Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Y Học Thường Thức - Bệnh Động Mạch Vành (Bác sĩ Hoàng Cầm)

Y HỌC THƯỜNG THỨC

Bệnh Động Mạch Vành

Đại cương 

Động mạch vành là 2 động mạch chạy xung quanh tim như một vành đai, mang máu nuôi tim, cung cấp ô-xy và chất bổ dưỡng để cho tim hoạt động liên tục. Khi ta còn trẻ động mạch vành ở trong tình trạng thông suốt giống như các động mạch khác trong cơ thể nên máu di chuyển dễ dàng. 

Tuổi già cùng với tình trạng mập, máu dư mỡ, đường huyết cao, hút thuốc lá... khiến cho động mạch vành trở nên cứng và thành mạch đóng màng cứng chứa can-xi và cholesterol. Đó là bệnh xơ cứng động mạch. 
Độ cứng của động mạch vành và chiều dày của màng cứng tăng theo thời gian, giảm lượng máu di chuyển, không đáp ứng được nhu cầu về ô-xy của trái tim, gây chứng đau thắt ngực, lúc đầu nhẹ, sau tăng dần. Rồi nếu tuần hoàn trong động mạch vành đột nhiên bị nghẹt thì những tế bào cơ tim ở phía dưới chỗ nghẹt hoàn toàn thiếu ô-xy nên chỉ ít phút sau sẽ chết. Đó là cơn đau tim do một phần cơ tim đột nhiên thiếu máu cục bộ (không phải là nhồi máu). 

Nguyên nhân thông thường gây ra cơn đau tim là cục máu đông xuất hiện ở một khúc hẹp của động mạch vành (do màng cứng chắn bớt lòng động mạch). Màng cứng cũng dễ bị bong ra. Phần bong ra di chuyển, làm nghẹt mạch máu nhỏ ở hạ nguồn, và là nguyên nhân khác gây ra cơn đau tim. 

Dấu hiệu và triệu chứng 
Động mạch vành bị bệnh, vừa mất tính đàn hồi vừa đóng màng cứng, sẽ giảm tuần hoàn tới cơ tim không cung cấp đủ ô-xy cho các tế bào tim. Khi động mạch vành bị nghẽn tới mức độ cơ tim thường thiếu ôxy thì gây chứng đau thắt ngực. Bệnh nhân cảm thấy đau ở sau xương ức với mức độ khác nhau. 

Mức độ đau thắt ngực thường phản ảnh độ hẹp của động mạch vành. Đau ngực được diễn tả như có vật nặng đè lên ngực hay ngực bị thắt chặt. Lúc đầu, cơn đau thưa, nhẹ, ngắn trong giây lát, thường xảy ra trong lúc vận động cơ bắp. Cơn đau chấm dứt khi nghỉ ngơi. Lâu ngày, độ hẹp của mạch vành tăng dần, cơn đau nặng hơn, lâu hơn, thường hơn, ảnh hưởng tới công việc hàng ngày. Đau có thể truyền lên vai, cổ, hàm, ra sau lưng hay xuống vùng thượng vị. Đau có thể kèm theo khó thở, thở nhanh, ói mửa, mệt. 

Trường hợp nghẹt hẳn động mạch vành, bệnh nhân cũng bị đau thắt ngực nhưng cơn đau kéo dài, thường lâu trên nửa giờ. Người bệnh còn bị mệt, toát mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chậm, không đều, huyết áp xuống thấp. Đây là cơn đau tim, có khả năng gây tử vong, cần được trị liệu gấp tại bệnh viện. 

Tuy đau ngực là triệu chứng thông thường của bệnh động mạch vành, nhưng khoảng 1/3 các trường hợp bệnh lý này không có triệu chứng đau. Vì vậy mà đôi khi người đang khỏe mạnh có thể đột nhiên lên cơn đau tim, trước đó không hề bị đau thắt ngực. Tình trạng này thường là do biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường. 

Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành cần phân biệt với hai trường hợp đau ngực khác: 
Đau lồng ngực. Lồng ngực gồm các cơ, xương sườn. Xương sườn có thể bị chấn thương khi ngã hay khi ho quá mạnh; cơ lồng ngực cũng có thể bị thương tổn khi làm việc nặng. Trong những trường hợp trên, bệnh nhân thường đau nửa ngực hay khắp lồng ngực (không đau ngay xương ức), nhất là khi cử động vai, thở sâu, ấn ngón tay trên lồng ngực. Đau giảm và hết trong vài ngày. 

Dùng thuốc Aspirin cho người lớn, Tylenol (paracetamol) cho trẻ em giúp giảm đau nhanh hơn. Dội ngược dịch vị gây cảm giác đau, nóng sau xương ức, cảm giác nóng bỏng ở phía trên bụng, cảm giác chua ở miệng. Dùng thuốc có chất kiềm làm giảm đau. Nguyên nhân bệnh động mạch vành 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành bao gồm: 

Lớn tuổi: Càng cao tuổi, số người bị bệnh động mạch vành càng nhiều, số tử vong về tim càng cao. Tuy nhiên, thống kê cho thấy động mạch vành có thể bị thương tổn từ lứa tuổi 20. 

Giới tính: Nữ ít hơn nam, nhưng sau thời mãn kinh, nữ ngang nam. Trong giới nữ trên 35 tuổi, người dùng thuốc ngừa thai và hút thuốc lá bị bệnh động mạch vành nhiều hơn người không dùng thuốc ngừa thai và không hút thuốc.

Bệnh sử gia đình: Cha, mẹ bị bệnh tim sớm (trước 60 tuổi), con cái cũng có thể bị bệnh tim sớm. Hút thuốc lá: làm cho động mạch vành dễ đóng màng cứng. Ngoài ra, khi hút thuốc, lượng ô-xy trong máu giảm, dễ gây đau thắt ngực. 
Dư Cholesterol trong máu, mập, huyết áp cao, bệnh tiểu đường là những yếu tố quan trọng gây cứng và hẹp động mạch vành. Thiếu thể dục, thiếu vận động cơ thể. Mạch vành dù chỉ hẹp chút ít cũng có thể co thắt nhanh gây đau thắt ngực khi hút thuốc, trong cơn súc động mạnh và khi cơ thể gặp khí hậu lạnh giá. 

Phòng bệnh 

Không hút thuốc lá. Ăn ít chất béo, tránh mập. Tập thể dục đều đặn. Nếu có bệnh dư mỡ trong máu, huyết áp cao, tiểu đường, cần trị liệu cho tới mục tiêu và theo dõi đều đặn (đúng hẹn tái khám với bác sĩ). 

Trị liệu 

Nên sàng lọc bệnh: khám sức khỏe hằng năm. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, thử nghiệm máu, tư vấn về cách phòng bệnh tim mạch. Nếu có bệnh cao mỡ, cao máu, bệnh tiểu đường, cần được bác sĩ trị liệu và theo dõi một cách đều đặn. Nếu động mạch vành bị hẹp mà dùng thuốc uống không kiến hiệu, nay có phương pháp thông, nong chỗ bị hẹp. Nếu mạch vành bị nghẽn nhiều không nong được, y khoa có phương pháp giải phẫu ghép mạch bắc cầu qua chỗ bị nghẽn. 
Khi có triệu chứng cơn đau tim, thời gian là yếu tố rất quan trọng, người bệnh cần được chuyển gấp tới bệnh viện. Trong khi chờ đợi di chuyển, nhai (không nuốt) một viên aspirin 325mg hay 4 viên 81mg. Aspirin ngăn đông máu, tránh làm nghẽn mạch máu. Trị liệu hoặc dùng thuốc phá vỡ cục máu đông hoặc giải phẫu. Khi bị bệnh động mạch vành, ngoài việc dùng thuốc, cần theo lời khuyên của bác sĩ về: ăn, uống, thể dục, làm việc chừng mực, ngủ đầy đủ, giữ tâm thần thanh thản. 

Bảng đối chiếu damh từ y họcViệt Anh 
Co thắt Spasm
Đau thắt ngực Angina Pectoris 
Động mạch vành Coronary Artery
 Cơn đau tim Myocardial Infarction hoặc heart attack 
Màng cứng Plaque 
Thượng vị Epigastrium 
Xương ức Sternum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét