Tôi không biết thế giới nghĩ gì về Hạ Viện Pháp sau khi bà Thủ Tướng E.Borne, trưa thứ năm vừa qua, tuyên bố sử dụng điều 49.3 trong Hiến Pháp để thông qua dự luật « Cải cách hưu trí « (nâng tuổi đi hưu từ 62 lên 64), tránh sự biểu quyết ở Hạ viện, do sự chênh lệch số phiếu (2, 3 ?) giữa phe ủng hộ và phe chống?
– Riêng tôi thì tôi rất xấu hổ!
Tôi xấu hổ vì "một con sâu làm sầu nồi canh". Con sâu đó là đám đảng viên ‘’Pháp Quốc Bất Khuất’’ / LFI (La France Insoumise).
Không như trong nhiệm kỳ đầu 2017, sau bầu cử Hạ Viện tháng 6/2022, "liên-minh-3-đảng" (RE/DEM/HOR) ủng hộ Tổng thống Macron đã mất đa số tuyệt đối ( >= 289 ghế ) để có thể biểu quyết (thuận) các dự luật của chính phủ.
Về phía đối lập, có 4 ‘’khối’’ : Cực hữu ‘’Mặt Trận Quốc Gia’’(Rassemblement National / Le Pen), liên-minh NUPES ( LFI / Xã Hội SOC/ Sinh Thái – ECO / Cộng Sản + ‘’hải đảo’’ Réunion/Martinique/Polynésie./GDR.), Hữu ôn hòa ‘’Những người Cộng Hòa’’ Les Républicains (LR), LIOT (Tự Do-Độc lập-Hải Ngoại- Lãnh thổ )
Đảng cực hữu RN và đảng cực tả LFI như mặt trời và mặt trăng, chung một mái Hạ Viện nhưng không chung một bầu trời.
Từ một trong những chính đảng cầm quyền dưới 2 nền đệ 4 và đệ 5 Cộng Hòa, sự thất cử Tổng Thống của ông Fillon (đảng LR) năm 2017, cùng sự hợp tác với ông Macron của một số đảng viên ( Thủ tướng E.Philippe , các Bộ Trưởng B.Lemaire, G.Darmanin ..vv ), đã khiến LR tuột dốc một cách thảm hại, trở thành một đảng ‘’thầm lặng’’ !
Dự luật ‘’Cải cách hưu trí ‘’ của chính phủ, được phe "Hữu ôn hòa" ( liên-minh-RE_DEM_HO và đại -đa-số đảng viên LR) ủng hộ.
Ủng hộ hay chống đối là chuyện, không những bình thường, mà còn phải có, trong một chế độ tự do, dân chủ như Pháp. Không ai đòi hỏi các dân biểu, mà khuynh hướng chính trị trái ngược nhau, phải đối xử, tranh luận vv trong tinh thần ‘’tương thân, tương kính’’. Nhưng phải có một giới hạn, một giới hạn tối thiểu, cái giới hạn tổi thiểu của một người đại diện dân (dân biểu), tôi gọi đó là tư cách. Tư cách của một người đại diện dân. Cái tư cách đó, nó đã không có ở những con sâu ‘’LFI’’. Những con sâu của một ‘’Pháp quốc bất khuất’’ (nhưng không ‘’bất khuất’’ trước .. Putin như ông Xếp Melenchon ?!)
Giới hạn gì khi ‘’dân biểu’’ Thomas Portes, cựu đảng viên CS, đeo khăn-quàng cờ Pháp, chân đạp lên đầu ( quả bóng in hình ) Bộ Trưởng Lao Động M. O.Dussopt và kêu gọi ông này rút lại ‘’dự luật’’. Trong một thế giới tự do, cái tweet ‘’choqué’’ của ‘’dân biểu’’ Portes không đáng ngại cho bằng có 3k người ‘’thích’’ !!!!
Giới hạn gì khi Aurélien Saintoul, đồng viện, đồng đảng với Portes, trong một buổi tranh luận, đã lên tiếng kết án ông Bộ Trưởng Lao Động là ‘’mạo danh, sát nhân’’ ?
Giới hạn gì khi ‘’dân biểu’’ LFI Delogu hành hung ông phó hiệu trưởng và bà cố vấn trưởng ( conseillere principale) trong cuộc phong tỏa một trường trung học đệ nhị cấp ở Marseilles ?
Chiếc áo không làm nên ‘’dân biểu’’ nhưng hình ảnh Louis Boyard, người sinh viên 21 tuổi, bỏ học ( năm thứ 2 Luật) đi làm ‘’dân biểu’’, quần jean ‘’bụi‘’, áo chemise, đứng phát biểu trong quốc hội, vẫn làm tôi khó chịu ! Quốc hội, chứ bộ ở ngoài đường hay sao mà trang phục ‘’thoãi mái ‘’ thế ? Mà không chỉ mình tôi là không chịu nổi ông dân biểu nhí này, ngay mấy đồng chí LFI của Boyard cũng thế. Như tựa bài viết của ‘’Celestine Gentilhomme và P.Lepelletier’’ trên Figaro (16/03/2023) ‘’Louis Boyard, l'agitateur Insoumis qui irrite jusqu'à son propre camp’’ !
Thomas Portes sau đó đã bị Hạ Viện ‘’kỷ luật’’, Aurélien Saintoul đã rút lại lời nói và xin lỗi ông Dussopt, Delogu thì đang chờ kết quả điều tra. Nhưng L.Boyard thì vẫn trang phục như dân (đi) biểu … tình !
Những chuyện đó là ‘’chuyện nhỏ’’. Cái đáng nói là chuyện tranh luận và biểu quyết dự luật ở Hạ Viện.
Trước khi chuyển ‘’dự luật’’ sang Thượng Viện, Hạ viện có 2 tuần để tranh luận, biểu quyết (vòng đầu). 2 tuần nhưng phải thảo luận về 20.000 ‘’sửa đổi’’ (amendement) do các dân biểu đưa ra. Trong ‘’20.000’’ sửa đổi, 17.000 của liên-minh Nupes, trong đó 13000 là của đảng LFI !
Tôi đã theo dõi một vài cuộc tranh luận thì thấy giống như đang ở chợ Cầu Ông Lãnh, chợ cá Trần quốc Toản vv, mà đám LFI là những mụ bán hàng to tiếng nhất, ồn ào nhất. Cuối cùng, dù đã rút lại rất nhiều ‘’sửa đổi’’ nhưng, do không có đủ ngày giờ, Hạ viện chỉ biểu quyết được 2 điều, trong số 20 điều của ‘’dự luật’’ (quan trọng nhất là điều 7 : 62 à 64) , trước khi chuyển qua Thượng Viện
Mục đích của đảng LFI là ‘’câu giờ’’ để các công đoàn gây áp lực với chánh phủ, qua các cuộc biểu tình, đình công vv Nhưng, ‘’gậy ông đập lưng ông’’ ! Trên đài truyền hình BFMTV (19/2), ông Philippe Martinez, Tổng thư ký (đứng đầu) CGT, đã nêu đích danh ông Melenchon là ‘’cố tình ngăn chận Hạ Viện tranh luận điều số 7 (‘’.. Ce qui a été fait à l'Assemblée nationale et le fait de ne pas aller à l’article 7 (...) c’est un problème. Quand il (Jean-Luc Mélenchon) fait les choses comme cela, non. Il ne favorise pas la clarté des débats, la clarté des positions, et cela perturbe effectivement un certain nombre de salariés que l’on croise qui se demandent ce qui se passe ..’’) . Như ông Martinez, ông Laurent Berger, Tổng thư ký CFDT (công đoàn mạnh nhất Pháp), trong buổi nói chuyện trên đài phát thanh Europe 1 (20/2) , cũng bất mãn trước đường lối ‘’cản trở tranh luận’’ của các dân biểu LFI .Về ngày ‘’huy-động’’ ( mobilisation) 7/3, ông Berger xác định : ‘’các cuộc biểu tình sẽ không có cái ‘’bordel’’ như trong Hạ Viện ! Ông Berger dùng từ ‘’bordel’’ ( từ ‘’bình-dân’’ ) để nói về cái không khí hỗn tạp (grand désordre) ở Hạ Viện nhưng ai cũng hiểu là ông nhắm vào các dân biểu ‘’bất khuất’’ (!) ; một từ rất đúng, rất ‘’hợp cảnh, hợp tình’’. Bordel còn có nghĩa là ‘’thanh-lâu’’ (nhà thổ) !!!
Đưa ra dự luật ‘’cải tổ hưu trí’’ bây giờ, dù không có ‘’đa số tuyệt đối’’ trong Hạ Viện, không chỉ vì đó là một trong những điểm chánh trong chương trình của ứng- cử -viên -tổng -thống Macron năm 2022, mà vì ông Macron biết là ông có hậu thuẫn của đảng LR (chương trình của bà Pecresse, ứng cử viên (LR) Tổng Thống năm 2022, đưa ra tuổi đi hưu là 65 ! ) .
Ở Thượng Viện, dự luật cải tổ được thông qua trong một không khí tranh luận và biểu quyết nghiêm chỉnh, do phe ‘’Cộng Hòa’’ (LR) chiếm đa số, liên minh Nupes lại do đảng Xã Hội cầm đầu, nên đã không bị quấy phá một cách vô văn hóa như với đám LFI ở Hạ Viện .
Thay vì 577, số dân biểu hiện nay là 573 (3 từ chức,1 từ trần ). Để thông qua mọi dự luật, cần phải có ‘’đa số tuyệt đối’’ là 287 phiếu. Trừ 250 phiếu của liên đảng ủng hộ ông Macron, còn lại là 323 phiếu. Muốn được con số 287, quyết định là ở đảng LR ( 61 phiếu) . Mặc dầu ‘’bộ chỉ huy’’ đảng đã lên tiếng là LR ủng hộ dự luật nhưng có một số ‘’xét lại’’, hoặc không tán thành, hoặc ‘’rét’’, sợ không được đắc cử lần tới ( Hạ viện do dân bầu , Thượng viện do các thị trưởng , xã trưởng ..( maire ) bầu), nên đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại ‘’dự luật’’. Nên, dù ''có thể'' sẽ thiếu 2, 3 phiếu ‘’LR’’ trong biểu quyết trưa 16/5 vừa qua, chính phủ đã quyết định dùng điều 49.3 để thông qua dự luật. Ông Macron không muốn đùa với lửa! Chuyện này đã làm um sùm lên. Thiên hạ ùn ùn xuống đường chống đối, đình công ! Và đã có 2 biểu quyết ‘’bất tín nhiệm’’ chính phủ được 2 nhóm dân biểu đưa ra : nhóm cực hữu RN và nhóm ‘’Độc lập’’ LIOT ( với sự ủng hộ của Nupes + RN ) .
Cuộc bỏ phiếu ''bất tín nhiệm chính phủ Borne" sẽ là chiều hôm nay, 20/3 .
Mọi người, chống hay ủng hộ ‘’dự luật’’, đều quay nhìn về đảng LR. Cuộc thăm dò mới nhất của BFMTV (20/3) cho biết: sẽ có 264 phiếu ‘’bất tín nhiệm’’ , trong đó 9 đã là của ‘’LR’’. Còn thiếu 23 phiếu nữa mà, đa số, phải là của đảng LR ( còn ai trồng ... ''bầu'' đất này) ?!
Khi buộc phải lựa chọn giải pháp 49.3 , là ông Macron đã mất niềm tin vào khối LR ( hứa cho nhiều , rồi lại … không (đủ) ! ) .Lỗi không phải của ‘’thủ lĩnh’’ Ciotti, cũng không phải của một số dân biểu LR ‘’chống’’, đó chỉ là ‘’đường lối’’ mà ông Ciotti đưa ra, ai muốn rẻ hướng khác cũng chả sao. Không có đảng viên nào bị đi học tập hay tịch thu tài sản cả !!!
Cuộc biểu quyết lần này, khác với thứ năm vừa qua. Là ‘’bất tín nhiệm’’ chính phủ. Không biểu quyết dự luật ‘’cải tổ’’ không có nghĩa là ‘’bất tín nhiệm’’ chính phủ.
Giả dụ như chính phủ E.Borne bị lật đổ chiều nay thì chuyện gì sẽ xảy ra? – Ông Macron sẽ giải tán Quốc Hội, ‘’cho đi lại từ đầu’’. Với khủng hoảng hiện nay, chính phủ mới sẽ thuộc về một trong hai ‘’Cực’’ : RN hoặc LFI (!). LR tuột dốc đã đành mà các công đoàn cũng chả có gì để ‘’ hả hê ‘’ !
Tưởng tượng có một ông thủ tướng (triệu phú) mặc áo đại cán, lớn tiếng chửi rủa ''đám tư sản mại bản'' là những con ký sinh trùng (parasites) là tôi đã muốn ... vượt biên !
BP
20/03/2023
Pháp đang rất rối ren
Trả lờiXóa