lại 7 châu thuộc Hưng Hoá. Khi tờ biểu gửi qua cho Phúc Khang An, ông này được Càn Long sai đi chiến trận ở Tây Tạng nên việc đòi đất không tiếp tục nữa.

Cụ rối tinh thêm: Càn Long năm 1769 nhằm vào thời vua Lê Hiển Tông, thổ mục Hoàng Công Toản cai quản đất Hưng Hóa chạy qua Vân Nam đem dâng cho nhà Thanh 7 châu Hưng Hóa: Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu. Châu đây nhỏ như...làng hay ...động (bản làng).

Từ đòi Trả lại 7 châu thuộc Hưng Hoá, cụ bắt qua “Cống người vàng, cống voi”...

Phúc Khang An ra điều kiện đòi triều Tây Sơn phải đúc người vàng đem cống như các triều đại trước. Ngô Thì Nhậm viết cho ông ta bức thư: “Nay đại nhân theo lệ cũ của Trần, Lê, Mạc bắt cống người vàng, như vậy chẳng hóa ra vua nước tôi bị coi như hạng ngụy Mạc hay sao?. Như thế cũng bị coi như việc nhà Trần bắt Ô Mã Nhi, nhà Lê giết Liễu Thăng hay sao?.Mong đại nhân miễn cho nước tôi lệ đúc người vàng để tiến cống“.

Cụ một ngắn hai dài trước khi Ngô Thì Nhậm lên ải Nam Quan, Phúc Khang An thông báo nước ta muốn “đấu hàng“ (đấu ‘’dấu sắc’’ nghĩa cầu hòa) phải cống voi và Nguyễn Huệ phải lên Nam Quan tạ tội. Khi xin cầu phong, Phúc Khang An lại đòi Nguyễn Huệ cũng phải đích thân lên Bắc Kinh. Quang Trung không muốn lập lại hành động mất quốc thể nên biện báo sẽ đưa một nhân vật thân thích “tuy đại do thân” (thay mặt như chính mình) đem tờ biểu cầu phong sang Bắc Kinh. (Nguyễn Quang Hiển thay mặt đem biểu tiến kinh)

Theo cụ, vua ta thời trước đích thân sang chầu vua Tàu chỉ xảy ra một lần vào đời Lý khi lên Nam Quan làm lễ thụ phong. Còn cống “một“ hay “hai“ người vàng tùy theo triều đại : Đời Lê cống một tượng người vàng, đời Trần cũng vậy. Việc triều cống hai tượng người bằng vàng ròng bắt đầu vào đời Minh để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh.

(Phan Huy Ích_(1751-1822)

Chợt nhớ cụ dậy Hoàng Lê nhất thống chí vẽ chuyện Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích là ‘’âm bản’’ của Khổng Minh, Phụng Sồ. Cứ theo mụ chữ tôi Phan Huy Ích vì Càn Long nể trọng nên được ban mũ áo hàng tam phẩm. Ngoài ra sau lễ Bát tuần đại khánh, Càn Long cho họa sĩ vẽ chân dung ông cùng lúc với vua Quang Trung. Bức truyền thần này được thờ tại nhà từ đường họ Phan ở làng Thuỵ Khuê, Sơn Tây, nhưng bị thất lạc, chỉ còn lưu lại bức hình ở bìa quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn.

Nghe thủng rồi, cụ kỳ cổ qua thư của giáo sĩ Girard gửi giáo sĩ Boiret, cụ mới hay Quang Trung có…7 vợ. Nghe cụ vua ta có vợ, tôi ngẫm nguội gần nửa đời đánh đông dẹp bắc túi bụi lấy đâu ra thì giờ để lo cho những 7 bà. Ấy cũng là một ẩn khuất của bài phiếm sử này. Chưa kịp rõ mồm hỏi, cụ bỏ hai hòn đá cọc cạch, cái cúi rơm vào túi và hỏi tôi có thêm thắt gì cho có...chiều dầy lịch sử chăng?

Ừ thì mụ sử tôi đành đùm đậu:
Thời Lê Lợi, Nguyễn Huệ có ba ngẫu sự: Một là đều có chuyện “giả vương”…lững thững đi vào chính sử. Lê Lai là giả vương ai cũng biết, nhưng cho đến nay ít ai hay biết người đi Tàu là Quang Trung thật. Hai là Lê Lợi là người Mường, Nguyễn Huệ là người Chàm. Ba là qua tài liệu của các nhà truyền giáo Dòng Tên ở La Mã: Nguyễn Huệ mắt như đèn pha. Với Phạm Đình Hổ: Lê Lợi mắt trắng như con tinh.

Về thân thế cụ vua ta:

Tạ Chí Đại Trường viết: “Trong biểu văn trần tình Nguyễn Huệ khẳng định không liên hệ với nhà Lê mà chỉ có ràng buộc hôn nhân’’ (với công chúa Ngọc Hân). Cũng vậy, khi gặp Càn Long trong lễ bát tuần đại khánh, vua ta nói “hoàng tộc Chiêm Thành” để tách rời với Đàng Ngòai. Vua ta không phủ nhận ông họ Nguyễn, vì vậy Càn Long cho ghi trên bức truyền thần: “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình“ là thế. Nếu như ông là…người Chàm thì phải có tên Chàm. Nhưng không. Vì người Chàm gọi ông với tên: vua Hồ (Po Hồ). Vua ta không chối bỏ ông là người An Nam rặt vì rõ như đêm giữa ban ngày cụ vua ta nào có…vợ Chàm.
***
Chưa kịp thưa gửi những gì để bài phiếm sử…có trọng lượng. Bỗng thấy cụ bỏ thêm cái điếu ống vào túi Tây ba lô. Biết cụ sắp về với cõi, bèn hỏi vội ở cõi trên có gì vui chăng? Cụ búi bấn lên chơi thì được, ở lâu chán lắm. Vì chỉ có tiên ông, tiên bà bay vù vù suốt ngày, chán hơn nữa, có hai ông Nam Tào, Bắc Đẩu vừa đánh cờ, vừa phiếm luận về…

Thạch trúc thảo lư
Kỷ Hợi 2020
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Nguyên Nguyên, Nguyễn Dư, Bùi Thiết
Phạm Xuân Hy, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Duy Chính.

1 nhận xét: