Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

Độc Tiểu Thanh Ký 讀小青記 - Nguyễn Du


Lời Phi lộ

Phùng Tiểu Thanh 馮 小青 (1594-1612) là một giai nhân tài hoa bạc mệnh đời Minh (Trung Quốc). Nàng được gả làm lẽ cho một người có tên là Phùng nên đổi tên là Tiểu Thanh để tránh tên húy của chồng. Vợ cả của Phùng rất ghen, bắt nàng ở riêng biệt trong một ngôi nhà trên núi Cô Sơn cạnh hồ Tây nên nàng buồn phiền chết sớm lúc mới vừa 18 tuổi. Người vợ cả này còn cố chấp đốt tập thơ của nàng, chỉ còn sót lại 12 bài. Nguyễn Du, khi đi sứ sang Nhà Thanh, ngồi một mình đọc tiểu sử và tàn thư (mấy bài thơ còn sót lại) của Tiểu Thanh tại một khách điếm bên cạnh hồ Tây, cảm thấy mình có thân thế giống nàng nên làm bài thơ 讀小青記 Độc Tiểu Thanh ký để gởi gấm tâm sự của mình. (Phỏng theo Thi Viện & sách Ngàn Năm Thương Nhớ xuất bản từ Hà Nội).

Qua bài thơ này ta hãy xét xem Nguyễn Du là một thi sĩ đa cảm và có mặc cảm hay một chính khách chân chính.

Nguyên tác          Dịch âm

讀小青記             Độc Tiểu Thanh ký

西湖花苑盡成墟 Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
獨吊窗前一紙書 Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
脂粉有神憐死後 Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
文章無命累焚餘 Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
古今恨事天難問 Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
風韻奇冤我自居 Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
不知三百餘年後 Bất tri tam bách dư niên hậu,
天下何人泣素如 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Chú giải

西湖 Tây Hồ: tên đất gần hồ Tây (trong bài thơ dịch sẽ để nguyên tên đất Tây Hồ, không dịch là hồ Tây).
盡成墟 Tận thành khư: cuối cùng đã trở thành gò mối; ý nói đã trở thành hoang phế.
紙 chỉ: tờ giấy. 一紙書 nhất chỉ thư: ý nói một ít bài còn sót lại trong một tập thơ.
脂粉 chi phấn: phấn sáp của đàn bà, chỉ nhan sắc.
焚餘 phần dư: viết tắt cụm từ phần dư cảo có nghĩa là tập thơ bị đốt còn sót lại. Tiểu Thanh có một tập thơ nói tâm sự của mình; lúc nàng chết, vợ cả ghen, lấy đốt đi, còn sót lại 12 bài gọi là phần dư cảo.
風韻奇冤 phong vận kỳ oan: ý nói phong cách (của ta) phảng phất nỗi oan (của nàng) … Sẽ bàn về tâm sự của Nguyễn Du qua cụm từ này trong Lời bàn Của Con Cò.
我自居 ngã tự cư: ta tự cư trú tại…, ý nói ta tự tình với nàng.

Dịch nghĩa

Đọc chuyện nàng Tiểu Thanh

Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành hoang phế,
Ta ngồi bên song đọc tập tàn thư của Tiểu Thanh.
Nhan sắc (của nàng) có hồn thiêng nên còn truyền miệng sau khi nàng chết,
Văn chương (của nàng) không có mệnh nên chỗ còn lại hơi lu mờ (chỉ còn ít ỏi không đủ sáng tỏ).
Từ xưa tới nay ngàn mối hận biết hỏi ai?
Ta thông cảm nỗi oan kỳ lạ của nàng nên tự tình (cùng nàng).
Chả biết hơn ba trăm năm sau,
Trong thiên hạ có ai khóc ta (Tố Như) chăng?

Dịch thơ

Đọc Tàn Thư Của Tiểu Thanh
Tây Hồ phong cảnh đã hoang vu,
Viếng khách bên song đọc vụn thư*.
Nhan sắc khôn thiêng còn sót lại,
Văn chương phận bạc đã mờ lu.
Xưa nay ngàn hận tìm ai hỏi,
Thông cảm oan khiên mỗ vịnh thơ.
Ba trăm năm nữa còn ai biết,
Thiên hạ có người khóc Tố Như?

*vụn thư: vài bài thơ còn sót lại của một tập thơ đã bị đốt.

Lời bàn

Đây là một bài tạp thi của Nguyễn Du. Ý thơ chia làm 2 phần rõ rệt: phần thứ nhất gồm 6 câu đầu tả thân phận hẩm hiu của Tiểu Thanh, có nhan sắc lộng lẫy và văn chương lỗi lạc mà thân thế bị tình duyên vùi dập; phần thứ hai gồm 2 câu kết bày tỏ tâm sự của tác giả; đó là tâm sự của một sĩ phu chân chính mà phải thờ hai triều đại đối nghịch nhau (Nguyễn Du thuộc dòng dõi trung thần của nhà Lê, đã phải sống 10 năm lưu vong trên đất Bắc để lánh nhà Nguyễn Tây Sơn, rồi sau phải thờ nhà Nguyễn Gia Long). Ông mặc cảm rằng thời thế đã đưa đẩy mình thành một sĩ phu xu thời; giống như thế tục đã vùi dập Tiểu Thanh thành một giai nhân mệnh bạc.

- Phần thứ nhất:

Câu 1 & 2:
Mở đề, nói rằng dưới phong cảnh hoang phế của Tây Hổ, ta ngồi một mình trước song đọc phần thơ còn sót lại của nàng Tiểu Thanh và đề thơ điếu (trễ) nàng.

Câu 3 & 4:
Nhan sắc (của nàng) còn lưu truyền lại đời sau bởi vì nó có hồn thiêng (hữu thần),
(Nhưng) Văn chương (của nàng) thì bạc mệnh nên đã lu mờ (bị vợ cả ghen tuông đốt đi gần hết, số bài còn lại không đủ sáng tỏ).

Câu 5 & 6:
Từ cổ tới kim, ngàn mối hận đều khó hỏi được ai,
Ta thông cảm điều đó nên đề thơ tặng nàng.

- Phần thứ hai:

Chỉ có 2 câu nhưng đã có cả trăm bài bình luận về 2 câu này từ những sinh viên đại học đến các học giả; ý kiến của những bình luận phần nhiều đều na ná giống nhau, đại khái chống đỡ cho quan niệm trung quân ái quốc của thi hào họ Nguyễn; có lẽ do thói quen tuyệt đối tôn trọng tiền bối. Đó là hai câu 7 & 8: Nói lên tâm sự của Nguyễn Du: Chả biết hơn 3 trăm năm sau có ai khóc thương ta không?

Tóm lại, bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, ngoài 2 câu 7 & 8, là một bài thất ngôn bát cú luật thi có giá trị văn chương cao.

Con Cò
***
Câu Chuyện Người Vợ Lẻ

Hoa viên cạnh chốn Tây Hồ,
Giờ đây hoang phế mịt mờ cỏ tranh.
Hồng nhan bạc phận Tiểu Thanh,
Tiếc thương nghiền ngẫm bên mành chuyện xưa.
Lệ rơi lã chã như mưa,
Mỹ nhân khuất núi - há chừa được yên.
Chân dung bức họa muộn phiền,
Dạ hồn son phấn linh thiêng xót đời.
Thi ca vô mệnh ngàn khơi,
Tai bay họa gởi, lửa cơi đốt rồi...
Dăm bài còn sót lại thôi,
Hận lòng kim cổ - oán trời khôn nguôi..
Tự xem tri kỷ của Người,
Đồng thuyền cùng hội, mong lời tường phân.
Nết thời phong nhã đa mang,
Lạ lùng oan trái, ngỡ ngàng tội vong.
Nữa ba thế kỷ hư không,
Tố Như ai nhớ, khóc ròng dùm ta?

Khánh-Hưng
* Riêng tặng Anh Nguyễn Linh Quang,
***
Đọc Chuyện Tiểu Thanh

Hồ Tây vườn cảnh bỏ hoang khai,
Thơ đọc bên song chỉ ít bài.
Nhan sắc có hồn lưu lại mãi,
Văn chương không mệnh đã mờ phai.
Xưa nay oán hận trời cao hỏi,
Ẩn hiện oan tình ta tự hay.
Chả biết sau ngoài ba thế kỷ.
Người đời ai khóc Tố Như đây?

Mỹ Ngọc
Mar. 1/2023.
***
Góp ý của Lộc Bắc:

Cụ Nguyễn Du nổi tiếng, văn thơ được truyền tụng trong dân gian nhờ những kiệt tác viết bằng chữ nôm như truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh… cụ còn viết nhiều bài thơ bằng chữ Hán, được chép trong ba tập thơ: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, nhưng bị thất lạc rất nhiều; Đào Duy Anh thu thập được 131 bài, sau nhà xuất bản Văn học xuất bản Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài. Những bài thơ chữ Hán ít người biết đến chỉ phổ biến trong giới sĩ phu. Khi có chữ quốc ngữ, số người biết đến tăng lên nhiều, trong số đó bài Độc Tiểu Thanh ký được nhiều người biết đến gây hao tổn bút mực nhiều khởi nguồn từ hai câu 7 và 8 phạm niêm luật.

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

(Ba trăm năm lẻ qua rồi.
Trên trần biết có còn ai khóc mình?).

Ngoài Bắc năm 1924 trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du, hai tác giả là Phó bảng Phan Sĩ Bàng và Giải nguyên Lê Thước, dựa theo ý kiến của ông Nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ mười của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, lần đầu tiên công bố hai câu cuối của bài Độc Tiểu Thanh ký và giới thiệu là lời khẩu chiếm (lời trăn trối) của Nguyễn Du trước khi mất. Sau năm 1954 bài này được đưa vào sách giáo khoa Văn Học lớp 10 và một phái đoàn được cử qua Tầu để tìm kiếm tung tích Tiểu Thanh và tác phẩm còn sót lại của bà.

Học giả Phan Văn Hùm ở miền Nam cũng tán đồng ý kiến đó: "Tính ra từ năm Gia Tĩnh triều Minh (1522) đến năm Canh thìn (1820) thì sẽ sít số 300 năm. Vậy đến ngày chết Nguyễn Du vẫn mang canh cánh bên lòng Truyện Thuý Kiều mà nhớ rằng, mình khéo dư nước mắt khóc người ở 300 năm trước mình, rồi nhân đó mà liên tưởng nghĩ đến sau mình 300 năm không biết có ai khóc giùm mình như mình đã khóc Thuý Kiều chăng".

Bản gốc Độc Tiểu Thanh Ký không có, hiện nay có hai giả thuyết về bài Độc Tiểu Thanh Ký: giả thuyết đầu thì cho rằng bài thơ nguyên thủy có 8 câu đúng như truyền tụng; giả thuyết sau thì cho rằng 2 câu 7, 8 do con cháu, người đời sau sáng tác, hay lời trối trăn của Nguyễn Du được ghép vào 6 câu của một bài thơ của chính Nguyễn Du viết về Tiểu Thanh.
(lấy ý các bài trên nét)

Ý của LB nghiêng về giả thuyết thứ hai, bài Độc Tiểu Thanh Ký là một bài thơ ghép vì cụ Nguyễn Du vốn xuất thân khoa bảng, nếu “kết” hai câu 7, 8 thì cụ cũng thừa sức sửa luật thơ từ luật bằng qua luật trắc cho bài thơ khỏi phạm luật.

Sau đây là phỏng dịch (vẫn giữ thất niêm) bài Độc Tiểu Thanh ký:

Đọc Truyện Tiểu Thanh

Tây Hồ vườn cảnh biến gò hư
Đọc phúng bên song một lá thư
Son phấn có thần thương dẫu chết
Văn chương không mệnh lụy tàn dư
Xưa nay mối hận trời khôn hỏi
Phong vận trái oan ta khác ư?
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

Lộc Bắc
Mars23
***
Góp ý:

Kỳ này ÔC đưa ra một bài thơ làm BS điên đầu. Đọc phớt qua, nếu dịch theo cách hiểu của mình thì không rắc rối lắm, nhưng vì lỡ dại, tìm trên Internet, thấy rất nhiều tranh luận, phân tích, đọc xong thì BS bị tẩu hỏa nhập ma, vì mỗi người hiểu và giảng một cách.

VỀ CÁI TỰA: mọi người đều đồng ý rằng không có sách nào tên TIỂU THANH KÝ cả, vậy mình có thể hiểu là GHI SAU KHI ĐỌC TIỂU THANH. Nhưng KÝ cũng có nghĩa là tất cả những gì viết về Tiểu Thanh, và như vậy đầu đề có thể hiểu là ĐỌC NHỮNG GHI CHÉP VỀ TIỂU THANH. Và BS lấy ý trước làm tựa.

ĐỘC ĐIẾU SONG TIỀN NHẤT CHỈ THƯ:
- Điếu là tế, điếu người chết, bi thương, dơ lên (sách hay giấy)
- Song tiền là TRƯỚC cửa sổ. Vậy thì là cửa sổ nhà ai? Nếu là cửa sổ nhà tác giả thì ông ở bên ngoài, không phải ở trong nhà. Vậy phải đọc điếu trước cửa nhà của Tiểu Thanh. Nàng chết đã trên 300 năm, mồ đà hoang phế, thì chỗ nàng ở liệu có còn không?
- Nhất chỉ thư, là một tờ thư, theo Nguyễn Quảng Tuân, thì cả câu có ý nói là tác giả, trước cửa sổ, viết trên giấy bài thơ này, để tế điếu người bạc mệnh. Lối giải thích này có vẻ hợp lý nhất, nhưng vẫn còn kẹt chữ song tiền. Thôi thì phải hiểu rằng tác giả ngồi bên trong, đối diện với cửa sổ để viết thơ.

Dương Cự Nguyên, trong bài Thôi Nương Thi (Thôi Oanh Oanh) có 2 câu chót là :

Phong lưu tài tử đa xuân tứ,
Trường đoạn Tiêu Nương nhất chỉ thư.

Cao Bá Quát, khi làm bài Tự Tình, cũng mượn hai câu thơ trên.

CHI PHẤN HỮU THẦN LIÊN TỬ HẬU: Son phấn có thần, nên dù nàng chết rồi vẫn gợi nỗi cảm thương (cho tác giả). Theo những gì BS đọc được, thì Tiểu Thanh có nhờ một họa sư đến vẽ truyền thần cho nàng: bức thứ nhất đúng vẻ ngoài nhưng không có thần; bức thứ hai có thần nhưng không sống động; bức thứ ba, nàng cố giữ tự nhiên, nét mặt và cử động bình thường nên bức tranh thật hoàn hảo. Do đó mà có chữ hữu thần.

VĂN CHƯƠNG VÔ MỆNH LUỴ PHẦN DƯ: Theo tiểu sử thì Tiểu Thanh văn thơ trác tuyệt, nàng có nhiều sáng tác, nhưng khi nàng chết rồi, người vợ cả đã đốt mất bức tranh số một và tập thơ phú, còn sót lại được 9 bài tuyệt cú, 1 bài cổ thi, 1 bài từ, và bức thư gửi cho chồng. Số thơ còn lại đó là PHẦN DƯ. Vì văn chương bị đốt nên VÔ MỆNH. Văn chương tuy không có mệnh, nhưng phần còn lại cũng làm bi lụy tha nhân.

CỔ KIM HẬN SỰ THIÊN NAN VẤN: Thiên hạ cũng bàn luận rất nhiều về chữ HẬN này, nhưng BS thì hiểu rằng cuộc đời của Tiểu Thanh là một mối hận cho nàng, hoặc là mối hận sầu của thế nhân cho người đẹp tài hoa mà bạc mệnh. Nỗi hận này có hỏi trời cũng khó.

PHONG VẬN KỲ OAN NGÃ TỰ CƯ.: Cái nỗi oan kỳ lạ của người tài hoa, phong nhã, ta đã sống trong cảnh đó rồi nên rất thông cảm.

Câu này, mọi người đều cho rằng Nguyễn Du là người có tài, có “phong vận “ mà cũng chịu nỗi kỳ oan như nàng Tiểu Thanh. Điều này thì BS không đồng ý.

Nguyễn Du là cựu thần nhà Lê, khi Lê mất, ông không theo Tây Sơn, sang Tầu, cùng một người thân vốn gốc Quảng Tây là Nguyễn Đăng Tiến. Trở về năm 1790 khi người anh là Nguyễn Đề đang làm quan với Tây Sơn. Năm 1796, ông trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, nhưng bị Nguyễn Thận bắt giam ở Nghệ An 3 tháng. Trở về Bắc, ông được anh vợ giao cho trang trại ở Quỳnh Hải.

Sau khi lên ngôi năm 1802, năm 1803, Gia Long ra Bắc, Nguyễn Du đem quân lương đến dâng vua, được phong tri huyện Phù Dung. Ông được vua trọng dụng, lên chức rất mau, năm 1813 được làm Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ dù ông chỉ đỗ tam trường, và được cử đi sứ Trung Hoa.

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, ông lại được cử đi sứ Tầu, nhưng qua đời trước khi lên đường. Ông ra đi nhẹ nhàng, không một lời trăn chối.

Cứ coi như vậy thì Nguyễn Du làm quan nhà Nguyễn là tự nguyện, không ai bắt buộc cả, không có thất chí hay chịu oan khiên gì mà phải ví mình với Tiểu Thanh.

BẤT TRI TAM BÁCH DƯ NIÊN HẬU
THIÊN HẠ HÀ NHÂN KHẤP TỐ NHƯ.

Như vừa nói ở trên, 2 câu thơ này đúng là 2 câu chót của bài thơ, không phải là thơ khẩu chiếm khi sắp chết mà hậu duệ gắn vào. Chẳng lẽ ông lại làm bài thơ có 6 câu? Nếu 8 câu thì 2 câu chót ra sao? Thất niêm cũng đâu có sao, Lý Bạch còn thất niêm trong bài Hoàng Hạc Lâu mà!

Tại sao lại TAM BÁCH DƯ NIÊN HẬU?

LB dẫn bài của Phan Văn Hùm” tính ra từ năm Gia Tĩnh triều Minh (1522) tới năm Canh Thìn (1820) thì sẽ sít số 300 năm “ Gia Tĩnh Triều Minh là truyện Kiều, đâu phải Tiểu Thanh.

Tiểu Thanh sinh năm 1594, chết 1612. Tính tới khi Nguyễn Du chết 1820 thì mới có 226 năm. Những sách khác không thống nhất: nàng sinh thời Minh mạt hoặc Thanh sơ thì quá ngắn, kém xa 300 năm.

Theo Dương Châu Mỹ Nữ, “ở Tây Hồ có mộ của 2 người đẹp, Tô Tiểu Tiểu thời Nam Tề, và Phùng Tiểu Thanh thời Minh sơ.” Theo sách này, ông nội Tiểu Thanh phò Chu Nguyên Chương, cha của nàng làm Thái Thú Quảng Lăng. Khi cháu nội Chương lên ngôi là Huệ Đế, thì bị chú là Yên Vương Chu Lệ cướp ngôi, toàn gia họ Phùng bị giết, trừ Tiểu Thanh, đó là năm 1402, khi nàng đang tuổi cập kê, tức 14-15 tuổi. Nàng mất 3-4. năm sau, tức 1405-1406. Theo một số tác giả, thì bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký được làm khi Nguyễn Du chu du ở Tầu 3 năm, 1787-1790 như vậy khoảng cách là 1790- 1406= 384 năm, quá nhiều để viết TAM BÁCH DƯ NIÊN.

Tóm lại, còn nhiều nghi vấn về bài thơ, chưa có câu trả lời thỏa đáng,dù đó là một bài thơ rất hay. Đây là bản BS dịch theo cách hiểu của mình:

Ghi Sau Khi Đọc Tiểu Thanh

Tây Hồ hoa cỏ đã hoang vu,
Trước song ghi điếu một đoạn thơ,
Nhan sắc có thần, thương phận bạc,
Văn chương vô mệnh chịu tiêu sơ,
Xưa nay chuyện hận trời không thấu,
Oan lạ tài hoa đã hiểu dư,
Ba trăm năm lẻ sao mà biết,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như.

Bát Sách.
(Ngày 03 tháng 03 năm 2023)
***
Nguyên tác:       Phiên âm:

讀小青記 - 阮攸 Độc Tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du

西湖花苑盡成墟 Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
獨吊窗前一紙書 Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
脂粉有神憐死後 Chi phấn hữu thần liên tử hậu
文章無命累焚餘 Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
古今恨事天難問 Cổ kim hận sự thiên nan vấn
風韻奇冤我自居 Phong vận kỳ oan ngã tự cư
不知三百餘年後 Bất tri tam bách dư niên hậu
天下何人泣素如 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Dịch thơ:

Đọc Truyện Tiểu Thanh

Tây Hồ hoa héo cảnh hoang sơ,
Bên cửa viếng nàng qua tập thơ.
Nhan sắc có thần lưu nuối tiếc,
Văn chương bạc mệnh bị phai mờ.
Xưa nay khổ hận chỉ trời thấu,
Phải sống oan tình cả giấc mơ.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Ai người còn nhớ khóc nhà thơ.

Phân tích bài thơ:

Là người Việt Nam, ai cũng biết đến đại thi hào Nguyễn Du. Người ta, cũng như riêng tôi trước đây, biết đến ông qua Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều, một đại tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát. Qua bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du còn giỏi về thơ Đường Luật. Nhiều người đã dịch và bình luận về phần hồn của bài thơ Đường luật này. Ở đây tôi muốn thử phân tích phần xác hay kỹ thuật của bài Thất Ngôn Bát Cú để thấy rõ thi tài của Nguyễn Du.

Luật

Luật của bài thơ TNBC điều tiết âm thanh theo chiều ngang trong nội bộ mỗi câu. Luật được căn cứ vào chữ thứ 2 của câu đầu. TNBC làm theo Luật Bằng nếu chữ thứ 2 ở câu đầu thuộc thanh bằng và theo Luật Trắc nếu chữ thứ 2 ở câu đầu thuộc thanh trắc. Luật quy định thanh các chữ 2, 4, 6 trong câu 1 như sau:

Thứ tự trong câu 2 4 6

Luật Bằng B T B
Luật Trắc T B T

Trong câu 1 bài Độc Tiểu Thanh Ký: Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, chữ Hồ thanh bằng; như thế bài thơ theo luật bằng.

Niêm

Nếu Luật quy định phân phối âm thanh theo chiều ngang, Niêm phối hợp âm thanh theo chiều dọc của bài thơ. Niêm (nghĩa đen là dính) là sự kết nối âm thanh của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật. Niêm đòi hỏi 2 chữ ở cùng vị trí trong 2 câu khác nhau phải cùng thanh bằng hoặc cùng thanh trắc.

Cặp câu 2 và 3 niêm với nhau. Cặp câu 4 và 5 niêm với nhau. Cặp câu 6 và 7 niêm với nhau. Câu 8 niêm với câu 1 khép kín bài thơ.

Do luật bằng trắc đòi hỏi, một bài thơ đúng niêm thì các câu 1, 4, 5, và 8 phải niêm với nhau, và các câu 2, 3, 6 và 7 niêm với nhau.

Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Thất niêm là một cấm kỵ trong thơ Đường luật. Phải chăng trong hai câu cuối, cụ Nguyễn Du đã cố tình thất niêm để kết luận nổi bật:

Bất tri tam bách dư niên hậu      Ba trăm năm nữa làm sao biết
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Thiên hạ ai người khóc Tố Như

Vận

Vận hay vần của bài thơ là vần của những chữ cuối câu. Theo nhiều tác giả, chỉ có vần bằng được gieo trong thơ Đường luật và vần trắc không chính quy. Điều này có lẽ đúng vì rất hiếm thấy bài thơ vần trắc trong các câu 1, 2, 4, 6 và 8.

Bài Độc Tiểu Thanh Ký vần bằng trong các câu 1 khư, 2 thư, 4 dư, 6 cư, và 8 như.

Tiết Tấu

Thơ luật TNBC ngắt nhịp chẵn/lẻ (âm dương). Vì cần luật, niêm, đối xứng để tạo âm điệu, 7 chữ trong mỗi câu thơ được chia ra 2 nhóm nhất định: 4 chữ và 3 chữ (4/3) hoặc 2 chữ, 2 chữ và 3 chữ (2/2/3).
Bài Độc Tiểu Thanh Ký theo nhịp 2/2/3 trong tất cả 8 câu.

Bố Cục

Ngoài hình thức chặt chẽ của luật bằng trắc đã đề cập ở các mục trên, một bài TNBC, gồm 56 chữ chia làm 8 câu mỗi câu 7 chữ, phải nói lên trọn vẹn một câu chuyện với một bố cục và đối xứng nhất định. Nội dung câu chuyện phải diễn tả theo trình tự 4 phần:

Đề

Đề ấn định bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra và gồm có hai phần:
Phá đề gồm câu 1 mở đầu hoặc giới thiệu câu chuyện.

Thừa đề gồm câu 2 nối tiếp ý cho biết thời điểm, nơi chốn...

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ hoa héo cảnh hoang sơ,
Bên cửa viếng nàng qua tập thơ.

Câu 1 nhập đề với vườn hoa hoang phế ở Tây Hồ. Câu 2 cho biết địa điểm và hoàn cảnh gặp Tiểu Thanh.

Thực

Thực hoặc trạng gồm câu 3 và câu 4 nói lên ý định, nội dung bài thơ.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Nhan sắc có thần lưu nuối tiếc,
Văn chương bạc mệnh bị phai mờ.

Nội dung miêu tả nhân vật chính, người có nhan sắc và thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết. Nàng còn là người giỏi văn thơ, nhưng gặp số xấu, sách vở bị đốt cháy. Người đời chỉ biết đến văn chương của nàng qua các trang giấy vụn còn sót lại.

c. Luận

Luận gồm câu 5 và câu 6 bàn luận rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Xưa nay khổ hận chỉ trời thấu,
Phải sống oan tình cả giấc mơ.

Nới rộng đề tài, số mạng sướng khổ chỉ có trời mới biết. Con người phải chấp nhận sống với số mạng của mình, mà ông cho là tự mình chọn lựa.

d. Kết

Kết gồm câu 7 và câu 8 chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Ba trăm năm nữa làm sao biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như

Đọc nội dung bài thơ, ta có cảm tưởng cụ Nguyễn Du viết về Tiểu Thanh để nói lên thân phận của chính mình. Phần kết của bài thơ xác nhận điều này.

Đối Xứng

Câu 3 và câu 4 phải đối nhau về chữ và về ý. Câu 5 và câu 6 phải đối nhau như thế.

Đối chữ được xét dưới 2 phương diện: thanh của chữ và loại của chữ. Thanh như trắc đối với bằng hoặc bằng đối với trắc. Loại của chữ có nghĩa là danh từ phải đối với danh từ, tính từ phải đối với tính từ, động từ phải đối với động từ, trạng từ phải đối với trạng từ, cụm từ phải đối với cụm từ...
Về ý, có chính đối và phản đối. Chính đối khi 2 ý tương hợp. Phản đối khi 2 ý trái ngược nhau.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu đối với
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn đối với
Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Kết luận:

Bài thơ là một tuyệt tác văn chương.

Phí Minh Tâm
ngày 10-3-2023

***
Bài Cảm Tác

Ta còn đang sống sờ sờ
Già cao tuổi hạc chẳng nhờ tới ai
Văn chương chữ nghĩa ai tai
Viết ra mình đọc lai rai qua ngày
Con cái nào chữ trên tay
Văn mình vợ khách thật hay vô cùng
Ta rồi cũng biết cáo chung
Sống để bụng chết khôn cùng mang theo!

Đồ Cóc

1 nhận xét: