Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Y Học Thường Thức - Đột Quỵ - Bác Sĩ Đinh Đại Kha


Đại cương 

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi động mạch trong óc bị nghẽn hoặc bị rách khiến cho 1 vùng não bộ mất hẳn tuần hoàn. Các tế bào thần kinh tại vùng này sẽ chết nên các chức năng thần kinh liên hệ cũng mất luôn khiến cho các triệu chứng về hư hại thần kinh hệ đột ngột xuất hiện. 

Đột quỵ có những đặc tính sau đây: 
-Đột quỵ gây tổn thương mô não tại một bên óc và ảnh hưởng tới vận động cùng cảm giác của một nửa thân thể bên đối diện. Lý do là các trung tâm thần kinh thuộc bán cầu não bên phải có nhiều dây thần kinh đi qua bên trái để tiếp nối với các dây thần kinh ngoại biên ở bên đó. Đảo lại thì bán cầu não bên trái tiếp nối với thần kinh thân thể bên phải. 
-Đa số các trường hợp xảy ra là do thiếu máu cục bộ gây tổn thương mô não.
-Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng giống như bị thiếu máu cục bộ nhưng lại hồi phục mau lẹ sau 1 thời gian ngắn (dưới 1 tiếng đồng hồ). Trường hợp này gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. 
-Tùy thuộc nguyên nhân, đột quỵ sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau: bệnh nhân đột ngột bị trở ngại liên quan tới vận động và cảm giác một bên thân thể, rối loạn chức năng phát âm, nhìn không rõ, mất khả năng giữ thăng bằng cơ thể... 
-Việc chẩn đoán đột quỵ sử dụng lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh. 
-Tiên lượng về hồi phục thay đổi tùy theo vùng bị đột quỵ lớn hay nhỏ, tuổi tác và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. 
-Đề phòng đột quỵ là loại bỏ các yếu tố nguy cơ nghĩa là trị liệu các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, dư mỡ trong máu, trị cho tới mục tiêu và không hút thuốc lá. 
-Trị liệu đột quỵ sử dụng thuốc hoặc giải phẫu. 

Tuần hoàn trong não 
Chúng ta cần biết tuần hoàn trong óc phân chia ra sao để suy luận ra khi 1 động mạch não bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng tới vùng nào của não bộ. 


Phía trước mỗi bán cầu não có động mạch cảnh trong do động mạch cảnh chung ở một bên cổ tách ra. Động mạch cảnh trong chia ra thành động mạch não trước và động mạch não giữa. Phía sau não có động mạch nền nằm giữa 2 bán cầu não rồi tới chỗ tận cùng thì chia ra 2 nhánh gọi là động mạch não sau, mỗi nhánh tiến vào phía sau của một bán cầu não để cung cấp tuần hoàn cục bộ. Động mạch não trước và động mạch não giữa mang tuần hoàn tới thùy trán, thùy đỉnh, một phần của thùy thái dương và các hạch thần kinh trung ương. Động mạch não sau và các nhánh nhỏ của động mạch nền cung cấp tuần hoàn cho thân não, tiểu não, thùy chẩm và một phần của thùy thái dương. Phân loại Đột quỵ chia ra 2 loại là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. 

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: 80% các trường hợp đột quỵ là do nguyên nhân này. Cơ chế hoặc là động mạch cục bộ bị huyết khối (cục máu đông từ nơi khác chạy tới) chặn ngang, hoặc là động mạch này bị nghẽn mạch khi bệnh xơ cứng động mạch đi tới giai đoạn có cục máu đông xuất hiện ngay tại chỗ. Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua xảy ra khi huyết khối chạy tới rồi bị áp xuất tuần hoàn phá vỡ trước khi gây đột quỵ. 

Đột quỵ do xuất huyết: Loại đột quỵ này chiếm 20% tổng số đột quỵ. Máu sẽ tụ lại phía trong não bộ hoặc tụ lại giữa màng cứng và óc (khối tụ máu dưới màng cứng). Lượng máu này sẽ tạo ra áp xuất đè lên não bộ đồng thời cũng gây viêm khi tiếp xúc với mô não khiến cho vùng tiếp xúc bị sưng phồng lên. Hai yếu tố này cùng chèn ép não bộ khiến cho tuần hoàn tới toàn thể não bộ bị yếu kém. 

Các yếu tố nguy cơ Những yếu tố nguy cơ chính đối với cả 2 loại đột quỵ bao gồm:

-Bệnh xơ cứng động mạch thường gây thiếu máu cục bộ do nghẽn mạch, ít khi gây xuất huyết. 
-Bệnh dư cô-let-tê-rôn. 
-Bệnh huyết áp cao gây đột quỵ do xuất huyết. 
-Bệnh tiểu đường. -Nghiện thuốc lá. 
Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ phụ thuộc: 
-Trong bệnh sử gia đình có người bị đột quỵ. 
-Nghiện rượu. 
-Dùng ma túy cocaine hoặc thuốc kích thích loại amphetamine. 
-Bệnh rung nhĩ và một số bệnh tim khác. -Bệnh viêm động mạch. 
-Bệnh mập phì. 
-Người không vận động thân thể. 
-Dinh dưỡng trái vệ sinh như ăn nhiều mỡ, thiếu rau và trái cây... 
-Bệnh trong máu dễ sinh ra cục máu đông. 
-Người đã bị đột quỵ khi trước.
 -Tuổi già. 
-Nam giới. 

Có 2 yếu tố nguy cơ ít khi xảy ra: 
-Bệnh nhân dùng thuốc loãng máu rồi bị chấn thương nhẹ trên đầu gây xuất huyết trong óc. 
-Bệnh phình mạch trong óc. Huyết áp cao có thể làm vỡ mạch phình 

Triệu chứng và dấu hiệu 

Các triệu chứng đột quỵ xuất hiện đột ngột và có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vùng óc bị hư hại. Bệnh nhân đột quỵ thường bị trở ngại một bên thân thể, bên phía đối diện với vùng não bộ bị tổn thương do sự tiếp nối nghịch đảo giữa hai bán cầu não với thần kinh ngoại biên nghĩa là dây thần kinh của bán cầu não bên phải nối liền với thần kinh thân thể bên trái và đảo ngược lại. 

Các triệu chứng sớm và đột ngột: 
-Bị liệt hay yếu bắp thịt một bên thân thể và một bên mặt (phía đối diện với bán cầu não bị mất tuần hoàn). 
-Bị mất cảm giác một bên thân thể. 
-Không nói được hoặc phát âm không rõ. 
-Mất tỉnh táo. 
-Nhìn không rõ hoặc một bên mắt không nhìn thấy mọi vật. 
-Chóng mặt hoặc dễ mất thăng bằng thân thể. 

 Các triệu chứng đột quỵ do xuất huyết: 
-Đột ngột bị nhức đầu dữ dội. 
-Ói mửa hoặc muốn ói. 
-Bất tỉnh. 
-Huyết áp đột nhiên tăng lên rất cao (hơn 185mm thủy ngân). 

Biến chứng 

Biến chứng nghiêm trọng hơn hết và xuất hiện sớm (ít ngày sau lúc đột quỵ phát khởi) là khi áp xuất trong đầu tăng cao rồi ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn của não bộ khiến bệnh nhân bất tỉnh và khó thở, có thể dẫn tới hôn mê rồi tử vong. 

Những biến chứng ít nguy hiểm hơn và xuất hiện trễ hơn gồm có: 

-Viêm phổi do hít phải thức ăn, uống hoặc chất nhớt trong họng vì phản xạ nuốt bị xáo trộn. 
-Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước trong cơ thể vì chậm nuốt. 
-Lở loét lưng, mông vì không biết trở mình nên nằm đè lâu dài lên những chỗ đó. 
-Tứ chi co quắp vì các bắp thịt không hoạt động nên bị teo bớt và rút ngắn lại. 
-Tĩnh mạch lớn thuộc chi dưới dễ bị cục máu làm nghẽn vì bệnh nhân nằm một chỗ quá lâu. Có khi các cục máu này tách ra khỏi thành tĩnh mạch chân rồi di chuyển theo tuần hoàn tới phổi gây ra bệnh huyết khối phổi. 

Chẩn đoán 

Việc chẩn đoán đột quỵ thường dựa vào lâm sàng vì các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này. Ngoài ra y học cũng sử dụng xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh với các mục đích sau đây: Phủ định đột quỵ khi bệnh nhân đột nhiên bất tỉnh do đường huyết quá thấp. Phân loại đột quỵ. Quyết định trị liệu cấp tốc khi cần tới. Dự trù các phương cách trị liệu tiếp tục để phòng bệnh. 

Tiên lượng 

Tiên lượng tổng quát tùy thuộc độ lớn nhỏ của vùng óc bị tổn thương, tuổi tác cùng các bệnh lý khác của bệnh nhân. Bệnh nhân có tiên lượng rất tốt khi đột quỵ là do xuất huyết và chỉ tác hại một vùng nhỏ của não bộ. Thời gian hồi phục của đột quỵ là 6 tháng. Khoảng thời gian này là lúc cần tăng cường việc săn sóc phục hồi chức năng. Sau đó thì các chức năng thần kinh của bệnh nhân có thể tiến bộ thêm chút ít cho tới 1 năm sau khi đột quỵ phát khởi. 

Phòng bệnh 

Nói chung thì phòng bệnh đột quỵ là loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Chương trình phòng bệnh cụ thể gồm nhiều thành phần như sau đây: 
-Chữa các bệnh huyết áp cao, dư mỡ trong máu và tiểu đường cho tới mục tiêu. 
-Không hút thuốc lá, không dùng ma túy cocaine, không dùng thuốc kích thích loại amphetamine. 
-Hạn chế uống rượu. 
-Vận động thân thể đều hòa. Tránh bị mập. 
-Hằng năm đi khám sức khỏe tổng quát. 
-Dùng thuốc loãng máu nếu cần. 

Trị liệu 

Việc trị liệu đột quỵ gồm 3 thành phần là trị liệu cấp tốc, trị liệu lâu dài và săn sóc phục hồi chức năng.

Trị liệu cấp tốc: 
Các phương cách này phải thực hiện ngay, có thể là ít tiếng đồng hồ hoặc là 1, 2 ngày sau khi đột quỵ khởi phát: 
-Chích thuốc phá cục máu đông huyết khối chặn ngang động mạch. 
-Cấp tốc dùng thuốc giảm huyết áp. 
-Hút cục máu đông huyết khối hoặc nghẽn mạch bằng ống thông đặc biệt đưa vào tới óc do chẩn đoán hình ảnh hướng dẫn. 
-Giải phẫu khoan sọ để hút máu ra ngoài trong trường hợp khối tụ máu dưới màng cứng quá lớn. 

Trị liệu lâu dài: 
-Dùng thuốc loãng máu nếu cần. 
-Cách 3 tiếng đồng hồ xoay trở mình bệnh nhân một lần cho tới khi họ trở mình được. 
-Cách 3, 4 tiếng đồng hồ hút nhớt trong cổ họng bệnh nhân một lần. 
-Thường ngày áp dụng vật lý trị liệu cho tứ chi bệnh nhân. 

Săn sóc phục hồi chức năng: Áp dụng ngay sau khi đột quỵ phát khởi và tiếp tục lâu dài. Phục hồi chức năng bao gồm trị liệu lâu dài và các phương cách giúp cho bệnh nhân hoạt động tự túc được, thí dụ như tập sử dụng bắp thịt một bên cơ thể để lên xuống cầu thang, tập dùng một tay để tắm rửa và mặc quần áo... 

Tóm tắt 

Đột quỵ xảy ra khi một vùng não bộ bị mất hẳn tuần hoàn hoặc do thiếu máu cục bộ hoặc do xuất huyết. Bán cầu não bị đột quỵ ảnh hưởng tới vận động và cảm giác của nửa thân thể bên đối diện. 80% các trường hợp đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Chẩn đoán sử dụng lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh
Hai điều quan trọng hơn hết để phòng bệnh bao gồm: 
-Trị liệu huyết áp cao, dư mỡ, tiểu đường cho tới mục tiêu. 
-Không hút thuốc lá. 

Trị liệu đột quỵ gồm 3 thành phần: 
-Trị liệu cấp tốc. 
-Trị liệu lâu dài. 
-Săn sóc phục hồi chức năng. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 
Đột quỵ Stroke 
Tai biến mạch máu não Cerebral vascular accident (CVA) 
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua Transient ischemic attack (TIA) 
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ Ischemic stroke 
Đột quỵ do xuất huyết Hemorrhagic stroke 
Phình mạch trong óc Intracranial aneurysm 
Huyết khối Thromboembolism 
Khối tụ máu dưới màng cứng Subdural hematoma

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét