Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Vĩnh Long Miền Đất Nhớ

(Vĩnh Long 1920-1929 - Măng Thít)

Sông Cổ Chiên ngày qua còn tuôn chảy
lệ trong con vẫn đổ mãi đường dài
buổi chia tay đã bao mùa mưa nắng
để Mang Thít từng nỗi nhớ, miệt mài

Cầu Mỹ Thuận bên kia trời xa thẳm
biển bên này cũng vỗ sóng chia phôi
xuồng ba lá bồng bềnh, năm tháng muộn
mẹ cười buồn trong gió lạnh đơn côi

Dòng Cửu Long có sông Tiền sông Hậu
chia đôi bờ, ngày tháng đã xanh xao
làn mưa nhỏ, con nhìn theo tiếc nuối
ngọn gió xưa Đồng Phú vẫn rạt rào

Thuở ấu thơ, Vĩnh Long miền đất nhớ
mẹ cho con từng lớp tuổi mây trời
áo trắng bay, ngày xa xưa Giồng Ké
giờ còn đây sợi tóc đã bạc mờ

Cù lao Mây, những rừng bần xanh mướt
ai đợi chờ để thấy bước chân về
gió An Bình, chợ Trà Ôn con nước
sóng nhuộm sầu một cõi nhớ xa quê

Miền phù sa, mẹ già ru giấc mộng
đã muộn màng cùng bụi cát trăm năm
chiều Long Hồ, tiếng ầu ơ xa vợi
giọt nhớ thương còn rơi mãi âm thầm

Trường Đinh
UK, sương mù già 2023

+ Vĩnh Long: Trước năm 1954, vùng đất này còn được biết đến là tỉnh Vĩnh Trà, ngày nay gọi là tỉnh Vĩnh Long. Một tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Cần Thơ khoảng 40 km về hướng bắc, có những làng nghề gốm đỏ nổi tiếng đối với khách du ngoạn.

+ Sông Cổ Chiên: Một phân lưu của dòng nước Cửu Long dài 82 km, bắt nguồn từ thành phố Vĩnh Long, chảy qua các tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Theo truyền thuyết, năm 1785 khi quân của Nguyễn Ánh bị bại trận ở Rạch Gầm và Xoài Mút, quân sĩ tháo chạy làm rơi rớt những trống chiêng xuống dòng sông. Từ đấy, dân địa phương gọi sông này là Cổ Chiên (đọc trại từ 2 chữ Cổ Chinh, cổ là cái trống, chinh là cái chiêng).

+ Cầu Mỹ Thuận: Cây cầu dây bắc ngang qua sông Tiền, nối liền giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam, với phần tài trợ 66% của nước Úc.

+ Dòng Cửu Long: Mê Kông (Mekong), một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua các nước Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở Việt Nam. Đoạn phân lưu chảy trên lãnh thổ Việt Nam gọi là Cửu Long Giang (tức là sông Cửu Long chín cửa, còn gọi là sông Cái), chia làm 2 nhánh: phần hạ lưu bên trái (tả ngạn) của Mê Kông gọi là sông Tiền (tức là Tiền Giang), và phần hạ lưu bên phải (hữu ngạn) của Mê Kông là sông Hậu (tức là Hậu Giang, còn gọi là sông Ba Thắc, chảy qua Châu Đốc và Long Xuyên).

+ Cù Lao An Bình: Được mệnh danh là "ốc đảo xanh". Một cù lao nổi nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cù lao gồm 4 thị xã là An Bình, Bình Hoà Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Là một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất của tỉnh Vĩnh Long.

+ Long Hồ: Một huyện lỵ nhỏ, nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới giáp với huyện Chợ Lách của Bến Tre và huyện Châu Thành của Đồng Tháp.

+ Cù Lao Mây: Nằm giữa dòng sông Hậu, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Là một trong những điểm đến nổi tiếng của miệt vườn sông nước Vĩnh Long, độc đáo với làng nghề bánh tráng đã hơn 100 năm. Sở dĩ gọi là cù lao Mây vì khi xưa nơi đây có rất nhiều dây "mây rừng" rậm rì chen sống với những đám cỏ hoang.

+ Chợ Nổi Trà Ôn: Đến với Vĩnh Long thì không thể không ghé thăm chợ nổi Trà Ôn nằm ở ngã ba của sông Hậu và sông Mang Thít, cách vàm Trà Ôn khoảng 250 m và cách thành phố Vĩnh Long khoảng 40 km. Đây là một trong những điểm du lịch náo nhiệt của miền sông nước Nam Bộ, thuộc xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, đã được hình thành hơn 100 năm nay. Thời gian lý tưởng để tham quan là khoảng từ 5 đến 6 giờ sáng sớm.

+ Mang Thít: Còn gọi là Măng Thít, hay Mân Thít. Là Vương Quốc Đỏ nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long, với các lò gạch và gốm đỏ nằm dọc theo kênh Thầy Cai. Bên bờ sông Mang Thít là ngôi chợ quê Cái Nhum, và đặc biệt ở xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, có ngôi đền Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang rất ấn tượng của đạo Cao Đài theo giáo phái Tiên Thiên.

+ Giồng Ké: Một ấp nhỏ ở phía đông của tỉnh Vĩnh Long, thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm. Sở dĩ gọi là Giồng (Vồng) vì là khu đất cao hơn ruộng, và Ké là loại cây cỏ nhám có trái và rất nhiều nhánh, cao khoảng gần 2 m. Nơi khu ấp này có cầu Giồng Ké, chợ quê Giồng Ké nằm gần bên quốc lộ, còn gọi là chợ Trung Ngãi, với đầy đủ các mặt hàng địa phương giá rẻ.

+ Xuồng Ba Lá Gỗ: Còn gọi là ghe tam bản, tiếng Bạch Thoại là sam-pán, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Là một trong những phương tiện đi lại rất tiện lợi trên vùng sông nước Cửu Long. Với những hãng đóng ghe xuồng chuyên nghiệp, người thợ phân biệt khác nhau giữa ghe tam bản và xuồng ba lá, ở chiều cao hơn của xuồng và phần bụng bầu tròn của xuồng so với ghe tam bản.  

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét