Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Đoạn Trường Tân Thanh: Tác Phẩm Tư Tưởng (Tiếp Theo)


          Trong phần trước, người viết đã nêu ra hai điểm đầu tiên chứng tỏ Đoạn Trường Tân Thanh là tác phẩm Tư Tưởng: l) Tại sao Nguyễn Du dùng nhan đề Đoạn Trường Tân Thanh?, 2) Lý do Nguyễn Du phóng tác quyển’Kim Vân Kiều truyện’ của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong bài nầy, người viết xin nêu những sự việc trong tác phẩm để chứng minh ĐTTT là tác phẩm tư tưởng.


         I.-  ‘Tử’ và ‘Sinh’ tương tại đồng thời, song song, trái ngược :

         Kết thúc của tác phẩm liên hệ đến ba nhân vật trong truyện : Đạm Tiên, Kim Trọng và Thúy Kiều. Cả ba nhân vật nói lên cái lẽ ‘Tử Sinh’ trong vòng tại thế.

          * Đạm Tiên, hồn ma người quá cố, hình ảnh của tang tóc, đoạn trường, chết chóc, vây phủ Kiều màu đen, sắc tối, nhắc nhở nàng cái bất lực của con người, cái vô hiệu của mọi tính toán vượt thoát cảnh đời ngang trái, trầm luân.

          * Kim Trọng, hình ảnh thực tại, sống động, hình ảnh cuộc sống hiện thực tươi vui, êm đềm lúc nào cũng lôi kéo Kiều vọng tưởng, ước mơ, tìm về, gặp lại.

          ‘Âm cảnh, Dương trần’, hai cõi, hai nơi, hai cuộc sống, hai cảnh đời song song, trái ngược hầu như lúc nào cũng tương tại đồng thời nơi Kiều, dù đôi lúc không hiện về thực sự trong tâm tưởng thì vẫn hiện diện qua lời than, tiếng khóc, nỗi nhớ, niềm hoài. Hai hình ảnh của Chết và Sống, của Tử và Sinh xuất hiện nơi Kiều không cách xa nhau mấy, cùng trong buổi chiều, cùng trong ngày Thanh minh sau buổi Lễ Hội.

          Hình ảnh Đạm Tiên gợi cho Kiều cái ám ảnh của đoạn trường, bạc mệnh, cái bạc bẽo vô nghĩa của cuộc đời. Cái ‘bây giờ’ của Đạm Tiên nơi Kiều là là một hiện tại của một quá khứ bi thương : ‘Thấy người nằm đó, biết sau thế nào !’. Hình ảnh Đạm Tiên là hình ảnh của cái Cộng nghiệp người, của giới đàn bà theo dõi đời Kiều, mượn qua Kiều mà thị hiện : ‘Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung’. Đạm Tiên, hình ảnh của quá khứ được ‘thực tại hóa’ nơi Kiều. Đấy là hình ảnh cuộc đời, cuộc đời thực sự đang và sẽ diễn ra ; đấy là cuộc sống tại thế của mỗi người dù Kiều, Kim, Vân, Quan, Thúc, Hoạn, dù Mã Giám Sinh, Từ Hải, Bạc Bà, Bạc Hạnh,…, dù là mỗi chúng ta hiện nay, dù là ai khác trong ngày tới. 

          Kim Trọng, ngược lại, hình ảnh của hạnh phúc sáng lạng, tươi vui, hình ảnh của thông giao, tri ngộ, hình ảnh của gắn bó, dựng xây, đồng hợp ‘sáng tạo’ cho nhau. Kim Trọng, hình ảnh của cái Sống náo nức, rộn ràng, của con tim sống động, hình ảnh của hiện thực, của niềm tin, của sức sống bây giờ và ngày tới. Kim Trọng, hình ảnh hiện thực bị đẩy xô về quá khứ để lại được ‘tương lai hóa’ nơi Kiều. Hình ảnh hiện thực trở thành mộng và mơ. Niềm mơ, cơn mộng lại trở thành hiện thực để lại mất đi trong hiện thực, rồi lại trở thành mộng và mơ lẽo đẽo bay bay trong dòng sống hiện thực của Kiều (cho mãi đến lúc Kiều tắt hết ý chí và nghị lực để sống,  phải tự tử nơi sông Tiền Đường). Kim Trọng biến thành tiếng gọi, lời mời để Kiều vọng về hầu có nghị lực chịu đựng mọi ma nghiệt, trầm luân.


          Tử và Sinh, Chết và Sống, Thực và Mộng, qua hai hình ảnh Đạm Tiên, Kim Trọng luôn luôn hiện diện nơi Kiều nhưng cái xa xôi lại cần kề, gần gũi, cái cận kề gần gũi lại lãng đãng, xa xôi. Đạm Tiên, hình ảnh viễn ly mà cận lập ; Kim Trọng, hình ảnh cận lập mà viễn ly (phỏng theo M; Heidegger: ‘la proximité du lointain, le lointain proche’). Hai hình ảnh trái ngược mà đồng hành, tương phản mà tương tại, nghịch chiều mà từng lúc giao thoa nơi Kiều. Đạm Tiên, hình ảnh quá khứ mà thực tại, hình ảnh cuộc đời đau khổ trước mắt. Kim Trọng, hình ảnh thực tại bị đẩy lùi về quá khứ để dịch chuyển về tương lai nơi Kiều, hình ảnh tạo động lực, niềm tin và hình bóng chập chờn của hạnh phúc.

          Kiều và cả chúng ta không thoát ra khỏi hai hình ảnh đó. Không riêng Kiều, mỗi chúng ta đều có một Đạm Tiên của mình và một Kim Trọng cho mình.


          Đạm Tiên, Kim Trọng, Thúy Kiều, bô ba nầy cặp kè, tương tại và đồng hành. Bô ba nầy là toàn bộ cơ cấu của sinh hoạt con người. Đạm Tiên, con người trừu tượng, cái tôi xã hội, cái tôi tại thế của hữu thể, cái ‘tôi cộng nghiệp’, cái ‘tôi khách thể’ (le moi-objet) trong dòng đời. Kim Trọng, cái tôi siêu vượt nơi Kiều, cái ‘tôi tín ngưỡng’, cái ‘tôi thăng hoa’ (le moi transcendental), cái  hướng lực dìu dắt hiện thể qua từng chặng đường của cõi tại thế. Thúy Kiều, cái tôi tự do, cái ‘tôi chủ thể’ (le moi-sujet), cái tôi biệt nghiệp trong dòng cộng nghiệp. Hiện hữu là trường chấp tranh miên viễn giữa ba cái ‘Tôi’ đó. Thân phận con người thể hiện qua mối chấp tranh đó. Không có mối chấp tranh đó thì cuộc sống tại thế không có ý nghĩa gì, không có thành tựu gì và xã hội nhân loại chẳng có tiến bộ, văn minh, văn hóa và cả tiến hóa nữa.


          Khoảng cách xuất hiện giữa Đạm Tiên và Kim Trọng, giữa Chết và Sống không xa khiến ta có thể nghĩ rằng tác giả để hai hình ảnh (dù đã có sẵn nơi tác phẩm của Thanh Tâm Tài nhân) cặp kè, cận lập, không phải thay chỗ cho nhau mà cùng đồng hành song song và chỗ cuối cùng để gặp là chỗ tan hóa hình ảnh nầy vào hình ảnh kia, hay đúng hơn, cả hai tan hóa vào nhau, tạo nên cảnh sống lại của Kiều không còn Đạm, không còn Kim với ý nghĩa buổi ban sơ phùng ngộ, cảnh sống ‘Có trong Không’, cảnh sống ‘Hữu Dư Niết Bàn’ theo từ ngữ nhà Phật (người viết hiểu ‘Hữu Dư Niết Bàn’ không theo Sư Nhất Hạnh cùng các học giả Phật học trước nay). Từ đó, ta hiểu tại sao vãi Giác Duyên đã ‘mây bay hạc lánh biết là tìm đâu’, không cho Kiều gặp để Kiều không trở thành ni cô, sư nữ. Kim Kiều đã sống trong trạng thái đó, trạng thái ‘Có trong Không’, trạng thái ‘Bất trụ vô vi, bất tận hữu vi’ của nhà Phật. Nguyễn Du đã hiểu lời Phật không như chúng ta hiểu lâu nay.

          Một điều cần để ý thêm hầu bổ túc thêm cho những điều vừa nói : tác phẩm đã mào đầu đời Kiều bằng một ‘Ngày Vui Lễ Hội’ để kết thúc cuộc đời đoạn trường của nàng  cũng bằng một ‘Ngày Vui Lễ Hội’ không giống trước. Đấy là chỗ kỳ  lạ của câu truyện đã khiến Nguyễn Du phóng tác tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.


          2.- Câu hỏi của Thúy Kiều và báo biểu của Đạm Tiên :

          Sau ngày vui Lễ Hội, sau cuộc giáp mặt giữa Chết (Đạm Tiên) và Sống (Kim Trọng) , sau lần họa thơ, Kiều buồn rầu, than van, tự hỏi : ‘’Đoạn trường là sổ thế nào, Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia !?’’. Câu hỏi đó, nàng không trả lời và cũng chẳng thể trả lời. Câu hỏi đó lại do thần Chết -Đạm Tiên- trả lời cho nàng, 15 năm sau, lúc nàng thiêm thiếp được vãi Giác Duyên vớt lên từ sông Tiền Đường : ‘’Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đem mà trả nhau, Còn nhiều hưởng thụ về sau, Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào’’. Vừa trả lời vừa cho biết cuộc sống của Kiều từ nay. Sao là Đạm Tiên mà không là ai khác ? Sao không là Vãi Giác Duyên, Sư Tam Hợp hay một thiên sứ trên trời ? Đạm Tiên là hình ảnh cuộc đời đau khổ. Chính cuộc đời trả lời cho KiềuCuộc đời báo biểu cho Kiều biết mọi đau khổ của đời nàng chấm dứt từ nay và mọi vần thơ đau khổ (do nàng đã họa với Đạm Tiên trong cơn chiêm bao gặp Đạm sau ngày Hội Thanh Minh) tức mọi sự việc gây khổ cho nhau giữa mọi người, mọi trang đời, mọi trang lịch sử khổ đau của nhân loại đã trút đổ lên nhau, từ nay chấm dứt, từ nay xóa sạch và những gì đã có bị mất đi (với Kiều là gia đình, tình yêu) , cái ‘duyên’ xưa ấy nay trở về đầy đủ  như thuở ban đầu và từ nay trở đi là hạnh phúc dồi dào, cái hạnh phúc cùng lúc ‘có trong không’ và ‘không trong có’. Do đâu ? Do biết ‘’trăm năm để một tấm lòng từ nay’’như Kiều ngay giữa cảnh ‘’Lỡ làng nước đục bụi trong’’. Đấy là cái ‘giá chuộc’ tất yếu nằm trong ‘luật bù trừ’ (loi de compensation) của Lẽ Đạo. 

          Hiểu ĐTTT  là tác phẩm tư tưởng, thì đoạn trả lời của Đạm Tiên cho câu hỏi của Thúy Kiều cho thấy cái chốn sẽ về, cái nơi sẽ đến của cuộc sống thế gian, của cõi hiện hữu dẩy đầy đau khổ, tang thương. Diễn tiến lịch sử nhân sinh sẽ đến thời kỳ cáo chung đoạn trường để tất cả những gì tốt đẹp đã mất đi (cái Tự thể, Tính thể, Đạo thể) sẽ lại phục hồi nguyên thể và cuộc sống sẽ là hạnh phúc miên viễn tròn đầy. Đấy là điều mà Phật đã bảo ‘’Khỏ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn’’.’Bến’ (ngạn) là bến bờ đoàn tụ, yên vui, nơi ta về an trú sau cuộc hành trình gian nan mệt mỏi. ‘Bến’ theo nhà Phật là Bến Giác, lúc ta giác ngộ, tỉnh thức (conscience éveillée) , thoát khỏi mọi vô minh, mê huyễn  để tự tại với chính ta, giải thoát ta khỏi mọi phiền não, mê muội, khổ đau do cái ‘Tâm phân biệt’, do bao cái ‘chấp’ từ cái ‘ái kỷ, ái hữu’, cái ‘tham ái’ nơi ta.’Bến’, hiểu trong câu truyện là ‘bến bờ hạnh phúc, yên vui’, giủ sạch hết mọi nghiệt ngã, oan khiên do cuộc đời và do từ ta. Nhưng muốn đến được bến bờ hạnh phúc đó, ta phải ‘hồi đầu’, phải quay đầu nhìn lại cái quá khứ xa xưa, nơi đây là trở về với cái Cội Nguồn nguyên khởi, trở về với Ngôi Nhà Hằng Thể (la maison de l’Être)  tức cái Quê Hương tình mộng ban đầu của muôn đời thi sĩ mà ta đã một lần ra đi để mãi mãi phải đắm chìm trong mê cung, ảo hóa : ‘’Kể từ lạc bưóc buớc ra, Tấm thân liệu những từ nhà liện đi’’ (nơi câu truyện, ‘nhà’ là ngôi nhà cha mẹ của Kiều, trên mặt tư tưởng, ‘nhà’ nơi đây là ‘ngôi nhà hằng thể’, là quê hương, tổ quốc, là Đạo Thể ban sơ). Cái ‘Bến bờ hạnh phúc’ đó là Cõi Vô Sở Trụ của Thể tính Chân Như, là cảnh Vườn Địa Đàng của con người, là Tổ quốc, Quê hương sẽ trở về với con người, với nhân loại sau dọc dài phiêu lưu nơi miền Kiều địa (cõi thế gian) , nơi Đất khách, Quê người nói theo M. Heidegger : ‘Tổ quốc, Kiều địa, Cô hương’ (Patrie-Colonie-Sol natal). Cảnh sống của Kiều sau khi ‘sống lại’càng bội phần đẹp đẽ hơn 15 năm trước vì không còn vướng mắc chút nào ưu tư, buồn phiền, nghi ngại. Cảnh sống bây giờ chính là trạng thái ‘Hữu Dư Niết Bàn’, cảnh ‘Nước Thiên Đàng’ tức miền Cố Quận thân thương cao đẹp hơn trước nhiều, vì bao hành trang tích tụ nơi miền Kiều địa sẽ là điều kiện dựng xây Ngôi Nhà Hằng Thể huy hoàng rạng rỡ hơn xưa, có nghĩa cái Tâm toàn vẹn đối với mình, với người, với tạo vật.

          

          Nhưng tại sao phải ‘quay đầu mới thấy bến ?’. Tại vì cái Cội Nguồn nguyên thể, cái Ngôi Nhà Hằng Thể đó luôn dịch chuyển về tương lai để con người luôn luôn với bắt, luôn luôn vọng về, hồi phục lại cảnh Quê Xưa. Nói theo M. Heidegger là ’Quá khứ của bình minh trong ngày tới của tương lai’’ ‘’Bởi Tiếng gọi (của Lẽ Đạo) từ một Nguyên sơ thăm thẳm, một miền Cố quận được hoàn trả cho chúng ta’ (‘Le jadis de l’aurore dans le futur de l’avenir – Par l’appel en une lointaine Origine, une terre natale nous est rendue’). Do đó mà có Tiến hóa. Nguyễn Du đã nhìn ra điều đó, muốn nói đến điều đó qua tác phẩm phóng tác của mình khi cho thần chết Đạm Tiên trả lời câu hỏi của Thúy Kiều. Nguyễn Du đã nhìn ra điều đó trước M. Heidegger những trên 150 năm.


          3.- Chân lý và kinh nghiệm tại thế qua ‘bài giảng’ của Tú Bà  cho Kiều :

           Một điều quan trọng nữa trong tác phẩm là bài học của chủ động mãi dâm Tú Bà dạy Kiều cũng là dạy cho chúng ta, dạy cho tất cả mọi người bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, Đông Tây kim cổ. Huấn luyện cho Kiều sành nghề gái đĩ, Tú Bà đã nêu ra những chân lý của cuộc sống thế gian. Xin hãy nghe lời mụ dạy cũng xin đôi dòng diễn giải.

          

           * Trước tiên, khuyên Kiều không nên dại dột hủy  mình, mụ nêu ra hai chân lý :

           Chân lý thứ nhất : ’Một người dễ có mấy thân’’.

           ‘Thân’ là tấm thân xác, cái hình hài sắc tướng, cái cấu trúc xác thân của hiện thể. Thân xác chỉ có một, chỉ có một lần, một lần trọn vẹn, không ai có hai thân xác. ‘’Tôi là thân xác của tôi’’ (je suis mon corps), đấy là quan điểm ‘Hiện tượng luận’ của Merleau Ponty. Nào ai chối cãi ?

          Theo tôn giáo, tấm thân là nơi trú ngụ của đấng Tối Linh, là điện đài của Chúa. Ta phải lo lắng bảo trọng nó, không được hủy diệt nó, không được để nó bị bịnh tật, tật nguyền và bắt buộc kẻ khác phải tôn trọng nó. Cuộc tranh đấu mưu sinh thường ngày không phải để lo cho tấm thân sao ?

          Bịnh tật, giam cầm, tra tấn, hành hạ,…đều là thù nghịch với tấm thân. Không có tấm thân xác thì không ‘sống’, từ đó không có những thứ gọi là Tự do, Nhân phẩm, Nhân quyền. Quyền đầu tiên của con người là quyền ‘an toàn thân mạng’. Tấm thân xác là nơi gìn giữ, nuôi dưỡng mọi khả năng, giá trị của con người cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Tấm thân xác không là thứ hàng hóa bán buôn, không là phẩm vật để tiêu dùng.

          Tầm quan trọng của thân xác cùng cái ‘tính thân xác’ (la corporéité) đối với cuộc sống, trước Nguyễn Du cả mấy nghìn năm, văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, cả vùng cựu Hy Lạp, Assyrie, Babylone, Ai Cập,…hầu như chưa có ai, chưa có lời nào đề cập ngoài việc xem thường, xem khinh hoặc khai thác thân xác phục vụ chiếm hữu hay để thỏa mãn dục tính của thân xác.

          Lão Tử trong Đạo Đức Kinh có nói đến tầm quan trọng của thân xác nhưng cũng chỉ thoáng qua : ‘’Ngô dĩ hữu đãi hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn’’ (Ta sở dĩ có lo vì ta có thân. Nếu ta không thân, ta sao có lo).

           Về mặt nầy, Nguyễn Du đã đi trước thời đại, vì hơn 150 năm sau ngày ông mất, Triết lý phương Tây mới nêu thành vấn đề trầm trọng (thuyết Hiện sinh) nhưng rồi lại khai thác cái ‘tính thân xác’ phục vụ cho kinh tế, thương mãi, cho sở thích cảm giác mạnh, cho dục vọng nhục thân bằng mọi kỹ thuật tập luyện, trau dồi, tuy có lên án những hành động bạo hành, diệt chủng.


          Chân lý thứ hai : ‘’Người còn thì của mới còn’’.

          ‘Người’ nơi đây là tấm thân xác. ‘Của’ nơi đây vừa là của cải vừa là cuộc sống. Tấm thân xác có còn thì mới còn cuộc sống. Nào ai sống mà không có tấm thân. Tất cả mọi sinh vật đều sống do từ tấm thân của chúng. Tấm thân có còn, cuộc sống có còn thì mới còn của cải, vì tấm thân là thứ của cải đầu tiên con người sở hữu, thứ của cải làm nên mọi của cải dù vật chất hay tinh thần. Có ai chối cãi điều nầy ? Dĩ nhiên Tú Bà khuyên Kiều đừng hủy hoại tấm thân để mụ có lợi nhuận do tấm thân Kiều đem lại. Riêng với Kiều, có lẽ nàng còn nghĩ đến gia đình (cha mẹ và hai em) và người yêu, đấy cũng là những thứ ‘của cải’ quý giá của cuộc sống con người.

          

          Và khi mụ đã hủy bỏ được cái ‘hợp đồng tiểu tinh’ (làm vợ bé chồng mụ) đã thỏa thuận với Mã Giám Sinh, mụ bắt Kiều ký một hợp đồng mới với mụ, hợp đồng ‘chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa’, mụ bèn huấn luyện cho Kiều qua những chân lý tiếp theo.          

          

          Chân lý thứ ba: ‘’Nghề chơi cũng lắm công phu, Làng chơi ta phải biết cho đủ điều’’.

          Nghề chơi, theo câu truyện là nghề làm điếm, nghề rước khách tìm hoa, nhưng cách nói của Nguyễn Du không giới hạn ở đấy. 

          Trước tiên, nghề chơi, nghề để chơi, nghề phục vụ cho vui chơi vì đời là hí trường, là cuộc chơi, mỗi nghề là ‘một trò chơi của thế giới trong thế giới của cuộc chơi’ (un jeu du monde dans le monde du jeu). Đi vào cuộc đời là đi vào trò chơi lớn, mỗi người phải có một nghề chơi để chơi với cuộc đời. Nghề chơi nơi đây không chỉ riêng là công việc làm kiếm sống hàng ngày theo kiểu ‘lao động là vinh quang’ hay ‘có làm mới có ăn’ mà hiểu rộng hơn là cái khả năng, cái tính chất, cái năng khiếu chuyên biệt của từng người hoặc do thụ bẫm (năng khiếu) hoặc do công phu trau dồi, học tập (trường dạy nghề) hoặc do huân tập trong trường đời, trong đấu tranh với xã hội (kinh nghiệm, thói quen) trước tiên để nuôi dưỡng tấm thân, sau đó tạo nên nhiều thứ khác (giàu sang, địa vị, chức vụ, danh giá, quyền uy,…).

          Cuộc đời bắt buộc mỗi người phải có một ‘nghề chơi’ :  nghề làm ruộng, nghề nấu ăn, nghề thủ công, nghề buôn bán, nghề hớt tóc, nghề thể thao, nghề dạy học, nghề làm phim ảnh, nghề viết sách, nghề in ấn, nghề làm báo, làm nhạc, vẽ tranh, nghề kiến trúc, nghề làm chính trị, kinh tế, nghề nghiên cứu khoa học, …, kể cả nghề đi tu. Có những nghề mà xã hội, đạo đức, pháp luật cấm đoạn : nghề ăn trộm, ăn cướp, nghề ăn xin, nghề đâm thuê chém mướn, nghề cờ bạc, nghề mãi dâm,…

          Nghề chơi nào cũng qua tấm thân xác cho dù là nghề trí tuệ. Nhưng đã gọi là ‘nghề’ thì ít nhiều phải có chuyên môn. Không chuyên môn thì không thể gọi là nghề mà chỉ là côn việc làm phút chốc. Mà chuyên môn thì đòi hỏi kỹ thuật. Kỹ thuật nơi đây bao gồm đủ mọi thứ : khéo chân, khéo tay, khéo mồm mép, khéo mánh lới, khéo thủ đoạn, khéo mưu trí, khéo vận dụng, bố trí, sắp đặt, khéo biết dùng vật liệu, phương tiện, khéo biết chọn thời điểm, thời cơ, khéo tính toán được sở thích, thị hiếu của làng chơi, khéo tiên đoán được nhu cầu, khéo nhìn ra được vận hành diễn biến của sự việc, sự vật, khéo chế tạo ra những thứ mới,…Mọi cái khéo đó phần lớn do công phu học tập hoặc do kinh nghiệm hoặc qua các trường dạy nghề, các trường kỹ thuật. Kỹ thuật càng cao, nghề chơi càng tuyệt nghệ thì càng dễ dàng kiếm được nhiều lợi tức, càng dễ có nhiều hợp đồng làm ăn cao gìá. Một cầu thủ bóng tròn hay giỏi ngày nay chẳng đã được bao thuê cả hàng chục triệu mỹ kim. Vì thế, nghề chơi nào cũng lắm công phu. 

          Tú Bà đã áp dụng sắc sảo điều nầy. Mụ đã biến tấm thân xác sắc tướng ù lì của Kiều thành công cụ thập thành, đủ ‘vành trong, vành ngoài’ để cái ‘tính công cụ’ (outilité) , cái ‘tính phục vụ’ (servilité)  nơi Kiều phát huy đến cùng độ hiệu quả, để chơi cho ‘lăn lóc đá’ hầu  làng chơi đến phải ‘mê mẩn đời’. Nếu chỉ gàn gàn, dở dở, ương ương thì chẳng được tích sự gì, còn bị đánh giá là không sành điệu, không tận tình, không triệt để, không lành nghề, không thượng thặng, không tuyệt tác, không vô địch, không siêu quần bạt chúng, chẳng ai khen mà còn bị coi thường, khinh khi và khó lòng tìm được lợi nhuận. Nhậu nhẹt, cờ bạc, đạo chích, đi buôn, mãi dâm,…và cả những nghề lương thiện cũng vậy.


          Và Làng chơi là cái địa bàn hoạt động của nghề chơi, hay nói có vẻ kinh tế chính trị hơn là thị trường tiêu thụ nghề chơi. Trong làng chơi không hẳn ai cũng giống nhau. Sở thích khác nhau, khuynh hướng khác nhau, tính tình khác nhau, điều kiện khác nhau, môi trường khác nhau,…nghề chơi theo đó phải thay đổi cho phù hợp với khách mộ điệu, với làng chơi. Kẻ nào biết rõ tâm lý, sở thích, nhu cầu của làng chơi mà sử dụng nghề chơi của mình thật kỹ lưỡng, đúng lúc, hợp thời, biết thay đổi ngón nghề chơi thì mới là ‘người soi’ và nghề chơi của mình mới thành công rực rỡ, mới hái ra tiền, mới lẫy lừng danh tiếng. Làng chơi ta phải biết cho đủ điều’ là như vậy. (Đáng thương cho những kẻ không có nghề chơi thập thành và những kẻ dù nghề chơi tuyệt kỹ nhưng lội ngược dòng, không phù hợp với làng chơi thời đại nên luôn bị phản bác, đả phá, không được làng chơi hưởng ứng nên cô đơn, nghèo khổ,) . Mỗi người phải có một ‘nghề chơi’ nhưng đồng thời cũng là ‘làng chơi’ của nghề chơi của kẻ khác.          

          

          Nhưng cuộc đời vốn  không giản dị. Làng chơi luôn thay đổi sở thích, thay đổi môi trường , càng lúc thời trang càng đổi mới, bắt buộc nghề chơi phải thay đổi ngón nghề cho phù hợp. Từ đó, ‘nghề chơi ví đuổi hụt hơi làng chơi’, và ngược lại “làng chơi cũng ví đuổi hụt hơi những nghề chơi mới’ để cả hai không bị đánh giá là lạc hậu, tụt hậu, thoái hóa, không bắt kịp trào lưu, không tương ứng với thời đại.   


          Nghề chơi, Làng chơi quan hệ nhau khăng khít. Xã hội nhân loại từ xa xưa đến nay -đến nay càng rõ rệt hơn- chẳng đã áp dụng cái chân lý qua hai câu thơ trích trên của Tú Bà huấn nghệ cho Kiều sao ? Các nhà kỹ nghệ, kinh doanh tư bản ngày nay còn hơn hẳn Tú Bà, còn tạo ra vô số nghề chơi và làng chơi mới, để cả xã hội ví đuổi hụt hơi mọi thứ tân kỳ theo cái vận tốc cơ năng của kỹ thuật và tiền bạc của dạng Tư hữu, Chiếm hữu thị trường. Cứ xem những phương tiện giao thông (xe hơi, máy bay, tàu bè), phương tiện truyền thông (điện thoại, cell phone, internet, Ipad, Iphone, window,…), vũ khí cùng phương pháp chiến tranh (vô số máy bay, tàu chiến, hỏa tiễn, súng, bom, cả internet, ;;°, dụng cụ nhà bếp, cách thế sản xuất, thương mại (các món ăn, các thứ rượu, các thứ son phấn, cách thức điểm trang,…), kể cả các trò chơi thể thao, trò chơi cho trẻ con,…tất cả nhiều vô kể, mỗi ngày một mới khiến con người ví đuổi hụt hơi, chạy đua săn tìm phương tiện mới. Mượn cách nói của Tú Bà, Nguyễn Du đã nhìn ra diễn tiến hối hả của xã hội nhân sinh, đấy không là ‘cái nhìn của Nguyễn Du về mặt tư tưởng’ sao ?

          Chân  lý thứ tư: ‘’Người ta ai mất tiền hoài đến đây’’.

          Ai chịu bỏ tiền mua một vật dụng tồi ? Ai bỏ công đi xem nhiều lần một vở hát không ra gì, một trận bóng đá quá tệ, một buổi trình diễn ca nhạc mà nghệ sĩ không mấy gì tên tuổi ? Cửa hàng mụ Tú Bà ‘xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai’ là do nhũng gái đĩ thập thành như Kiều đã biết ‘vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi’, cuốn hút được khách làng chơi ‘trăm nghìn đổ một trận cười như không’ kiểu Thúc Sinh.

          Làng chơi không thể vung tiền phí phạm với những nghề chơi chẳng ra gì. Một ca sĩ nổi tiếng được mời hát hết nơi nầy đến nơi nọ vẫn cứ đông người nghe, vẫn bán hàng loạt dĩa hát ; một đội cầu nổi danh chơi khắp nơi vẫn đông khán giả, một cuốn phim hay chiếu đi chiếu lại vẫn đông người xem,…Ai cũng như ai, ‘người ta ai mất tiền hoài đến đây’, ai cũng thế cả, tất cả đều giống nhau như đúc về mặt nầy.

          Cái ‘chân lý’ nầy dễ hiểu. Vì thế nên phát sinh các ngón nghề cạnh tranh kỹ thuật, cạnh tranh thương trường, cạnh tranh giá cả, thời trang, cách tiếp tân càng lúc càng phát triển. Và cách thế, phương pháp quảng cáo càng lúc càng xảo thuật, tinh vi cuốn hút người tiêu thụ cùng cảnh hợp đoàn, họp phái tán tụng, tâng bốc nhau để làng chơi chú ý. Chân lý thứ tư nầy là kết quả của ba chân lý trước. Nào ai không tán đồng ?  


          4.- Kinh nghiệm sống qua lời Tú Bà:

          Ngoài bốn chân lý trên, Tú Bà còn dạy chúng ta thêm hai kinh nghiệm quý báu khác, cần thiết cho làm ăn sinh sống, cho giao du tiếp xúc hàng ngày : 

          - Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

          - Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung. 

          ‘Vành trong, vành ngoài, bảy chữ, tám nghề’, giới hạn nơi câu truyện là những thủ thuật chiêu khách và làm tình của gái điếm sao cho cả mình và cả khách ‘liễu chán hoa chê’ trong cùng độ khoái lạc  đến ‘lăn lóc đá, mê mẩn đời’.   


          Nhưng Nguyễn Du không giới hạn nơi câu truyện. Mượn lời Tú Bà, Nguyễn Du đề cập đến những gì xa xôi hơn. Bảy chữ, tám nghề là những cách thức, phương pháp, mánh khóe kỹ thuật áp dụng. Vành trong, vành ngoài ám chỉ cả bên ngoài, bên trong của đối tượng và chủ thể. Lấy thí dụ trong tình yêu : Vành trong : lời lẽ, thư từ tán tỉnh, cử chỉ âu yếm, chiều chuộng,…Vành ngoài : mua chuộc cảm tình của cha mẹ, anh chị em người yêu, quà cáp, biếu xén,… (xin không nói nhiều để tránh dài dòng).Trong nghiệp nghề tình báo, người viết nghĩ ‘vành trong, vành ngoài’ hẳn được áp dụng một cách tinh vi. Những kẻ chuyên môn lừa gạt, chắc cũng thế.  ‘Nỗi đêm, nỗi ngày’ : từng lúc, từng thời điểm, từng đối tượng, từng trường hợp mà xuất xử cho phải đường, phải lối mà áp dụng vành trong vành ngoài cho hợp thời, hợp cảnh, hợp lẽ, hợp tình. Biết khép, biết mở, biết riêng, biết chung đúng lúc, đúng thời, ‘con người soi’ trong ‘nghề chơi’ của mình phải như vậy. Đấy là những ‘điều hay’, những ‘nghề nghiệp nhà’ mà không nắm vững, không thi thố đúng mức, đúng thời thì làng chơi không mấy thích, không mấy chuộng, không chịu ‘mất tiền hoài’ đến với ta. 

          

          Lời Tú Bà khác nào với những lời khuyên đức lý về cái khôn ngoan thông thường ở đời : tri kỷ tri bỉ, nhập gia tùy tục, đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy,…Bài học cho cuộc sống thường ngày chẳng vậy sao ? ‘Khép mở, riêng chung’, đấy là những phạm trù, mỗi chúng ta ai không sống, không gặp ? Dù đối ngay với vợ, với chồng, với mẹ cha, con cái, bạn bè thân sơ, với người lớn kẻ nhỏ, kể cả với tri âm, tri kỷ…, phần nào nên khép kín, phần nào nên mở phơi, phần nào nên giữ lại, phần nào nên giải bày.

          Trong cuộc giao du, tiếp xúc, làm ăn, chúng ta đã chẳng phải bao lần khôn ngoan hay bị bắt buộc phải tỏ ra tế nhị, lịch sự trong lời ăn, tiếng nói, trong thái độ, hành vi đối với nhau. Bao lần ta phải giữ lời, giữ kẽ, phải biết tự hạn chế, phải chịu nhịn, phải biết ‘hy sinh’ dù cái hy sinh nhỏ bé nhất trong một cái bĩu môi, liếc mắt, nụ cười hay lời qua tiếng lại. Bỡi vì ‘’niềm thâm thông (giao cảm) là một thiết cận nghịch lý’’ (la communication est ce rapprochement paradoxal – Karl Jaspers), tại vì ‘’mà trong lẽ phải có người có ta’’(Kiều), bởi thế nên ‘lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Bộc lộ hết ra, mọi người không mấy thích ; giữ hết lại cho mình, thiên hạ cũng không mấy ưa. Biết sao ?! Phải kín kín hở hở mới vừa thế gian. Ngôn ngữ Nguyễn Du trong ĐTTT kín kín hở hở như vậy đấy. Không riêng Nguyễn Du, Thích Ca cũng thế, Jésus cũng thế. Khổng kia, Trang nọ cũng cùng một điệu như nhau.Vì thế nên mới có nào ngụ ngôn, trùng ngôn, dụ ngôn, nào ví dụ, ẩn dụ, siêu thực, tượng trưng…Cuộc đời là như thế đấy. Làm sao ? Khi người người không mấy tin nhau, không thành thật với nhau, còn mãi mãi lo tranh hơn thua, chiếm đoạt lẫn nhau, còn là nghề chơi và làng chơi của nhau thì buộc lòng phải ‘khép mở, riêng chung’ từng nơi, từng lúc để mình khỏi bị thiệt, để người khỏi bị đau, để cả hai bên bốn bề cùng có lợi, nói theo ngôn ngữ ngoại giao ngày nay.


          Bốn chân lý và hai kinh nghiệm trên cho thấy Tú Bà không chỉ giữ vai trò quan trọng đưa con gái nhà lành vào lầu xanh mà trở thành ‘phát ngôn viên’ của lẽ sống tại thế của xã hội loài người. Nguyễn Du đã mượn qua lối nói của chủ động mãi dâm dạy nghề làm đĩ để bóng gió, xa gần phản ảnh mặt thực của cuộc sống thế gian hầu từ đó nói đến một cái gì xa xôi hơn. 


          Tất cả những điều vừa nói, những sự việc được nêu ra như trên, theo người viết, đủ chứng tỏ ‘’Đoạn Trường Tân Thanh’ là một tác phẩm tư tưởng’’. 


          Nguyễn Du đã mượn qua câu truyện để nói lên cái ‘vận hành dịch hóa’ của nhân sinh (lịch sử đau thương tại thế) khởi từ đâu (từ tên bán tơ vô danh, từ sự việc nhỏ nhặt, vô nghĩa, không lý do, không bằng cớ - vu oan cho Vương Ông ; chẳng khác ông Thượng Đế hay Đạo Thể đã chơi trò trớ trêu tạo dựng nên Sự Sống cùng vũ trụ hiện tượng) , dẫn về đâu (đoạn trường sổ rút tên ra) sau dọc dài lệ máu đã gây ra cho nhau (những trầm luân của Kiều và những ‘chân lý tại thế’ qua lời Tú Bà) . Dòng diễn biến đời Kiều cũng là dòng diễn tiến tiến hóa của nhân sinh, ý nghĩa cùng cứu cánh cuộc sống, cuộc đời, diễn tiến của lịch sử chủng loại người qua đau thương tang tóc dẫn về chấm dứt đau khổ và Tài cùng Mệnh không còn ghét ghen, đố kỵ mà hài hòa với nhau (‘chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai’) để chủng loại người bước vào một bờ bến mới (đáo bỉ ngạn). Điều nầy, trước nay, chúng ta chưa mấy để ý.


          Nguyễn Du nhìn ra cái ý nghĩa mới của đau khổ (từ Cựu thanh sang Tân thanh) qua cái hiện thực trầm thống của nhân gian (cuộc đời Kiều) , từ đó báo biểu cái thời điểm ‘Đoạn trường sổ rút tên ra’ không cho riêng Kiều mà cho chung con người và nhân loại. Vì thế, tác phẩm miêu tả một truyện buồn với lời thơ buồn nhưng lại mang chở một niềm vui, cái tiếng vui lãng đãng cặp kè dòng hiện hữu trớ trêu. 

          

          Suy nghĩ như thế, ta mới nhận ra ‘’ĐTTT là một tác phẩm tư tưởng’’ không riêng của dân tộc ta mà chung cho nhân loại nghĩa là chung cho cuộc hiện sinh nhầy nhụa, trớ trêu của dòng đời nơi cõi thế để đến một ngày mọi nhầy nhụa tang thương không còn nữa.

         

           Suy nghĩ như thế, ta mới thông cảm cái tâm sự bùi ngùi, lê thê, u ẩn, dằng dặc nơi Nguyễn Du, từ ngày ở đất Bắc đến lúc về dưới chân Hồng Lĩnh, ngao du suốt 99 ngọn núi nầy, lúc đi săn ở núi Hồng (Hồng Sơn liệp hộ), lúc đi câu ở biển Nam (Nam Hải điếu đồ) nón mê chân trần, hay lúc ra làm quan với triều Nguyễn , lặng lẽ, âm thầm, không bàn quốc sự mà cứ tìm cách xin nghỉ, cho đến lúc ốm không chịu thuốc thang, lúc chết không một lời trăn trối, cái tâm sự của kẻ ‘’thiên tuế trường ưu vị tử tiền’’.

          Suy nghĩ như thế, ta mới nhìn ra thiên tài Nguyễn Du, mới thấy Nguyễn Du đi trước thời đại, mới thấy nỗi cô đơn suốt mặt của thiên tài không hẳn vì cảnh sống nghèo nàn, vì công danh trắc trở, vì dòng họ suy tàn, vì bất đắc chí, vì sinh bất phùng thời, vì xót thương cho hồng nhan bạc phận  cũng không vì thiếu tri kỷ, tri âm. Nỗi cô đơn của Nguyễn Du  là nỗi cô đơn của người tư tưởng, con người luôn ước ao cuộc sống chung của xã hội, của toàn nhân loại luôn luôn hài hòa, hảo hợp, yên vui : ‘’Một trời trăng sáng ý tâm đồng, Vạn dặm sơn hà chính khí chung’’(‘Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại, Vạn lý hà sơn chính khí đồng’ – câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du).

          

          Suy nghĩ như thế, ta mới thấy vận hành lịch sử của nhân sinh, cái thời điểm lịch sử chấm dứt đoạn trường sau cả dọc dài truân chuyên gây đau khổ, tội lỗi cho nhau, cái vận hành lịch sử mà Thích Ca, Jésus, Nguyễn Du và M. Heidegger đã nói. 

          

          Nhân loại đang đau thương cùng cực, đang trăm bề vạn mối ngổn ngang, đang bị phá sản đủ mọi bề, đang vào thời kỳ mạt pháp. Nhân loại đang trong cơn đụng đầu lịch sử của vận hành nhân thế với vận hành của Tiếng Gọi từ nguyên sơ (vận hành của Đạo Thể, của Lẽ Đạo) , đụng đầu lịch sử của Biệt nghiệp từng người, từng dân tộc, quốc gia với cái Cộng nghiệp chung của chủng loại người (cái ‘hoạn  nạn lón từ khi mới có trời đất đến bây giờ chưa từng ’ -Tin Lành Mathieu đoạn 24, câu 21).  Cuộc đụng đầu lịch sử đó sẽ lắm tang thương, gãy đổ nhưng để dẫn đến thời điểm ‘’túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi’’ hầu ‘’đoạn trường sổ rút tên ra’’ để mở ra ‘Chân trời hào quang tính thể’ (ouverture de l’horizon de l’Être –M. Heidegger) trong giờ ‘Muôn vật đổi mới’ (lời Jésus) , giờ ‘đáo bỉ ngạn’ (lời Phật), giờ thiết lập một Thượng Ngươn cho khắp cõi nhân quần. Nhân loại già nua, nhân loại trẻ lại, giờ phút hồi sinh hay phục sinh của con người, của nhân loại, miễn là biết ‘hồi đầu thị ngạn’ ‘’Phúc họa đạo Trời’’ nhưng  ‘’Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra’’. Đấy là cái ‘Tiếng Vui’ gùn ghè, cận lập, quanh quẩn xa gần bên ‘nỗi buồn tại thế’ của nhân sinh.

          

          Ôi Nguyễn Du ! Xin mạn phép chia xẻ nỗi cô đơn của Người dù mức độ đạo lý và đạo tâm của người viết chưa đủ để hiểu được Người. Chỉ xin đọc thơ Người để nhận ra ‘’Niềm vui Lẽ Đạo đong đưa đường trần’’ (Trần Minh Xuân), cái Tiếng Vui xa mà gần, mơ màng, bàng bạc dàn trải mênh mang nơi cảnh đời tại thế trắc trở thương đau. Tiếng Vui đó chập chờn ẩn hiện qua Tiếng Thơ của Người, cái Tiếng Thơ đã âm ỉ nơi tâm thức người Việt Nam qua bao thế hệ và sẽ mãi mãi ngân vang không riêng nơi người Việt mà khắp cùng thế giới, dắt dìu nhân loại ‘đồng quy nhi thù đồ’’(lời đức Khổng) bởi ‘’Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không còn sự chết, cũng không còn than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa, vì những sự thứ nhứt đã qua rồi’’  (Khải Huyền 21, 4). (Xin xem đoạn thơ của Victor Hugo trong bài trước nơi Cỏ Thơm số  62 – Xuân 2013).


          Lời Người –ôi, Nguyễn Du của Việt Nam và của nhân loại ! - sẽ mãi  ngân vọng nơi chúng sanh khốn khổ, đau thương để trong cái ‘thế dạ nhân hoàn’ (obcurcissement du monde), vẫn nhìn ra Tiếng Thơ  của Người trong từng nhịp đập con tim :           

                                             

                                              -Tiếng xưa còn vẳng lời tâm sự

                                               Thắp sáng trên đầu sông núi đen.

                                                                  (nt : Gởi người Em Việt Nam)


 Nguyễn Thùy


Xin xem Links:


1/ Đoạn Trường Tân Thanh: Tác Phẩm Tư Tưởng Của Việt Nam Và Của Nhân Loại.


2/ Đoạn Trường Tân Thanh: Tác Phẩm Tư Tưởng (Tiếp Theo)




1 nhận xét: