Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Trở Về Làng Cũ


Tháng Chạp cuối năm, 
Trở về thăm làng cũ Tôi đi dưới nắng hồng Bàn tay chưa sạch bụi Mà tình xuân mênh mông...
Gió bấc liu riu trên mấy ngọn mù u, từng cơn rượt đuổi nhau xào xạc trên cánh đồng lúa chín vàng một khung trời.

Gió lạnh se se. Vài con vạc ăn đêm về muộn, xoải cánh bơ phờ, buông tiếng kêu xao xác, rã rời như cảm thấy lạnh vì ngọn gió từ phương Bắc thổi về... Cái lạnh miền Nam không rét buốt, nghiệt ngã như miền Bắc, khiến cụ già co ro, run rẩy trong chiếc áo ngự hàn, mà chỉ nhè nhẹ làm hồng thêm đôi má các cô gái đang tuổi xuân thì. Mấy ông già miền Nam sáng nay thức dậy, bỗng thấy có cái gì khác lạ : Trời còn mờ mờ tạnh ráo, không khí lành lạnh, những giọt sương còn đẫm ướt trên thảm cỏ xanh, có tiếng con chim khách lanh lảnh reo vui trên ngọn bằng lăng cạnh nhà. Ông già mặc vội thêm chiếc áo, ra hàng ba lấy con cúi đang ngún cháy, nhúm bếp lửa, đun sôi chiếc ấm pha trà. Ngồi bên lửa hồng ấm áp, ông già gật gù nhắp chén trà sen bốc khói thơm ngào ngạt mà nghe trời đất chuyển mình sang xuân, nghe lòng già thoang thoảng niềm vui khi ngọn gió bấc nhè nhẹ len vào hồn. Ông già che mắt nhìn trời, khoan khoái lầm thầm : " Tết đến nơi rồi ! "

Tôi trở về thăm làng cũ vào ngày mà thằng bé được ăn chén chè đậu trắng nước cốt dừa mà nó ước mơ mấy tháng tháng trước, khi nghe tiếng con cu đất gáy vang trên ngọn tre cao chót vót ngoài vườn: Cu kêu ba tiếng cu kêu Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè . Tội nghiệp thằng bé con nhà nghèo ! Chỉ cái ước mơ đơn giản là được ăn chén chè mà phải đợi đến ngày Ba nó dựng cây tre nêu có tờ giấy hồng điều phất phơ và cúng tiễn đưa ông Táo về Trời.

Trở về thăm làng cũ - tôi không còn ở vào cái tuổi hái hoa bắt bướm - cái thời thiếu niên của những buổi chiều vàng, ngồi bên bờ sông Long Hồ, đưa mắt nhìn theo những về lục bình trôi lang thang vô định mà mơ mộng viển vông...Tuy vậy, xa nhà lâu ngày, nay trở về nơi xóm cũ làng xưa, kỷ niệm rải rác trên từng bước đi, giăng mắc trên lùm cây bụi cỏ, trên dấu chưn bước qua chiếc cầu tre bắc ngang dòng sông đục nước phù sa. Những ngày vui thời thơ ấu bỗng vụt hiện về - không phải trong ký ức - mà ngay trước mặt, trên con đường làng đưa tôi về quê nội.

Trời chưa sáng hẳn. Từng vũng tối sáng loang lổ. Mặt trời lấp ló ở phương Đông, chiếu những tia sáng trinh bạch, nhuộm hồng mấy đám mây xám tận chân trời. Tôi bước đi trong niềm vui rạo rực. Làng xóm rộn rã.Tiếng quết bánh phồng vang lên khắp xóm.Tiếng mấy bà nhà quê ơi ới gọi nhau đi cán bánh phồng vần công, điểm thêm tiếng giã gạo chày ba muộn màng từ xa vọng lại, làm tăng thêm vẻ rộn ràng, hối hả chuẩn bị ngày Tết. Đó đây, trước mấy sân nhà trong xóm, thấp thoáng những bếp lửa, than cháy đỏ hồng, toát ra những tia lửa xanh lè liếm quanh nồi luộc bánh, như tiếp tay với mặt trời, làm cho buổi bình minh tăng thêm màu sắc Tết. Những nồi bánh tét, bánh chưng màu lá chuối xanh, sôi ùng ục, tỏa khói mịt mù...Tuổi già không ngủ, ông già ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, sẵn tay thêm củi vào cho lửa cháy bùng lên, kêu lách tách. Ông lần lưng lấy gói thuốc rê vấn một điếu, lè lưỡi dán dính lại, châm vào que củi đang cháy đỏ, đưa lên miệng bập bập, rít một hơi dài, phà khói mịt mù...Ông già khoan khoái nhìn trời đang bắt đầu một ngày mới. Dọc hai bên đường làng, đó đây có những bà già - chừng như bà nội, bà ngoại hay bà mẹ - thoăn thoắt trở qua trở lại chiếc kẹp, nướng mẩu bánh phồng lên, bay mùi thơm phức, ngọt ngào. Đám con cháu bu quanh, chờ cho chiếc bánh nguội bớt, chia nhau bẻ rôm rốp, bỏ vào miệng nhai rào rạo, cười đùa sung sướng. Nhưng chợt nhìn bà nội lưng đã còng, đôi tay run rẩy, còn bà mẹ năm nay, tóc đã điểm sương pha, đám trẻ con bất chợt nghe lòng dâng lên niềm thương cảm...


Bên cạnh cái cảnh rộn ràng chuẩn bị bánh tét bánh phồng, gói nem, gói bì, làm bánh mứt, những nhà giàu bày trà rượu hực hỡ trên bàn thờ, nhứt định không thiếu một cặp dưa hấu thật lớn chưng cạnh dĩa ngũ quả " Mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài ", tượng trưng cho cái quan niệm khiêm cung của tổ tiên ta là "Cầu sung vừa đủ xài". Bàn thờ ông bà được quét dọn sạch sẽ. Bộ lư đồng, cặp chưn đèn, chiếc lư hương cũng được lau chùi láng bóng. Chiếc độc bình màu trắng, chạm trổ hình thất hiền trong rừng trúc, sẵn sàng để cắm một cành mai chờ nở đúng vào đêm giao thừa.

Chuẩn bị thức ăn - nhà nghèo lo dỡ chà, đặt lờ, đăng đó bắt cá, giậm cù bắt chuột đồng, đặt bóng đuổi chim võ vẽ, chàng nghịch, óc cao, gà nước, đem về nuôi chờ Tết. Nhà giàu, các điền chủ trong làng cho gia nhân tát đìa, chắt đập, bắt cá lóc to, cá trê vàng lớn, cá rô mề, tôm càng, tôm lóng đem về đổ đầy cả sân. Lớp ăn, lớp bỏ vào chiếc khạp lớn sau nhà. Tôm càng đem rọng trong sông nước ngọt, chờ Tết làm mâm cỗ thịnh soạn rước ông bà ngày ba mươi Tết. Đồng quê chuẩn bị thật rộn ràng, lòng người náo nức hân hoan. Nhà giàu đón xuân, nhà nghèo vay nợ, nông dân bán lúa non - nhà nhà nao nức trông chờ Tết đến. Không khí rộn rịp chờ đón ngày năm cũ bước đi, năm mới tới.

Trời đất vào xuân. Con người đón Tết

Cây lá mặc chiếc áo mới. Hàng rào xương rồng lấm tấm hoa vàng. Cây vông nem, lá xanh biếc, nức lên những nụ màu đỏ thẫm. Trời đã sáng hẳn. Hai bên đường, cây lá, hoa cỏ như chào đón tôi - kẻ tha phương trở về thăm làng cũ. Những líếp hoa huệ trắng tinh, hoa mồng gà, nở ngài, móng tai, thược dược đỏ thắm, khóm cúc vàng tươi mỉm cười trong nắng sớm. Hai bên con đường đưa tôi đi sâu vào trong xóm, nhà nào cũng trang điểm một cây mai đã lặt lá từ ngày rằm, nay lún phún những búp non như mủi viết, tràn ứ nhựa xuân căng mọng lên, hứa hẹn những cánh mai vàng sum sê ngày Tết. Thuở ấy, mai chỉ có năm cánh mà cũng vàng rực khắp làng. Vùng Bến tre, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ - ngày Tết mai nở tỏa vàng một góc trời, cánh hoa rụng ngập những con rạch nhỏ hay con suối chảy trong rừng. Mãi đến sau nầy mới có mai sáu cánh, tám hoặc mười hai cánh, đẹp não nùng, đẹp rực rỡ như một cô gái hơ hớ tuồi xuân thì.

Một tay chơi mai nổi tiếng trong làng là Cai Tổng Xu, Tết năm nào trước nhà ông cũng có một cây mai trồng trong chậu, nở hoa vàng cả sân. Lối xóm bu quanh trầm trồ. Ông lập tới ba phòng. Tình, tiền chu cấp đầy đủ.Mấy bà vui vẻ. Không nghe ai than phiền gì.Tuy vậy nghe dồn có một lần tình cờ ông ghé nhà bà ba, nghe tiếng bà rên ư ử...tưởng bà bị bịnh, lấy chìa khóa riêng mở cửa phòng, ông bước vào phòng thấy bà thân thể lõa lồ, thằng ở đang âu yếm gãi lưng cho bà. Ông nổi trận lôi đình, định cắt đứt giây ân ái. Bà Ba năn nỉ : Mình à ! Em ngứa lưng quá. Nhà lại không có ai nên biểu thằng ở gãi lưng chút thôi, chút có làm gì đâu. Nó là thằng nhút nhát. Biểu cái gì nó làm cái ấy. Em mới biểu nó gãi lưng chứ chưa có biểu nó làm gì hết. Bà ba tuổi xuân hơ hớ, thẹn thùng kéo vội chiếc áo che đôi ngực nõn nà. Ông Cai tiếc của đời, đành bỏ qua..


Năm đó khoảng 1959-60, chiến tranh chừng như lắng dịu như mặt nước hồ thu lăn tăn gợn sóng. Nhưng những đợt sóng ngầm như nằm dưới đáy, chờ ngày bùng phát dữ dội hơn. Nhưng đó là chuyện ngoài tầm tay, ngoài ý muốn của người nông dân chất phác. Còn bây giờ ăn Tết đã . Hôm nay trở về làng, tôi bước đi hớn hở trước cảnh tưng bừng rộn rịp của làng xóm. Nhưng cảnh vật rộn ràng đó, cũng không dấu được những dấu vết điêu tàn của thời tiêu thổ kháng chiến. Mấy cấy cầu sắt hoen rỉ, còn trơ lại những cây trụ cũng mòn mỏi với thời gian. Ngôi trường cũ nền đúc cao tới ngực, tấm biển lớn treo giữa tường mang dòng chữ Pháp"École Élémentaire Franco Indigène", hiện ra trước mắt tôi như ngày nào ba tôi dẫn tôi tới trường trong buổi học đầu đời. Nay chỉ còn là một bãi cỏ hoang tàn, gió đưa hiu hắt... Tiếng con tắc kè chắc lưỡi thở than ngoài cái miếu hoang đầu làng, như chia sẻ cùng tôi, nỗi buồn man mác trước cuộc dâu bể tang thương của cuộc đời !

Tôi tiếp tục đi trên con đường làng với tâm trạng bnồn vui lẫn lộn. Làng tôi nghèo khổ, xác xơ. Đa số là nông dân tá điền, làm nghề chài lưới, thợ mộc, thợ rèn, buôn bán trên ghe thương hồ, làm mướn làm thuê, Họa hoằn có một vài người, con của chủ điền, đỗ được bằng C.E.P.C. I và duy nhứt có một người đỗ bằng Thành chung thời Tây gọi là D.E.P.S.I ( Diplôme d'études Primaire Supérieure Indochinoise) nhưng rồi cũng không có công lao gì hiển hách. Chỉ ở nhà trông coi ruộng vườn, ăn chơi đờn ca xướng hát, la cà gạ gẫm mấy cô gái quê mang bầu rồi quất ngựa truy phong. Tiếng xấu đồn xa cả làng. Làng tôi như vậy đó. Không phải là đất địa linh nhân kiệt, cũng không là nơi sản xuất ra văn nhân tài tử nổi tiếng. Chỉ có hai người biết chữ nho là Ba tôi và ông Văn Minh - còn thì học lóm vài câu rồi tán dóc trong buổi trà dư tửu hậu. Nhưng thật sự hai vị nầy cũng như những hương chức trong làng cũng không có tiếng tâm gì lưu lại cho con cháu đời sau. Chỉ vài ông bô lão còn sống sót nói với tôi : " Ba mầy hồi đó viết liễn, chữ đẹp lắm" . Thế thôi ! Thậm chí đến cái sắc thần mà năm nào dân làng cũng đón rước linh đình, trống chiêng inh ỏi, cũng không biết vị thần ấy là ai ? có công trạng gì ? chỉ có vài chức sắc còn thấy được cái sắc thần - còn đa số dân làng cũng không biết cái sắc thần ra sao, chỉ nghe đồn là đó là lệnh có ấn của vua ban xuống. Cho nên - ai cũng khiếp sợ, không ai dám hỏi tới nữa. Làng tôi như vậy đó. Không có tiếng tâm gì, không có nhân vật nào đỗ đạt có tên trong bia Tiến sĩ hay là tướng lãnh anh hùng, danh thơm để đời như cụ Nguyễn trung Trực, Thủ Khoa Huân v.v...

Nhưng, ngược lại có hai người mà ai cũng biết, tiếng tăm vang dội khắp làng : Anh chín Khùng và thằng bao bố - hai cái tên quen thuộc đến không ai là không biết. Người lớn biết đã đành, trẻ nhỏ cũng biết, đầu làng cuối xóm ai cũng biết. Anh bị bệnh khùng bẩm sinh. Sinh ra, anh đã là đứa trẻ nhỏ gầy ốm, xanh xao, ngơ ngác. Sáu tuổi chưa biết nói. Chỉ lắc lắc cái đầu, chỉ trỏ lung tung, cười cười không thành tiếng. Cha anh bị Tây bắn chết trong một cuộc ruồng bố. Mẹ anh vất vả cày cấy mướn, nuôi anh. Rồi mấy năm sau, bà bị bạo bệnh qua đời. Chín Khùng bơ vơ. Lang thang xin ăn khắp làng, lần hồi ra đến Tỉnh, bị đám học trò nghịch ngợm chọc phá. Anh chỉ nhăn răng cười, nói làm xàm trong miệng. Anh rất hiền lành. Mấy bạn hàng trong chợ thương tình, cho cái bánh bò, bánh "dầu cháo quẩy", thỉnh thoảng có người hào hiệp bỏ tiền ra nấu cho anh tô hủ tiếu. Ngày ấy anh sung sướng lắm ! Có lần, đi lang thang phía rạch Cầu Lầu, chợt thấy một đứa bé té xuống sông, ngoi lên hụp xuống, uống nước đầy bụng, sắp chết đuối, chín khùng không biết có gì thúc giục, liền nhảy xuống sống ôm đứa bé dìu lên bờ. Lối xóm bu lại cứu được dứa nhỏ... Cha mẹ đứa nhỏ hay được chạy lại mừng rỡ hết lời cám ơn chín Khùng. Anh nổi tiếng từ đó. Đám học trò cũng thôi không chọc phá mà còn tỏ ra thương và kính trọng anh nữa. Nhưng anh vẫn tiếp tục khùng, kéo lê cuộc đời buồn thảm nơi xó chợ đầu đường. Mãi về sau, một anh bạn tôi thảng thốt nói với tôi : Chín Khùng chết rồi! Tôi ngẩn ngơ. Năm nay về thăm làng cũ, tôi không còn thấy được anh chín Khùng nữa. Anh chỉ còn lưu lại hình ảnh và tiếng tâm anh trong lòng tôi, cũng như trong làng xóm, người ta vẫn nhắc đến tên anh còn hơn nhắc đến tên quan chánh tham biện hay quan chủ quận xem làng xóm chỉ là nơi tạm bợ, đến vồ vập rồi đi lầm lũi... Nhân vật thứ hai tôi muốn tìm gặp là thằng bao bố. Nó nổi danh không kém anh chín Khùng. Điều đặc biệt khiến anh nổi danh là: Tài bắt chó và nấu món chó tay cẩm ăn nóng với củ riềng và đưa cay một ly nước mắt quê hương thì mọi việc trên đời coi như pha. Anh nổi danh không chỉ tài bắt và nấu thịt chó mà còn vang lừng trong làng chó. Bất cứ nơi nào anh đến, làng kế cận, kể cả ngoài tỉnh thành, chó không biết anh - nhưng thấy bóng dáng anh thì cho mẹ, chó con, chó hàng xóm,chó Tây, chó ta,chó mực,chó cò - đều ào ra sủa một lượt, sủa dữ dội, sủa điên cuồng, sủa như sủa một kẻ thù bất cọng đái thiên của nhà chó. Anh ta chẳng có nghề ngỗng gì, suốt ngày lê la ở mấy quán cóc đầu làng. Dân làng gọi anh là "Tư cà nhổng". Anh thành danh từ đó.

Anh thuộc lòng mấy ngày giỗ kỵ, cúng đình, cúng kỳ yên trong làng. Anh ta biết "nói thơ" Lục vân Tiên. kể chuyện Thầy Thông Chánh bắn quan biện lý Tây, cậu Hai Miêng rong thuyền đi chơi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Mấy thằng nhỏ bu quanh nghe anh ta kể chuyện rất say mê thích thú. Anh ta lại nhái thơ Lục vân Tiên, dạy mấy thằng nhỏ: Vân Tiên ngôi dựa bụi môn. Chờ cho trăng lặn rờ...( bỏ 1 chữ) Nguyệt Nga. Mấy thằng nhỏ tò mò khoái chí "nói thơ" vang cả xóm bị ông già rầy la dữ dội, nhưng vẫn lén lút khoái chí truyền đọc cả làng. Đặc biệt, anh ta còn học lóm đâu đó, mấy câu đờn kìm, bài vọng cổ. Cho nên, anh ta "tư cách" lắm. Thèm nhậu, mỗi khi nghe nhà ai "động dao động thớt " là mon men đi qua đi lại ngoài lộ cái, không vào nhà. Anh rành tâm lý dân Nam Kỳ xởi lởi, rộng rãi, thế nào cũng mời mình. Quả đúng vậy, có người thấy anh ta đi tới đi lui ngoài lộ, liền kêu : " Ê, Tư vào đây làm một ly, mầy". Thế là anh ta đường hoàng đi vào. Không ngồi vào bàn liền. Đội mời đôi ba lượt mới chịu ngồi xuống. Và khi ngồi rồi thì không chịu đứng dậy.

Nhờ la cà mấy quán có đầu làng, mấy tiệc nhậu trong xóm lại thêm nghề bắt và nấu thịt chó, biết chút ít "nói thơ" Lục vân Tiên, thơ thầy Thông Chánh, lại biết đờn ca vọng cổ, anh ta làm quen và gieo cảm tình với tất cả mọi người. Anh ta nổi tiếng là người biết nhiều chuyện nhứt trong làng. Từ chuyện " đầu heo cắt tai" thú phạt, chuyện thầy giáo Tám dê học trò, chuyện bà ba bắt thằng ở gãi lưng, chuyện anh em cô cậu Đ...lấy nhau bỏ trốn, chuyện cậu Tư gạt gẫm lấy chị Sáu Gi... có thai rồi bỏ không nhìn, khiến chị ra sau vườn đẻ đại, gói bỏ đứa nhỏ trong bao giẽ rách, kiến bu đầy người...Làng xóm tri hô lên. Đứa nhỏ đã chết tự bao giờ. Dân làng đều biết cha đứa nhỏ là ai, nhưng im lặng...Nói ra không bằng chứng, lại bị trả thù. Ai muốn biết chuyện bí mật phòng the, hay ai có chuyện tranh chấp gì đều tìm đến anh ta. Đờn ca thì thấu tai cậu mười Vận. Về sau, Mười Vận và Tư cà nhổng trở thành đôi bạn đờn ca tương đắc.Tranh chấp đất đai thì có Cai Tổng Xu và chủ Mạnh.

Thời đó - thế chiến thứ II chấm dứt - Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Vua Bảo Đại theo truyền thống là người có thẫm quyền đại diện cho quyền lực chính thống. Học giả Trần trọng Kim được vua Bảo Đại mời lập chánh phủ. Lúc giao thời, chánh phủ yếu kém về mọi mặt, không có bộ Quốc Phòng, không có Cảnh sát bảo vệ. Hồ chí Minh với một lực lượng khoảng 5000 người, thừa cơ cướp chánh quyền, ra tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2 - tháng 9 năm 1945. Nhưng rồi với thế yếu, ông Hồ ký kết cho Pháp trở lại cai trị Việt Nam và rút vào bưng kháng chiến.

Pháp lần hồi tái lập nền cai trị Việt Nam. Thằng "Tư cà nhổng"- người biết nhiều chuyện nhứt trong làng bỗng nhiên được quan ba Savany thuộc Tiểu Khu Vĩnh Long, bí mật mời gặp mặt. Từ đó, "Tư cà nhổng" hút thuốc thơm hiệu "Cotab", ăn uống phủ phê, nhậu nhẹt suốt ngày...Trong khi dân làng đói khổ, ăn mặc rách rưới, có người mặc quần bằng bao bố tời, ban đêm đốt đèn bằng cây rọi mù u... Không nước mắm, nước tương, không đường cát, không hàng vải may mặc, chỉ thỉnh thoảng có đường thốt nốt lậu đựng trong khạp đầy xác ruồi, gián. Ban ngày, Tây ruồng bố bắt người đánh đập tra khảo. Ban đêm Việt Minh về hoạt động, ép dân xài tiền " Cụ Hồ", bắt người tình nghi cho mò tôm hoặc xử bắn, quăng xác xuống sông. Thằng chỏng trôi đầy sông Long Hồ. Kênh kênh, diều quạ đánh hơi xác chết, bay rầm rập... Cá tôm theo nước lớn, nước ròng rỉa ăn xác chết. Dân làng không ai dám ăn tôm cá. Thật là một thời kỳ khủng khiếp, ghê tởm nhứt.

Thằng Tư có lần bị bắt chung với dân làng, nhưng độ vài giờ sau được thả ra. Dân làng lấy làm lạ. Hôm ấy, Tây bố ráp qui mô nhiều làng trong Tỉnh. Thằng Tư bỗng biến mất. Dân làng bị bắt ngồi la liệt dưới nắng nóng rát da, mồ hôi nhễ nhại. Bỗng có hai thằng mang bao bố trùm đầu kín mít, chỉ chừa hai lỗ cho con mắt, cùng đi với quan ba Savany. Khi nó gật đầu trước ai, thì quan ba ra lệnh cho lính tới còng tay dẫn đi. Ngày ấy chú mười Vận cũng bị bắt cùng với dân làng. Khi hai thằng bao bố sắp tới trước mặt chú. Một thằng đi lướt qua, thắng thứ hai ngừng lại trong chốc lát rồi lắc đầu bỏ đi. Mười Vận run cầm cập trong lòng như chết đi sống lại. Buổi chiều hôm đó, cậu được thả ra, liền tức tốc kêu xe lôi về nhà. Trong lòng thắc mắc không biết nó là ai ? Tại sao nó lắc đầu cho quan Ba không bắt còng tay mình?

Không sống nổi với cảnh "một cổ hai tròng" - cậu Mười dông tuốt lên Saigòn, mở một " garage" tại đường Nguyễn Hoàng, mướn thợ rành nghề sửa xe, về sau cũng khá giả. Thằng Tư bỏ làng đi mất biệt. Cũng không một lần gặp lại mười Vận. Cậu Mười luôn luôn tự hỏi không biết nó là ai mà cứu cậu khỏi cảnh đánh đập tù đày?

Hôm nay, tôi về làng- ngoài mục đích thăm má tôi còn có mục đích thăm làng để tìm hai nhân vật nổi tiếng trong làng: Chín Khùng và thằng Tư cà nhổng. Chín Khùng đã ra người thiên cổ. Thằng Tư cà nhổng, về sau dân làng tình cờ biết được nó chính là thằng bao bố. Nó đã bỏ làng đi biền biệt phương trời. Có lẽ nó ân hận vì có lúc nó làm thằng bao bố điềm chỉ cho Tây - dù chỉ một thời gian ngắn.. Mười Vận luôn luôn thắc mắc không biết có phải là "nó" đã cứu mình không ? và ước mơ có ngày gặp lại để đền ơn cứu mạng, nhưng bóng chim tăm cá. Cậu Mười nay tóc đã bạc trắng mái đầu mà thằng bao bố vẫn như cánh chim trời bạt gió.. ./.

Lê Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét