Trong thời gian lập nghiệp tại tiểu Bang Louisiana, chúng tôi đến chơi New Orleans nhiều lần, tuy nhiên chỉ 2 lần trong dịp Mardi Gras. Lễ hội Mardi Gras ở New Orleans quá nổi tiếng, kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng cho đến tận ngày thứ Ba, một ngày trước ngày lễ Tro trong tháng 2, bắt đầu cho mùa lễ Phục Sinh.
Du khách các tiểu bang đổ dồn về thành phố nổi tiếng của nhạc Jazz và ẩm thực Cajun & Creole với các món ăn đặc biệt như: Boiled Crawfish + Crawfish Étouffée, Gumbo, Poboy, Blackened Fish, Boudin & Sausage, Jambalaya, Fried Catfish & Hush Puppy, Beignets & Pecan Pie…Đặc biệt là cái bánh King Cake có hình vòng tròn khá lớn, 3 màu vàng, tím và xanh tươi, và một tượng nhỏ biểu hiệu cho Baby Jesus bên trong mà nếu người nào ăn miếng bánh có tượng đó sẽ nhận thêm một món quà trong buổi tiệc hôm ấy. Hai con đường chính Canal và Bourbon luôn tấp ngập xe và người, nhất là trong những giờ có các đoàn Parades với những chiếc xe trang trí đẹp mang tên từng vùng, từng thị xã của Louisiana với những người đứng trên xe quăng những xâu chuỗi beads đủ màu sắc rực rỡ xuống cho dân chúng đứng hai bên đường, các Marching Bands với kèn trống, hay các đoàn vũ công và nhạc trong những trang phục kỳ dị, đặc biệt của một lễ hội Carnaval, dấu mặt sau những khẩu trang đủ hình thù, lớn nhỏ, màu sắc khác nhau…
Càng về khuya người đi bộ càng đông, uống bia rượu công khai thả dàn, ồn ào la hét náo nhiệt, tụ tập nhiều nhất ở con đường Bourbon, vì nơi đây luôn xảy ra những hành động vi phạm thuần phong mỹ tục như đứng đái ngay bên đường, thách đố cởi bỏ áo quần giữa những kẻ đứng trên balcon khách sạn và những người đứng dưới đất. Vì vậy, du khách cũng nhìn thấy có vài nhóm nam nữ tu sĩ đứng ở các góc đường với tấm biểu ngữ như “Hãy Sám Hối” hay “Xin Chúa Tha Tội Cho Chúng Sinh”… Tinh thần ngày Mardi Gras, còn gọi là Fat Tuesday – hay là thứ Ba Béo - dù được nghĩ đến như một ngày ăn thật nhiều, bù trừ cho ngày hôm sau phải nhịn ăn – nhưng dần dần trở thành một diễn tiến mang tính chất thương mãi và ăn chơi bừa bãi.
Thật vậy, khi con người chú trọng quá lố vào vật chất, họ có thể quên đi tinh thần chính của 40 ngày trong mùa Chay: tự chế ăn ít đi cho thân thể nhẹ để dễ dàng thức tỉnh, dọn tâm hồn mình trong sạch, thanh tẩy những thói hư tật xấu của mình, ăn năn hối cải, cải hóa chính mình để nhận biết Chúa đã vì chúng ta mà bị đóng đinh chịu chết trên cây thánh giá, nhưng rồi sau đó chúng ta lại hoan hỷ nhận biết Chúa được vinh hiển sống lại trong ngày Phục Sinh. Thật vậy, ăn Chay- theo ý cá nhân – chỉ là điều kiện tiên khởi cho sự Sám Hối. Sám Hối vô cùng quan trọng trong mùa Chay. Sám Hối là can đảm và khiêm tốn nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm, rồi từ đó thành tâm cầu nguyện, đọc kinh ăn năn, xin Chúa tha thứ tội lỗi. Được như vậy, lòng chúng ta sẽ thư thả, tâm hồn chúng ta sẽ được thanh hóa, chúng ta sẽ cảm thấy gần với Chúa nhiều hơn.
Theo tinh thần Công Giáo, ăn Chay được xem như một từ bỏ các thói quen hằng ngày để cố gắng hãm mình hướng về và để tâm nhìn và hiểu sự hy sinh cao quý của Chúa Giêsu dành cho chúng ta và niềm vui của Phục Sinh. Đồng thời, mùa Chay cũng là thời gian cho chúng ta luyện tập và củng cố đức tin luôn được vững mạnh để chuẩn bị đón nhận sự sống thiêng liêng qua sự sống tinh thần bí tích Thanh Tẩy. Nội tâm được gần gủi với Chúa qua việc dành nhiều thì giờ đọc kinh cầu nguyện, suy gẫm cuộc đời của Chúa Giêsu để nhìn thấy lòng yêu thương và quyền năng của Người. Từ lứa tuổi 14-15 cho đến 60 với sức khỏe bình thường, ăn Chay không chỉ kiêng thịt mà thôi, mà ăn ít lại, mỗi ngày ăn một bữa chính và 2 bữa phụ với khẩu phần nhỏ, không ăn thêm giữa các bữa ăn nói trên. Ngoài ra, người tín hữu nên kềm chế cá nhân mình qua những hãm mình khác. Như: không những ăn ít lại mà nên ăn đơn giản; hạn chế tham dự những cuộc vui chơi không cần thiết hay các tiệc lớn nhỏ, hạn chế uống bia rượu, hút thuốc; hạn chế chửi thề, nói chuyện tầm bậy; bớt thì giờ ngồi lướt Facebook hay tìm đọc chuyện thiên hạ; tránh gây gỗ, lớn tiếng trong nhà và với bên ngoài; từ bỏ cái chướng của mình, cái sân si cái nóng nảy của mình; luôn thầm đọc câu “xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”… để mong mình sẽ có lúc được Chúa ban thưởng cho được an nghỉ ngàn thu bên cạnh Ngài.
Ngoài hãm mình, cầu nguyện riêng hay chung với nhau, chúng ta nên chia sẻ tinh thần mùa Chay với người khác, rao mừng ánh sáng Phục Sinh, phát triển lòng bác ái, thương mến người yếm thế, giúp đỡ kẻ nghèo khó, nghĩ đến chuyện làm việc thiện nhiều hơn – bằng cách tặng tiền cá nhân hay gia đình dành dụm được vì chi tiêu ăn uống giảm trong mùa Chay – rộng rãi hỗ trợ nhà thờ giáo xứ, địa phận, và Catholic TV Network hay các cơ quan xã hội Công Giáo, như Catholic Relief Services, Caritas…Đồng thời luôn thầm biết những hy sinh nhỏ nhặt, những ủng hộ xã hội nói trên của chúng ta chẳng thể so sánh được với tình thương bao la, ân sủng tràn trề mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đời này và mãi mãi đời sau.
Trong ngày Lễ Tro, việc xức tro trên trán chúng ta mang ý nghĩa chúng ta cần ý thức về thân phận mình để sống với thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa và sám hối những lỗi lầm thiếu sót của mình. Vì vậy khi xức tro cho chúng ta, thừa tác viên đọc “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Cũng vì vậy, Hội Thánh Công Giáo dạy mọi tín hữu phải xưng tội và rước lễ ít nhất là một lần, trong Mùa Phục Sinh
Tóm lại, khi mùa Chay đến, mỗi chúng ta cần nhớ và thực hiện 4 điều căn bản sau đây:
Sám Hối, Ăn Chay, Cầu Nguyện, Làm Việc Bác Ái
Thân chúc quý độc giả một Mùa Phục Sinh tràn đầy yêu Thương, Bình An, và Hy Vọng.
CHRIST IN ME ARISES AND I SHALL RISE WITH YOU
Vĩnh Chánh
Cuối tháng 2, 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét