Thưa quý Anh Chị
Xin mời các anh chị thưởng thức bài thơ Hoa Xuân Vô Thường của GS Lê Đình Thông. Anh Thông là một người đa tài, ngoài nghề chuyên môn dạy học môn Công Pháp Quốc Tế, anh còn là người rất uyên bác về khoa học và văn học, làm thơ, viết nhiều tiểu luận về nhận định văn học. Nhưng cộng đồng hải ngoại biết đến anh nhiều qua nhiều năm trả lời trên các đài phát thanh quốc tế như VOA, RFI… về luật pháp và những tình hình chịnh trị thế giới, trong có Việt Nam. Xin nói thêm: Cũng như các vị khác: GS Nguyễn Văn Ái, GS Lê Đình Thông, GS Trần Văn Cảnh, BS Nguyễn Bá Hậu… là những khuôn mặt tích cực trong Cộng Đồng Công Giáo ở Paris.
Nhận được bài thơ hay, tôi xin chuyển đến các anh chị cùng thưởng thức. Bài thơ Hoa Xuân Vô Thường mang tính tâm linh, dịch lý, bắt nguồn từ triết lý cổ đại của Trung Hoa. Thuyết Ngũ Hành Âm Dương tương sinh tương khắc được giáo sư Lê Đình Thông đưa vào thơ, muợn cánh hoa gồm hình tướng là sắc và vô tướng là hương để diễn tả kiếp nhân sinh. Nhà thơ kết luận 2 câu thơ ở đoạn cuối có câu : Lưu thủy hành vân: (nước chảy mây trôi ), đây là một thể điệu của cải Lương. Cung Oán: cũng là thể điệu cải Lương (Tứ Đại Oán). Ở trên đời cho dù đóa hoa có hương sắc nhưng rồi cũng tàn phai nên nhà thơ dùng chữ cung oán thật tuyệt! Ngoài ra bài thơ còn đượm thắm chất triết lý Phật giáo: Vô thường.
Trong một buổi sinh hoạt văn học ở Paris do nhà thơ Cung Chi, Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách tổ chức ở giáo xứ Paris, hôm đó có 3 tác giả được giới thiệu về Tác Phẩm và Con Người: GS Nguyễn Văn Ái do GS Lê Đình Thông giới thiệu, GS Minh Châu Thái Hạc Oanh do GS Tạ Thanh Minh Khánh giới thiệu và BS Nguyễn Bá Hậu do tôi giới thiệu.
Xin mời các anh chị thưởng thức bài thơ Nợ tình của nhà thơ Vân Uyên GSBS Nguyễn Văn Ái. Đây là bài thơ tâm linh vì mang tính thần học. Bài thơ Tình tuyệt thật vời đối với tình nghĩa vợ chồng, nhưng Tình ở đây còn là Tình Trời. Nhà thơ tự hỏi:"Tình duyên vợ chồng ở dương thế rất đằm thắm, nhưng khi lìa cõi đời, hồn ở cõi thiên đàng có tái hợp, còn là vợ chồng? Nhà thơ Vân Uyên diễn tả nếp sống đạo nội tâm qua những vần thơ, không những trong những bài thuần túy tôn giáo: Cây Thập Tự, Tấm Mồ Không, Người Là Ai, Tình Ta Với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền, nhưng cả trong những bài thơ tả cảnh hay tả tình đời.
Thơ là lời của Người, mà Tình là của Trời, làm liên tưởng tới ‘Ngôi Lời’ nói lên bằng lời của loài người tình yêu thầm kín của Trời ‘Thiên Chúa – Tình Yêu’.
Viết một bài thơ hay đã khó, viết một bài thơ vừa thấm nhuần lẽ đạo, vừa thật là thơ lại còn khó hơn nhiều. Những bài thơ như vậy nâng tâm hồn lên những tầng trời thăm thẳm nghĩa yêu. Đây mới thật là những bài Thơ Tình, vì nói về Tình viết chữ hoa (Tình Đời, Tình Đạo, Tình Người, Tình Trời ). Nhưng tất cả sẽ chỉ là ảo ảnh, là huyền bí, là dấu hỏi,
"Tình Trời duyên Tội lẽ u minh"
Bài: Nợ Tình)
Tôi đã phổ bài này để tặng sinh nhật cuối cùng thứ 95 của nhà thơ vân Uyên, tôi đã đàn và hát cho ông nghe, ông rất hài lòng. Mười ngày sau ông mất! Mãi đến 7 năm sau tôi mới tìm một chất giọng phù hợp với ca khúc, do nhạc sĩ Liên Bình Định giới thiệu. Đó là Ca sĩ Diệu Hiền một giáo sư thanh nhạc, cô trình bày cùng với sự hòa âm phối khí của nhạc sĩ Duy Hoàng. Tôi mới ca khúc và bài thơ cùa giáo sư Lê Đình Thông nên chuyển đến các anh chị mời thưởng thức.
Kính qúy Anh Chị và gia đình luôn bình an và nhiều sức khỏe.
Thân mến
Hoa Xuân Vô Thường
Bên thân cây già nua đã tróc vỏ
Có bông hoa năm cánh trắng ngũ hành
Cây bách niên vươn trời xanh sáng tỏ
Nụ hoa thơm theo gió sẽ phai tàn.
Hoa vô thường năm cánh chóng phôi pha
Cuộc nhân sinh : kim, mộc sẽ mau qua
Rồi nối tiếp tam hành : thủy, hỏa, thổ
Như cuốn trôi theo ghềnh thác cõi xa.
Lúc sinh ra, hành ‘kim’’ trụ nhân sinh
Tiếp theo ‘‘mộc’’, chiếc thuyền nan trôi dạt
Trên sông nước, thủy triều đầy nước mắt
Hóa hư vô, lửa thiêu đốt thân mình.
Hành thứ năm,‘‘thổ’’: cát bụi chung thân
Về lòng đất, chìm sâu trong tĩnh lặng
Kiếp vô thường, như lưu thủy hành vân
Là cung oán theo loài hoa sắc trắng.
(Lê Đình Thông)
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét