“Nam Văn nữ Thị“. Đàn ông “Văn“ , đàn bà “Thị“. Đó là cách đặt tên con của người Việt Nam. Con trai có chữ lót là Văn, con gái Thị. Văn và Thị là tiếng Hán.
Theo định nghĩa, Văn: “ chữ “ (văn tự, văn chương..). Thị: danh xưng của người đàn bà (phu nhân xưng thị ) nhưng tôi không biết, chính xác, từ khi nào chúng được dùng làm chữ đệm trong tên người Việt?! Chỉ biết nữ tướng Triệu Ẩu tên là Triệu thị Trinh , sinh năm 226 và Bảng Nhãn Lê văn Hưu , người viết sử Việt đầu tiên ( đời Trần ) sinh năm 1230 ( có nghĩa là “nam văn“ đã có trước đó, qua tên thân phụ ông: Lê văn Minh). Ngoài ông Hưu, có ông Chu văn An ( sinh 1292 ).
Qua tên các nhân vật lịch sử Việt Nam, tôi chỉ nhớ những Đoàn thị Điểm (sinh 1678) , Bùi thị Xuân (sinh 1752) , Võ văn Dũng ( 1750 ), Lê văn Duyệt ( 1763 ) vv. Có vẻ như “nam văn / nữ thị“ được dùng nhiều, chỉ từ thế kỷ 17?
Trong âm nhạc (tân/cổ) Việt Nam thì lại khác. Tuy xuất hiện ở thế kỷ 20, tên đệm“văn / thị“ vẫn thịnh hành nhưng, nếu không có nghệ sĩ “nữ thị“ nào, thì “nam văn“ cũng không là bao. Cổ Tam / Tân Tứ. Cổ nhạc với: Văn Vĩ, Văn Hường, Văn Chung. Tân nhạc với: Văn Cao, Văn Chung (Bóng ai qua thềm), Văn Giảng, Văn Trí.
Nói Văn Giảng chắc bạn không nhớ nhưng “đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn / đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang … / muôn đời / Lục Quân Việt Nam" hay "canh dài / ta ngồi / trong rừng / cây vang ấm nguồn thiên thu / Trời vắng / hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú ..” (mà lũ “ con nít quỷ “ chúng tôi ngày xưa nhái là “ trời mắng / “ Bà “ bắn / mấy đứa nào cắt tóc ngắn …) hoặc “ Việt Nam hận đời đời / Diệt quân Nguyên , quân lướt tới / thây kề thây .. “ những Lục Quân Việt Nam, Đêm Mê Linh, Thúc Quân vv Hùng ca, quân ca đó là của ông, cũng như “ ai có về trên bến sông Tương / nhắn người duyên dáng tôi thương “ ( Ai về sông Tương ) hay “ Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc / Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình ..” vv mà ông ký tên Thông Đạt và ký Nguyên Thông cho các bài đạo ca .
Trong các nghệ sĩ “ Văn .. kỳ thanh / bất kiến kỳ hình “ ấy , ông Văn Trí là người làm tôi “ chú ý “ nhiều nhất. Ngoài cái hành tung bí mật, cứ như Tiêu Viễn Sơn, bố của Tiêu ( Kiều ) Phong trong “ Lục Mạch Thần Kiếm “ , sáng tác Hoài Thu của ông là một trong những bài hát mà tôi thích nhất : nét nhạc lẫn lời ca.
Nhờ có anh chị yêu nhạc nên, khi bắt đầu học guitare (năm đệ thất), tôi đã thừa hưởng được mấy cuốn album dầy, tập trung các bài hát rời, xếp theo mẫu tự mà, bắt chước Kim Dung, tôi gọi là “ bí kíp nhạc … công “! Cả trăm bài hát , từ những “Bóng Ngày Qua“ (Hoàng Giác); “ Đàn Chim Việt “ anh Hai mua trước khi du học ( 1953 ), cho đến “ Duyên kiếp ", Nỗi Buồn Gác Trọ “, “ Bến Nước Tình Quê “, “ Hoa Nở Về Đêm“ , “ Thúy Đã Đi Rồi “ , " Màu Kỷ Niệm " , " EmHậu phương , anh tiền tuyến " vv các chị , anh kế tiếp mua ( trong hơn 15 năm ) . Tập đàn , tập nhịp , học ký âm pháp , học “ điệu “ ( đệm nhạc ) vv đều ở trong 3 cuốn bí kíp đó . Dĩ nhiên , “ Đàn .. chỉ thần công “ ( Ngọa Long Sinh ) chỉ gồm những bài ca mà anh chị tôi thích . Nếu slow , slowrock , valse/boston , bolero/rumba , tango , chachacha , habanera .. đầy trong đó , thì rất ít twist ( Sầu đông ...) , Pasodoble ( Ghé bến Sài Gòn ...) . Hiếm nhất là Fox ! Nên , khi tập đệm điệu này, lật đến gần rụng 5 ngón , tôi mới tìm ra một bài “ Fox moderato “ . Cũng may, đó là Hoài Thu , bắt đầu bằng chữ “ H “ , trong bí - kíp số 1 , chứ nếu nó là “ Vàng Thu “ thì chắc tôi đã bỏ cuộc ! Nhớ , sau “ bài tập “ đệm tôi cứ nghĩ “ cái ca khúc trẻ trung , vui ( fox ) … . vừa phải ( moderato ) này chắc là của nhạc sĩ … tiền chiến Văn Trí ( Như Văn Cao , Văn Chung , Văn Giảng ) ! Làm “ exercice “ , đệm là chánh , nên lời ca lọt vào tai này rồi qua tai kia . Tôi " chơi " Hoài Thu là chơi vậy thôi , không hề để ý trong thu có hoài ! Vậy mà ca khúc đó theo tôi đến bây giờ . Sau này , lớn hơn tí , tôi mới để ý đến lời ca .
So với những ca khúc về Đà Lạt, Hoài -Thu đứng “riêng một góc đồi“. Điệu nhạc vui, lời man mác, thiên nhiên xuất hiện từ đầu đến cuối: núi rừng, nước bạc , lá vàng , chim côi vv.. Không hoa đào, không hơi giá, không đồi thông (2 mộ!), không sương rơi, không suối Cam Ly, không hồ Than Thở..vv nhưng Hoài Thu là hoài thu Đà Lạt. Mảnh “ linh hồn thu ấy“, nhạc sĩ đã mang chia cùng người hát, người nghe , để rồi , khi bài hát chấm dứt , người ta cứ bâng khuâng tự hỏi “ gió nào rung động tim tôi“? Hay chính lời ca, nốt nhạc ấy đã mang về những dư hương ngày cũ? Những thắc mắc đó không có câu trả lời. Bởi vì ông Văn Trí chỉ viết mỗi một Hoài Thu rồi tuyệt tích giang hồ! Không ai biết ông là ai, ở đâu?
Ngoài Văn Vĩ, tên thật là Đinh văn Dậm, các ông Văn Hường: Nguyễn văn Hường, Văn Cao: Nguyễn văn Cao , Văn Chung : Phạm văn Chung ; Văn Giảng: Ngô văn Giảng . Nên , tôi nghĩ , Văn Trí chắc cũng là tên với họ : Đinh , Lê , Trần, Lý, Nguyễn vv . Từ đó ( gần cuối 60s ) đến nay ( 2021 ) cũng trên 50 năm ! Mãi đến tháng rồi , khi chơi jazz ( keyboard ) , Hoài Thu chợt trở về , trên những phím trắng , đen .
Để “ gỡ rối … tơ lòng “ trong mấy chục năm nay , tôi vào mạng gõ “ Hoài Thu Văn Trí “ . Và khám phá ra nhiều chuyện lý thú . Bí mật của ông Văn Trí đã được bật mí qua bài viết của 2 ông : Đông Kha(*) , Lê văn Thông (**) và wikipedia . Theo đó:
-Nhạc sĩ Văn Trí tên thật là Văn minh Trí , sinh năm 1940(1941?) , học Petrus Ký , rồi đại học sư phạm Sài Gòn ( 1963 -1967 ) . Ra trường , dạy Việt văn ở trung học An Xuyên ( Cà Mau ) . Định cư ở Tân tây Lan sau 75 .
-Lời ca khúc Hoài Thu dựa theo tùy bút “ Cảm Thu ” của thi sĩ Đinh Hùng ( 1940 ) đăng trên giai phẩm “ Mùa gặt mới “ (Vũ ngọc Phan chủ trương ) ở Hà Nội . Ngoài ra , theo nhạc sĩ Hoàng Lang, khi còn dạy ở Petrus Ký (1956 - 1960?) ông có “ tiếp tay “ cậu học trò Trí trong sáng tác đầu tay “Hoài Thu“
-Ông Văn Trí còn là tác giả một ca khúc valse nổi tiếng khác : “ Tình Yêu và Huyền Thoại “ ( 1968 )
-2 hợp soạn (khác) của Hoàng Lang + Văn ( Minh ) Trí : “ Bài ca sông Cửu “ (? ) và “ Thu đi cho mắt nai buồn “ ( 1969 )
Nhạc sĩ Hoàng Lang đóng góp gì trong Hoài Thu? Cậu học trò Văn Trí có cố tình không nhắc đến "Cảm Thu" không? - Tôi không biết.
Theo các tài liệu trên , nhạc sĩ Hoàng Lang dạy nhạc ở Petrus Ký từ 1956 - 1960 , trước khi rời trường , đổi sang làm ở đài phát thanh , ông có " giúp " cậu học trò Minh Trí trong sáng tác đầu tay Hoài Thu . Như thế , Hoài Thu được viết , trễ nhất , là năm 1960 , lúc ông Văn Trí 19 tuổi ( nếu sinh 1941 ) hoặc 20 ( nếu sinh 1940 ) , học năm chót Trung học ? Nếu có thầy hỗ trợ , sao ông Trí không để tên thầy vào ? Hay tại thầy không muốn ? Hay « hỗ trợ « của thầy , chỉ là chữa một nốt này , thay một chữ nọ , để tên « hợp soạn « thì hơi « quá « ? Điều chắc chắn là hai thầy trò vẫn liên lạc nhau để , cuối thập niên 60s , đã hợp soạn ( thật sự ) cho ra đời 2 ca khúc khác .
Tùy bút của người trẻ Đinh Hùng hoài niệm về một mùa thu đồng quê đất Bắc , ca khúc của người trẻ Văn Trí nói về thành phố Đà Lạt . Ngoài một số câu giống nhau , bài tùy bút và ca khúc đều nói đến nỗi hoài thu của một người lữ khách . Một bài viết ngoài Bắc , không « nổi tiếng « gì mấy ( theo tôi ) , từ 20 năm trước « chiến tranh « ( chống Pháp ) , đã gây cảm hứng cho cậu học trò miền Nam viết ra ca khúc .
Quả tình, nếu đã biết “ Hoài Thu” rồi , thì khi đọc “ Cảm Thu “ , người ta không thể nào không nghĩ ngay đến Hoài Thu . Dầu lời ca không hoàn toàn là của bài tùy bút nhưng ở đây , ở đó , những “ Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… » làm nhớ đến “ Mùa thu năm nay / Tôi lại thấy lòng lâng lâng / Khi nhịp bước nhẹ đôi chân /Trong rừng vắng lạnh bâng khuâng “hay“ tɾong νườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở tɾắng như một linh hồn ᴄòn tɾẻ “ ; “ Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước “ ; “ và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh “ , nghe như thoáng bên tai những câu hát “ Đóa hoa phù dung trắng xóa / Ngàn cây hiu hắt tiếng nhạc / Mảnh linh hồn tôi thu nay/ Là linh hồn tôi thu nào/ Nắng đây vẫn là nắng ấm Mùa thu thương nhớ mơ màng / Gió thu về đây mơn man/ Hồ thu xanh biếc tràn lan ..” , nhất là 4 câu cuối bài: “Nhịp chân ai đấy / Hay là gió thoảng xa xôi / Gió làm rung động tim tôi / Hay là dư âm thu rồi? " chỉ là một cách viết lại của tùy bút « Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ?".
Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên hát Hoài Thu . Nhưng vào năm nào thì không rõ . Theo Facebook " Nhac Viet " (***) Hoài Thu được nhà Tinh Hoa in lần đầu cuối thập niên 60s . Trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn , nhà văn Nguyễn đình Toàn cũng viết " Hoài Thu được hát khá nhiều khoảng cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 " . Như thế , có thể nói Hoài Thu được phổ biến khoảng 1969 - 1970 . Tại sao được sáng tác từ 1960 (?) mà mãi đến 9 năm sau , Hoài Thu mới được phổ biến ? Cùng lúc với " Thu đi cho mắt nai buồn " (? ) .
Chuyện Hoài Thu được phổ từ tùy bút Cảm Thu , chỉ được nói đến năm 2006 ( ?) , gần 40 năm sau ngày ca khúc xuất hiện . Ai tiết lộ điều đó ? - Nếu không là chính người trong cuộc : Đinh Hùng , Văn Trí ( hay Hoàng Lang ? ) ? Ông Đinh Hùng có lẻ không biết " Hoài Thu " vì ông mất năm 1967 , 2 năm trước khi ca khúc ra đời . Mà nếu có biết , chắc gì thi sĩ đã nói ? Rất có thể là ông Văn Trí ( hay ông Hoàng Lang ? ) , sau này , lúc trà dư tửu hậu , vui miệng thuât lại với bạn bè ? - Hay do một người thứ ba nào đó , yêu ca khúc Hoài Thu rồi , vô tình , đọc được Cảm Thu ?
Tôi không biết « Bài ca sông Cửu « , vào « mạng « cũng không tìm ra , chỉ có " Thu đi cho mắt nai buồn » ( 1969 ) là sáng tác của hai thầy trò Hoàng Lang , Văn Minh Trí . Nghe lại , mới nhớ là đã nghe qua trước 75 . Khác với "Tình yêu và huyền thoại" , nghe một lần ( Thanh Lan là ca sĩ hát đầu tiên ) là hết quên ! Bởi vì đó là một sáng tác độc đáo từ nhạc đến lời . Nếu nhạc là một « valse « mới lạ , tươi vui ( như « Xuân và tuổi trẻ « ) thì lời cũng mang một sắc thái riêng , những ý ngộ nghĩnh ( hái sao trời đỉnh núi kết lên tóc mây / chim rừng về hỏi lá, đàn quạ đen cười rũ .. ) , những từ « thời thượng « ( hồn chết đuối / sa mạc lòng / chàng là rêu ôm đá / linh hồn dã điểu .. ) . Với tôi , đó là một trong những bài ca valse hay , tiêu biểu nhất trong thập niên 65 – 75 . Điều lạ là tác giả viết từ năm 68 mà trong cuốn Nhật Trưởng '" 6 " ( 1970 ) : « Tình yêu và mùa đông « , Thanh Lan hát, lại ghi là Khuyết Danh ?!!! Dường như ca khúc chưa hề được phát hành , chỉ được " truyền miệng " . Không biết anh Trí có liên lạc với anh Nhật Trường sau đó không ? Không nghe báo chí nói đến chuyện này . Chả như lần « rùm beng « ông bố già nhạc sĩ , phổ thơ Linh Phương , Nguyễn Tất Nhiên mà quên để tên thi sĩ và trả tác quyền !
Văn Minh Trí là một nhạc sĩ tài hoa . Ông viết không nhiều , chỉ có 2 ca khúc . Cả hai đều hồn nhiên , trong sáng , lẫn chút bâng khuâng ( Hoài Thu ) ? Cả hai đều hay và đều không bị " ảnh hưởng " của một ca khúc 2/2 , một nhạc điệu 3/4 nào .
Mời bạn ta nghe lại hai ca khúc này qua tiếng hát chị Thanh Lan . Tôi chỉ tìm ra một version Hoài Thu chơi đúng " Fox moderato " ( theo ý tác giả ) . Tuy âm thanh không hoàn hảo ( ! ) nhưng đó mới là Hoài Thu " chánh gốc "
Cũng như " Tình yêu và huyền thoại " , tôi nghe cách đây gần 50 năm:
Loay hoay giữa những: " tuổi đá buồn" , "Sống cho qua hôm nay" , " trả lại em yêu " , " trên 4 vùng chiến thuật ", "người ở lại Charlie" , " đưa em tìm động hoa vàng" , "60 năm cuộc đời" , " niệm khúc cuối " , " vũng lầy của chúng ta " vv đôi lúc chúng ta cần lắm những "Hoài Thu" , những "Tình yêu và huyền thoại" biết là bao nhiêu!
Xin cám ơn nhạc sĩ Văn ( Minh ) Trí!
Hoài thu rồi hoài hương!
Tình yêu thành ...huyền thoại!
Bao điều chưa kịp nói
Đã đôi bờ, hai phương!
Mái tóc sao trời gội
Có khi nào ... phai hương?
BP
09/03/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét