Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Tưởng Nhớ Nữ Danh Ca Xứ Huế


Hầu như mỗi sáng thức dậy, mình đều nghe những bản nhạc hay đọc những bài viết có tính chất văn học nghệ thuật do BS. Phạm Anh Dũng gởi ra trên diễn đàn Toronto Medical Group. Qua thời gian thành ra thói quen, mở mắt ra là mình tìm vào đó để thưởng thức những bản nhạc do BS. Anh Dũng thả ra.

Vào sáng thứ Hai, 17 tháng Giêng, 2022 cũng vậy, mình đọc bài giới thiệu “Tháng Giêng Kỷ Niệm Hai Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn và Ca Sĩ Hà Thanh Qua Đời. Nhân sáng hôm nay trời bên ngoài toàn mây mù và lạnh, nên mình tìm một góc ấm và mở ra thưởng thức những clips nhạc bạn gởi. Không chỉ như vậy, mà còn nhiều bản nhạc khác nửa, với sự tham gia của nhiều ca sĩ khác mà mình nghĩ cũng xẩy ra cùng một địa điểm, một thời gian, do cùng một ban nhạc và một MC, tại Houston năm 1992 (?), qua chương trình VOVN.

Tháng Giêng là kỷ niệm thời gian cả hai nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và ca sĩ Hà Thanh qua đời. 

Để nhớ hai nhân vật tài hoa

Sau đây là vài tác phẩm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn do ca sĩ Hà Thanh trình bày:

 Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:
https://youtu.be/FkfhQ8ykgaY 
 Bến Giang Đầu (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:
https://youtu.be/dNmvkMCzW3A 
 Chim Chiều Không Tổ (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:
https://youtu.be/pzzMCV-Y7Oo 
 Chiều Bên Giáo Đường (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:
https://youtu.be/3_uFORejIEY 
 Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng có viết hòa âm cho Hà Thanh hát:
Hẹn Một Ngày Về (Lê Hữu Mục) Hà Thanh hát Lê Trọng Nguyễn hòa âm:
https://youtu.be/6GMnsRtUG8k
 Nhân tiện mời nghe 
Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn) Mai Hương & Phạm Anh Dũng song ca:
https://youtu.be/y4N0kaLqLRk
Phạm Anh Dũng
http://phamanhdung.wordpress.com/
Giữa 2 nhân vật Lê Trọng Nguyễn và Hà Thanh, vì mình không rõ nhiều về người thứ nhất, nên mình xin có vài lời về ca sĩ Hà Thanh, một người con của xứ Huế của mình. Không những Chị có giọng ca hiền hòa, tuyệt vời trời phú, mà phong cách tự nhiên song song với một cuộc đời đơn giản đầy tâm Phật của Chị đã khiến tên tuổi của Chị nổi bật trong những ca sĩ đương thời và cả về sau khi ở hải ngoại. Hay ít nhất trong cộng đồng người Huế xa xứ nói chung và riêng trong lòng những cựu nữ học sinh trường Đồng Khánh, là nơi Chị từng học qua, và của mình nữa khi mình cũng từng là một cựu học sinh, vì theo học 5 năm tiểu học tại đây và ở luôn 19 năm trong khuôn viên ngôi trường đẹp này.


Tuy Chị bắt đầu nổi tiếng từ Huế trong thập niên 60 của thiên niên kỷ trước qua những chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Huế, mình chưa biết nhiều về Chị lắm. Chỉ biết chung chung là nhà chị Hà Thanh ở bên kia cầu Ga, bên dòng sông Bến Ngự khi sông đào này mới bắt đầu rẽ nhánh từ sông Hương. Mình nhớ có một hè mình đang học năm cinquième hay quatrième gì đó, được trường Providence tổ chức đi cắm trại mấy ngày tại trường Pellerin (cả 2 trường đều là Công giáo cả). Các anh lớn thường hay ra đứng cạnh bờ sông, núp đằng sau các bụi cây, nhìn và chỉ chỏ sang bên kia sông và nói với nhau đó là nhà của ca sĩ Hà Thanh. Có lần mình cũng nhìn theo và thấy một lô các chị em (nhưng không biết trong đó có chị Hà Thanh không??) đang chơi đùa ở bến sông và bơi trên dòng sông, có người thì đang chèo thuyền nữa. Dần sau mấy năm, Chị Hà Thanh bắt đầu nổi tiếng không những về tiếng hát của mình mà còn thêm là một loạt các em gái Chị cũng có tiếng thơm là con gái đẹp mà lại học cao, như các chị Phương Thảo (về sau lấy Viện trưởng ĐH Huế là GS. Bùi Tường Huân), chị Liên Như, Thúy Vy (cùng 1 lứa với mình ở thềm ĐH. T.Vy học Luật, mình thì YK), Bạch Lan, Hoàng Mai. Toàn là những tên đẹp! Và làm bao chàng trai trong cùng lứa tuổi mơ màng và điêu đứng. Mãi cho đến nay, mình vẫn không hiểu được nghĩa của tên cúng cơm Lục Hà của chị Hà Thanh. Nghe thật lạ và hay, rất đặc biệt, và có lẽ chưa có một người con gái nào mà mình biết, hay đọc trong sách báo, thi văn… có cùng tên như vậy!?

Trong một lần thư liên lạc với Thúy Vy, mình có viết như sau:

Thúy Vy mến,

Vừa làm xong chương trình văn nghệ cho Tiệc Tân Niên YKH vào chiều Thứ Sáy này, March 9, 2018, mở email, thấy Vy Trần Kiêm vội mở ngay. Tưởng Vy gởi nhạc, không ngờ đọc bài viết của Vy về Cố NS. Nguyễn Văn Đông.

Bài viết tuy ngắn nhưng trang trải đầy đủ đức tính của một con người có trước có sau, một nhạc sĩ có tên tuổi lại vừa là một cựu sĩ quan cao cấp, nổi tiếng từ xưa cho đến cuối đời. Được mọi tầng lớp dân chúng yêu thương lại vừa được các đàn em cựu quân nhân, cựu Thiếu Sinh Quân kính mến đã không ngần ngại sắp hàng đưa tay lên tầm mắt, chào tiễn người đàn anh mang hình ảnh một đấng nam nhi văn võ song toàn, một mình hiên ngang chọn con đường sống sau khi đi tù về với tinh thần quả quyết gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Một hình ảnh quá xứng đáng để lại cho hậu thế.

Cũng phải viết như thế này: nếu nhạc của ĐT Nguyễn V. Đông không được chị Hà Thanh hát (hay ngược lại) thì có lẽ những bản nhạc đó, như Hải Ngoại Thương Ca, Hàng Hàng Lớp Lớp, Nhớ Một Chiều Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê... sẽ không được nổi tiếng với hàng hàng triệu người biết đến.

Vĩnh Chánh cảm thấy rất privileged và thương mến khi được Thuý Vy nhắc tên đến... 2 lần (**) trong bài viết. Cám ơn T. Vy nhớ luôn cả lần Chánh đến nhà thăm nhà T. Vy ngay sau khi biết khu vực Ga được giải tỏa trong Mậu Thân. Vui ghê đi chớ!

Chúc Vy sức khỏe và an lành. Nhớ thỉnh thoảng liên lạc với nhau nghe.

Thân mến, Chánh

(**Lần thứ nhất là khi nhắc đến bài viết Tết Năm Này Nhớ Đến Tết Năm Xưa / Mậu Thân của mình; lần thứ hai là về câu chuyện vui nhắc lại V. Chánh đến nhà Thúy Vy ngay khi Huế đang ngổn ngang chưa dứt tiếng súng: “Để xem tụi Vy chết chưa thì đồ ăn vẫn chưa hết, vẫn có đùi vịt được nướng lên cho Chánh ăn. Đói lâu ngày, Chánh ăn ngon lành” – Thúy Vy viết.

Trong thư chuyển của Anh Dũng, mình lại được nghe lại bản nhạc một thời mình rất mê nghe, từ khi còn là sinh viên. Đó là bài Hẹn Một Ngày Về của GS. Lê Hữu Mục làm ra khi ông rời Huế bay ra Hà Nội nhưng hẹn về lại Huế sau đó. Theo ý mình, bài này rất xứng đáng chiếm một vị trí cao trong những bản nhạc về Huế, nhất là khi nhạc sĩ lại không phải gốc Huế mà là người Miền Bắc vào dạy ở Huế rất sớm sủa (trước khi chia đôi đất nước).
Và với bài này mình nghĩ không thể có ai hát hay và truyền cảm cho bằng chị Hà Thanh.


Từ khi vào Sài Gòn sinh hoạt cùng với các chương trình ca nhạc, mình tìm hiểu, và biết chị Hà Thanh không bao giờ đến trình diễn tại các phòng trà. Chị chỉ xuất hiện qua các chương trình trên đài phát thanh Sài Gòn hay Quân Đội, hay trên truyền hình về sau. Sự kiện Chị không hát ở các phòng trà cũng có thể hiểu như một viên ngọc quý, cho dù được ưa thích đến đâu, cũng không thể trưng bày, xuất hiện dễ dàng trước công chúng. Phải giữ riêng cho mình một nét cổ kính trầm lặng, một mức độ, một khoảng cách nào đó, nhưng không hề mang tính chất kiêu ngạo hay lập dị - có lẽ đó là nguyên tắc kín đáo trong đời sống của một thiếu nữ gốc Huế mà lại được nuôi dưỡng trong một gia thế có nền giáo dục vững chắc.

Ngay cả khi ra hải ngoại, Chị cũng rất ít khi xuất hiện trên các chương trình ca nhạc của PBN hay Asia, mà lại có mặt trong các buổi văn nghệ của từng nhóm nhỏ, như Nhóm Nhớ Huế, Phượng Vỹ, hay các buổi trình diễn có tính cách Phật Sự. Có nghĩa là Chị không bao giờ nghĩ đến chuyện làm thương mãi với tiếng ca của mình. Có được như vậy, chắc vì Chị nhận được sự bao bọc thân yêu của các em chị từ khi chị rời VN và qua sống tại Boston.

Chị Hà Thanh mất đúng ngày đầu năm của tháng Giêng 2014, bên cạnh con và các người em thân yêu. Nay V. Chánh xin mượn 2 câu trong bản nhạc Hẹn Một Ngày Về:

“HUẾ, LƠ LỬNG GIÒNG HƯƠNG
NĂM THÁNG CÒN VƯƠNG LỜI AI MONG CHỜ”

Để thắp nén nhang lòng, nhớ về một giọng hát từng đi vào lòng người, một hình ảnh thùy mị khó quên, một tên rất quen thuộc của bao thế hệ lớn lên, sống tại Huế hay xa Huế. Cầu nguyện hương hồn chị thanh thản nơi chốn tịnh độ.


Hai giờ sau khi viết xong bài này, mình nhận được hình vẽ chị Hà Thanh bằng bút bi mà họa sĩ là BS. Mùi Quý Bồng, một đàn anh tài hoa, chuyển vào diễn đàn tmg. Một chia sẻ quý báu làm tăng giá trị của bài viết.

Và vào tận cuối ngày, mình lại nhận gián tiếp thêm một điện thư cho biết nghĩa của tên Lục Hà như sau:        

Xin bổ túc… cho ai đó, thắc mắc về tên Lục Hà…

Theo như tôi được biết:

Các anh chị em chúng tôi thường gọi chị là Chị Hà.
Gọi Phương Thảo là chị Phương.
Tên mấy chị rất đẹp! Phải không?
Chúng tôi, (nói về phe nữ), cùng được Ông Nội đặt cho,
Các Chị, Con ông Bác chúng tôi: tên Các loại Hoa và Thảo mộc:
Tố Cần, Lục Hà (hoa Súng), Phương Thảo (Hoa Khôi Đồng Khánh), Liên Như (hoa Sen)
Thuý Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai…

Nhà khá đông con gái…

Hai hôm sau, cũng từ diễn đàn tmg, mình nhận được một clip video music dài gần 2 giờ, do chị Liên Như (Boston) cùng Giáo Sư Đàm Trung Phán (montreal, Canada) biên soạn. Dưới đầu đề “HÀ THANH, Liên Khúc 1- KỶ NIỆM NGÀY RA ĐI – January 1, 2014. Như một lời vĩnh biệt gởi đến người nữ danh ca xứ Huế. Trân trọng cám ơn GS. Đàm Trung Phán và chị Liên Như:


Tháng Giêng, 2022

Vĩnh Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét