Đại cương
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xảy ra sau khi phổi bị viêm lâu năm do hóa chất tác hại hô hấp. Kết quả là các cuống phổi lớn, cuống phổi nhỏ và mô phổi đều bị hư hại khiến cho sự lưu chuyển không khí ra vào phổi thường xuyên yếu hơn khi trước. Hóa chất tác hại hô hấp quan trọng hơn hết chính là khói thuốc lá.
Các triệu chứng thông thường là bệnh nhân thường xuyên khó thở và ho có đàm. Lúc khởi đầu các triệu chứng này tương đối nhẹ rồi sau nhiều năm mới trở nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Các dấu hiệu do bác sĩ dùng ống nghe phát hiện được gồm có tiếng động hô hấp nhỏ hơn bình thường, thời gian thở ra kéo dài hơn và hơi thở có tiếng khò khè. Khi có biến chứng các triệu chứng đột nhiên trở nặng trong một thời gian. Nguyên nhân chính gây biến chứng là nhiễm trùng đường hô hấp.
Biến chứng xảy ra nhiều lần có thể đưa tới tử vong do phổi suy hoặc tim suy. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa vào lâm sàng, chụp hình điện tuyến phổi và xét nghiệm chức năng hô hấp.
Căn bản trị liệu bệnh này dùng thuốc hít và thuốc uống.
Chữa trị biến chứng gồm có thuốc trụ sinh, ô-xy và các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp.
Khi bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính đã tới thời kỳ trở nặng thì tỷ số tử vong trong vòng 10 năm kế tiếp là lối 50%. Có một thiểu số bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính do bệnh dãn phổi gây ra. Khi bệnh dãn phổi phá hủy khá nhiều phế nang thì sức thở ra yếu đi và làm tắc nghẽn hô hấp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là khói thuốc lá. Nhiều nguyên nhân khác do ô nhiễm không khí gồm các hóa chất chứa trong bụi hoặc trong hơi hay khói.
Nguyên nhân phụ của bệnh này là tính di truyền khiến bệnh nhân thiếu chất men chống viêm trong phổi. Theo thống kê thì lối 15% những người hút thuốc lá lâu ngày bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu mỗi ngày họ hút 20 điếu thuốc thì lối 20 năm sau sẽ phát bệnh này. Hút nhiều hơn 20 điếu trong một ngày thì bệnh phát khởi sớm hơn.
Các nguyên nhân khác gây bệnh này bao gồm nấu ăn trong nhà mà không có máy hút khói, gián tiếp hít thở khói thuốc lá, không khí ô nhiễm ở nơi công cộng, hóa chất trong không khí nơi làm việc. Những người có tính di truyền khiến cho cơ thể thiếu chất men chống lại tác hại phổi do hóa chất sẽ dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh lý Các tác nhân dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm có:
Chứng viêm:
Các hóa chất trong khói thuốc lá hoặc trong không khí bị ô nhiễm gây viêm trong các cuống phổi và các phế nang. Do tính di truyền có người thiếu một loại men bảo vệ phổi nên dễ dàng bị viêm. Hiện tượng viêm này làm tổn hại cuống phổi và phế nang, đồng thời cũng kích thích cơ thể tạo ra những chất có tính cách phục hồi chức năng cuống phổi và phế nang. Khi triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã trở nặng thì cơ thể không sản xuất đủ các hóa chất phục hồi nữa cho nên khi đó dù bệnh nhân bỏ hút thuốc thì chứng viêm cũng vẫn tiếp tục phát triển.
Nhiễm trùng:
Khi bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính bị nhiễm trùng đường hô hấp thì sự tác hại trong cuống phổi và phế nang tăng mạnh hơn là đối với người bình thường. Nguyên nhân nhiễm trùng thường là vi trùng bệnh cúm. Trong phổi người hút thuốc lá, đàm nhớt không thải hết được nên tạo thành môi trường cho vi trùng sinh sản khiến họ dễ bị nhiễm trùng phổi.
Sự tắc nghẽn hô hấp:
Hiện tượng này xảy ra khi các cuống phổi bị tổn thương nên vừa nhỏ bớt vừa kém đàn hồi hơn lúc bình thường. Tất nhiên khi đó việc không khí lưu chuyển ra vào trong phổi bị trở ngại. Kết quả là lượng ô-xy trong cơ thể hạ thấp và lượng thán khí tăng cao hơn.
Biến chứng Các biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
Bệnh cao huyết áp động mạch phổi:
Cơ thể thiếu ô-xy có phản ứng tự nhiên là tăng huyết áp trong động mạch phổi. Nếu điều này thường xuyên xảy ra sẽ gây bệnh cao huyết áp động mạch phổi và tăng áp xuất trong tâm thất phải rồi dẫn tới suy tim.
Nhiễm trùng đường hô hấp:
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thải được hết đàm nhớt trong phổi, tạo ra môi trường thuận lợi cho vi trùng tăng trưởng và sinh sản nên dễ bị nhiễm trùng phổi.
Sụt cân hoặc ung thư:
Người bị bệnh này ăn không ngon miệng và phải mất nhiều năng lượng khi thở nên sẽ sụt cân. Bệnh cũng còn làm cho cơ thể sản xuất ra một số hóa chất dễ gây ung thư.
Triệu chứng và dấu hiệu Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có những triệu chứng rất đặc biệt:
Ho có đàm: thông thường mỗi buổi sáng khi thức dậy người bệnh ho ra rất nhiều đàm. Triệu chứng này khởi đầu trong thời gian bệnh nhân ở lứa tuổi 40 tới 50 tuổi.
Khó thở: triệu chứng này tăng lên từ từ theo thời gian. Bệnh nhân cũng cảm thấy khó thở nhiều hơn mỗi khi họ vận động cơ thể và trong thời gian bị nhiễm trùng đường hô hấp. Họ thường bắt đầu phát hiện triệu chứng này ở lứa tuổi từ 50 tới 60 tuổi. Các triệu chứng trên đây mau trở nặng nếu bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá hoặc đã hút thuốc quá nhiều năm.
Các dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm có hơi thở khò khè, thời gian thở ra kéo dài hơn bình thường và lồng ngực nhô ra phía trước. Các bệnh nhân này thường xuyên thiếu ô-xy nên động tác hít vào luôn luôn phải cố gắng hết sức khiến cho các xương sườn giữ vị trí nâng cao làm cho lồng ngực nhô ra. Khi bệnh nặng hơn thì bệnh nhân hơi há miệng khi hít vào và môi có thể bị tím vì thiếu ô-xy.
Trường hợp suy tim bệnh nhân bị phù chân. Chẩn đoán Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa vào lâm sàng theo các triệu chứng và dấu hiệu kể trên. Kế tiếp là chụp hình điện tuyến phổi và xét nghiệm chức năng hô hấp để xác định bệnh và xếp loại nặng nhẹ.
Ngoài ra nếu tình nghi bệnh nhân bị:
-Bệnh lý hô hấp khác thì chụp hình điện tuyến cắt lớp (CT).
-Suy tim thì xét nghiệm tim mạch.
-Quá dư thán khí trong cơ thể thì xét nghiệm độ acit trong máu để kịp thời trị liệu.
Trị liệu
Ngưng hút thuốc lá là việc đầu tiên phải thực hiện khi trị liệu để loại bỏ nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Y học có nhiều phương cách giúp thực hiện việc này: khích lệ tâm lý, thuốc uống tác dụng thần kinh trung ương khiến không còn thèm hút thuốc, chất ni-cô-tin thuộc dạng thuốc nhai hay thuốc bơm để dùng tạm khi quá thèm thuốc. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc hít và thuốc uống để chữa bệnh này. Các thứ thuốc đó phải dùng liên tục, có hiệu lực giảm bớt triệu chứng, đề phòng biến chứng và tăng cường chức năng hô hấp. Ngoài ra bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn phải dùng tới những phương cách trị liệu khác khi bị biến chứng hoặc khi lâm vào tình trạng thường trực thiếu ô-xy quá độ.
Tóm tắt
Khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh này chẩn đoán theo lâm sàng, thông thường kèm theo chụp hình điện tuyến phổi và xét nghiệm chức năng hô hấp.
Trị liệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nhiều loại thuốc hít và thuốc uống. Bệnh nhân hãy áp dụng đủ mọi cách để ngưng hút thuốc lá như nhai viên ni-cô-tin, uống thuốc ảnh hưởng thần kinh trung ương…
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)
Khó thở Dyspnea Ho có đàm Productive cough Thở khò khè Wheezing
Chụp hình điện tuyến cắt lớp Computer-assisted tomography (CAT)
Xét nghiệm chức năng hô hấp Pulmonary function test
Ống thuốc hít Inhaler
Phục hồi chức năng hô hấp Pulmonary function rehabilitation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét