Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Ước Mơ

    Lần đầu ghé thăm anh Khải, người của nhóm bạn vừa quen biết, trong cuộc họp mặt cựu học sinh Tống Phước Hiệp. Đãi khách, anh mang ra một dĩa đầy ắp bánh quai vạc, do chị nhà làm.
Ô! Một tình cờ nhưng mang nhiều cảm xúc đến lặng người. “Hình ảnh năm xưa” tưởng mất đi lại được tìm về. Chiếc dĩa đựng bánh có hình lá tre, giống hệt những cái dĩa được bày bán ở tiệm buôn Hiệp Thành của má tôi trong thập niên 60.

    Kể cho anh Khải nghe, lý do nào khiến tôi xúc động đến chừng ấy. Anh bước vội vào nhà sau và mang những dĩa tô, bày ra trước mắt tôi. Nhìn chúng, tôi không khỏi liên tưởng đến ước mơ được chấp cánh của má là lập một tiệm buôn. Nhưng tiếc thay, tiệm buôn này cũng là nơi làm nhà ở, đã chìm trong biển lửa trong mùa xuân năm Mậu Thân 1968.


Cùng tuổi 16, tôi còn chơi trò con nít với lũ trẻ trong xóm, trước sân nhà thì má tôi đã là cô dâu út thứ mười của nội. Cô dâu tuổi đời còn quá trẻ, sống và lớn lên cạnh dòng sông Rạch Bàng, khung cảnh nên thơ với lờ lững lục bình trôi, của vùng quê, xã Đức Mỹ. Được sự giáo dục của những năm tháng dưới mái trường, sự dạy dỗ của ngoại và quyển “cẩm nang” của ba viết cho má trước khi bước vào ngưỡng cửa nhà chồng, cùng lời thương yêu, trìu mến, ông nội nói với bà nội dành cho má... “con còn nhỏ để mình chỉ dạy thêm...”. Chừng ấy là hành trang má mang theo bước vào vai trò làm vợ, làm dâu. Từ một phụ nữ, quanh đi quẩn lại trên đất nội ở ấp Phú Hữu, những ngày phập phòng lo trốn chạy khi giặc Tây ruồng bố, đến lúc Việt Minh nổi dậy, má nuôi ước mơ về thành, có một tiệm buôn nho nhỏ và nhất là con cái được dịp đến trường. Ước mơ không chỉ là mơ, má vun bồi lớn dần. Chuyển đổi đời sống, từ Ấp, má lần hồi dọn lên Xã. Được người quen nơi đây cho cất tạm một căn nhà sàn, trong góc khuất thuộc Xã Giồng Ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Má chẳng an phận ở góc khuất này, dần dà căn nhà như được chấp cánh tiến ra mặt tiền, dối diện ngay với chợ và trở thành tiệm buôn với bảng hiệu Hiệp Thành được dựng lên.

Hàng trong tiệm được ba mua từ Vĩnh Long mang về, còn gọi là đi "bổ đồ". Với sự chân thành, thật thà, hiếu khách, luôn trọng chữ tín của má, người tìm đến mua ngày càng đông hơn. Và từ đó các mặt hàng khác được bày bán thêm. Đặc biệt nguồn hàng vải vóc, từ loại rẻ tiền chí đến vải may trang phục dành cho lễ cưới được đặt cẩn thận trong tủ kính. Ngoài ra, để tiện dụng trong các yến tiệc, trên một bàn vuông khá lớn, trưng bày chén, tô, dĩa, bán lẻ hoặc trọn bộ, có in hình bắt mắt, hài hòa màu sắc với bông hoa và hình lá tre trông thanh nhã mà má rất ưng bụng.

( Ảnh chụp tất cả các dĩa, tô, nơi nhà anh Hoàng Xuân Khải - Vĩnh Long)

    Những chiếc dĩa, tô, nơi nhà anh Khải, có những loại hình khác nhau, nhưng má tôi thích nhất là tô, chén, dĩa có hình lá tre. Má bảo trông đơn giản nhưng không kém sang trọng. Những chiếc dĩa lá tre nhà anh Khải, có cái đã mờ nhạt...theo thời gian, nhưng lại quá mảnh liệt với tôi, nhắc nhớ về "Ước Mơ" của má. Và một tình cờ khá thú vị khác nữa... Anh Khải cho biết, dĩa tô này… “mua lâu lắm rồi, mua ở tiệm Bạch Phụng”. Thì ra...ba tôi là người đi “bổ đồ”, mua các chén dĩa về bán. Ba mua cùng một tiệm với anh Khải, tiệm của bác ba Bạch Phụng.

Giá mà má tôi còn, chắc chắn tôi sẽ “nợ” anh Hoàng Xuân Khải, “nợ” vì xin anh cái dĩa lá tre cho má, chỉ một cái thôi...cho má có dịp sống lại với Ước Mơ.

Trễ rồi má ơi!

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 2023


1 nhận xét: