Trương Hỗ 張祜 (khoảng 785-849) tự Thừa Cát 承吉, người Thanh Hà (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nổi tiếng về thể cung từ, thơ có 10 quyển.
Nguyên tác Dịch âm
讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ viên ngoại “Đỗ Thu Nương thi”
年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi,
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác “Đỗ Thu thi”.
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế,
也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ.
Chú giải
Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi nhân nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường. Đỗ Thu Nương là giai nhân nổi tiếng thời Trung Đường, mười lăm tuổi đã về làm vợ lẽ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông tiếc bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. Đỗ Mục thấy bà già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà.
長門 Trường Môn: cung Trường Môn: nơi trú ngụ của những cung nữ không được vua Hán sủng ái.
相如 Tương Như: Tư mã Tương Như, danh sĩ viết phú hay nhất triều Hán.
Dịch nghĩa
Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu
Chàng Đỗ Mục trẻ tuổi giàu tình cảm,
(Đa tình) Hào hoa lại viết bài về Đỗ Thu Nương.
Mới thấy nếu (Trần A Kiều) không bị bỏ phế trong cung Trường Môn*,
Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú tuyệt hay.
Dịch thơ
Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu
Chàng trẻ đa tình Đỗ Mục ơi,
Hào hoa đã vịnh Đỗ Thu chơi.
Nếu Trần chẳng bị giam cung cấm,
Chửa chắc Tương Như giỏi nhất đời.
Lời bàn
Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi sĩ trẻ nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường.
Đỗ Thu Nương là một giai nhân nổi tiếng thơ hay thời Trung Đường, năm mười lăm tuổi về làm vợ lẻ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông thấy bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. (Bài thơ nổi tiếng nhất của Đỗ Thu Nương là Kim Lũ Y).
Trong bài này Trương Hỗ khen tài làm thơ của Đỗ Mục: Đỗ Mục thấy Đỗ Thu Nương già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà. Bài thơ này bất hủ ở chỗ nó có một văn phong vui nhộn kín đáo, gợi nhớ tài làm thơ của Đỗ Thu Nương lúc còn trẻ.
Con Cò
***
Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu
Chàng trai Đỗ Mục lắm tơ vương,
Đã viết thơ tình xót Đỗ Nương.
Nếu chẳng thấy Trường Môn bỏ phế,
Tương Như sao nhất "phú" thi trường.
Mỹ Ngọc
Jan.16/2022.
***
***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương
Chàng tuổi trẻ hào hoa phong nhã
Cảm thương người thất sủng vịnh thơ
Nếu nàng chẳng bị đày cung cấm
Lời gấm hoa biết có bao giờ?
Yên Nhiên
***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương Của Đỗ Mục
Đỗ Mục đa tình tuổi mộng mơ
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thơ
Ví như chẳng có Trường Môn khép
Chưa chắc Tương Như giỏi nhất từ!
Lộc Bắc
Jan22
***
Bài Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi” của Trương Hỗ.
Đây là một bài thơ ngắn của Trương Hỗ, không có nhiều chữ khó.
Đỗ viên ngoại, tức Đỗ Mục, tự Mục Chi, là một trong những thần tượng của BS. Đỗ Thu là Đỗ Thu Nương, ÔC đã giải thích cả rồi.
-Nhưng: là nhưng như tiếng Việt, là như cũ, lại còn, vẫn.
-Khả: là có thể, và nhiều nghĩa nữa, như hợp, thích nghi, đáng, thật là, tốt, ước chừng…
-Thị: là, đúng, chính.
-Trường Môn, là nơi ở của các cung nữ đời Hán bị thất sủng, một loại lãnh cung, nơi Trần A Kiều bị Hán Vũ Đế nhốt. A Kiểu nhờ Tư Mã Tương Như làm bài Trường Môn Phú dâng vua, Vũ Đế cảm động, lại sủng ái nàng thêm mấy năm. Bài phú này nổi tiếng là một tuyệt tác.
Trương Hỗ không phải là thi sĩ nổi tiếng, trong Thi Viện đăng 32 bài thơ nhưng trong các cuốn Đường Thi của BS thì không thấy. Có điều chắc chắn là Trương và Đỗ là đôi bạn rất thân, vì Đỗ có đến 3 bài nhắc tới Trương, và bài thơ này của Trương lại nhắc tới Đỗ. Bài này thật ra, đâu có gì xuất sắc, ÔC đưa lên diễn đàn vì nó dính tới bài Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương thôi.
Bài thơ của Trương chủ ý là khen bạn: Mục Chi trẻ tuổi, đa tình, phong lưu, mà lại làm thơ về Đỗ Thu Nương. Nếu không cảm thông hoàn cảnh của Đỗ Thu Nương thì sao làm được bài thơ hay, cũng như Tư Mã Tương Như, nếu A Kiều không bị thất sủng, đẩy vào cung Trường Môn thì sao mà làm được bài phú nổi tiếng như vậy. Chỉ tiếc là Trương nhắc tới việc đọc Đỗ Thu Thi mà không ai biết bài thơ đó như thế nào?
Xin nói thêm là trong Thi Viện, chữ Phong Lưu ở câu 2 được dịch là “giầu tiền” thì sai bét. Phong Lưu, là phong cách sống của một người thông minh, có trí tuệ, nhưng lãng mạn, nặng về tình cảm. Thì đúng là phong cách của Đỗ Mục. Chắc ông làm thơ về Đỗ Thu Nương vì thương cảm hoàn cảnh của vị nữ lưu tiền bối lại cùng họ với mình.
Chắc quý vị đã biết, Đỗ Mục là tác giả bài A Phòng Cung Phú, cũng nổi tiếng không kém gì bài Trường Môn Phú. A Phòng là tên một cung điện tráng lệ do Tần Thủy Hoàng dựng lên để tưởng niệm người thiếp yêu của mình là nàng A Phòng: nàng đã tự tử vì không can được Thuỷ Hoàng diệt 6 nước.
Đọc Bài “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Trì Châu Họ Đỗ.
Tuổi trẻ đa tình Đỗ Mục Chi,
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thi,
Trường Môn nếu chẳng giam người đẹp,
Sao phú Tương Như ít kẻ bì.
Bát Sách.
***
Nguyên tác: Phiên âm:
讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại
張祜 Đỗ Thu Nương Thi - Trương Hỗ
年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác Đỗ Thu thi
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế
也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ
Bài thơ Độc Trì Châu… không mấy phổ thông, chỉ xuất hiện trong 2 sách. Lần đầu trong Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁 với tựa đề Độc Đỗ Viên Ngoại Thu Nương Thi 读杜员外秋娘诗.Và mới nhất đăng trong Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 với tựa có 10 chữ thay vì 7.
Ghi chú:
Trì Châu: tên một huyện thời Đường, nay là thành phố Trì Châu, An Huy trên bờ Nam sông Trưng Giang
Trương Hỗ (782? -852) theo Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐诗大辞典 修订本 quê quán Nam Dương (nay là Hà Nam), tuổi già cư trú ở Đan Dương (nay là Giang Tô). Nhiều năm lưu lạc giang hồ, không làm quan dù nhiều lần được tiến cử, mặc quần áo vải suốt đời. Ông để lại khoảng 155 bài thơ trong Toàn Đường Thi.
Đỗ Viên Ngoại là Đỗ Mục (803-852), theo Hoàng Hạc Lâu Chí-Nhân Vật Thiên 黄鹤楼志-人物篇, thi nhân đa tình thời Đường, tự Mục Chi. Người Kinh Triệu Vạn Niên (nay là Tây An, Thiểm Tây), cháu trai của Tể tướng và sử gia Đỗ Hữu. Đậu tiến sĩ năm Văn Tông Đại Hòa thứ hai (828), từng là giám sát ngự sử, đảm nhiệm thứ sử châu Hoàng, Trì, Hòa, Hồ, làm quan đến Trung Thư xá nhân. Những năm cuối đời sống ở biệt thự Nam Phàn Xuyên ở thành Trường An, nên người ta gọi là Đỗ Phàn Xuyên.
Đỗ Thu (791-?): theo Tư Trì Thông Giám 资治通鉴, đời sau nhiều người gọi là Đỗ Thu Nương, là người Kim Lăng đời Đường. Năm 15 tuổi, cô làm thiếp của Lý Ký. Năm Nguyên Hòa thứ hai (807), Lý Ký chính thức khởi binh tạo phản. Sau khi Lý Ký thất bại, Đỗ Thu được đưa vào cung và được Đường Hiến Tông sủng hạnh. Năm Nguyên Hòa thứ 15 (820) Đường Mục Tông lên ngôi, bổ nhiệm bà làm Phó Mỗ (thầy dạy học) cho con trai Lý Thấu. Sau đó Lý Thấu bị phế mất ngôi vị Chương vương, Đỗ Thu được cho về quê sống như dân dã.
Khi Đỗ Mục đi ngang qua Kim Lăng, thấy tình cảnh bà vừa nghèo vừa già (thời Đường 40 tuổi đã coi là già), nên làm bài Đỗ Thu Nương Thi 杜秋娘诗, kể lại thân thế của bà. Toàn bộ bài thơ có 112 câu, mỗi câu 5 chữ, có thể chia làm hai phần: phần 1 viết về cuộc đời Đỗ Thu, lấy tường thuật làm chủ yếu. Phần này miêu tả những thăng trầm của thế gian, của cuộc sống vô thường, khắc họa hình tượng sống động và cuộc đời gập ghềnh của nhân vật. Phần thứ hai, tập trung viết về cảm thán của nhà thơ Đỗ Thu.
Bài Đỗ Thu Nương Thi không phải là bài thơ của Đỗ Thu Nương và không có liên quan đến bài Kim Lũ Y. Bài Đỗ Thu Nương Thi do Đỗ Mục viết có một đoạn chú thích: "Khuyến quân mạc tích kim lũ y, Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì, Hoa khai kham chiết trực tu chiết, Mạc đãi vô hoa không chiết chi”. mà không nói bài thất ngôn tứ tuyệt là do ai sáng tác, nên có người cho là của Đỗ Mục, nhưng cũng có nhiều người cho là tác phẩm của Đỗ Thu Nương.
Trường Môn: tên cung điện nhà Hán, nơi cho các cung tần phi nữ (kể cả hoàng hậu) sinh sống khi không còn được sủng ái, ở đây nhắc đến điển tích hoàng hậu Trần A Kiều
Tương Như: Tức Tư Mã Tưong Như, người có tài làm thơ phú đời Hán. Khi hoàng hậu Trần A Kiều bị thất sủng ở cung Trường Môn, bà có sai người đem 10 cân vàng nhờ Tương Như làm cho bài phú tả nỗi lòng buồn thảm và tuyệt vọng trong thâm cung. Nghe bài hát Hán Vũ Đế trở lại yêu thương A Kiều.
Dịch nghĩa:
Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu
Chàng Đỗ Mục Chi trẻ tuổi đa tình,
Hào hoa phóng khoáng làm bài thơ về Đỗ Thu Nương.
Mới thấy nếu Trần A Kiều không bị biếm trong cung Trường Môn,
Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú hay tuyệt vời.
Trương Hỗ là tiền bối lớn hơn Đỗ Mục 21 tuổi. Trong bài thơ ông nói Đỗ Mục trẻ tuổi đa tình. Nhưng ông khen Đỗ Mục viết bài Đỗ Thu Nương Thi không phải do đa tình mà do tánh hào hoa phóng khoáng. Ông còn khen bài thơ khi so sánh Đỗ Thu Nương Thi với bài Trường Môn Oán của Tư Mã Tương Như.
Dịch thơ:
Đọc Bài Thơ Về Đỗ Thu Nương
Đỗ Mục đa tình lắm mộng mơ,
Phong lưu ông viết Đỗ Thu thơ.
Giả thử A Kiều không bị biếm,
Tuyệt phú Tương Như sao có cơ?
On Reading the Du Qiuniang Poem by Du Mu by Zhang Hu
Du Mu 杜牧 was young and affectionate,
With an open mind he wrote the poem about Du Qiuniang 杜秋娘.
One can see that, if Chen Ajiao 陳阿嬌 were not banned to the Chang Men Palace,
Phí Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét