Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Y Học Thường Thức - Cơn Đau Tim - Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Y HỌC THƯỜNG THỨC

Cơn Đau Tim (nhồi máu cơ tim)

Đại cương 

Trái tim của chúng ta cũng là một bắp thịt, tiếng y khoa gọi là cơ tim. Cơ thể có 2 động mạch (tên là động mạch vành) mang chất bổ dưỡng và ô-xy tới trái tim, nuôi cơ tim và cung cấp ô-xy cho tim hoạt động. Khi con người ta bị bệnh tim mạch, có trường hợp một nhánh của động mạch vành bất thần bị nghẹt khiến tuần hoàn nuôi trái tim nơi đó bị ngưng trệ. Tùy theo độ nghẹt nhiều hay ít và nhánh động mạch vành bị nghẹt lớn hay nhỏ mà hậu quả là cơn đau thắt ngực nghiêm trọng hoặc là cơn đau tim. Đau thắt ngực nghiêm trọng là khi một vùng cơ tim bị thiếu ô-xy gây đau mạnh trong thời gian ngắn, sau đó chỗ nghẹt lại khai thông được nên các tế bào cơ tim tự nhiên hồi phục. 

Cơn đau tim là khi một vùng cơ tim mất tuần hoàn lâu dài hơn khiến có nhiều tế bào cơ tim bị chết. Vùng cơ tim chết này, nếu lớn sẽ gây tử vong, nhỏ sẽ thành sẹo khiến trái tim bị yếu hơn trước. Sau đây là những điều cần biết về cơn đau tim: 

-Bệnh nhân cảm thấy bị đau hay bị đè nặng ở sâu trong ngực, ngang với phần trên của xương ức, đồng thời họ cũng bị khó thở và yếu mệt toàn thân (thở không ra hơi). 
-Đây thật là trường hợp cứu bệnh như cứu hỏa, hãy gọi ngay xe cấp cứu và cho bệnh nhân nhai 3 viên ASA (Aspirin) 81mg. 
-Chẩn đoán cơn đau tim dựa vào kết quả điện tâm đồ và thử máu. 
-Mục đích trị liệu cơn đau tim là dùng các phương tiện tăng tuần hoàn cho vùng cơ tim thiếu ô-xy. 

Nguyên nhân 

Cơ tim hoạt động liên tục ngày, đêm nên cần có tuần hoàn đều đặn hơn các cơ quan khác trong cơ thể. Khi một phần cơ tim bị giảm tuần hoàn hoặc ngưng hẳn tuần hoàn trong ít phút, một số tế bào cơ tim thiếu ô-xy sẽ chết mà gây ra cơn đau tim. Nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim là một nhánh động mạch vành bị nghẹt. 

Bệnh lý diễn tiến như sau đây: 

*Động mạch vành của bệnh nhân vốn đã bị xơ cứng nên đóng màng cứng ở phía trong làm nghẽn bớt lòng động mạch. 
*Bệnh lý tiến triển khiến màng cứng bị rách và tiết ra hóa chất đặc biệt. 
*Các hóa chất này khiến máu đông lại ngay tại chỗ rách màng cứng. Cục máu đông đó làm nghẽn tuần hoàn ở hạ lưu. 
Rất may là chỉ có lối 1/3 các trường hợp này tiến tới cơn đau tim. Các bệnh nhân kia chỉ bị đau thắt ngực nghiêm trọng rồi cục máu đông tự nhiên tan vỡ. 

Một nguyên nhân gây cơn đau tim ít khi xảy ra là cục máu đông khởi đầu trong tâm nhĩ trái (do bệnh rung nhĩ) rồi di chuyển qua tâm thất trái mà chạy vào động mạch chủ trên rồi lọt vào động mạch vành. Cục máu đông này đi tới chỗ hẹp của động mạch vành thì kẹt lại mà làm nghẽn tuần hoàn. 

Phân loại 

Hiện tượng nghẽn tuần hoàn tại động mạch vành gây ra 3 loại bệnh lý: 

-Cơn đau thắt ngực nghiêm trọng -Cơn đau tim nhẹ, điện tâm đồ bình thường 
-Cơn đau tim nặng khiến điện tâm đồ biến đổi Cách phân loại này có ích lợi thực tế là chỉ định phương cách trị liệu thích hợp cho từng trường hợp. 

Triệu chứng 

Triệu chứng chung của sự nghẽn tuần hoàn động mạch vành là cơn đau ngực mạnh: 

*Cảm tưởng đau hoặc bị đè ở sâu trong ngực, ngang phần trên xương ức. 
*Đau ngực có khi truyền tới nơi khác như vai, bắp tay, lưng, cổ, hàm. 
*Đôi khi bệnh nhân cảm thấy đau ở bụng trên giống như khi bị khó tiêu. 
*Nếu bệnh nhân vốn đã bị đau thắt ngực thì tới nay đau mạnh hơn, ngồi yên một chỗ cũng vẫn đau. 

Nếu họ thường dùng thuốc TNT để hạ cơn đau thắt ngực thì bây giờ TNT không kiến hiệu nữa. Có lối 1/3 các trường hợp bệnh nhân bị cơn đau tim mà không đau ngực nên rất khó chẩn đoán mà trị liệu cho kịp thời. 

Họ thuộc các thành phần sau đây: 

-Người già -Nữ giới -Người bị suy tim 
-Người bị bệnh tiểu đường 
-Người bị đột quỵ Ngoài cơn đau ngực mạnh, sự nghẽn tuần hoàn động mạch vành có khi gây ra các triệu chứng phụ sau đây: 
-Bệnh nhân cảm thấy sắp ngất hoặc bị ngất 
-Họ đổ mồ hôi rất nhiều 
-Họ có cảm tưởng bị nghẹt thở 
-Họ bị hồi hộp kéo dài 

Chẩn đoán 

Hai phương tiện chính để chẩn đoán cơn đau tim là đo điện tâm đồ và xét nghiệm máu. 
Đo điện tâm đồ 
Điện tâm đồ của người lên cơn đau tim có dấu hiệu đặc trưng giúp bác sĩ định bệnh. Nếu điện tâm đồ khi mới nhập viện vẫn bình thường thì cần đo lại sau ít tiếng đồng hồ vì sự biến đổi có thể chậm xảy ra. 
Xét nghiệm máu 
Có một số hóa chất đặc biệt chỉ hiện diện trong tế bào cơ tim mà thôi. Khi tế bào cơ tim chết, các hóa chất này mới thoát ra trong máu và có thể đo lường được. Chúng xuất hiện lối 6 tiếng đồng hồ sau khi cơn đau tim bắt đầu và còn tồn tại trong nhiều ngày kế tiếp. 

Các xét nghiệm khác 
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán cơn đau tim ít khi cần dùng tới: 
-Chụp hình siêu âm tim 
-Chụp hình tim dùng chất phóng xạ 
-Dùng thiết bị liên tục ghi điện tâm đồ trong 24 tiếng đồng hồ 
-Chụp hình điện tuyến động mạch vành dùng chất cản quang 

Tiên lượng
 
Tiên lượng đối với người bị cơn đau thắt ngực nghiêm trọng: một số các bệnh nhân này sẽ lên cơn đau tim trong vòng 3 tháng sau đó. Cơn đau tim trị liệu sớm (trong 3 tiếng đồng hồ đầu tiên của bệnh lý) có khả năng giảm tỷ số tử vong xuống còn 50% so với nhóm người trị liệu trễ. Có những trường hợp cơn đau tim nhẹ tự nhiên hồi phục, người bệnh lại mạnh khỏe như trước. Tuy nhiên, 10% thuộc nhóm bệnh nhân này có nguy cơ tử vong trong vòng một năm kế tiếp do suy tim hoặc hỗn loạn nhịp tim. 

Phòng bệnh 

Đối với người mạnh khỏe thì muốn đề phòng cơn đau tim, khởi đầu là phòng ngừa bệnh huyết áp cao. Hãy áp dụng chương trình “sinh hoạt lành mạnh” ghi trong bài “Phương pháp dưỡng sinh” thuộc Chương I cuốn sách này. Đối với các bệnh nhân đã hồi phục cơn đau tim thì đề phòng tái phát bằng các phương cách sau đây: 
*Mỗi ngày uống một viên thuốc ASA 81mg. Biện pháp này cũng áp dụng cho người trên 50 tuổi, không hề lên cơn đau tim nhưng có bệnh tim mạch. 
*Dùng thuốc hạ huyết áp loại đặc biệt. 
*Uống thuốc hạ mỡ trong máu loại statin, dùng liều lượng cao. 
*Cải thiện sinh hoạt: ăn rất ít mỡ, ít chất mặn. tăng vận động thân thể. 
*Tích cực trị liệu huyết áp cao và bệnh tiểu đường cho tới mục tiêu. 

Trị liệu 

Điều nhắc nhở: khi có triệu chứng đau ngực mạnh, tức thời gọi xe cấp cứu và nhai 3 viên ASA 81mg. Đừng mất thì giờ bàn bạc với người nhà vì “cứu bệnh như cứu hỏa”. 

Các thành phần của việc điều trị cơn đau tim bao gồm: 

-Khai thông động mạch vành bị nghẽn 
-Trị liệu phụ thuộc 
-Thuốc dùng kế tiếp 
-Phục hồi chức năng

Khai thông động mạch vành bị nghẽn 

Y học có 3 phương pháp khai thông động mạch vành: dùng thuốc chích tĩnh mạch, nong động mạch vành, giải phẫu bắc cầu. Dùng thuốc chích tĩnh mạch có hiệu lực phá vỡ các cục máu đông. Cần áp dụng sớm, trong vòng 3 tiếng đồng hồ đầu tiên của cơn đau tim. 


Phương pháp này không sử dụng khi điện tâm đồ bình thường, và còn cấm kỵ trong các trường hợp sau đây: 
-Bệnh nhân đã có lần bị xuất huyết bộ tiêu hóa 
-Huyết áp của bệnh nhân quá cao (180mm thủy ngân trở lên) -Người bị đột quỵ 
-Bệnh nhân mới giải phẫu lớn trong vòng 1 tháng 

Nong động mạch vành: Phương pháp này dùng kim lớn xuyên vào động mạch đùi, luồn dây kim loại đi ngược lên tới động mạch chủ trên rồi tiến vào động mạch vành cho tới chỗ bị nghẽn. Sau đó, bơm phồng bong bóng và dụng cụ hình lò so ghim tại dây kim loại để vừa phá cục máu đông vừa nong rộng thêm nhánh động mạch vành bị nghẽn, đồng thời bung dụng cụ hình lò so ra để giữ cho khúc động mạch này đừng xẹp xuống. Nếu điện tâm đồ của bệnh nhân có thay đổi, cần nong động mạch vành trong vòng 90 phút sau khi bệnh nhân nhập viện. Nếu bệnh viện không có phương tiện nong động mạch vành thì dùng thuốc chích phá cục máu đông. 

Giải phẫu bắc cầu động mạch vành: 
Nếu 2 phương cách trên không dùng được, cần giải phẫu bắc cầu. Bác sĩ giải phẫu tim mạch thường dùng tĩnh mạch dưới chân của bệnh nhân để bắc cầu từ động mạch chủ trên tới nhánh động mạch vành bị nghẽn, ngay sau khúc nghẽn. Cả 2 kỹ thuật nong động mạch vành và giải phẫu bắc cầu cũng có thể áp dụng cho các bệnh nhân tuy chưa lên cơn đau tim nhưng có nhiều nguy cơ bị bệnh lý này vì lòng động mạch vành bị màng cứng chặn bớt nên quá hẹp (độ nghẽn trên 90%). 


Trị liệu phụ thuộc Bệnh nhân bị cơn đau tim cần tĩnh dưỡng ít ngày: phòng riêng yên tĩnh, ít người thăm hỏi. Nếu hút thuốc lá, phải cai ngay. Dùng thuốc nhuận trường nhẹ để khỏi rặn khi đi cầu. Thông tiểu nếu cần. Đôi khi cần dùng thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Thuốc dùng kế tiếp TNT có hiệu lực làm giãn nở động mạch vành. ASA khiến máu khó đông. Thuốc hạ huyết áp loại ức chế thụ thể bê-ta và loại ức chế men chuyển hóa angiotensinogen. 
Thuốc hạ chất mỡ trong máu loại statin, dùng liều cao cho mọi bệnh nhân trong nhóm này, không dư mỡ cũng phải uống. 

Phục hồi chức năng 
Sau khi trị liệu khai thông động mạch vành, bệnh nhân thường có thể bắt đầu vận động ngay ngày hôm sau: Ngày hôm sau, người bệnh có thể luân phiên nằm nghỉ và ngồi ghế, dùng vật lý trị liệu nhẹ. Ngày kế, họ có thể đi bộ ít bước. Tăng dần các hoạt động. Sáu tuần lễ sau khi khai thông động mạch vành, bệnh nhân trở lại mức vận động thân thể bình thường. Áp dụng thể dục đều hòa, mỗi tuần lễ tập dượt tối thiểu 3 tiếng rưỡi đồng hồ. 

Tóm tắt 

Cơn đau tim xảy ra khi một nhánh động mạch vành bị nghẽn. Cơ chế nghẽn động mạch vành: bệnh xơ cứng động mạch gây màng cứng trong lòng động mạch.
 
Triệu chứng của cơn đau tim: 
-Đau thắt ngực mạnh và yếu mệt toàn thân. 
-Đau thắt ngực xưa nay dùng thuốc TNT thì êm, bây giờ thuốc không kiến hiệu nữa. 
Khi có triệu chứng cơn đau tim: 
-Gọi xe cấp cứu. 
-Nhai 3 viên thuốc ASA 81mg. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Cơn đau tim Heart attack 
 Cơn đau thắt ngực nghiêm trọng Unstable angina 
Màng cứng Plaque 
Cục máu đông Blood clot 
Động mạch vành Coronary artery (số nhiều là arteries) 
Bệnh rung nhĩ Atrial fibrillation (AF) Dùng bong bóng nong động mạch Balloon angioplasty Dùng lò so nong động mạch Stenting 
Giải phẫu bắc cầu động mạch vành Coronary artery bypass grafting (CABG

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét