Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Y Học Thường Thức: Bệnh Áp Huyết Cao(Bác sĩ Đinh Đại Kha)

Giới thiệu Chương III sách Y học thường thức 

Chương III sách Y học thường thức trình bày về các bệnh lý Nội khoa và Ngoại khoa.
 Đây là những trường hợp bệnh thường xảy ra hơn các bệnh thuộc về chuyên khoa, Các đề tài thuộc về Chương III bao gồm: 
1) Bệnh tim mạch
 2) Bệnh hô hấp 
3) Bệnh tiêu hóa 
4) Bệnh tiết niệu 
5) Bệnh dinh dưỡng
 6) Bệnh nội khoa tổng quát 
7) Bệnh truyền nhiễm 
8) Bệnh cơ quan vận động
 9) Bệnh hoa liễu (lây qua đường tình dục) Các điểm chính trình bày về mỗi bệnh lý bao gồm: 
- Lâm sàng 
- Cơ chế bệnh lý 
- Phòng bệnh 
- Trường hợp cần trị liệu khẩn cấp 
Mục đích của Chương III sách này là giúp bạn đọc ngoài nghề y khoa tìm hiểu về nhiều loại bệnh lý, biết cách thức phòng bệnh và biết khi nào cần trị liệu khẩn cấp. 

Ban Biên tập YHTT 


Bệnh Áp Huyết Cao Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Đại cương 

Bệnh huyết áp cao là một loại bệnh rất phổ thông trong giới người cao tuổi. Theo thống kê chung thì có tới hai phần ba người trên 60 tuổi bị huyết áp cao. Bệnh này cần được điều trị đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hại về tim mạch, não bộ và thận. Khoa học không giải đáp được nguyên nhân chính của bệnh huyết áp cao. Tuy nhiên, nhiều công cuộc nghiên cứu từ xưa tới nay đã tìm ra được các tác nhân gây bệnh sau đây: 

Tính di truyền: 
Một số gia đình có nhiều người bị huyết áp cao mặc dầu đã sinh hoạt theo đúng vệ sinh để phòng bệnh. Kết luận là khả năng bị xơ cứng động mạch của các bệnh nhân này đã có sẵn trong cơ thể từ khi còn ở trong bụng mẹ. 

Dư chất Nat-ri trong khẩu phần: 
Theo một bài nghiên cứu về dinh dưỡng tại Việt-Nam của một tác giả người Nhật, khẩu phần trung bình thường ngày của chúng ta dư chất muối (Clo-rua Nat-ri) gấp 2 tới 3 lần nhu cầu của cơ thể. Đây là chưa kể tới bột ngọt (mì chính) dùng nấu ăn cũng lại tăng thêm chất Nat-ri trong dinh dưỡng. 

Dư chất mỡ trong dinh dưỡng: 
Ăn các thức ăn chứa nhiều chất dầu mỡ (bất kỳ loại nào) lâu ngày sẽ dẫn tới bệnh huyết áp cao. Chất ni-cô-tin trong thuốc lá: Ni-cô-tin trực tiếp gây viêm thành động mạch, sinh ra điểm khởi đầu cho lớp màng cứng phát triển (xin xem hình vẽ phía dưới). 

Uống rượu quá độ: 
Rượu trực tiếp tác hại các cơ nhẵn trong động mạch và cơ tim. 

Thiếu vận động cơ thể: 
Các động tác thể dục, thể thao làm cho trái tim và các động mạch hoạt động mạnh hơn nên bảo toàn tính đàn hồi được lâu dài hơn. Ngoài ra, bệnh mập phì và bệnh tiểu đường cũng gây ra huyết áp cao. Cơ chế bệnh huyết áp cao là cô-let-tê-rôn quá dư và nhìều hóa chất khác gây ra bệnh xơ cứng động mạch. Các chất này tạo ra một lớp màng cứng ở mặt trong thành các động mạch, giảm sự đàn hồi (co giãn) thông thường. Khi trái tim bóp mạnh (thời gian co tâm thất) mà động mạch không giãn nở được như thường lệ, áp xuất trong động mạch tất nhiên phải tăng cao hơn. Bệnh tiến triển phát sinh ra biến chứng khi lớp xơ cứng quá dày làm nghẹt tuần hoàn động mạch cục bộ. Cũng có trường hợp một miếng xơ cứng này vỡ (bể) ra và chạy theo dòng máu cho đến một nhánh động mạch nhỏ thì kẹt lại, có tác dụng như một cái nút chặn đứng tuần hoàn nơi đây. 


Chỉ số huyết áp cao là trên 135 mi-li-mét thủy ngân khi tim bóp hoặc trên 85 mi-li-mét thủy ngân khi tim nở. Nếu huyết áp thường xuyên lên tới 140 (tim bóp) hoặc 90 (tim nở) là tới lúc phải dùng thuốc. Những con số này dựa vào kinh nghiệm lâm sàng chứ không phải là theo lý thuyết. Chỉ số về huyết áp cao được dùng trong suốt thế kỷ trước là trên 140 mi-li-mét thủy ngân khi tim bóp. 

Đến năm 2000, một hội đồng bác sĩ Nội khoa tại Mỹ và Canada kiểm tra các hồ sơ bệnh lý trong hàng chục bệnh viện và phát hiện nhiều trường hợp huyết áp bệnh nhân chỉ lên tới con số 140 mà vẫn lên cơn đau tim hoặc bị tai biến mạch máu não. Đó là lý do y học dùng chỉ số hiện tại, thấp hơn khi trước. 
Bệnh huyết áp cao không thể chữa tiệt căn, nghĩa là không ngưng thuốc được. Khi huyết áp đo bình thường là do hiệu lực thuốc, nên phải tiếp tục uống. 

Triệu chứng 

Thông thường, bệnh huyết áp cao không có triệu chứng riêng biệt. Cho đến khi bệnh nặng, huyết áp lên rất cao mới gây đau đầu, chóng mặt, ù tai… Có một thiểu số bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng gì cho đến khi bị biến chứng. 
Vậy các triệu chứng khi biến chứng là như sau: 

Đau thắt ngực: 
Bệnh nhân có cảm tưởng bị đè rất nặng ở giữa ngực và đồng thời người mệt lả. Có khi cơn đau truyền lên cổ và hàm răng, có khi truyền ra cánh tay trái. Cơn đau kéo dài trong ít phút. 

Cơ chế: 
Thiếu máu cơ tim (làm cho thiếu ô-xi) do động mạch vành bị nghẹt bớt, các loại cơ khi thiếu ô-xi đều bị đau. Nếu cơn đau thắt ngực kéo rất dài là khi bị lên cơn đau tim, có khả năng gây tử vong. 

Đau chân cách hồi:
Bệnh nhân đang đi bộ bị đau bắp chân nên phải đứng lại, sau ít phút cơn đau giảm bớt, tiếp tục đi rồi lại bị đau, lại phải dừng lại… Đây là triệu chứng động mạch chi dưới bị nghẹt. Khi cơ bắp hoạt động, cần nhiều ô-xi hơn khi nghỉ ngơi. Động mạch bị nghẹt tất nhiên không cung cấp đủ máu và ô-xi nên cơ bắp bị đau. Bất tỉnh hoặc bị tê liệt cấp tính: bệnh nhân bất tỉnh không gọi tỉnh lại được hoặc chợt tỉnh, chợt mê. 

Triệu chứng khác nữa là bị tê liệt một số cơ bắp hoặc không nói được. Đây là trường hợp tai biến mạch máu não. Cơ chế: động mạch não bộ bị nghẹt hoặc bể, tuần hoàn trong não bộ chậm lại rất nhiều gây ra hoại tử mô não (một phần óc bị chết). Bệnh nhân cảm thấy yếu mệt từ từ trong nhiều tháng và da mặt biến đổi dần dần thành tái xanh hoặc trắng bệch. 
Đây là biến chứng suy thận mạn tính, ít xảy ra nhưng rất khó trị liệu. 

Cơ chế: tuần hoàn chậm lại, thiếu ô-xi nên một số tế bào thận bị chết. Trị liệu Nếu bệnh huyết áp cao chưa quá nặng mà bệnh nhân vừa mập vừa thiếu vận động cơ thể, cách điều trị theo thiên nhiên là phải thay đổi cách sinh hoạt thường ngày: bớt ăn cho xuống cân, bớt ăn chất mặn, chất mỡ, tập thể dục, không hút thuốc, không uống rượu. Sinh hoạt lành mạnh như vậy trong 6 tháng mà huyết áp vẫn cao là lúc phải dùng thuốc. Trường hợp huyết áp cao mà khi mới phát hiện đã lên tới 160mm thủy ngân (hoặc cao hơn) khi tim bóp thì phải dùng thuốc ngay. 

Thuốc hạ huyết áp hiện nay có nhiều loại, kể từ loại dùng đầu tiên (đầu thế kỷ 20) thuộc dạng thuốc lợi tiểu cho tới những loại mới nghiên cứu sau này, làm giảm huyết áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Mỗi loại thuốc này lại chia ra nhiều nhóm hóa chất khác nhau, cho nên trên thị trường có tới hơn 100 tên thuốc chữa huyết áp cao. Không có thứ thuốc hạ huyết áp nào là tuyệt đối tốt, mỗi thứ hợp cho một loại bệnh nhân nên cần có bác sĩ chỉ định và theo dõi. Đôi khi cần phối hợp 2, 3 thứ thuốc (có khi nhiều hơn nữa) là trường hợp huyết áp bệnh nhân giao động hoặc nhịp tim quá nhanh hay quá chậm. Lúc khởi đầu điều trị phối hợp như vậy, cần phải theo dõi bệnh trạng thường xuyên hơn, thí dụ cách hai tuần lễ tái khám một lần thay vì cách 2 hay 3 tháng. 

Bệnh nhân tự giúp mình 
Như đã trình bày trên đây, bệnh huyết áp cao thường khi không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, người khỏe mạnh bình thường cũng nên thỉnh thoảng đo huyết áp, tối thiểu 6 tháng một lần để có thể phát hiện bệnh này ngay từ lúc khởi đầu. 

Điều trị bệnh huyết áp cao cần có bác sĩ chỉ định và theo dõi vì cơ thể và bệnh trạng mỗi người một khác và bệnh này cũng tiến triển khác nhau tùy theo trường hợp cá nhân. Tuy nhiên người bệnh có thể tránh bớt biến chứng bằng cách: 
Theo đúng lời chỉ dẫn về liều, lượng thuốc. Điều tối kỵ là tự ý thêm, bớt thuốc khiến bác sĩ không thể theo dõi bệnh trạng một cách chính xác. Hãy thẳng thắn trình bày với bác sĩ các thắc mắc của mình khi nghĩ rằng bệnh trạng của mình có thể cần thêm hoặc bớt thuốc. 

Tái khám định kỳ theo đúng lịch trình và lấy hẹn khám thêm khi có triệu chứng bất thường như đau thắt ngực, huyết áp vẫn cao trong khi uống đủ thuốc, yếu mệt thường xuyên… 

Giữ vệ sinh về dinh dưỡng và vận động cơ thể. Bớt chất muối và mỡ trong khẩu phần. Hạn chế bột ngọt khi nấu ăn. Thể dục đơn giản hơn cả là đi bộ, không cần đi nhanh, mỗi lần thả bộ từ 45 phút tới 60 phút hay lâu hơn và mỗi tuần lễ cần vận động tối thiểu là 3 ngày và tổng cộng thời gian vận động tối thiểu là 3 tiếng rưỡi đồng hồ. 

Không hút thuốc lá (thuốc lào cũng vậy). Thuốc lá dù hút nhiều hay ít cũng có hại cho tim mạch. Đấy là chưa kể các tác hại khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phổi, ung thư phổi… 

Hạn chế các chất rượu: đàn ông một ngày dùng tối đa là một chai bia nhỏ hoặc một ly rượu vang nhỏ hoặc một ly cốc-tai, đàn bà chỉ dùng được một nửa lượng rượu này. Có những nghiên cứu cho rằng thường ngày uống rượu vang đỏ chút ít có thể hạ bớt cô-let-tê-rôn và giúp ích cho tim mạch. Tuy nhiên hiệu lực này cũng rất nhỏ so với hiệu lực của các thứ thuốc trị bệnh huyết áp cao. Vậy xin hãy hạn chế rượu theo lời khuyên trên đây. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Bệnh huyết áp cao High blood pressure (HBP) 
Bệnh xơ cứng động mạch Atherosclerosis 
Bệnh mập phì Obesity 
Bệnh tiểu đường Diabetes mellitus 
Đau thắt ngực Angina pectoris 
Đau chân cách hồi Intermittent claudication 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Chronic obstructive pulmonary disease (COPD) 
Bệnh dãn phổi Emphysema


Bác sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét