Tôi về thăm lại Hoài Nhơn
Qua con phố nhỏ Bồng Sơn quê nghèo
Quán buồn vì nỗi gieo neo
Khách buồn vì nỗi niềm đau nước nhà
Đâu còn cảnh đẹp phồn hoa
Đâu còn dáng đứng kiêu sa mấy nàng !
Cửa An Giũ nắng hanh vàng
Biển Tam Quan lại mơ màng dáng xuân
Nhớ em qua mối tình chân
Thương em câu nói ân cần trao duyên
Anh về trong nỗi sầu riêng
Nhớ câu hát giọng chim quyên gọi bầy
Bình Đê gió, Phủ Cũ mây
Trăng Trung Lương sáng làm ngây ngất lòng
Bên giòng sông Lại trời trong
Tiếng thôn nữ hát chạnh lòng nước non
Trăm năm một cuộc vuông tròn
Dắt nhau qua những lối mòn chân quê
Nhớ lời ước, hẹn câu thề
Đờn kêu: xang, cống… lối về chông chênh
Rưng rưng nhìn nắng bên thềm
Thầm mơ hôn má em mềm như hoa
Ngất ngây mùi áo bà ba
Hương đồng cỏ nội trong ta nhạt nhòa
Hoài Nhơn xưa đất gấm hoa
Làm anh nhớ mãi như là nhớ em
Nguyễn Công Lượng
Ghi Chú:
- Hoài Nhơn: Tên đất có từ thời các chúa Nguyễn khai mở đất phương nam, phủ Hoài Nhơn thuộc Đạo
Quảng Nam, nay là một huyện thuộc tỉnh Bình Định, quê quán và là nhiệm sở đầu tiên của tác giả.
- Bồng Sơn: Tên xã quận lỵ của quận Hoài Nhơn, nay đã trở thành thị xã.
- An Giũ: Cửa sông Lại chảy ra biển.
- Tam Quan: Tên xã thuộc quận Hoài Nhơn, có phong cảnh đẹp.
- Bình Đê: Tên một cái đèo phía bắc tỉnh Bình Định giáp tỉnh Quảng Ngãi.
- Phủ Cũ: Tên một cái đèo ở phía nam quận Hoài Nhơn giáp quận Phù Mỹ. Thời các chúa Nguyễn phủ
lỵ Hoài Nhơn đóng dưới chân đèo nên sau đó đèo có tên là Phủ Cũ.
- Trung Lương : Một thôn của xã Bồng Sơn nằm trên bờ bắc sông Lại, có bờ cát và vườn dừa rất đẹp.
- Sông Lại: Ở bắc Bình Định do 2 nguồn Kim Sơn và An Lão hợp thành.
( Bồng Sơn trước 1975)
Hoài Nhơn rất đẹp
Trả lờiXóa