Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Y Học Thường Thức - Bệnh Động Mạch Ngoại Biên - Bác Sĩ Đinh Đại Kha

                            

Y HỌC THƯỜNG THỨC

Bệnh Động Mạch Ngoại Biên

 Đại cương 

Bệnh xơ cứng động mạch tại tứ chi có thể chặn bớt lòng động mạch tới mức độ gây thiếu máu cục bộ. Đó là bệnh động mạch ngoại biên. Có tới hơn 99% các trường hợp bệnh này xảy ra ở chi dưới. Khi bệnh động mạch ngoại biên còn nhẹ thì hoặc không gây triệu chứng, hoặc khiến bệnh nhân bị đau chân cách hồi. Bệnh nặng hơn khiến người bệnh cảm thấy đau chân ngay cả khi họ ngưng vận động. Da họ mỏng hơn và rụng lông. Bệnh nặng hơn nữa sẽ gây lở và hoại thư (thối thịt) ở chân. 

Chẩn đoán bệnh này dựa vào: 
-Bệnh sử 
-Khám lâm sàng 
-Chỉ số huyết áp cổ chân và bắp tay 

Trị liệu bệnh động mạch ngoại biên: 

-Bệnh nhẹ: loại trừ yếu tố nguy cơ, thể dục, dùng thuốc.
 -Bệnh nặng thì phải giải phẫu: hoặc khai thông động mạch bị nghẹt, hoặc mổ bắc cầu, hoặc cắt bỏ vùng hoại thư. 

Tiên lượng về trị liệu cục bộ thường là tốt. 

Tuy nhiên bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ tử vong khi mổ là vì từ 50% tới 75% số người thuộc nhóm này đồng thời bị bệnh động mạch vành hoặc bị bệnh xơ cứng nặng tại các động mạch của não bộ. 

Nguyên nhân 

Nguyên nhân chính của bệnh động mạch ngoại biên là vì xơ cứng động mạch. 

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: 

-Tuổi già 
-Huyết áp cao 
-Bệnh tiểu đường 
-Dư mỡ trong máu 
-Các hình thức dùng thuốc lá, kể luôn hít thở khói thuốc lá trong môi trường 
-Bệnh mập phì 
-Tính di truyền 

Triệu chứng và dấu hiệu 

Triệu chứng chính của bệnh động mạch ngoại biên là đau chân cách hồi. Bệnh nhân cảm thấy đau hay bị chuột rút (vọp bẻ) ở bắp chân sau ít phút đi bộ, đứng lại ít phút thì hết đau. Đi tiếp lại đau, nghỉ lại bớt, tiếp tục đau, bớt như vậy nhiều lần nên gọi là đau cách hồi. Đôi khi chứng đau cách hồi xảy ra tại bàn chân, đùi, bên hông, trong mông. Lý do gây đau là chất acit lactic sinh ra khi cơ bắp hoạt động, cơ thể cần có đủ ô-xy để phá acit này. 

Tuần hoàn giảm bớt khiến thiếu máu cục bộ, tất nhiên không cung cấp đủ ô-xy tại đây. Bệnh động mạch ngoại biên nặng gây đau chân ngay cả khi bệnh nhân ngồi nghỉ, tức là thiếu máu cục bộ thường xuyên, có nguy cơ gây hoại thư. 

Các dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên: 


Mạch chân yếu: 

Tại những nơi bắt mạch chân phía sau đầu gối, cạnh gót chân và trên lưng bàn chân hoặc mạch đập nhẹ hoặc không sờ thấy. Thay đổi tại bàn chân: Cho bệnh nhân ngồi bỏ thõng chân xuống để quan sát. Da bàn chân có màu đỏ bất thường, mỏng, rụng lông và lạnh. 

Hoại thư: 

Bàn chân hoặc bắp chân có chỗ bị lở. Chung quanh vết lở có một vòng mô chết màu đen và khô là hoại thư thường. Nếu vùng hoại thư bị nhiễm trùng thì vết lở sâu hơn và chảy nước vàng. 

Chẩn đoán 

Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên dựa vào lâm sàng, nhưng cần có xét nghiệm để tìm hiểu thêm chi tiết về bệnh lý và quyết định cách trị liệu. 

Các xét nghiệm về bệnh này bao gồm: 

-Chỉ số huyết áp cổ chân và bắp tay 
-Kỹ thuật siêu âm Doppler 
-Chụp hình động mạch Chỉ số huyết áp cổ chân và bắp tay Đo huyết áp tại bắp tay và cổ chân bệnh nhân. Lấy số huyết áp khi tim bóp (số cao) đo tại cổ chân chia cho số tương đương đo tại bắp tay. 

Nếu kết quả bằng 0,90 hoặc nhỏ hơn thì đấy là bệnh động mạch ngoại biên. 
Thí dụ huyết áp đo tại cổ chân là 110/75, đo tại bắp tay là 130/80; lấy 110 chia cho 130 được 0,84, chỉ số này xác định bệnh lý. 

Chỉ số này còn cho biết độ nặng nhẹ của bệnh động mạch ngoại biên: 

-Từ 0,71 tới 0,90 là bệnh nhẹ -Từ 0,41 tới 0,70 là bệnh trung bình 
-Từ 0,40 trở xuống là bệnh nặng, có nguy cơ gây hoại thư 

Máy Doppler đo lưu lượng máu 

Máy này dùng kỹ thuật siêu âm, đo lưu lượng máu trong động mạch ngay chỗ đặt đầu máy nên xác định được vị trí nơi bị nghẽn tuần hoàn. 

Chụp hình động mạch 

Chụp hình điện tuyến động mạch dùng chất cản quang cho biết chi tiết về đường kính và chiều dài của các vùng nghẽn tuần hoàn. Đây là xét nghiệm quan trọng hơn hết để quyết định cách trị liệu. 

Trị liệu 

Khi bệnh động mạch ngoại biên còn nhẹ thì trị liệu bằng cách điều trị tổng quát, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc. Bệnh nặng phải nong động mạch hoặc giải phẫu. 
Các phương pháp trị liệu ít khi áp dụng là liệu pháp nén mô và cấy tế bào mầm. 

Trị liệu tổng quát 

Các phương cách này áp dụng để loại bỏ yếu tố nguy cơ bệnh động mạch ngoại biên: 
-Không dùng thuốc lá dưới mọi hình thức (thuốc điếu, thuốc lào, thuốc rê…). 
-Dinh dưỡng: bớt mặn, bớt mỡ, thêm rau và trái cây. 
-Nếu bị đau chân khi nằm, hãy kê đầu giường cao hơn chân giường từ 10cm tới 15cm để có thêm lưu lượng máu chạy xuống chân. 
-Chữa cho tới mục tiêu các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, dư mỡ trong máu. 

Tập thể dục 

-Hãy tập thể dục đều hòa, mỗi tuần 3 hoặc 4 buổi, mỗi buổi tập dượt từ 35 phút tới 50 phút. 
-Cách tập dượt dễ áp dụng cho người bị bệnh động mạch ngoại biên là chia buổi tập ra làm nhiều đoạn, thí dụ cứ tập 5 phút lại nghỉ 5 phút, trở đi trở lại như vậy. 
-Động tác dễ áp dụng là đi bộ ngoài trời hoặc dùng máy đi bộ, đi chậm rãi để tránh bị đau chân. 

Dùng thuốc 

Có 3 loại thuốc để trị liệu bệnh động mạch ngoại biên: 
-Thuốc ngăn cản sự tụ tiểu cầu để màng cứng động mạch bớt có cục máu đông. Bệnh nhân có thể uống mỗi ngày 1 hoặc 2 viên ASA 81mg. 
Có những loại thuốc tương đương dành cho người không dùng được ASA. 
-Thuốc giúp hồng cầu dễ di chuyển qua những chỗ hẹp trong lòng động mạch, giảm bớt triệu chứng đau chân. 
-Thuốc hạ huyết áp loại ức chế men chuyển hóa angiotensinogen giúp nội mạc động mạch bớt viêm.
 
Nong động mạch 
Kỹ thuật nong động mạch dùng bong bóng và lò so áp dụng cho trường hợp động mạch lớn bị hẹp. Bệnh động mạch ngoại biên dù tới lúc trở nặng và bắt đầu gây hoại thư, nhưng nếu chỗ bị nghẹt chỉ tập trung tại động mạch lớn thì cách trị liệu nong động mạch thường có kết quả tốt. 

Giải phẫu 
Nếu các cách trị liệu trên không có kết quả thì phải dùng tới giải phẫu. Cần khảo sát tình trạng tim mạch của bệnh nhân, xác định họ có đủ sức chịu đựng cuộc giải phẫu hay không. 

Có 3 loại giải phẫu dùng cho bệnh động mạch ngoại biên: 

-Loại bỏ màng cứng động mạch: Mổ mở động mạch rồi cắt bỏ màng cứng khiến lòng động mạch rộng lớn lại như bình thường. Kỹ thuật này dùng để điều trị các khúc hẹp ngắn của động mạch lớn. 

-Giải phẫu bắc cầu: Dùng tĩnh mạch của bệnh nhân hay mạch máu nhân tạo bằng nhựa để bắc cầu từ một động mạch lớn đi vượt qua chỗ động mạch bị nghẹt. 

-Giải phẫu cắt bỏ: Phần chân bị hoại thư mà không phục hồi tuần hoàn được đành phải cắt bỏ. 

Liệu pháp nén mô 

Cách trị liệu này dùng bít tất (vớ) đặc biệt, do máy điện tử điều khiển, hoạt động theo nhịp tim của bệnh nhân. Khi tim nở, bít tất đè nén bắp chân, dồn máu tĩnh mạch lên phía trên. Khi tim bóp, bít tất ngưng đè nén, các mô bắp chân đàn hồi nên phình trở ra, tĩnh mạch hết máu nên xẹp bớt, động mạch trong bắp chân có thêm thể tích để tiếp nhận máu động mạch chứa ô-xy. Mỗi kỳ dùng liệu pháp nén mô, máy điện tử chạy liên tục từ 1 tới 2 tiếng đồng hồ, có thể dùng mỗi ngày một lần hoặc cách nhật. 

Cấy tế bào mầm 

Hút tủy xương chậu của chính bệnh nhân rồi trộn với dịch truyền, chích tĩnh mạch cho họ. Các tế bào mầm có sẵn trong tủy xương sẽ khiến các động mạch nhỏ tại chi dưới mọc thêm nhánh để tăng tuần hoàn cục bộ. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 
Bệnh động mạch ngoại biên Peripheral arterial disease (PAD) 
Đau chân cách hồi Intermittent claudication 
Thiếu máu cục bộ Ischemia Hoại thư Gangrene 
Chỉ số huyết áp cổ chân và bắp tay Ankle-brachial blood pressure index 
Mổ loại bỏ màng cứng Endarterectomy 
Dùng bong bóng nong động mạch Balloon angioplasty 
Dùng lò so nong động mạch Stenting

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét