-Ông biết không, bà nhà ông hồi này ghê gớm lắm đấy!
Ông Luân suýt chút nữa là tròn mắt, hấp tấp tra hỏi “Ghê gớm chuyện gì?”. Nhưng may mắn,ông đã kịp thời dừng lại và đôi mắt lá răm chưa kịp đổi sang hình tròn, đã nhấp nháy ra vẻ hững hờ.
-Thế à?
Câu nói thoát ra với giọng điệu thờ ơ của ông Luân, khiến người bạn già có biệt danh“Tám Triệu” mà mọi người hay đọc bằng giọng nhão nhẹt “Tám Chịu”, xìu thấy rõ,vì không có cơ hội để nhiều chuyện.
Tuy miệng lẩm bẩm “Hừ! lắm chuyện”, nhưng đầu óc ông Luân lại lảng vảng câu nói “Bà nhà ông hồi này ghê gớm lắm đấy”. Trước đây, ông bà Luân cùng sinh hoạt trong Hội Cao Niên,nhưng lâu rồi, ông đã tạm ngưng, còn bà thì vẫn tiếp tục sáng đi, trưa về, một cách vui vẻ, thích thú. Có nhiều lý do về sự rút lui của ông. Nhưng nỗi niềm khó bộc lộ nhất, là ông cảm thấy khó chịu mỗi khi bạn bè nhái giọng miền tây“quê trất” của vợ mình.
Cũng chính vì vậy mà ông Luân không đưa bà tham dự những bữa tiệc hội ngộ trường xưa, lớp cũ. Ôi chao! vợ người ta quý phái trong cách ăn mặc, trí thức trong cách ăn nói. Còn bà, dù ông góp ý biết bao lần, bà vẫn là bà. Trang phục cổ điển. Chân chất đến quê mùa trong ngôn ngữ. Khổ nỗi, bà lại truyền nguyên cái chất quê mùa đó cho đứa cháu ngoại vừa tròn năm tuổi.
Ông bà có bốn đứa con, cháu nội, cháu ngoại đầy đủ, nhưng toàn là con trai. Rồi bỗng nhiên đứa cháu gái xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nỗi khao khát của cả gia đình, nên đương nhiên nó trở thành một viên hột xoàn quý giá. Viên hột xoàn này có nước da trắng mịn,cặp mắt đen láy, cùng với đôi môi hồng chúm chím, mỗi khi cười, dù hàm răng được khoe ra không đều đặn, nhưng lại có duyên. Con bé khá thông minh và khôn lanh,nhưng điểm nổi trội chính là cái tính lý sự. Mới năm tuổi mà nó nói năng rành mạch,lưu loát, đôi lúc có hơi “cụ non” -điểm này có lẽ bị ảnh hưởng sâu đậm bởi bà ngoại.
Từ lúc lọtl òng, con bé đã được bà ngoại chăm sóc, yêu thương, chìu chuộng, nên nó mê mẩnvà xem bà như thần tượng. Từng cử chỉ, lời nói đều rập khuôn theo bà. Điều đólàm ông “bức xúc”. Ông muốn con bé phải giống ông. Giống giọng nói Hà Nội rấtchuẩn của ông, nhưng chẳng bao giờ nó theo ông. Bà thì có dịp chì chiết mỗi khiông ganh tỵ:
-Cũng tạiông. Phải hồi nó còn nhỏ, ông “gáng” phụ tui chăm sóc nó, thì bây giờ nó cũngđeo ông “dậy”.
Có cháu xinh đẹp, thông minh, và rất dạn dĩ khi tiếp xúc với người lớn là một điều hãnh diện,nhưng cũng có lúc nó làm ông Luân muốn độn thổ. Lần đó, ông hẹn vài người bạn đi uống cà phê. Ai ngờ, bà ngã bệnh ngay ngày ấy, nên ông phải mang nó theo. Bạn ông không tiếc lời khen ngợi cháu gái của ông, làm ông hứng chí:
-Hát cho các ông nghe đi con.
Vậy là conbé hăng hái chạy ra phía trước, bàn tay cuốn tròn lại như đang cầm “micro”. Vớinụ cười tươi tắn, nó tự giới thiệu:
-Bé Na hát tặngcác ông “Quại” bài “Đám Cưới Đầu Xưng”. Xin “dui” lòng ủng hộ bé Na một “chàng”pháo tay.
Tiếng vỗ tayvang lên đôm đốp. Con bé cúi đầu cảm tạ, và rồi cả thân hình nó đong đưa, uốnéo theo giọng hát trong trẻo, làm mát rượi cái lỗ tai của các ông già cùng bệnh“mê cháu”:
Ngày xửa, ngày xưa đôi ta chung nón,đôi ta chung đường.
Lên sáu, lên năm, đôi ta cùng sách, đôi ta cùng “chường”.
…..
Chiều nao đuổi bướm, bướm bay “dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng” ...
Một trận cười nghiêng ngã nổi lên. Các bạn ông thích thú, đồng loạt yêu cầu “Hát lại đi con”.Ông Luân ngượng chín người khi ông bạn cạnh bên lớn tiếng trêu ghẹo:
-Con bé chính cống là dân miền tây, bắt con cá“gô” bỏ “dô” “gổ”, nó kêu “gột, gột”. Ông ngoại Bắc kỳ của mày thua đậm trong mặt trận ngôn ngữ rồi.
Trên đường về,ông ra sức dụ dỗ con bé:
-Con nói theo ông nhé. Vô vườn chứ không phải “dô dườn”, rưng rưng chứ không phải “gưng,gưng”.
Bé Na nhìn ông cười hiền hòa, miệng nhai tỏm tẻm thanh kẹo ông vừa mua cho, đầu gật gù ravẻ hiểu biết. Ông xoa đầu khen “Cháu của ông ngoan”. Con bé cười tươi, đưa ngóntay cái lên “Con là số một mà”. Thế nhưng, sự thích thú của ông chẳng hơn mườiphút. Vừa xuống xe, đi vào nhà, con béđã yểu điệu ngoái mông, cất giọng thánh thót:
-Bướm bay“dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng”.
À! con bé đang chọc tức ông đây. Lạ cái là ông không giận, mà lại mê tít cái mông tròn lẳng của nó. Vói tay kéo con bé, ông ngồi xuống đất, để vừa tầm với chiều cao củanó. Nắm hai bàn tay nhỏ nhắn, ông ngọt giọng:
-Này, nói theo ông, “Bướm bay vô vườn mà nước mắt rưng rưng”. Tập nói cho đúng, không thôi người ta cười.
Con bé đưahai bàn tay nhỏ xíu ôm lấy khuôn mặt ông, đôi mắt to tròn như hai hòn bi nhìnthẳng vào mắt ông:
-Con thíchhát “dậy”, tại “dì” bà “Quại” nói, hát “dậy” mới dễ thương.
Nói xong,con bé quay lưng đi -nói đúng kiểu của bà cháu nó là quay lưng cái “gột”- đong đưa cánh tay theo điệu hát.
-Bướm bay”dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng”.
***
-Chơi “gumba” đi “Quại”.
Bà Luân trợn mắt, lắc đầu. Con bé le lưỡi:
-Ố ồ!!!!
Rồi chụm hai ngón tay, xẹt ngang môi, ra dấu khóa miệng lại.
-Xin lỗi “Quại”,con quên….
-…
-Con xin lỗi“gồi”, “Quại” đừng giận con nữa.
Nhìn thấy bà Luân môi vẫn mím chặt, con bé liền kiếm chuyện khỏa lấp:
-Hông biết mẹ có nhớ mua “chái” cây để “Quại” chưng bàn thờ tết hông. Tối qua, mẹ nói…
Rồi nó nghiêng đầu, ra vẻ bí mật:
-“Quại” biếtmẹ nói gì hông?
Bà Luân không trả lời, hất mặt ngó chỗ khác. Con bé chống càm, thở dài:
-“Quại” cò ngiận thì con hông nói nữa, con đi “ga” ngoài sau. Mà con “ga” ngoài sau “gồi”thì “Quại” đừng có năn nỉ con à nha… “Quại”… tại con quên mờ… đâu phải con hông nghe lời“Quại”.
Con bé xụ mặt,rơm rớm nước mắt. Thấy thương quá, bà Luân cười phì một cái:
-Mẹ con nói cáigì?
Mắt con bélong lanh vui mừng:
-Mẹ hỏi, “Quại”dặn mua cái gì?. Con nói, bà “Quại ” nói “ga gả” từ hổm tới giờ, sao mẹ hông nhớ. “Quại”nói, tết phải có mâm “chái” cây “cầu dừađủ xài”, có “dậy” mà mẹ quên miết. Thiệt là “gầu”.
-Ừ! mẹ conhư quá, có “dậy” mà quên miết hà.
Ông Luân nhíu mày nghĩ ngợi. Hình như bà đang giấu ông chuyện gì, và rõ ràng con bé biết,nhưng bà bắt nó im lặng. Nhớ lại câu nói của “Tám Chịu”, ông cảm thấy bực bội,nhưng nếu hạch hỏi thì té ra mình ghen bóng, ghen gió, mà không hỏi thì khó chịu,nên thừa dịp, ông ngứa mỏ xen vào.
-Tại thấy không hợp lý, nên nó chẳng thèm nhớ. Dừa chớ đâu phải vừa, xoài chứ đâu phải xài. Nói sai bét mà cứ nhét vào đầu con bé.
Con bé chu mỏ,nhìn ông Luân với vẻ không hài lòng.
-Thì cũng ychang thôi. Ủa! mà cái này là “chiện” nhỏ, sao ông “Quại” x…e…é ra bự chảng làmchi cho “gắc gối” “dậy”.
Thấy ông Luân lắc đầu tức tối, bà mỉm cười đắc ý. Phần ông, giờ mới ngẫm ra, những điều nó nói, giống y những điều bà từng nói, mà ông không thèm chú ý.
Nhớ có lầnông bảo con bé:
-Vào phòng gọi bà Ngoại cho ông.
Mải xem TV,đến khi quay lại chẳng thấy bà đâu, chỉ thấy con bé đang chúi đầu vào chiếc Ipaid.
-Này bé Na!có gọi bà không?
Đặt Ipaid xuống,con bé gát cằm lên đầu gối, nhìn ông chằm chặp:
-Bà “Quại”ngủ “gồi”. Con kêu hai, ba lần mà “Quại” im “ghe”. Ông muốn “Quại” làm gì choông hả? Con làm dùm được hông?.
-À! ông muốn… nhưng… con không làm được đâu.
-Sao hông được hả ông?
-Tại vì concòn bé.
Con bé ngồi thẳng người lên, ngón tay trỏ nhịp nhịp theo giọng nói:
-Con thấy ông cũng lớn “gồi”, mà đâu có làm mình ên. Cái gì cũng “géo” bà. “Quại” nói,mình lớn “gồi” phải tập làm, đừng sai người khác, như “dậy” người ta cười, ngườ ita nói mình làm biếng nhớt thây. Đúng quá phải hông ông?
Ông Luân nhìn cái mỏ vo vãnh của con bé mà trong lòng hậm hực. Ông không hậm nó, mà hực người đã nhờ nó mắng xéo ông. “Thật chẳng ra thể thống gì, chỉ làm hư con bé!”
***
Vừa bước vào hội trường, ông Luân đã được chào đón nồng nhiệt bởi những người bạn cũ:
-Lâu ghê mới gặp ông.
-Trở lại sinh hoạt đi. Vắng ông buồn quá.
Ông Luân vu ivẻ bắt tay từng người, rồi đưa mắt nhìn quanh. Khung cảnh này rất quen thuộc,nhưng hôm nay thật lạ lẫm bởi sự trang trí khéo léo với những đóa hoa mai vàng thắm, nhữngbao lì xì đỏ chói, đong đưa trên cành đào, trìu trĩu những cánh hoa xinh xắn đang khoác lên màu hồng tươi tắn như gọi mời. Rồi những câu đối, những chậu hoa rực rỡ, những bức tranh màu sắc, tạo nên một không khí tết rộn ràng, dù bây giờ chưa thật sự bước qua năm mới.
Tuần trước,ông “Tám Chịu” đã thay mặt Ban quản trị, ân cần mời ông Luân đến dự tiệc tất niên của Hội Cao Niên. Mấy ngày nay, bé Na đã òn ỉ, xin ông dắt đến đây để xemvăn nghệ. Thật ra, ông Luân chẳng muốn tham dự chút nào, nhưng nhìn con bé lăng xăng, lính quýnh khi thấy ông chần chừ mà tội nghiệp. Đã vậy, nó còn lên giọng hăm dọa:
-Ông hổng dắt con đi, con nghỉ chơi ”dới” ông luôn.
Ông lắc đầu:
-Thì con đivới bà ngoại kìa.
Bà Luân lắc đầu:
-Bữa đó, tui phải đi sớm. Ông dắt bé Na đi, sẵn coi “dăn” nghệ luôn.
Ông trề môi:
-Hay ho gì mấy cái màn hát hò của các ông già, bà lão.
Bà háy ông:
-Chưa coi đã chê. Ông có giỏi hơn ai mà bày đặt “chề” nhún.
-Có, giỏi hơn bà.
-Bởi “dậy” mớicó câu “Biết người biết ta, ‘chăm chận chăm thắng’. Ông biết có mình ên ông,thành “ga” có thua cũng đừng…
Con bé đưa hai bàn tay nhỏ xíu bịt tai lại, than thở:
-Người lớn dạy con nít phải thương nhau, mà sao cứ gấu ó với nhau “quài” “dậy” ta!
Nhớ lại, ông Luân bật cười, đưa tay định xoa đầu cháu, nhưng con bé vội nghiêng qua bên trái, né tránh:
-Ông! coi chừng“gớt” cái nơ “chên” đầu con.
Ông Luân phì cười, rồi giật mình khi nghe tiếng nhạc xập xình nổi lên và thấy bà Luân xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo đầm phùng xòe. Hai tay áo phùng, ngực phùng,ngang eo còn phùng tợn, thêm chiếc nơ tổ bố sau mông, làm cho bà tròn quay như đòn bánh tét. Bà vừa đi, vừa uốn éo, thì từ cánh gà, một anh chàng đen thui, cória mép mỏng dính tiến ra, đưa bàn tay ôm ngang lưng bà và nhạc đổi sang điệu Rumba, hai người nhẹ nhàng bước theo nhịp điệu. Ông bỗng nhớ câu nói của con bé“Chơi ‘gum ba’ đi “Quại”. Thì ra, con bé đã đến đây xem bà tập dợt, nên quyết chí phải tham dự buổi văn nghệ này cho bằng được.
Khuôn mặt của bà Luân dưới ánh đèn màu trông lạ hoắc. Cách hóa trang khiến bà trông ngộ nghĩnh đến buồn cười. Tuy vậy, lối diễn xuất của bà, từ điệu bộ, giọng nói, với những câu đối thoại tưng tửng đã làm cho bầu không khí sôi động hẳn lên. Khimàn kịch chấm dứt, mọi người đã đồng loạt gọi tên bà với hai bàn tay vỗ nhịp thậtrôm rã. Con bé ngồi bên cạnh ông cười lăn chiên, lăn ngữa. Phần ông, dù muốn,dù không, ông cũng phải công nhận bà diễn hài rất có duyên.
Sau nhiều tiếtmục tiếp theo màn kịch, một lần nữa tên bà lại được long trọng giới thiệu cùng với bản nhạc “Đám Cưới Đầu Xuân”. Ông xuất mồ hôi khi nhớ đến câu con bé hay hát “Bướm bay ‘dô dườn’ mà nước mắt ‘gưng gưng”. Lần này, ông phải biến mất trước khi “sự cố” xảy ra. Dịp may đến bất ngờ khi người MC cáo lỗi, vì âm thanh đang trục trặc. Ông nói khẽ với con bé:
-Bé Na! mình đi về nhé.
-Sao “dậy”? “Quại”chưa hát mà.
-Tại… tại vì…ông đau bụng.
Con bé hạ chiếc cằm xinh xắn xuống, đôi mắt trợn ngược nhìn ông:
-Có thiệthông?. Ở nhà, con thấy lần nào đau bụng, ông cũng “gên gỉ” dữ thần luôn, chớ hổng có nói nhỏ như “dầy” đâu.
Ánh mắt con bé quét dài trên khuôn mặt ông Luân. Ánh mắt chứa đựng sự dò xét. Và sau khi dò xét kỹ lưỡng, nó cười hè hè:
-Thôi, con biết “gồi”…. là ông giả bộ đau bụng. Ông sợ “Quại” hát hay, “gồi” người ta nói “Quại”giỏi hơn ông, phải hông?
Ông chưa kịp nói gì bà đã bước ra sân khấu. Ông ngỡ ngàng nhìn bà trong chiếc áo dài thời trang. Giờ thì bà không tròn như lúc nãy. Chiếc áo dài được cắt may thật khéo léo như gói gọn thân hình bà, mái tóc bới cao trông quý phái và khuôn mặt trangđiểm thật tỉ mỉ, sắc sảo, khác xa với khuôn mặt ông nhìn thấy trong màn hài kịch.Nhưng ông càng ngỡ ngàng hơn khi bà cất giọng hát. Không biết bà luyện tập từ bao giờ, mà phát âm lời bài hát bằng giọng Bắc rõ ràng, không chút ngọng ngịu như ngôn ngữ chất phác thường ngày của bà. Ông thở nhẹ, lặng người ngắm nghíabà. Đúng như bạn bè thường giễu cợt “vợ ông hàng xóm đẹp hơn”, nên từ lâu, ông không khám phá ra nét duyên dáng tiềm ẩncủa bà.
Khi bà Luân cúi đầu chào và nhạc bế mạc trổi lên, đám con cháu ùa lên sân khấu, ôm lấy bà, ríu rít khen ngợi, trong khi ông đứng lẻ loi ở phía dưới. Trong phút chốc, ông cảmthấy cô đơn vô cùng. Bây giờ, ông Luân mới chợt hiểu, chính ông đã tự tách rời các con, vì chẳng bao giờ ông gần gũi, chia sẻ với chúng những buồn vui trong gia đình, cũng như trong cuộc sống, mà hơn hết là thái độ xem thường bà, khiến chúng có sự bất mãn ngấm ngầm đối với ông. Có lần, cô út khoe:
-Bố xem “youtube” dì Năm làm cho má nè. Má hát hay quá, người ta “like” cho má đếm không hết.Bây giờ má nổi tiếng rồi đó bố.
Ông cảm thấy khó chịu với lối cường điệu, tâng bốc của đám con, nên nhếch mép, cười khỉnh rồi bỏ đi.
Ông Luân xưa nay vốn xem thường vợ. Ngày bà đi thi quốc tịch, ông thẳng thắn bài bác “Bà có thi thì cũng rớt thôi. Đi làm gì cho phí thời gian”. Cũng đúng, tiếng Anh của bà không đầy lá mít. Nhưng chính vì biết mình kém, lại thêm nỗi lo, nếu không có được quốc tịch Mỹ, sau này bà sẽ không xin được Medicare, rồi lỡ khi bệnh hoạn,lại báo hại con cái, nên cố gắng học thuộc “một trăm câu vấn đáp thi quốc tịch”.Mỗi ngày, trong lúc nấu ăn, bà để máy “cassette” cạnh bên, đọc theo từng chữ, từngcâu. Cuối tuần, bà nhờ mấy đứa cháu đọc câu hỏi, và nghe bà trả lời để giúp bà phần phát âm. Một tuần trước ngày thi, bà thuộc làu bài học khó và đã vượt qua được kỳ thi quốc tịch. Thằng con Cả bước vào nhà, nói mà như hét:
-Bà con ơi!má đậu quốc tịch rồi.
Đang đọc báo, ông Luân tháo kính ra, trố mắt nhìn bà, dường như không tin vào tai mình.Đám con cháu sáng giờ ở nhà, hồi hộp trông ngóng, chạy ùa ra, tranh nhau ôm bà.Thay vì hòa nhập với cả nhà để vui vẻ chúc mừng bà, ông lại lủi vào phòng,tránh xa đám con đang hào hứng nghe bà kể chuyện “khó tin mà có thật”.
Lần này cũng vậy, ông lặng lẽ quay lưng bước đi. Vừa ra ngoài thì gặp ngay “Tám Chịu”. Với nét mặt rạng rỡ, ông hân hoan kể lể:
-Đấy! tôi đã bảo “bà nhà ông hồi này ghê gớm” lắm mà. Thế… ông có biết bà tốn bao nhiêu thờigian để tập dượt không? Và ông có biết ai dạy bà ấy giọng Bắc không?
Không chờ câu trả lời, ông “Tám Chịu” vỗ ngực tự hào:
-Tôi đấy. Bà ấy nói, muốn dành bất ngờ cho ông nên không nhờ ông dạy. Thích nhé, có bà vợ giỏi giang, tha hồ mà hãnh diện.
Bây giờ, ông Luân mới thấm thía câu nói của người xưa “Biết người, biết ta, trăm trận trămthắng” mà bà đã từng nói với ông. Vì ông chỉ biết có mình và xem thường đối phương nên ông thua đậm, trong khi bà có hàng đống “fan”, nào con, nào rể, nào dâu, nào cháu ngoại, cháu nội. Còn ông thì sao? Một mình… thua là phải!. Ý nghĩ này làm ông bật cười. Nhưng lạ thật, lầnnày ông không tức tối mà lại cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái với chiến thắng của bà. Lúc bà bước ra ngoài, quanh quất tìm kiếm, ông bước đến gần, cười tỏn tẻn:
-Tôi thua bà rồi.
-Thua thắng gì ông ơi!
Rồi bà ngước mắt nhìn ông. Không phải là cái nhìn khiêu khích thường lệ, mà trong ánh mắt của bà như ẩn chứa một chút âu yếm với giọng nói dịu dàng:
-Tết tới nơi“gồi”, tui chỉ mong vợ chồng mình đừng cãi ‘dã” nữa, lúc nào cũng “quà thựng”, để con cái quy tụ lại, cùng nhau đón một năm mới “dui dẻ”, hạnh phúc.
Ngân Bình
Nhạc phẩm “Đám Cưới Đầu Xuân” của TrầnThiện Thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét