Hôm nay là 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời, ông Táo “đất” mà hơn bốn mươi năm qua tôi không một lần hỏi thăm hay rớ tới ông, tuy vậy năm nào tôi cũng được xem ông múa may mặc áo xanh áo đỏ, đội mũ cánh chuồn bằng giấy, nhảy tưng tưng đọc sớ trên sân khấu, đã thế có năm tôi phải xem ông đọc sớ đến mấy lần. Năm nay tôi nằm nhà nên bày ra nấu bánh chưng, để trước khi đưa ông Táo về trời, tôi bắt ông làm việc chút xíu trước khi lên chầu Ngọc Hoàng. Ông Táo tân thời của tôi là cái bếp bằng Gaz có 3 chân sắt. Ông Táo “sắt”được kê ngoài Terrasse, giang sơn của ông là cái bàn vuông nho nhỏ, tôi cẩn thận che thêm cho ông cây dù cho bớt lạnh.
Không khí Tết bắt đầu đến với tôi khi trong bếp bày ngổn ngang những rổ rá đựng nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ ướp tiêu hành và mớ lá chuối xanh tươi nhưng ….đông lạnh. Đứng rửa lá mà lòng miên man nhớ đến những cái Tết năm xưa khi còn nhỏ, còn ở nhà với Cha Mẹ…..
Một tuần trước Tết, là con gái lớn trong nhà nên tôi được tháp tùng theo mẹ lên chợ Cầu Muối mua sắm để sửa soạn Tết. Chợ Cầu Muối lúc nào cũng tấp nập, dịp Tết nhất lại càng đông đúc tấp nập hơn, người đi mua sắm chen vai thích cánh, những sạp bán dưa hấu cao nghều nghệu, tiếng rao mời chào khách sao mà náo nhiệt vui vẻ tưng bừng quá. Mẹ đứng lựa dưa hấu, bắt ông bán hàng dùng dao nhọn, xẻ một hình vuông nhỏ vào quả dưa, để xem bên trong dưa có đỏ và không bị xốphay không. Ông bán hàng nhấc quả dưa lên một cách chuyên nghiệp, rồi vừa vỗ quả dưa kêu bình bịch vừa liếng thoắng miệng quảng cáo:
– Dưa của tui bảo đảm đỏ, không xốp, dở thì bác Tư đem trả lại tui….
Lựa xong chục dưa, mẹ tôi dặn ông bán hàng để riêng ra một góc, chốc nữa mua bán xong sẽ quay trở lại để lấy. Rồi mẹ xăm xăm đi vào những gian hàng bán gừng, bán dừa khô, bán củ kiệu, hành hương củ nhỏ màu đỏ. Mẹ vừa lựa từng củ gừng vừa giải thích cho tôi:
– Con nhớ lựa gừng non, đừng lựa gừng già, gừng già cay, làm mứt không ngon, mà nhớ lựa những củ có hình dáng đẹp, khi cắt, lát gừng sẽ thành những cô tiên múa cho đẹp….
Tôi cũng mầy mò lựa theo mẹ, nhưng lại cố tình lựa những củcó hình dáng đơn giản để về nhà gọt cắt cho dễ, còn gừng non hay già thì chỉ biết cầu may rủi bóc đại. Hết hàng gừng, Mẹ đảo qua hàng bán hành và củ kiệu. Những bó kiệu có râu ria xồm xoàm, Mẹ cứ nhấc lên nhấc xuống, không biết Mẹ lựa theo tiêu chuẩn nào, tôi chỉ nhớ là tôi bốc bó nào, Mẹ lại xì một tiếng rồi bỏ lại:
– Con phải lựa bó nào củ nhỏ, đừng ham củ lớn, ngâm không đẹp.
Đến hàng dừa khô thì tôi đứng im không dám táy máy, vì trái dừa khô nào cũng khô như nhau, biết đâu mà lựa, vậy mà mẹ cũng cầm lên lắc lắc, bỏ lên bỏ xuống mấy bận. Qua đến hàng bán trái me thì mẹ khỏi dặn, tôi nhớ là phải lựa trái Me nào dài đều và có hình cong cong, món này là món ruột của tôi, mặc dầu biết là ngồi gọt vỏ Me rất chi ư là cực khổ. Đến sạp bán mãng cầu xiêm là tôi bắt đầu ….hết xíu quách, chỉ mong mẹ đừng trả giá nữa mà mua đại vài trái cho mau cho rồi, nhưng đi chợ ở Việt Nam mà không trả giá thì sao ngây ngô giống người ngoại quốc quá, lớ ngớ là mua hớ với giá trên trời dưới đất như chơi. Sang đến hàng Chùm Ruột , mẹ chỉ trả giá sơ sơ vì cô bé bán Chùm Ruột mặt mày hiền lành, một khuôn mặt khá hiếm thấy ở chợ Cầu Muối. Các bà bán hàng ở chợ Cầu Muối có tiếng là dữ, lớ quớ là nghe mắng vốn đầy cả tai. Tôi chỉ sợ mẹ bị la, nhưng đông người và ồn ào quá, thành ra nếu có bị la chắc cũng không phân biệt nổi với tiếng chào mời hay tiếng trả giá ồn ào như ….cái chợ. Cuối cùng rồi mẹ cũng mua bán xong. Bây giờ hai mẹ con tôi đã tay xách nách mang đầy cả hai tay. Chen ra được bên ngoài, ngoắc một chiếc xích lô máy, lại trả giá, ông xích lô máy phụ mẹ khuân chục dưa hấu lên xe, giỏ bị đầy nhóc nào Củ Kiệu, Hành Tỏi, Me, Chùm Ruột, Dừa khô, và Mãng Cầu Xiêm. Chiếc xe phóng như bay trong dòng xe xuôi ngược đông đúc của Sài Gòn đưa hai mẹ con tôi về nhà.
Gọt vỏ Gừng với những củ có hình dáng điệu bộ như cô tiên là phần của Mẹ, phần của tôi là gọt những củ thẳng tuột, không cong queo này nọ. Ngâm Gừng trong nuớc muối độ 2 tiếng thì đến màn cắt lát. Mẹ có con dao mỏng thật bén, cắt lát nào lát nấy đều rỉ và các ngón tay ngón chân của củ Gừng vẫn còn nguyên vẹn. Ngày xưa còn nhỏ tôi không thích ăn mứt Gừng, vì ở nhà trời nóng, ăn mứt Gừng cay toát cả mồ hôi. Mặc dầu truớc khi bỏ Gừng vào chảo để rim liu riu với lửa nhỏ, mẹ đã nấu Gừng qua một lần cho bớt mủ, bớt cay và như thế khi rim,Gừng sẽ không bị sậm màu. Ngày đó còn nhỏ, tôi nào biết đến cái thú nhâm nhi miếng mứt Gừng cay và uống miếng nước trà cho thấm giọng của người lớn……
Rồi bây giờ thì đến màn gọt trái Me, vừa gọt vừa chảy nước miếng vì tưởng tượng đến vị chua của trái Me. Gọt vỏ Me cũng trần ai cực khổ lắm, nhất là đòi hỏi một kiên nhẫn tuyệt đối. Những trái Me chua tròn dài được ngâm trong nước đường nấu sẵn, xếp đứng từng trái vào những keo lọ có bề cao hơn trái Me, rồi đổ nước đường nấu sẵn vào keo, đậy kín lại và chờ ngày Tết, lôi ra, cắn một miếng vào trái Me dầm chua ngọt, chỉ mới tưởng tượng thôi mà tôi đã chảy đầy nước miếngtrong miệng. Nước đường ngâm Me lên men, nhấp nhấp vài ngụm cứ như là uống rượu của người lớn. Thuở nhỏ tôi đã là “bợm” rượu rồi thì phải !
Mứt Mãng Cầu Xiêm thì đơn giản hơn. Món mứt này tôi phụmẹ rất đắc lực, mặc dầu vẫn không biết phân lượng đường vàMãng Cầu Xiêm, phải cho bao nhiêu thì vừa. Mẹ vừa đảo chảo mứt Gừng bên cạnh vừa canh chừng lượng đường mứt Mãng Cầu Xiêm của tôi:
– Thêm nữa đi con, thêm độ một chén ăn cơm là vừa.
Sao ngày đó tôi chẳng nhắc mẹ ghi lại phân lượng đường và trái cây cho rõ ràng nhỉ, năm nào cũng làm mứt mà năm nào tôi cũng phải chờ mẹ phán mới yên tâm. Khi chảo mứt Mãng Cầu Xiêm vừa xên xết quánh lại là tôi bắt đầu lôi mớ giấy kính trong đã cắt sẵn ra, sửa soạn gói. Mứt còn dẻo dễ gói, để một hột Mãng Cầu màu đen quay ra ngoài, phết một muổng nhỏ mứt lên giấy kính, hai tay vặn hai đầu ngược chiều nhau, hơi nóng của mứt làm giấy kính căng phồng lên. Cái kẹo Mãng Cầu Xiêm không những ngon tuyệt mà hình dáng dài dài tròn trĩnh trông xinh xắn vô cùng. Làm cực nhọc cả buổi tối mà mấy cậu em tôi vốc một lúc cả mấy cái, vừa đánh bài vừa ăn, chẳng biết thưởng thức hay nghĩ đến cái “công lao”của bà chị gì cả.
Bây giờ đến màng mứt Dừa. Nạo Dừa khô ra khỏi vỏ là nhiệm vụ của chị giúp việc, mẹ chỉ lo phần cắt lát dừa. Những lát dừa trắng tinh, dài, mỏng, mềm mại, được rim trong một chảo lớn. Nhà tôi đông anh em, lại chỉ toàn con trai, ăn cái gì cũng nhiều, chỉ mỗi tội ăn mà không biết “thưởng thức”, ý tôi muốn nói là khen, chứ chê thì tài lắm. Mứt Dừa khi vừa xên tới xong, trắng phau trắng ngần trông thật đẹp. Tôi lại khoái cái lớp dừa hơi vàng vàng ở bên dưới chảo, tuy không đẹp nhưng ăn thơm hơn mứt Dừa trắng nhiều.
Nhà tôi là người Huế nên ngoài những món Mứt thông lệ, năm nào mẹ cũng không quên làm bánh in, bánh in bột Nếp hay bánh in Đậu xanh. Những cái khuôn bánh in bằng đồng của mẹ chỉ mua được ở Huế, khuôn bánh in bột Nếp có hình vuông, khuôn bánh in Đậu xanh có hình chữ nhật. Mỗi khuôn có một cái nắp khắc hình chữ Vạn hay chữ Thọ. Bánh in bột Nếp làm rất công phu. Vào sinh sống ở Saigon mẹ tôi vẫn mang theo cái cối đá để xay bột nếp làm bánh in. Khi tôi lớn lên và biết phụ mẹ chút xíu thì mẹ không dùng cối đá để xay bột nếp nữa mà mua sẵn bột về làm.Theo mẹ tôi kể thì bột Nếp làm bánh in phải rang lên, xay nhuyễn bằng cối đá, trộn nước đường nấu sẵn, rồi đem đi rây cho bột đường trộn đều. Nhân bánh in cũng rất công phu. Bí đao xắt hột lựu, rim sơ với đường, xong trộn với mè và chút xíu quế. Bột nếp làm bánh in của người Huế cũng tương đương như bột nếp làm bánh dẻo Trung Thu. Bánh in ra khuôn, phải đem sấy cho khô rồi mới gói vào giấy kính trong màu đỏ. Bánh in bột Nếp đã cất công như thế cũng chưa bằng bánh in Đậu xanh. Mặc dầu là bột làm bằng đậu xanh nhưng người Huế vẫn gọi bánh này là bánh Hạt sen. Công đoạn làm bánh in rất nhiêu khê, vậy mà anh em chúng tôi cứ nửa ăn nửa bỏ, vứt lung tung, tội nghiệp mẹ, cứ chắc lưỡi tiếc của tiếc công….Đúng là không biết công lao mẹ và cũng không biết “thưởng thức” món ngon vật lạ ngày Tết. Ngày Tết, trên bàn thờ ông bà hay trên bàn nước trong phòng khách khi nào cũng bày một dĩa bánh in gói giấy đỏ ….
Năm nào Mẹ tôi cũng làm chả thẻ và tré. Ngồi phụ Mẹ xắt nào tai heo, thịt đầu heo và thịt bò đem chiên lên rồi xắt rối, chưa kể những củ riềng cứng ơi là cứng và mớ tỏi cay nồng. Cái gì cũng phải xắt mỏng, xắt sợi, xắt rối. Cái kiên nhẫn của Mẹ đã lây qua tôi tự lúc nào. Trước khi làm Tré, mẹ tôi đã làm sẵn Thính để trộn Tré cho mau chua. Mẹ tôi làm Thính bằng đậu xanh rang xay nhuyễn, chứ không dùng nếp hay gạo như vẫn thường làm để trộn Nem nướng. Mẹ tôi giải thích là Thính đậu xanh là Thính của nhà vua, dân gian ít người biết đến công thức này. Ngày đó tôi cứ thắc mắc trong đầu không biết nhà mình có họ hàng dây mơ rễ má gì với vua chúa mà mẹ lại biết đến Thính đậu xanh. Sau này mẹ tôi cũng có giải thích cái “dây mơ rễ má” đó cho tôi nghe nhưng lâu ngày quá tôi cũng quên đi không còn nhớ nỗi bà Dì hay bà Cô nào là hoàng hậu của ông vua nào thuộc nhà Nguyễn ngày xưa.Trộn thính xong là bắt đầu nén chặt Tré, rồi đến gói Tré thành từng lọn trong lớp lá ổi, ngoài bọc lá chuối, và bên ngoài cùng lại thêm một lớp rơm rạ. Khách khứa đến thăm nhà ngày Tết, tôi có nhiệm vụ dọn một dĩa tré, một dĩa chả thẻ, dĩa củ kiệu, vài món Mứt, bưng ra mời, miệng lí nhí chúc Tết rồi chui tọt vào nhà để sát phạt tiếp trong ván xì lát với anh em trong nhà…
Lúc nhỏ khi còn học tiểu học, đến mùng hai Tết là cha mẹ tôi đi một vòng thăm họ hàng. Bên nội, cha tôi là út, bên Ngoại, mẹ tôi áp út, nên cha mẹ tôi có nhiệm vụ đi chúc Tết các bác các cô dì trong họ. Ông anh và mấy cậu em trai của tôi ham ở nhà đánh bài hay chơi giỡn với nhau nên không phải đi theo chúc Tết. Tôi là con gái độc nhất vì em gái tôi chưa ra đời, cứ phải đại diện anh em, đi theo cha mẹ chúc Tết họ hàng. Ngày đó tôi miễn cưỡng đi theo, nhưng đến nơi mới nhận ra rằng mình được độc quyền lãnh tiền lì xì. Về nhà dấu béng ông anh và mấy cậu em, dĩ nhiên là tôi không chia chát số tiền đã đại diện nhận giùm. Dại gì mà chia!!!
Năm cha tôi làm việc ở Huế, gia đình dọn về theo và tôi đã ăn một cái Tết nhớ đời ở đây. Số là đầu năm, sáng mùng Một Tết, anh em tôi theo thông lệ, mặc quần áo mới, theo thứ tự lớn nhỏ ra chúc Tết cha mẹ. Sáng sớm mùng một hôm đó, trời mùa đông ở Huế lạnh gây gây, anh em tôi đứa nào cũng thắng bộ quần áo đẹp mới may nhưng vì còn sớm quá nên cả bọn rủ nhau ra vườn chơi…. Vườn nhà rộng mênh mông nên mẹ tôi có nuôi thêm hai con bò để làm kỵ giỗ Ông Bà Nội. Kỵ ông Nội vào rằm tháng giêng và kỵ bà Nội vào rằm tháng ba. Hai con bò vẫn quanh quẩn sống trong vườn nhà, những bãi phân bò nằm rải rác dưới hai gốc nhãn sai trái vẫn là một đề tài sôi nổi của anh em tôi. Cậu em kế tôi, anh chàng này vốn vẫn hay bày những trò ngịch ngợm quái quỉ, đưa đề nghị là cắm thử viên pháo đại vào bãi phân bò rồi châm ngòi đốt xem pháo…. nổ to cỡ nào. Miệng nói, tay cắm pháo vào bãi phân và châm lửa đốt. Cả bọn 7 anh em tôi đứng quây quần chung quanh xem pháo nổ. Cùng với tiếng nổ cái đùng của viên pháo, phân bò văng tung tóe, dính đầy mặt mũi và quần áo của chúng tôi. Mặt đứa nào đứa nấy tái mét không phải vì lạnh mà vì….sợ. Kết quả là một cái Tết không có tiền lì xì !!!
Chiều 29 Tết cha mẹ tôi bắt đầu nấu bánh Tét. Cha tôi gói bánh Tét rất đẹp, nhưng sửa soạn mọi thứ vẫn là là công việc của mẹ. Cha chỉ lo tướt lạt và gói. Gian nhà bếp của nhà tôi khá rộng, mẹ dậy sớm, bày sẵn Nếp, Đậu đã ngâm từ tối hôm qua. Hai cái đòn gỗ kê giữa nhà cho cha mẹ tôi ngồi gói bánh. Cha tôi cao lớn, chân lại dài nên ông duỗi chân duỗi tay chiếm trọn giang sơn gói bánh. Gói xong là ông đi lên nhà, mẹ lại lục đục xếp bánh vào thùng và đem nấu ở ngoài sân, gần cái giếng sâu của gia đình. Lúc còn ở nhà, ngày gói bánh, tôi chỉ quanh quẩn bên cạnh chờ cha mẹ sai vặt. Với tôi ngày ấy, gói bánh Tét là một việc trọng đại, nên không hề nghĩ đến việc học gói học làm. Vớt bánh ra, được nếm thử bánh chín tới là cái thú mà tôi không bao giờ bỏ qua.
Đêm giao thừa, trong cái vắng lặng thanh vắng của buổi giao mùa, mùi trầm hương tỏa bay khắp nhà, mẹ tôi khoác cái áo dài ra sân thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được mọi sự bình yên. Cha tôi lo đốt châm ngòi phong pháo đỏ treo trước nhà. Chung quanh nhà đã vang rền tiếng pháo nổ dòn tan đón Giao Thừa….
Năm tôi thi Tú tài hai, sau khi cúng Giao Thừa, mẹ cho tôi bổ quả dưa hấu làm đôi, bói quẻ đầu năm, dưa đỏ thi đậu, dưa không đỏ chắc phải đi mắng vốn ông bán hàng ở chợ Cầu Muối. Năm ấy, quả dưa hấu tôi bổ đôi, đỏ tươi, đẹp như đôi môi đỏ thắm của cô gái xuân thì. Tôi đã thi đậu và vẫn thích được bói quẻ đầu năm như một ngày xa xưa đó….
Udenheim, tháng Giêng 2012
Mỹ Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét