Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Độc Trang Tử 讀莊子 - Bạch Cư Dị


Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, mười lăm tuổi đã bắt đầu làm thơ. Ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông thường nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết, mục đích của văn chương là phải diễn đạt tình cảm của nhân dân”. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Họ Bạch chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được; tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự. Thơ ông rất trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ, hồ sen… đều có đề thơ của mình.

Lời phi lộ

Ngay cả khi giảng về triết học, Bạch Cư Dị cũng không muốn người bình dân hiểu sai lệch, làm xáo trộn trật tự xã hội đương thời. Hãy thử phân tích bài Độc Trang Tử:

Nguyên tác Dịch âm

讀莊子                 Độc Trang Tử

莊生齊物同歸一 Trang Sinh tề vật đồng quy nhất,
我道同中有不同 Ngã đạo đồng trung hữu bất đồng.
遂性逍遙雖一致 Toại tính tiêu dao tuy nhất trí,
鸞鳳終校勝蛇蟲 Loan phụng chung giao thắng xà trùng.

Chú giải:

Trang Tử, hay Trang Sinh, tức Trang Chu (360-280 TCN), người thời Chiến Quốc. Ông phát huy đạo học của Lão Tử, chủ trương "vô vi", sống phóng nhiệm theo tự nhiên.

Dịch thơ

Đọc Trang Tử

Trang sinh: "Mọi vật đều đồng nhất"
Ta nói: trong đồng có bất đồng
Lối sống tiêu dao tuy thích thật
Loan phượng đương nhiên thắng côn trùng.

Lời bàn:

Câu 1: Đưa ra lời nói của Trang tử: “Mọi vật đều đồng nhất”
Câu 2: Bạch Cư Dị cãi: “Trong cái đồng nhất có cái bất đồng”
Câu 3 & 4: Rồi họ Bạch nói tiếp: “Ta đồng ý rằng ai cũng thích lối sống tiêu dao (coi mọi vật có giá trị ngang nhau) nhưng chim loan và chim phượng (tượng trưng cho kẻ trượng phu) rốt cục sẽ thắng rắn rết và côn trùng (kẻ thất phu)”.

Con Cò
***
Nguyên tác: Phiên âm:

讀莊子-白居易 Độc Trang Tử - Bạch Cư Dị

莊生齊物同歸一 Trang Sinh tề vật đồng quy nhất,
我道同中有不同 Ngã đạo đồng trung hữu bất đồng.
遂性逍遙雖一致 Toại tính tiêu dao tuy nhất trí,
鸞凰終校勝蛇蟲 Loan hoàng chung giáo thắng xà trùng.

Mộc bản bên dưới được đăng trong Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 455 Bạch Cư Dị. Bạch Hương Sơn Thi Tập 白香山詩集-唐-白居易 và Bạch Thị Trường Khánh Tập Quyển 33 - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易.


Ghi Chú:

Trang Tử hay Trang Sinh tự là Trang Chu (369-286 TCN), người thời Chiến Quốc. Ông phát huy đạo học của Lão Tử, chủ trương "vô vi", sống ung dung tự tại theo tự nhiên, không bị ràng buộc. Miêu tả tính chất thoát tục của Trang Tử, Sử ký Tư Mã Thiên có đoạn viết:

Uy vương nước Sở nghe nói Trang Chu là bậc hiền tài bèn sai sứ đem vàng lụa đến mời đón hứa cho làm tướng. Trang Chu cười nói với sứ giả rằng:

"Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý đấy. Nhưng ông không thấy con bò lúc tế giao hay sao? Nó được ăn mấy năm, được mặc đồ vóc thêu để đưa vào nhà thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ có được không? Ông đi ngay cho, đừng làm bẩn đến ta. Ta chỉ chơi đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, trọn đời không ra làm quan để thoả chí ta."

Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; người ta nhớ đến Trang Tử với câu chuyện "Trang Chu Mộng Hồ Điệp", trong đó Trang Chu mộng thấy mình là bướm. Khi tỉnh giấc không còn biết mình là người hay bướm.

Tề vật: Trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, một tư tưởng triết học cho rằng tất cả mọi thứ trong vũ trụ, chẳng hạn như sinh tử, thị phi được mất, vật ta có hay không, đều nên đối đãi như nhau. Tư tưởng này, tập trung vào "Lý thuyết tề vật" của Trang Tử.

Quy nhất: khuynh hướng, kết thúc tương tự
Bất đồng: không đồng ý, không giống nhau, không hòa hợp
Toại tính: phù hợp, thuận lợi với bản chất
Tiêu dao: đi bộ chậm rãi, an nhàn tự tại, lang thang
Nhất trí: xu hướng là như nhau, không có sự khác biệt
Loan hoàng: loan và phượng. Cả hai là tên chim, thường dùng để so sánh hiền sĩ thục nữ.
Xà trùng: rắn rết và sâu bọ

Bài thơ tóm lược nhân sinh quan tất yếu của Lão giáo:

Câu 1: Trang Tử cho rằng vạn vật cuối cùng cũng quy về một mối rất hợp tình lý vì mọi vật đều do duyên sinh mà có.
Câu 2: Trong cái đồng có cái bất đồng, âm dương hòa hợp cũng hợp lý trời.
Câu 3: Sống tự tại thỏa thích, không gì ràng buộc, còn gì hơn trên đởi.
Câu 4: Cho thấy mâu thuẫn của triết lý này vì chưa chấp nhận cái tuyệt đối của tổng thể sinh quần: Loan phượng cao hơn rắn trùng. Thì ra Trang Tử vẫn còn ở trong cái tương đối có khác biệt, cao thấp, tốt xấu… chưa vào cái tuyệt đối chân như, không dị biệt. không một mà cũng không hai.

Dịch nghĩa:

Đọc Trang Tử

Trang Sinh cho rằng mọi vật đều trở về đồng một thể,
Đạo ta cho rằng trong cái đồng nhất thể có cái không đồng.
Mặc dù đồng ý với lối sống thỏa thích, ung dung, tự tại, không bị ràng buộc ,
Nhưng xét cho cùng thì loan phượng vẫn cao xa hơn dế trùng.

Dịch thơ:

Triết Lý Trang Tử

Vạn vật trở về một thể chung,
Tuy chung nhưng có cái không cùng.
Sống trong tự tại không ràng buộc,
Loan phụng cao xa hơn rắn trùng.

Reading Zhuang Zi by Bai Ju Yi

Zhuang Zi believes that all objects turn out to have common nature,
His religion (Taoism) tells him that, in the center of this commonality, there are uncommon things.
Satisfaction is in living free in harmony with nature without restrictions,
Yet ultimately a phoenix is superior to a snake or a worm.


Chuang-Tzu levels all things
And reduces them to the same Monad.
But I say that even in their sameness
Difference may be found.
Although in following the promptings of their nature
They display the same tendency,
Yet it seems to me that in some ways
A phoenix is superior to a reptile!

Dị bản:

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 438 cho dị bản là một bài thơ cùng tựa, nhưng với 4 câu thơ khác hẳn. Bài này được đăng trong sách Bạch Thị Trường Khánh Tập Quyển 15 - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易, Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁, và Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁.

Nguyên tác:       Phiên âm:

讀莊子-白居易 Độc Trang Tử - Bạch Cư Dị

去國辭家謫異方 Khứ quốc từ gia trích dị phương,
中心自怪少憂傷 Trung tâm tự quái thiếu ưu thương.
爲尋莊子知歸處 Vi tầm Trang Tử tri quy xứ,
認得無何是本鄉 Nhận đắc vô hà thị bổn hương.

Dịch nghĩa:

Lìa nước xa nhà không bằng lòng với nơi xa xăm,
Tự ngờ trách lòng mình ít đau thương lo rầu.
Tìm Trang Tử để biết quay về nơi nào,
Không nhận ra được gì là quê hương của mình.

Dịch thơ:

Đọc Trang Tử

Bỏ nước xa nhà lạ bốn phương,
Tâm tư tự trách ít bi thương.
Đi tìm Trang Tử hỏi nơi chốn,
Chẳng nhận ra gì của cố hương.

Reading Zhuang Zi by Bai Ju Yi

Leaving my homeland, away from home, not happy in a foreign country,
I strangely blame my heart for barely grieving.
Looking for Zhuangzi as he knows the place of return to,
I recognize nothing of my home country.

Phí Minh Tâm
***
Đc Trang Tử

Trang Sinh tề vật đồng quy nhất,
Ngã đạo đồng trung hữu bất đồng,
Toại tính tiêu dao tuy nhất trí,
Loan phụng chung giao thắng xà trùng.

Bài này của Bạch Cư Dị không có nhiều chữ khó:

-Tề: đều,cùng.
-Toại: vừa lòng, thoả chí, tuân theo, tiến cử, nhân, bèn....
-Tính: tính tình, tính cách, tính chất.
-Giáo: tra xét, thi đua, sửa chữa, xem ra.

Dịch nghĩa:

Trang Sinh nói mọi vật đều trở về một thể,
Ta cho rằng trong cái đồng nhất đó có thứ không đồng,
Tuy đồng ý với tính thích tiêu dao,
Nhưng tựu chung, loan phụng vẫn hơn loài rắn, trùng (tức là không giống nhau).

Nhắc tới bài thơ Trang Tử Cổ Bồn Ca.
Khi vợ chết, Trang Tử không khóc mà lại ngồi bên mộ, gõ cái chậu sành mà ca. Bài đó khá dài, BS chỉ chép 4 câu thôi, ở đoạn Trang giả thử mình chết trước vợ:

Điền bị tha nhân canh,
Mã bị tha nhân khoá,
Thê bị tha nhân luyến,
Tử bị tha nhân mạ.

(Ruộng bị người khác cầy,
Ngựa bị người khác cưỡi,
Vợ bị người khác lấy,
Con bị người khác chửi)

Người sau cho rằng, Trang Tử có gõ chậu mà hát, nhưng không phải bài này, vì lời thơ cay đắng, không hợp với triết lý vô vi.

Đây là bài dịch:

Trang rằng mọi vật đều như một,
Ta nói trong đồng có khác nhau,
Thích sống tiêu dao tuy đồng ý,
Loan phụng, xà trùng sánh được đâu.

Bát Sách.
** Trong bài có hai chữ Nhất Trí, thì ra VC dùng chữ Nho, thay vì chữ đồng ý mình vẫn dùng từ xưa. Mà đồng ý cũng là chữ Nho luôn!!***

***
Đc Trang Tử

Trang sinh, mọi vật cùng là một
Ta nói trong chung có bất đồng
Chỉ có tiêu dao là nhất trí
Phượng loan chung cuộc thắng xà trùng!

Phỏng dịch dị bản bài Độc Trang Tử được cho là của Bạch Cư Dị do anh Phí Minh Tâm tìm ra

Bỏ nước xa nhà lạc viễn phương
Trong lòng tự trách ít lo, thương
Vội tìm Trang tử về quê quán
Không nhận ra gì gốc cố hương!

Lộc Bắc
Mai21
***
Đc Trang Tử

Trang Sinh nói mọi vật ngang hàng,
Trong đạo ngang mà chẳng thể ngang.
Vui vẻ rong chơi cho thỏa thích
Rắn giun sao sánh kịp loan hoàng.

Mỹ Ngọc
May 5/2022.
***
Đc Trang Tử

Rằng vạn vật chung quy một mối
Biết đâu chừng đồng nhất bất đồng
Hãy sống đời ung dung tự tại
Rắn rết sao bì với phượng công

Yên Nhiên
***
Cảm Tác:

Nói cho đã, sướng miệng thôi
Học thuyết này nọ cũng phôi pha dần
Thiên hạ đâu mãi cù lần
Theo thời theo thế liền mần ý riêng
Cái số theo đấng thiêng liêng
Ở ác rồi sẽ lăn chiêng có ngày
Tu nhân tích đức ráng ngay
Cái số định trước có may có buồn

Đồ Cóc
***
Góp ý :

鸞鳳 loan phụng

Chỉ cái tên thần thoại này đủ là một đề tài lý thú cho diễn đàn Liêu Trai, vì nguồn gốc của các con chim này. Loan và phụng là hai tên chim khác nhau và các tài liệu cổ văn bảo rằng=loan là một trong những loài phụng hoàng (鳳凰); 鸞=loan là tên con chim đực và 金雞=kim kê là tên con mái. Thật sự ra, loan chỉ là tên của một con chim trong huyền thoại, nhưng kim kê là một tên của Chrysolophus pictus (golden pheasant). Thuyết Văn Giải Tự bảo rằng người Khương (羌) tặng chim loan thời Chu Thành Vương (周成王), và người đương thời nghĩ rằng có thể đó là con Argusianus argus/đại nhãn, hay bách nhãn ban trĩ (大眼斑雉). Một trong những cống phẩm các nước phương Nam dâng cho triều đình Hoa Lục ngày xưa là chim trĩ và từ xưa tôi đã hiểu rằng hình tượng của chim phụng đến từ đó. 鳳=phụng, hay phụng hoàng (鳳凰) còn hữu danh vô thực hơn nữa vì nó có cổ rắn, lưng rùa, mông nai và đuôi cá! Chim huyền thoại nhưng cũng có trống (phụng) và mái (hoàng) dù khác nhau thế nào thì người ta quên tả.

Cũng theo Thuyết Văn Giải Tự thì 鸞,亦神靈之精也。赤色,五采,雞形: loan, diệc thần linh chi tinh dã. xích sắc, ngũ thải, kê hình. (Loan là tinh chất của thần linh, sắc đỏ, năm màu, hình như con gà) và để hiểu câu này ta phải biết rằng người Hoa Lục thời xưa tin vào thuyết âm dương ngũ hành, màu đỏ tượng trưng cho phương Nam, Xích Đế (赤帝, còn gọi là Nam Đế 南帝 hay Viêm Đế 炎帝), Thần Nông, rồng đỏ, tính nóng, và thần của công nghệ và y dược. Tại sao từ loan phụng lại là biểu tượng cho (cặp) vợ chồng thì không thấy ai giải thích!

Cũng từ ngữ nguyên trong TVGT đó, en.Wikipedia dịch 亦神靈之精也 thành "born from the sperm of Chidi", nghĩa là "nảy sinh từ tinh dịch của Xích đế"! Nếu Con Cò biết lối dịch cổ văn này thì có thể ta không phân tích bài thơ theo lời Trang Chu mà theo trường phái hiện sinh hay theo ... Freud! Nhà thơ họ Bạch hiểu điến tích 'loan phụng' theo nghĩa nào? Theo Wiktionary, có 3 nghĩa: a) chỉ chim thần thoại, b) chỉ người xuất chúng; và c) chỉ cặp vợ chồng. Theo tôi, Bạch Cư Dị muốn nói rằng dù nhân loại chỉ gồm loài người, có người xuất chúng, và có người chỉ là rắn rết lên làm ... người. Trật tự xã hội là một khái niệm nhân tạo do các lý thuyết gia và chính trị gia đặt ra và ta đã thấy hằng hà sa số sâu bọ lên làm người trong thời buổi này, và đa số các người đó bảo dân rằng đây là bằng chứng họ đang được thượng đế của họ phù hộ! Có phải chăng họ Bạch làm bài thơ này để biện hộ cho việc mình vẫn cố bám vào hoạn lộ cho dù bị đi đày thay vì được trọng dụng trong triều đình?

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét