Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Tản Mạn Về Cuộc Đời & Thơ Văn


1/- VICTOR HUGO:

Victor Hugo là nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, là nhân vật dẫn đầu phong trào Lãng Mạn (the romantic movement) của nền Văn Chương Pháp. Các tác phẩm của ông gồm 45 cuốn với hai cuốn tiểu thuyết được toàn Thế Giới biết đến, là cuốn "Anh Gù của Nhà Thờ Đức Bà" (The Hunchback of Notre Dame, 1831) và cuốn "Các Kẻ Khốn Cùng" (Les Misérables, 1862), với hai nhân vật trong truyện là anh gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết trước và Jean Valjean trong cuốn sau.


Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết và qua các tác phẩm của ông, đã phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại, đã bộc lộ rõ niềm tin của ông nơi Khoa Học, nơi nền Dân Chủ và Tự Do. Victor Hugo đã chào đời vào năm 1802 và qua đời năm 1885, và do các tác phẩm đồ sộ, thế kỷ 19 với nền văn chương đặc sắc của nước Pháp, đã được gọi là "Thế Kỷ của Victor Hugo".
(theo bienkhaolichsu)

2/- MARGUERITE YOURCENAR


Các nhà tâm lý thường cho là tính cách phụ nữ khác nam giới ở chỗ đàn bà sống bằng tình cảm và trực giác, còn đàn ông có khuynh hướng mạnh mẽ về lý tính và phân tích, vì vậy nên ít có nhà bác học và nhà triết học nữ.
Khi tôi đọc mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử của bà Yourcenar, thì tôi hết sức khâm phục trí tuệ của một phụ nữ.
Viện Hàn lâm Pháp, thành lập từ thế kỷ 17, vốn nổi tiếng là bảo thủ, trong 300 năm không hề bầu một thành viên phụ nữ nào. Mãi đến năm 1980 bà Yourcenar mới là nhà văn nữ đầu tiên bước vào Viện Hàn lâm Pháp.
Marguerite Yourcenar thuộc một gia đình quý tộc, sinh tại Bỉ. Bà được giáo dục theo kiểu đại tư sản (học các gia sư tại nhà). Bà hiểu biết rất sâu về văn hóa cổ Hy Lạp - La Mã và nổi tiếng về tiểu thuyết lịch sử. Với một văn phong chính xác, sáng sủa, bố cục chặt chẽ, bà lấy tâm tư và tư duy của người ngày nay thông cảm với người xưa, do đó, truyện vừa cổ điển vừa hiện đại. Hồi ký Hoàng đế Hadrien tái tạo một nhân vật lịch sử La Mã có văn hóa, thích nghệ thuật, chấp nhận trách nhiệm và cái chết, suy nghĩ về hưng phế của nền văn minh. Hoàng đế là người thông minh và tỉnh táo, ông đi kinh lý không mệt mỏi để củng cố đế chế. Ông có tài trị quốc, thạo luật pháp và kinh tế. Dưới ngòi bút sinh động của Yourcenar, một người chết cách đây 18 thế kỷ tâm sự với độc giả về thời thanh niên, sự say mê văn hóa Hy Lạp, tình bạn đối với vợ Hoàng đế Trajan, những phân vân khi sắp lên ngôi, nỗi đau buồn khi một bầy tôi yêu quý tự sát... Khi ông đã có tuổi, ông suy nghĩ nhiều về con người, về nhiều vấn đề. Văn phong bình thản, phảng phất buồn.
Các tác phẩm của bà gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, thơ và thơ văn xuôi, truyện ngắn, ký, kịch bản sân khấu và các tác phẩm dịch thuật. Tiểu thuyết lịch sử Hồi ký Hadrien là cuốn sách lớn đưa Marguerite Yourcenar vào vị trí các nhà văn lớn trên thế giới, cùng với cuốn Bí thuật đen được trao giải Femina năm 1968.
Cuốn tiểu thuyết Giai đoạn luyện chất cuối cùng miêu tả qua nhân vật hư cấu Zenon mang tính nhân văn thế kỷ XVI: giải phóng con người khỏi ách tôn giáo mù quáng, tìm hiểu chân lý và cuộc sống.
Tác phẩm cuối cùng của Yourcenar là Tiếng nói của vạn vật trong đó có trích Trang Tử.

3/- JEAN D'ORMESSON:


Jean d’Ormesson là nhà văn vua biết mặt, chúa biết tên (giao du với những tổng thống, thủ tướng…), nhưng cả nước coi như một người trong gia đình, nhờ gần năm mươi cuốn sách và sự tham dự của ông trên truyền thanh, truyền hình, từ những chương trình văn hoá có uy tín tới những chương trình bình dân nhất.
Một triệu người theo dõi chương trình đặc biệt về Jean d’Ormesson đêm qua, con số khán giả kỷ lục với một chương trình về văn chương, trong khi các đài khác có những chương trình hấp dẫn đám đông: football, ca nhạc, phim đủ loại và tưởng niệm một ca sĩ nổi danh nhất cũng vừa từ trần, Johnny Halliday.
Jean d’Ormesson là một huyền thoại sống (mythe vivant). Một ông già rất trẻ, một nhà quý tộc rất bình dân, một nhà văn kiến thức mênh mông nhưng ngôn ngữ đơn giản. Nhất là cặp mắt xanh ranh mãnh và một niềm lạc quan không có gì lay chuyển nổi. Jean d’Ormesson được coi là một “nhà văn của hạnh phúc” (écrivain du bonheur).
Văn của ông nổ vui như rượu sâm banh, là một liều thuốc bổ.
Đó là một trường hợp hy hữu, vì trong văn chương Pháp, theo một tác giả, từ Baudelaire, Flaubert, hạnh phúc là điều cấm kỵ. Voltaire là nhà văn hạnh phúc cuối cùng. Sau đó, văn chương đồng nghĩa với bi kịch, với bi quan, với mặt trái của xã hội. André Gide nói: “Với những tình cảm tốt, người ta làm những cuốn tiểu thuyết dở”.
Sự thực, văn Jean d’Ormesson nhẹ nhàng, không một chút làm dáng, kênh kiệu, nhưng diễn tả những suy nghĩ sâu xa của một tác giả uyên bác, thạc sĩ triết, tốt nghiệp đại học văn chương uy tín nhất: Normal Sup. Như Oscar nói: Cái sâu xa ở ngay trên bề mặt. Emmanuel Macron nhắc đến cái nhẹ nhàng, trang nhã của Jean d’Ormesson: “Nhẹ nhàng không có nghĩa là hời hợt, chỉ trái nghĩa với nặng nề”.
(Huyền Thoại Sống - Văn -9 Tháng Mười Hai, 2017-)
==========
Sau đây là trích dẫn vài đoạn trong các tác phẩm của 3 nhà văn

1/- Victor Hugo (1802-1865 )- Tản văn triết lý-Nhãn thức (nhận xét)
............................
Vâng, thơ ca là vô tận. Quý vị độc giả, quý vị có quyền yêu cầu, đòi hỏi tất cả, chỉ trừ một cột mốc. Quý vị có thể yêu cầu cánh hoa phải ca hát, tinh tú phải tỏa hương thơm, khổ thơ phải tràn đầy tinh hoa. Quý vị có thể đòi hỏi một nụ cười từ đại dương và một nụ hôn từ miệng núi lửa. Quý vị có thể lấy tóc của người phụ nữ và rãi chúng lên trên bầu trời và áp đặt vào nền khoa học cho dù họ kinh ngạc khi bị buộc phải ghi vào danh mục giấc mơ ấy và lấy mái tóc của Bérénice * cho mục đích đó... Trong thơ ca sự kỳ diệu là đương nhiên. Có một điều không thể là có thể đối với nghệ thuật.
(hết trích) ........

Trích từ tác phẩm Tản văn triết lý-Nhãn thức (nhận xét)- Victor Hugo- Ông được đề cử vào Hàn Lâm Viên Pháp năm 1841-

GHI CHÚ
* Bérénice là một tên phụ nữ có nguồn gốc thuộc xứ Ma-xê-đoan (xưa ở vùng Ban-căng): biển Adriatic và biển Đen ngay góc Đông Nam của châu Âu, - có nghĩa là "người chiến thắng".
"Bérénice có một nguyện vọng cần được thực hiện
Đó là dâng mái tóc của mình cho các vị thần"
(Mái tóc của Bérénice là một tập thơ của Claude Simon (1913-2005)-

==========

2/- Tác giả Thuộc Thế kỷ XX-XXI

A-Marguerite Yourcenar(1903-1987)
..........................................
" Tôi lên án sự dốt nát hiện nay đang bao trùm trên các chế độ dân chủ cũng như các chế độ cực quyền. Sự dốt nát ấy quá nghiêm trọng, thường là toàn diện đến nỗi giống như do hệ thống, nếu không phải là do chế độ có ý muốn làm như vậy. Tôi thường suy nghĩ về việc giáo dục con trẻ sẽ như thế nào.

Tôi nghĩ rằng cần phải có những nghiên cứu căn bản, rất đơn giản, trong đó đứa trẻ sẽ học rằng em sinh tồn trong vũ trụ, trên một hành tinh mà sau này em sẽ phải sắp đặt quản lý tài nguyên, rằng em tuỳ thuộc vào không khí, vào nước, vào toàn bộ những sinh vật, và rằng với một sai lầm hoặc một sự hung bạo nào nhỏ bé nhất sẽ có nguy cơ hủy diệt tất cả mọi thứ.
Em sẽ được học rằng loài người đã tàn sát nhau trong những cuộc chiến mà hậu quả chỉ là gây ra nhiều chiến tranh khác, và rằng mỗi quốc gia dàn xếp lịch sử của họ một cách dối trá với mục đích để thoả mãn niềm tự kiêu của họ.
Em sẽ được dạy những kiến thức vừa đủ về quá khứ để cảm nhận rằng em được liên kết với các tiền nhân, để em khâm phục họ với những điều họ đã xứng đáng được kính phục, nhưng không tôn sùng họ, ở thời hiện tại hoặc ngay cả một tương lai không chắc chắn.

Ta sẽ cố gắng làm cho em vừa quen thuộc với sách vở và với sự việc; cho em biết tên cây cỏ, cho em biết đến muôn thú mà không bị buộc như đám con trẻ và thiếu niên phải miệt mài chứng kiến những cuộc giải phẫu sinh thể gớm ghiếc, lấy cớ cho rằng đó là sinh vật học; em sẽ học cách sơ cứu những người bị thương; việc giáo dục giới tính phải bao gồm chứng kiến một lần sinh sản, việc giáo dục tâm thần thì phải xem tận mắt những người bệnh nặng và những người chết.
Em cũng sẽ được học những khái niệm về đạo đức rất đơn giản mà nếu không có chúng thì việc giao du với xã hội trong cuộc sống là điều không thể, đây là huấn thị mà các trường tiểu và trung học ở xứ này không còn dám đưa ra trong chương trình.

Về phần tôn giáo, em sẽ không bị buộc phải theo nghi lễ tôn giáo hoặc giáo điều nào, nhưng em sẽ được nghe những điều về tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, và nhất là tôn giáo nơi em cư ngụ, để đánh thức lòng tôn kính trong con người của em và diệt trước một vài thành kiến bỉ ổi nào đó.
Em sẽ được học phải yêu thích việc làm khi mà công việc là có ích, và không bị quảng cáo bịp bợm dụ dỗ, bắt đầu bằng việc quảng cáo ca ngợi kẹo bánh có ít nhiều chất pha tạp cho em, chuẩn bị cho việc mục xương và bệnh tiểu đường về sau.
Nhất định là phải có phương cách để bàn luận với con trẻ về những điều quả là hệ trọng trong một thời hạn sớm nhất."
(hết trích)
.................................
Trích từ tác phẩm Les yeux ouverts - Đôi mắt mở - Marguerite Yourcenar

==========
B- Jean d'Ormesson- (1925-2017)- Tôi đã làm gì vậy?
.............
Tôi đã làm gì vậy? Tôi yêu dòng nước, yêu ánh sáng, yêu vầng dương, những buổi sáng mùa hè, hải cảng, yêu sự êm dịu của buổi chiều tà trên đồi núi và một loạt chi tiết không quan trọng tí nào như cây ô liu tròn vo ấy trong vịnh Fethiye * vẫn luôn trong trí nhớ của tôi hay một cầu thang màu xanh dương và trắng có hai đài nước hai bên trong một ngôi làng ở Pouilles** mà tôi quên tên rồi. Tôi không hối hận đã đến đó, cũng không hối tiếc phải ra đi đến một nơi xa lạ mà không ai có thể biết bất cứ điều gì, ơn Trời. Tôi nhận ra rằng cuộc sống rất đẹp và khá dài theo ý thích của tôi. Tôi đã rất may mắn. Xin cám ơn. Tôi đã phạm những tội lỗi về hành động, sai lầm về hiểu biết. Cho tôi xin lỗi. Thỉnh thoảng bạn hãy nhớ đến tôi. Hãy chào thế giới dùm tôi một khi tôi không còn trên cõi đời này nữa. Thật là một cỗ máy kỳ lạ luôn rơi nước mắt đau buồn tột cùng và làm tràn trề hạnh phúc. Một lần nữa tôi trở lại thời gian uổng phí và thời gian có ích đã qua, và tôi tự nhủ, cũng có thể là tôi nhầm, rằng tôi có được thời gian ấy, tôi được tặng không, cùng với thật nhiều ân huệ và thiện chí - vâng tôi được tặng điều tuyệt vời nhất của sự vĩnh cữu: cuộc đời của một con người giữa những con người khác.
(hết trích) ....................

Trích từ tác phẩm Tôi đã làm gì vậy? (2008)- Jean d'Ormesson
* Fethiye là một huyện thuộc tỉnh Muğla, Thổ Nhĩ Kỳ.
** Vùng Đông Nam nước Ý.

Tháilan sưu tầm & dịch 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét