Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Đầu Xuân Vui Với Câu Đối

(Di ảnh của Ông Nội)

Mỗi lần viết câu đối Tết. Tôi chợt nhớ lại thuở sinh thời, khi tiết Xuân về, ông Nội tôi với chiếc áo dài the đen, bên trong là bộ bà ba trắng, đầu đội khăn đóng đen, tay cầm chiếc dù đen, từ chợ Cầu Dừa (tên cũ của chợ Phú Phụng Chợ Lách) lên chợ Vĩnh Long vui Tết với cháu nội. Trong túi xách của ông không hề thiếu bút lông thỏ và thẻ mực tàu. Ông thường bảo tôi mài mực để ông viết liễng, câu Đối Tết.
Con nít mà, nên thường thắc mắc, tôi hay hỏi ông:
- Viết mấy cái này rồi dán lên cột đặng chi vậy Nội?
- Đây là tục lệ từ xưa của ông bà mình truyền lại.
- Tục lệ là gì hả Nội?
- Là cái thói quen có từ trước cho đến giờ.
- Mình không có được hông, có bị gì hông Nội?
- Không có cũng được, không sao cả. Nhưng đây là nét đẹp văn hóa, vì thế cứ đến tết là nhà nào cũng có một vài câu đối cho ra vẻ tết.
- Nét đẹp văn hóa là gì hả Nội?
- Đó là những cái hay, cái tốt của con người, của xã hội, hoặc của dân mình sáng tạo ra. Mình là người đời sau, phải biết giữ gìn. Mà thôi, con đừng hỏi nữa, Bây giờ nói con cũng không hiểu đâu, để Nội viết cho xong mấy câu Đối này...

Sau này, mỗi khi Tết cận kề, tôi luôn nhớ đến Nội, nhớ đến câu Đối Tết. Vì vậy, thuở còn đi học, tôi thường tìm tòi về Câu Đối.
Thế Đối là gì?
Theo sự tìm hiểu qua nhiều sách vở, báo chí, trang mạng... Đối có nguồn gốc từ Đối Liên bên Tàu, xuất hiện hơn 3000 năm trước, được xem là tinh hoa của văn hóa Trung Hoa, có xu hướng Biền Ngẫu, nên sau này còn gọi là Đối Ngẫu. Nhưng phải đợi đến thời Lục Triều, Đối Ngẫu mới phát triển mạnh.
Đối là từ viết cho gọn của "Đối Ngẫu". Đối có nghĩa là đáp, chống lại. Ngẫu có nghĩa là đi đôi. Như vậy Đối Ngẫu tức là hai câu đi đôi với nhau, có ý và từ chống lại hay trả lời, hoặc bổ khuyết cho nhau.

Đối có nhiều dạng:

- Tiểu đối ( dưới 4 chữ ở mỗi câu)

Đói ăn rau
Đau uống thuốc
              Thành Ngữ

- Câu đối thơ (từ bốn đến sáu chữ),

Kia mấy cây mía
Có vài cái vò
               Vua Tự Đức

Lan đình tiệc họp mây ảo
Kim cốc vườn hoang dế cày
                           Nguyễn Trãi

- Đối theo thơ Đường Luật (năm chữ và bảy chữ).

Trời cao chim mỏi cánh
Sức yếu ngựa chùn chân.
                                Huỳnh Hữu Đức
Đối Tết Tao Nhân vừa trọn nét
Men xuân Mặc Khách đã mềm môi
                                 Huỳnh Hữu Đức

Câu đối có nhiều chữ gọi là câu đối phú. Về Đối Bằng Trắc trong Thể Phú không quá khắc khe, có thể du di, không phải Đối từng chữ một. Quan trọng nhất là chữ cuối của hai Vế, bắt buộc phải trái Bằng Trắc với nhau.

- Câu Đối Song Quan: Là câu đối ở mỗi vế có trên 6 chữ, đi liền một mạch.

Múa bút đề thơ mừng xuân cùng tri kỷ
Nâng đàn dạo khúc vui tết với tri âm.
                                      Huỳnh Hữu Đức

Đón xuân đất khách đừng quên cội nguồn Dân Việt
Vui tết xứ người hãy nhớ nòi giống Lạc Long.
                                                    Huỳnh Hữu Đức

Những câu đôi, ba chục chữ... cũng gọi là câu đối phú .
Trong những câu đối phú, nếu có nhiều đoạn, thì những chữ cuối của các đoạn trước là Bằng, thì chữ cuối đoạn sau cùng phải Trắc; trái lại những chữ cuối của tất cả các đoạn trước là Trắc, thì chữ cuối đoạn sau cùng phải Bằng.

- Những câu đối Phú có từ 3 đoạn trở lên được gọi là Câu Đối Hạc Tất (gối hạc)

Đến bữa, chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong  
Qua kỳ, lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó.
                                                Nguyễn Công Trứ

Chữ nghĩa chẳng bao, cũng giở bút nghiên, đua đòi dăm câu đối tết
Đời người là mấy, thôi thì đàn địch, rỉ rả ít khúc ca xuân.
                                                                             Huỳnh Hữu Đức
 
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết!
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!
                                                                              Trần Tế Xương

Tuy Đối có  nguyên tắc là khá khắc khe, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ.
Có những câu đối rất hay, không theo luật, những câu đối chỉ có thể đối như thế, không thể đối khác, người ta gọi là tuyệt cú (câu đối  không thể đổi khác được). Như câu:          

Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như          
Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ Vô Kỵ, thử diệc Vô Kỵ.

Câu đối trên có sự tích rất thú vị:
Vào thời Hậu Lê có một người học trò tên là Nguyễn Hoè, nổi tiếng tinh nghịch từ nhỏ. Lớn lên, khi Nguyễn Hoè đi thi thì gặp phải vị quan chủ khảo cùng tên, vị quan kia rất khó chịu, vì vậy khi ông vào thi, người xướng danh gọi chệch đi là "Huề". Nguyễn Hoè nhất định không vào, mãi tới khi người xướng danh phải gọi "Hoè" anh mới chịu vào. Quan chủ khảo bực mình, muốn trị tội bướng bỉnh của anh học trò, liền ra 1 vế thách đối:
- Quan chủ khảo
       Vế ra: 
              Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như

(Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên tuy giống nhau, nhưng thật ra người không giống nhau).

Ý của quan là tuy Nguyễn Hoè trùng tên với quan nhưng không thể nào bằng quan được. Cái khó là Tương Như vừa là tên, vừa có nghĩa là giống nhau.
– Lạn Tương Như là tướng quốc nước Triệu đời Xuân Thu, nổi danh khi đi sứ nước lớn là Tần mà không làm mất mặt vua, sau đó còn vì nghĩa lớn nhường nhịn sự tỵ hiềm của Liêm Pha. Tư Mã Tương Như là một tài tử đất Thục đời Hán, nổi danh vì khảy bài Phượng Cầu Hoàng, mà cầu thân được với quả phụ Trác Văn Quân.

- Nguyễn Hoè:
        Vế Đối:
               Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ

(Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, ông không kỵ, thì tôi cũng không kỵ).
- Ngụy Vô Kỵ tức Tín Lăng Quân, công tử nước Ngụy, cũng nuôi tân khách, nổi danh khi cướp binh phù của Tấn Bỉ để đi cứu nước Triệu đang bị Tần vây. Trưởng Tôn Vô Kỵ là em vợ Đường Thái tôn Lý Thế Dân, một trong những công thần bậc nhất thời Sơ Đường từ lúc khai quốc cho đến lúc lập nền thịnh trị, ở đây Nguyễn Hòe dùng chữ Vô Kỵ còn có nghĩa khác là không sợ.

Đối đã cho các văn nhân thi sĩ một thú vui rất tao nhã, tuyệt vời, như viết câu đối Tết, góp vui trong những dịp lễ hội...hay thách đối với nhau, để rồi có những trường hợp phải ngẩn tò te như:

1/
Bấy Giờ ở kinh đô Thăng Long có bốn danh sĩ được gọi là "Trường An Tứ Hổ" gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái rủ nhau đến nhà bà Đoàn Thị Điểm để thử tài. Bà ra câu đối: 

                Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang

 (Trước sân, thiếu nữ mời trầu cau). Tân lang ý nói về trầu cau theo truyện sự tích trầu cau, lại đồng âm Hán Việt với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ đều chịu phục không nghĩ ra câu đối lại.
 
Với vế ra này, tôi cũng đối như sau:

               Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ
                                                 Huỳnh Hữu Đức

   (Trong sách cậu học trò tìm lấy nghề cho sau này. Hậu Nghệ cũng là tên chồng Hằng Nga)
2/
 Vế ra:
      Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố 

Câu này do bà Hồ Xuân Hương ra cho 1 anh người Tàu sang An Nam bán bánh có ý trêu ghẹo bà, trong đó có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường, Lương, Ngô khiến chú khách kia tẽn tò chuồn thẳng.
 
Ờ Vế Ra này, tôi cũng đối như sau:

      Mình mặc áo Hồng - Nhà trống thôn Mạc - Lời khoát muôn Triệu - láy Lý láy lèo.
                                                                                                                        Huỳnh Hữu Đức

Vế Đối này, tôi cũng dùng 4 triều đại  Hồng Bàng, Triệu, Mạc và Lý của Việt Nam ta để đối lại. 
 
3/
Tương truyền Bà Đoàn Thị Điểm đang tắm, Trạng Quỳnh một hai cứ đòi vào tắm chung, túng thế, Bà ra câu đối nếu Trạng Quỳnh đối được thì cho vào tắm chung. Trạng ta đồng ý thế là Bà ra câu đối dưới đây. Tính đến nay, chưa ai đối được.
 Tôi cũng mạo muội ra Vế Đối. Kính mời Quý Độc Giả, Thân Hữu bình phẩm:  
 
-   Vế Ra:       Da  trắng vỗ   bì   bạch
                                            Bà Đoàn Thị Điểm
- Vế Đối:     Tánh lành yêu tính tang
                                                Huỳnh Hữu Đức
     Tính (性) có nghĩa là tánh. Tang (臧) có nghĩa là tốt lành

Sau đó tôi làm thêm một Vế Đối nữa:
 
-   Vế Ra:       Da  trắng  vỗ   bì   bạch
                                                      Bà Đoàn Thị Điểm
- Vế Đối:       Chuột  tơ  kêu  tí   ti
                                                     Huỳnh Hữu Đức
       Tí (子) là chuôt .  Ti (絲) là Tơ và cũng có nghĩa là Nhỏ.

Ngoài những thú vị do câu đối mang đến, tôi viết bài này, trước là thỏa mãn đam mê, sau là mong được quý Độc Giả góp ý, bổ sung và chỉnh sửa những sai sót nếu có.

Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét