( Sinh nhật thứ 85 của một kẻ sĩ.)
Sau mùa đông lạnh lẽo, ảm đạm, Paris vào xuân cảnh vật bừng sáng, những tia nắng vàng lung linh khiến khu Á châu trong Quận 13 cũng nhộn nhịp hẳn lên, với:"dập dìu tài tử, giai nhân; ngựa xe như nước, áo quần như nêm".( Kiều- Nguyễn Du).
Hôm chủ nhật 2 tháng 4 năm 2017, Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức Ngày Văn Hóa tại nhà hàng DNJ, khách tham dự 120 người, là những khuôn mặt trí thức quen thuộc trong cộng đồng, thuộc các hội : Ngoại Giao, Quân Nhân, Gia Long, Pétrus Ký, Công Chánh, Văn Hóa Cổ Truyền, Cao Niên, và các giáo sư, học giả, văn nghệ sĩ trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris, các đại diện cơ quan truyền thông, báo chí…vv… Mới 11h30 quan khách đã đến đông đủ. Người Paris thanh nhã, hôm nay trẻ trung hơn, khi trút bỏ được lớp y phục dầy, nặng nề của đông giá, để thay bằng y trang tươi sáng, nhẹ nhàng của xuân nồng. Có những nụ cười tươi của người gặp lại cố nhân, có ánh mắt mừng vui của những hạnh ngộ. Buổi họp mặt bắt đầu bằng bữa cơm Việt thân mật, với sự sắp xếp chỗ ngồi khéo léo của Ban Tổ Chức. Ông phó ban đi mời rượu từng bàn, trong khi các ca sĩ luân phiên giúp vui văn nghệ. Kim Thu với "Mexico", "La Bohème". Cathy Huệ với "Ngàn Năm Vẫn Đợi".Bích Xuân với "Sài Gòn Đẹp Lắm". Đình thy, MyMy, Mỹ Lan, các ca nhạc sĩ Nguyễn Linh, Khắc Dũng. ….Tàn tiệc, quan khách được mời ra chụp hình chung. Không khí giống một buổi tiếp tân: trẻ trung, thoải mái.. Trong khi mọi người rời ghế ra ngoài sân chụp chung hình lưu niệm thì nhân viên nhà hàng sắp xếp lại bàn ghế, rời tất cả các bàn ra ngoài để sắp lại ghế thành một khán phòng.
Đúng 14h30 Mở đầu phần II là nghi lễ Quốc Ca, Quốc Kỳ và Phút Mặc Niệm.
Kế tiếp BS Nguyễn Bá Linh giới thiệu nhà thơ Đỗ Bình Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris ngỏ lời cùng quan khách:
" Kính Thưa Quý Vị
Chúng tôi cũng xin cảm ơn tấm thịnh tình của qúy Ông Bà, Anh Chị trong nhiều năm qua đã ủng hộ tinh thần văn hóa bằng cách tham dự những buổi sinh hoạt văn hóa do chúng tôi tổ chức.
Năm 2016 vừa qua CLB VHVN Paris đã tổ chức những buổi diễn thuyết, hội luận, giới thiệu những tác giả ra mắt tác phẩm. Đặc biệt là chúng tôi đã thực hiện được cuốn tuyển tập Những Khuôn Mặt văn Hóa VN Paris mà quý vị đã đến tham dự đông đảo. Để thực hiện cuốn sách đó chúng tôi đã chuẩn bị hơn hai năm, và thư mời được gởi đến các giáo sư, học giả, văn hữu, trong số thư gởi đi có một số bị thất lạc! Và để hoàn tất đúng theo chương trình in ấn chúng tôi đã gởi qua Thụy Sĩ in và đã hoàn tất cuốn sách gồm 26 tác giả, và đã ra mắt ở Paris ngày 26 tháng 9 năm 2016 vừa qua.
Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị.
Kính
Đỗ Bình"
Tiếp theo Thi sĩ Đỗ Bình giới thiệu hai người Trưởng Ban và Phó Ban Tổ chức là KS Lê Minh Triết và ông Jean Tài, hai ông đã ngỏ lời cảm ơn đến quý quan khách.
GSTS Trần Văn Cảnh phát biểu về : Dự Án Thực Hiện Cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại 1975-2017:
“Kính thưa quý vị quan khách, Kính thưa quý anh chị,
Thi sĩ Đỗ Bình vừa kể lại 3 năm làm việc của CLBVHVN Paris từ 2014 đến 2016, trong đó 2 năm đầu đã được dùng để thảo luận về đường hướng, tổ chức và chương trình thực hiện chung. Nhờ đường hướng rõ rệt, cơ cấu tổ chức hữu năng và sự làm việc tích cực của mọi người, tác phẩm số 1 “ Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris 1995-2015” đã được thực hiện và ra mắt năm 2016. Nó là một thành công được đánh giá cao và thúc đẩy chúng ta nghĩ đến dự án thực hiện tác phẩm thứ hai.
Như những dự án khác, dự án làm tác phẩm văn học thứ hai này gồm 3 giai đoạn chính : thiết kế, thực hiện và phổ biến kết quả.
Trong giai đoạn 1, thiết kế, chủ yếu là suy tư về đề tài, động lực, mục tiêu, nội dung và cấu trúc tổng quát.
- Về “ Những khuôn mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại, 1975-2017”.
Động lực nào thúc đẩy chọn đề tài này?
- Vì sức đẩy của đề tài sách số 1, đòi rộng lớn hơn, lan ra khắp hải ngoại
- Vì muốn chia sẻ và trao đổi về văn hóa và văn học Việt Nam
- Vì muốn cùng nhớ đến tổ quốc, dân tộc, mà không quên nhân bản, đổi mới và mở ra
- Vì muốn phát triển cái chung mà mọi người Việt Nam cùng có là văn hóa Việt Nam
Mục tiêu nào muốn đạt?
- Khuyến khích thực hiện, phổ biến và lưu trữ những tác phẩm và tác giả có phẩm chất cao
- Trên nền tảng dân tộc, nhân văn, khai phóng, đi tìm những đổi mới tiến về chân thiện mỹ.
Nội dung nào phải chuyên chở?
- Những tác phẩm và tác giả Việt Nam Hải Ngoại trong 42 năm, 1975-2017.
- Trong danh sách n°1 với 41 vị do Ban Biên Tập và Ban Điều Hành vừa đề nghị
Cấu trúc nào phải được tổ chức?
- Những khía cạnh: sáng tác văn chương, luận khảo văn học, nghiên cứu văn hóa,…
Nếu lời đề nghị tổng quát về 5 yếu tố trên được coi là có tính khả thi, thì giai đoạn 2, thực hiện, và Giai đoạn 3, phổ biến kết quả sẽ phải được hoàn tất.
Kính thưa quí vị quan khách, Kính thưa quí anh chị,
Người làm văn hóa là người chân thành và chân thật, thật với mình, thành với người ; nghe được một tiếng gọi thúc bách và đáp trả tiếng gọi ấy, tiếng gọi của ông bà tổ tiên, của quê hương dân tộc, của đất nước, của nhân loại, của chân, thiện, mỹ ; Và là người chia sẻ những tâm tình và cảm nhận của mình, gieo vãi những hạt giống tốt cho đời, làm công việc trồng người, bằng những tác phẩm mình đóng góp.
Những tác phẩm ấy, nếu được biết đến, được chấp nhận, được khen thưởng, thì càng tốt, nếu không thì cũng chẳng sao. Nhưng công việc làm, sẽ làm hết sức, hết khả năng, hết tâm hồn, để đạt kết quả tốt, để làm xong mau. Chúng ta có dám mong muốn thực hiện được tuyển tập “Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Hải Ngoại, 1975-2017” để phổ biến vào khoảng cuối năm 2017, trong năm 2018 không ?
Paris, Ngày Văn Hóa,02.04.2017
Trần Văn Cảnh”
Tiếp đến là nhà thơ Phương Du, BS Nguyễn Bá Hậu phát biểu về Sự nhớ ơn của người Việt Nam.
BS Nguyễn Bá Hậu năm nay đã 94 tuổi, Cụ và GS Vũ Quốc Thúc là những vị cao niên nhất của Câu Lạc Bộ. BS Nguyễn Bá Hậu phát biểu:”Trong quyển Việt Nam Sử Lược, tác giả, cụ Trần Trọng Kim ở bài tựa, trang 6 có viết như sau về tính tình người Việt Nam:“ Hay tin ma, tin quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác nhưng có lòng nhân biết thương người và hay nhớ ơn.”
Thương người và hay nhớ ơn là hai đức tính cao cả cho nên đạo lý nào cũng đều răn dạy hai điều đó.
Nhân dịp Lễ Đại Thọ nghệ sĩ Nguyễn Đức Tăng, tôi xin được hân hạnh trình bày vài cảm nghĩ về đức tính hay nhớ ơn của đồng bào Việt Nam chúng ta. Nhớ ơn là một truyền thống của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa. Đức tính này nhắc nhở chúng ta phải kính trọng những người đã quên mình, chịu hy sinh làm điều tốt giúp kẻ khác. Thật vậy có trọng những điều làm vị tha thì ta mới nghĩ tới sự bắt chước làm điều đó. Trong thực tế đức tính hay nhớ ơn của người VN chúng ta đã được biểu lộ thường xuyên bằng những câu ca dao, câu hát và các lễ hội.
Về sự biết ơn cha mẹ, biết ơn thầy dạy học, biết ơn Trời, biết ơn các vị anh hùng cứu nước. Về các lễ hội thì có lễ nhớ ơn các vị Thành Hoàng, lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ nhớ ơn Đức Thánh Gióng v.v… Về phương diện văn học: Giới trí thức có công góp sức vào nền văn học cũng được luôn luôn nhắc đến.
Cách đây một thế kỷ nhà học giả Phạm Quỳnh đã viết về thi hào Nguyễn Du như sau: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt còn” với mục đích tỏ lòng biết ơn các thi sĩ Việt Nam đã lập ra chữ Nôm để nước nhà khỏi bị lệ thuộc vào nền văn hóa Trung Hoa. Hơn nữa với chữ Nôm các thi sĩ đã sáng tạo ra ba loại thơ: lục bát, song thất lục bát và hát nói, là những thể thơ giàu vần giàu điệu nghe rất xuôi tai dễ nhớ, giàu vần, vì không những có cước vận mà còn có yêu vận, giàu điệu vì với thể thơ lục bát người ta có thể hát theo nhiều điệu như ru em, trống quân, quan họ, xẩm, chèo. Đó những nét đặc thù của nền thơ phú Việt Nam v.v.. Nhưng vì chữ Nôm cũng như chữ Hán đều thuộc loại từ chương và khó nhớ cho nên không được phổ biến trong quảng đại quần chúng. Nó chỉ được một số ít người sử dụng. Thật vậy, ngày nay trong số chín chục triệu người dân Việt Nam thì chỉ có phỏng độ vài trăm người đọc được để thưởng thức mà thôi.
May thay cho nước Việt Nam ta một thứ chữ dễ học đã được tạo ra để giải quyết sự trở ngại này. Đó là chữ Quốc Ngữ do các nhà truyền giáo Tây Phương lập ra. Người có công nhất là giám mục Đắc-Lộ (Alexandre de Rhodes)…. Nói tóm lại, tổ tiên chúng ta đã để lại một giang sơn gấm vóc trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau sau nhiều lần phải hy sinh xương máu chống lại các cuộc xâm lăng đến từ những đế quốc phương Bắc. Chúng ta có bổn phận nhớ ơn công đức các vị tiền bối bằng sự giữ gìn bờ cõi cho được vẹn toàn. Gần đây chính quyền Cộng Sản đã tự động ngấm ngầm cắt đất cắt biển dâng cho quan thầy Trung Cộng. Để ngăn chặn hiểm họa dần dần mất nước này chúng ta phải luôn luôn tố cáo hành vi phản bội của bè lũ bán nước…”
Bước vào phần nghi lễ thượng thọ, Thi sĩ Đỗ Bình trình bày lý do tổ chức buổi lễ:" trong khi phục vụ cộng đồng, mỗi người chỉ có thể chọn một lãnh vực, riêng ông NĐTăng đã kiêm nhiệm nhiều công tác: chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo."
BS Nguyễn Bá Linh nói qua Vài Nét Về Sinh Hoạt của Ông Nguyễn Đức Tăng và cho biết trong khán phòng chiều nay có một số người có liên quan đến qúa trình sinh hoạt của ông Nguyễn Đức Tăng:
“Trong sinh hoạt cộng đồng ở Paris kể từ sau năm 1975 đến nay những người dấn thân vì lý tưởng tự do thì nhiều, nhưng những người vừa tranh đấu cho tự do dân chủ quê hương, vừa tham gia những công việc tôn giáo, văn hóa, xã hội, từ thiện… thì rất ít ! Vì ở xứ người thời gian và công việc mưu sinh đã khiến những người dấn thân chỉ có thể chọn một hầu đáp ứng nguyện vọng phục vụ những điều cao đẹp. Trong số hiếm đó, chúng tôi nhận thấy có Ông Nguyễn Đức Tăng, một cựu công chức ngoại giao VNCH, một họa sĩ là người đầy nhiệt tâm, hăng hái tham gia phục vụ cộng đồng nhiệt tình. Vào thập niên 80, 90 ở thế kỷ trước, và liên tục mãi đến nay. Xin kể vài nét:
- Ông đã từng qua Thụy Sĩ, vào Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tranh đấu cho thuyền nhân tị nạn còn đang bị kẹt ở các đảo Thái Lan, các trại cấm Hồng Kông được phép định cư ở một nước thứ ba. (Những người ngày đó đi cùng ông ; Hòa Thượng Thích Minh tâm, Thượng Tọa Thích Quảng Đạo, TS Trần Bình Tịnh, GS Lại Thế Hùng, Thi sĩ Đỗ Bình, KS Lê Minh Triết....)
- Vào Quốc Hội Hoa Kỳ để tranh đấu cho tự do nhân quyền VN.( Những người có mặt hôm nay :Thi sĩ Đỗ Bình, GS Trần Văn Thu, KS Lê Minh Triết)
-Vào Quốc Hội Âu Châu và quốc hội Pháp để tranh đấu cho tự do nhân quyền VN.(Hiện diện hôm nay : Nguyễn Quốc Nam, Đỗ Bình, Trần Văn Thu, Nguyễn Bá Linh, Lê Minh Triết..)
-Qua Cộng Hòa Liên Bang Đức khi bức tường Berlin vừa đổ để tranh đấu cho những người việt vừa đào thoát sang Tây Đức tìm tự do (Người có mặt Đỗ Bình)
Bị tai nạn xe cộ trên đường qua Ý phải vào nhà thương cứu cấp, khi cùng phái đoàn nhân sĩ Paris sang Rome đạt đạo thỉnh nguyện thư lên Đức Giáo Hoàng nhờ can thiệp cứu những tù nhân lương tâm VN. (Đỗ Bình, Từ Ngọc Lê, Phan Quốc Uy,Nguyễn Bắc Ninh, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phạm Anh Cường..)
-Một tín đồ Phật giáo thuận thành, tham gia những công tác từ thiện ở chùa Khánh Anh, Linh Sơn…
-Theo các Tăng Ni đọc kinh cầu siêu cho những người đồng hương khuất bóng.
-Giúp đỡ thương phế binh VNCH. (Nhà văn An Khê, GS Lương Thị Nga, LS PHạm Thanh Dân, Đỗ Bình, Nguyễn Quang Hạnh, Nguyễn Bá Linh, Minh Nhật, Hà Lan Phương, Lê Kim Lan, Nguyễn Ngọc Chân, Kim Hoa, Ngô Thị Ngoan, Jean Tài…)
-Một trong những thành viên sáng lập CLB VH VN Paris, thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa trong suốt mấy chục năm qua.( Đỗ Bình, Trần Văn Bảng, Nguyễn Bá Hậu, Phạm Thị Nhung, Nguyễn Đức Tăng.)
-Chúng tôi còn nhận thấy những công tác chung của cộng đồng, và biết ông Nguyễn Đức Tăng luôn luôn sẵn sàng bằng công sức thời giờ và tiền bạc đáp ứng mọi việc mà cá nhân hay cộng đồng cần đến, ví dụ:
-Một người bệnh vào nhà thương khi cần ông sẵn sàng đến giúp ngay. Vẽ tất cả những phông, banderole cho các hoạt động của cộng đồng tự bỏ tiền túi….
Với những phục vụ trên, chúng tôi muốn vinh danh một người đã làm nhiều việc tốt cho cộng đồng. Nhân dịp ông tròn 85 tuổi, gia đình, con cháu ông và bằng hữu muốn làm một Lễ Đại Thọ cho ông như buổi tiệc sinh nhật thân mật. Thượng thọ là một trong những nét truyền thống của người Việt Nam, thể hiện đạo lý làm người "uống nước nhớ nguồn". và là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam. Theo giáo sư Đào Duy Anh trong tác phẩm Hán Việt Từ điển thì: 60 tuổi gọi là Hạ thọ, 70 tuổi gọi là Trung thọ, 80 tuổi gọi là Thượng thọ. Chúng ta hiện diện hôm nay để Mừng Lễ Đại Thọ của Ông Nguyễn Đức Tăng đã tròn 85 tuổi.”
Những người hiện diện chiều nay gồm nhiều thế hệ từ tuổi 15 đến ngoài chín mươi. Lớp tuổi 70 trở xuống rất đông. lớp người tuổi trên 80 khoảng mười mấy người, tuổi tròn 80 có 28 người, đặc biệt đúng tuổi 85 có 6 người : GS TS Lê Mộng Nguyên, GSTS Trần văn Thu, Kỹ sư Đỗ Hữu Hứa, Kỹ sư Hoa Thường Xuân, Nhà cựu ngoại giao Trần Văn Trung và Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng. Các đồng hương quây quần để mừng ngày sinh của ông Nguyễn Đức Tăng, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn là để vinh danh ông, cảm ơn một người đã dấn thân, tận tụy vì người. Ông là một họa sĩ, chẳng giàu có, nhưng mọi người, ai cũng mến, cũng thương, một con người giản dị, hiền hòa và có tấm lòng bao la. Ông nhiệt tình hăng say phục vụ cộng đồng liên tục mấy chục năm, nhận lãnh những công việc nhỏ của cộng đồng giao phó và đã hoàn tất nhiệm vụ, ngoài ra ông còn ôm ấp lý tưởng cao cả đó là những mục tiêu lớn tranh đấu vì lý tưởng Tự Do, Dân Chủ cho quê hương. Con người và lòng hăng say của ông đã được lớp đàn em trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris (CLBVHVNParis) diễn tả trong câu thơ ngắn mừng ông hôm nay:
Vì người, rực rỡ Từ Tâm"
Vì thế, không chỉ thân hữu trong xứ Pháp đến chung vui với ông, mà bạn bè khắp nơi, ngay cả những người chỉ nghe danh ông, cũng nhớ tới ông. Đúng là: "Hữu xạ tự nhiên hương". Ông được rất nhiều bằng hữu tặng phẩm mang ý nghĩa tinh thần, những bó hồng đỏ thắm, quý nhất là những bằng hữu hiện diện.
Lời phát biểu của GS Phạm Thị Nhung (Cựu GSGL, Hội viên CLB Văn Hóa VN Paris)
"Thưa Anh Nguyễn Đức Tăng,
Chúng tôi đã tham dự buổi Hội Ngày Chủ Nhật 02 Avril 2017 tại Quận 13 Paris, do Anh Chị Em Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN PARIS tổ chức để Mừng SINH NHẬT 85 NĂM TUỔI THỌ của Anh. Đồng thời cũng là dịp anh chị em các Hội Đoàn người Việt tỵ nạn CS nơi đây cùng tề tựu để ngỏ lời cảm ơn, để ca ngợi, để VINH DANH Một Nhân Sĩ, Một Nhà Văn Hóa NGUYỄN ĐỨC TĂNG, người đã từng tận tâm, tận lực khích lệ hay giúp đỡ cho sự thành tựu, sự phát triển đời sống văn hóa của cộng đồng …
Có tham dự mới thấy được cộng đồng người Việt nơi đây ngưỡng mộ và trân quý Anh như thế nào!
Một lần nữa xin chúc mừng Anh tuổi thọ luôn được an khang, để còn tiếp tục con đường phụng sự lý tưởng dân tộc trong tầm tay của mình.
(Cựu GSGL, Hội viên CLB Văn Hóa VN Paris)"
Lời phát biểu của GS Phạm Đăng Sum (Cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và Cựu Chủ Tịch Hội Ái Hữu Bộ Ngoại Giao VNCH (ông Tăng là Cựu Tổng Thư Ký):
“Kính Chào. Kính thưa quý vị, Kính thưa quý thân hữu,
Câu lạc bộ Văn hóa tổ chức hôm nay buổi họp mặt mừng Thượng Thọ thân hữu Nguyễn Đức Tăng. Ông NGUYỄN ĐỨC TĂNG là một khuôn mặt quen thuộc của Công đồng Người Việt Tỵ nạn tại Paris.
Các đoàn thể và tổ chức, chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội, cứu trợ, quân nhân, các hội đoàn đồng hương, đồng trường, đồng ngành, đồng nghiệp, v.v...hễ cần đến sự đóng góp trợ giúp của ông đều được ông giúp đỡ tận tình, chu đáo. Đã thế mà người Việt tỵ nạn đã bảo nhau lúc nói đến ông: ở đâu cần Tăng thì Tăng có.
Những sự đóng góp của ông đã được Câu Lạc Bộ Văn Hóa và các thư chúc mừng và khen ngợi từ các Châu gởi đến.
Với tư cách Cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và Cựu Chủ Tịch Hội Ái Hữu Bộ Ngoại Giao VNCH (ông Tăng là Cựu Tổng Thư Ký), tội xin phép tóm tắt các đức tính, sự nhiệt tình và tác phong của bạn đồng nghiệp và đồng hương với 2 vế đối vừa đến trong đầu để tặng bạn NGUYỄN ĐỨC TĂNG:
KHÔNG TĂNG CHI HƠN LÀ TĂNG ĐỨC
ĐỨC QUỐC, ĐỨC HOÀNG HAY ĐỨC MÃ
CHẲNG ĐỨC MÔ SÁNH KỊP ĐỨC TĂNG
PARIS, 02-04-2017”
Lời phát biểu của: Tiên chỉ Hướng Đạo Châu Văn Lộc:
"Việt-Nam mình có câu : Hữu Xạ Tự Nhiên Hương, hơn 25 năm Tham-Gia Tranh-Dấu ở PARIS tôi biết Anh Nguyễn Đức Tăng tham gia tất cả mọi nơi mọi chốn; hầu như tất cả hội đoàn đều có sự giúp đỡ của anh bỏ công của ra từ Biểu Ngữ, cho tới Trang Trí và Tranh Vẽ. Nhân dịp Ngày Đại Thọ 85 tuổi Câu Lạc Bộ Văn Hóa PARIS đã tổ chức Lễ Mừng Đại Thọ cho anh Nguyễn Đức Tăng một cách trang trọng. Nhân đây tôi cũng xin phép lần đầu tiên gọi Anh Tăng là Trưởng sau khi được biết Anh cũng đã một thời tham-gia Phong-Trào Hướng Đạo Việt Nam Ngành = ẤU = nhưng ì hoàn cảnh nên không thể tiếp-tục được. Nhưng với Hướng Đạo, một ngày là Hướng Đạo một đời. Xin chúc Trưởng luôn được NIỀM VUI VÀ SỐNG MÃI với ANH EM”
Kế tiếp là thư của người phương xa:
- Ông Phạm Hữu Bản đọc thư của chiến sĩ Võ Đại Tôn:
Xin chân thành cảm tạ đã cho phép tôi được tham dự "tinh thần" và kính chúc Lễ Mừng Thượng Thọ ông Nguyễn Đức Tăng ấm tình huynh đệ, bằng hữu, và thành công trong tình nghĩa đại gia đình
Võ Đại Tôn (Sydney - Úc Châu)
- Kim Hoa đọc thơ của Hoàng Phong Linh
SONG HÀNH THẾ HỆ
Kính tặng – Mừng Thượng Thọ
Ông Nguyễn Đức Tăng – Paris
Võ Đại Tôn kính bút.
Tuyết rơi... Tình vẫn ấm nồng
Tóc mây, tuổi hạc, chung lòng Nước Non.
Tha phương mất cả, chỉ còn
Chữ T M vẹn giữ, sắt son một đời.
Trung niên không thẹn Đất Trời,
Lão niên ngẩng mặt, rạng ngời máu tim.
Lênh đênh mệnh Nước nổi chìm
Cánh chim viễn xứ vẫn tìm hướng Quê.
Góp công dựng lại ngày về
Nghĩa sâu xin trọn lời thề Thủy Chung.
Nghìn năm Văn Hiến hiếu trung
Song hành Thế Hệ, nguyện cùng sánh vai.
Vô Thường, đâu quản ngắn dài
Tuyết sương trắng bạc vẫn mài kiếm thiêng.
Diên Hồng vang vọng Hịch truyền
Chuyền tay tiếp lửa, giữ nguyên Tâm Thành.
Đất người giòng tuyết trắng xanh
Hướng về Quê Mẹ, thâu canh quặn lòng.
Hồn Thiêng Sông Núi, cầu mong
Ánh dương bừng sáng, phương Đông đẹp Tình.
Trăm năm uống cạn chén Quỳnh
Lòng Dân Nghĩa Nước, bình minh đón chờ.
Một đời thỏa mộng, tròn mơ,
Vút bay cánh Hạc, khuất mờ bóng mây.
Nghìn sau gửi lại lòng này
Giữ thơm Đất Mẹ, Tình say mãi còn...
Võ Đại Tôn (Sydney - Úc Châu)
-Thúy Hằng đọc thư của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ nhiệm tạp chí văn học nghệ thuật Cỏ Thơm (VA):
“Chúng tôi rất khâm phục được biết về anh Nguyễn Đức Tăng, được gặp anh và được anh tiếp đón trong dịp tham dự Thu Tao Ngộ 2007 của CLB Văn Hóa Việt Nam Paris. Anh Nguyễn Đức Tăng rất nhã nhặn và cởi mở làm phải đoàn văn thi hữu từ Hoa Kỳ chúng tôi cảm thấy an lòng, thích thú trong buổi du ngoạn Paris năm đó. Mỗi lần nhớ lại Thu Tao Ngộ chúng tôi rất biết ơn anh Nguyễn Đức Tăng và quý vị trong ban tổ chức. Xin kính chúc anh Nguyễn Đức Tăng sinh nhật sắp tới được vui vẻ mỹ mãn và sẽ còn nhiều sức khỏe để hưởng ít nhất 15 sinh nhật an lành phúc đức nữa.
Cũng xin ngưỡng mộ CLB VH Việt Nam Paris đã có nhiều sinh hoạt cao cả, và với nhiều văn thi nghệ sĩ tài năng đáng kính, danh vang văn học Việt hải ngoại Tạp Chí Cỏ Thơm rất hân hạnh được cộng tác với quý văn thi nghệ sĩ của CLB VH Việt Nam Paris. Xin tiếp tục mối quan hệ văn học lâu dài.
Nguyễn Thị Ngọc Dung
-Thúy Hằng đọc thư của nhà văn Song Nhị, chủ bút tạp chí văn học nghệ thuật Nguồn (Cali):
Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn / Ban Biên Tập tạp chí Nguồn
Nhân dịp Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức buổi sinh hoạt mừng sinh nhật thứ 85 của Hoạ Sĩ Nguyễn Đức Tăng, Ban Điều Hành Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn / Ban Biên Tập tạp chí Nguồn rất hân hạnh được ghi nhận những cống hiến và đóng góp của HS Nguyễn Đức Tăng về các lãnh vực Văn Hóa Xã hội cùng những công tác đấu tranh cho một tương lai Việt Nam không cộng sản của Họa Sĩ.
Trân trọng kính chúc Họa sĩ dồi dào sức khỏe, An khang, Trường thọ
Đồng ký tên:
Lê Văn Hải, Song Nhị, Diên Nghị, Hùng Vĩnh Phước, Đỗ Bình và bà Bạch Sương.
Mừng Sinh nhựt vài câu tặng anh Tăng.
Bên nầy trời Ca Li,
Nghe bên kia Paris sinh nhựt bạn mình.
Lòng vừa vui vừa tiếc thiệt tình.
Phải chi gần gần,
Thế nào cũng khăn gói đến thăm.
Anh bạn già tuổi đã tám mươi lăm,
Như cây thông vẫn đứng thẳng giữa trời giông bão.
Gió mưa mấy lần,
Chiến chinh bao đợt.
Chỉ xước vảy trầy da khi làm kẻ ly hương nhớ về cố quốc.
Giờ tuổi hạc đã cao,
Vẫn chạnh lòng muốn khóc.
Biết khi nào TA trở lại quê xưa.
u Châu tình nồng hơn nửa đời người gắn bó ghét ưa.
Bạn bè thân xưa ngày càng thưa càng vắng.
Nhưng:
Anh vẫn sống ung dung bằng cái tâm của người Minh Triết,
Cái dạ của đấng Trượng Phu.
Không cần đến chùa tu anh vẫn đạt đạo nhơn nghĩa thánh hiền.
Lòng an lạc chẳng lụy phiền thế thái.
Xin gởi anh vài câu huý hoáy
Bắt chước người xưa, chúc:
Thọ Tỷ Nam Sơn.’
Bởi vì anh trong suốt đời mình,
Đã tạo nên ánh hào quang:‘Phước Như Đông Hải.
Sâm Ánh, USA (Viện Việt Học)
Thơ Nguyễn Thùy
Trông còn tráng kiện, trông còn gân
Môi mắt còn tươi, tai còn thính
Ai bảo thời gian nhạt vẻ xuân?
Nổi chìm theo Nước đã bao khi
Sức trẻ, tài trai, há ngại gì
Lận đận bao lần xuôi với ngược
Dạ vẫn bền son, chí vẫn chì!
Một thời họa nhạc thơ văn phú
Hưng phế thăng trầm chuyện bể dâu
Bao sầu, bao hận, bao tình tự
Góp mặt thi đàn ngọn bút đau!
Dẫu cảnh xa quê có ngậm ngùi
Cháu con thành đạt đủ nên vui
'Cõi người' thêm nở ngàn hoa thắm
'Cõi mình, Quê Mẹ hẳn xinh tươi!
Phước lộc bao đời của Tổ Tiên
Cháu con thành đạt phận tròn duyên
Độ Anh thêm thọ, thêm dài tuổi
Nước thịnh, nhà vui, toại ước nguyền.
Hãy hát ca lên đón tuổi già
Quên đi xa xót chuyện ngày qua
Lớp trẻ nay mai vui gánh vác
Lộc trổ cành xuân đáp ý cha.
Tám lăm thượng thọ đã là hay
Phải lẻ trăm hơn ấy mới tài
Bài ca truyền thống thiên niên kỷ
Vẫn nhịp theo Anh những bước dài!
nt
-Thanh Hương Trần Văn Cảnh đọc thơ của chính tác giả.
Thượng thọ tám lăm, trí rất minh,
Thương dân, thương nước, một tâm tình.
Dĩ văn hội hữu, tâm văn hóa,
Dĩ hữu phụ nhân, chí công bình.
Paris, ngày 01 tháng 04 năm 2017
-Đỗ Bình đọc thơ của chính tác giả.
Tặng Anh Nguyễn Đức Tăng
Tha thiết giúp đời trọn chữ tâm
Bao năm dấn bước vẫn âm thầm
Quên mình vì nghĩa lòng quê cũ
Non nước phu thê vẹn sắt cầm.
Đỗ Bình
Tập san Ngày Mới Paris kính tặng
Mừng Thượng Thọ
Nguyễn Đức Tăng
Chân tâm tài tất đáo
Hữu đức phúc tự lai.
Đức trọng, nhân trường thọ.
Tâm khoan phúc tự lai.
Tuế số bát tuần nhân vị lão
Gia truyền thiên tải phúc vô biên.
Paris, Đinh Dậu 2017
Tập san Ngày Mới Paris kính tặng
-Thúy Hằng đọc thư của nhà báo, nhà thơ Hà Lan Phương (Paris).
DƯ ÂM NGÀY CŨ
Hà Lan Phương ( Paris)
Vừa qua tôi có đọc được bản tin của anh Đỗ Bình thông báo: ngày 02 / 4 / 2017 có tổ chức một bữa tiệc MỪNG LỄ ĐẠI THỌ cho anh Nguyễn Đức Tăng , để vinh danh một người hoạt động trong cộng đồng , hiện đang còn sinh hoạt tại Pháp , dù đã qua bao nhiêu năm, anh Tăng vẫn một lòng bền bỉ , chung vai sát cánh cùng cộng đồng Người Việt Tự Do tại Pháp. Anh không quản ngại đường xá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, nơi nào có việc nhờ đến anh , anh đều vui vẻ giúp đỡ bạn bè . Những ai đã từng tham gia đấu tranh đòi Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho Việt Nam, không ai là không biết anh Tăng!!!
Tôi nhớ ngày ấy, chắc cũng trên hai mươi năm, tôi hân hạnh được quen biết các anh: Đỗ Bình , Nguyễn Đức Tăng, Nguyễn Vân Xuyên …. Trong ban chấp hành của tờ báo Vùng Dậy phát hành tại Pháp . Thời gian trôi đi khá nhanh, để tôi được chung vai cùng với các anh trong các buổi biểu tình, họp cộng đồng , những cuộc ra mắt sách của các anh chị: Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Hữu Nhật, Hoàng Xuyên Anh, Dư Thị Diễm Buồn, Trần Quan Long, Linh Linh Ngọc, Đặng Văn Nhâm, Mạc Kinh, Hải Triều, Đỗ Thông Minh...Những cuộc gặp gỡ, tao ngộ nào cũng có anh Nguyễn Đức Tăng ra tay phụ vẽ Banderole. Tổ chức nào , hội đoàn nào cũng được anh chung tay giúp đỡ, không tính toán tiền bạc, công sức. Có một thời gian, Phương tôi rất gần gủi với anh Tăng, đó là thời gian chúng tôi cùng làm việc cho anh Nguyễn Quang Hạnh Hội trưởng Hội Nạng Gỗ tại Pháp, tôi thường xuyên mang giúp anh Hạnh giấy tờ, hồ sơ xuống cho anh Tăng tại Cité Universitaire Sorbon.
Thời gian trôi qua đã hơn hai mươi năm , với bao hoàn cảnh đổi thay, người còn kẻ mất , nhưng anh Nguyễn Đức Tăng vẫn còn đó, dù không phương phi bệ vệ, nhưng sức chịu đựng dẻo dai, anh vẫn không ngại ngần trong công tác xã hội, công tác hội đoàn. Tôi rất tiếc vì tình trạng sức khỏe không cho phép, nên không thể đến chung vui , chúc thọ anh được, nhưng trong tim tôi không bao giờ quên anh, người anh cả của chúng tôi trên mọi lãnh vực!
Và cũng vô cùng cảm ơn nhà thơ Đỗ Bình vẫn nhớ đến các bạn ngày xưa , đã từng một thời xông pha …. Trên bước đường tranh đấu.
Gửi đến anh Nguyễn Đức Tăng sự ngưỡng mộ của cô em gái ngày nào Mừng anh tuổi thọ trên đời / Đức Tăng lên mãi không rời trần gian!
Hà Lan Phương ( Paris 2017)
-Minh Cầm đọc thư của nhà biên khảo, nhà thơ Nguyễn Thanh Mây Thu (Monpellier).
Mây Thu và Nguyễn Thanh nhớ lại những buổi sinh hoạt trước đây:
– Ngày 19-01-2013, tại Montrouge. Sinh hoạt VHNT mang chủ đề “ Ý Nghĩa Cuộc Sống Của Loài Người”, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng độc tấu sáo trúc bài “Trăng Côn Đảo” .
– Ngày 26-10-2014, tại nhà thờ Saint Hippolyte Paris quận 13. Sinh hoạt VHNT chủ đề “Paris Chiều Tưởng Nhớ”, MC điều khiển chương trình là Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng.
– Ngày 04/10/2015 tại Studio Raspail Paris quận 14. Sinh hoạt VHNT với chủ đề “ Chiều Thơ Nhạc Đỗ Bình-Phạm Đăng”, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng diễn ngâm bài thơ “Tình Muôn Thuở” của Thi sĩ Đỗ Bình.
– Ngày 02-04-2016 tại Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội, số 23 đường Mesnil, Paris quận 16. MC điều khiển chương trình là Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng v.v.. và v.v..Như vậy, trong tất cả những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, tính ra không lúc nào mà không có sự hiện diện của Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng. Một nghệ sĩ đa tài, hết lòng hết sức tích cực tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam ở hải ngoại về tôn giáo, văn hóa, xã hội, các công tác từ thiện v.v.. suốt từ bao nhiêu năm qua. Mặc dù chỉ với thời gian vài năm gần đây rất ít oi, Mây Thu và Nguyễn Thanh đã từng cùng nhau sinh hoạt với Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng cũng như với các thành viên trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, nhưng được biết rằng Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng là một người có tính tình hòa nhã thâm trầm, rất khiêm tốn, đầy lòng vị tha, ai ai cũng đều quý mến. Rất tiếc hiện nay Mây Thu và Nguyễn Thanh cư ngụ quá xa thành phố Paris và vì một vài lý do riêng nên không tiện đến chung vui. Thành thật xin thứ lỗi và xin nhờ anh chị Đỗ Bình - Thúy Hằng chuyển lời đến Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng: “Chúc mừng Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng một ngày Lễ Đại Thọ an vui”.
Cũng xin thân kính thăm tất cả các bạn hữu cùng các thành viên trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris. Nguyễn Mây Thu – Nguyễn Thanh
Lời phát biểu của, Hội trưởng Ái Hữu Gia Long Paris Phan Thu Thủy:
“Paris ngày chủ nhật 2 tháng 4 bầu trời quang đãng, chút gió nhẹ đầu mùa xuân như hòa hợp cùng Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris chúc mừng Đại thọ họa sĩ Nguyễn Đức Tăng. Không khí náo nức đông người dự tràn ngập nhà hàng DNJ đã nói lên lòng quý mến một người tài hoa, nhân hậu, luôn giúp người, giúp đời. Phần vinh danh và cám ơn thật trang trọng đầy tình cảm qua các bài thơ, thư từ chúc tụng của những người hiện diện và cả bạn bè từ bốn phương gởi về. Các hội đoàn tại Pháp đều tham dự. Chương trình văn nghệ thanh thoát. Thực đơn thuần túy Việt Nam.
Chúc Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris thêm nhiều thành công. Thân mến,
Thu Thủy, Hội trưởng Ái Hữu Gia Long Paris."
Lời Cảm Ơn của Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng:
"Từ tận đáy lòng, xin chân thành cám ơn Anh Chị, với tư cách CLB Văn Hóa Paris, đã có hảo ý và đã hết lòng bỏ công sức lo việc tổ chức sinh hoạt Văn học Nghệ thuật ngày 2-4-2017 và lễ mừng thọ 85 tuổi cho Tăng được mọi người tham gia đông đảo và đạt được kết quả rất tốt đẹp.
Kính mến.
Nguyễn Đức Tăng"
Sau phần thơ văn mừng thọ, cuốn sổ Vàng để ghi kỷ niện do Bà BS Tạ Thanh Minh Tặng. Đại diện CLBVHVNParis, nhà văn hóa Phương Anh, Nguyễn Quý Toàn tặng ông NĐ Tăng quà lưu niệm bọc trong lụa đỏ, thắt nơ hồng. Những chai Champagne đẹp đẽ, óng ả, những bánh sinh nhật thơ ngát đã sẵn sàng, những gói tặng phẩm của bằng hữu tặng. Nhưng không để một vì sao đơn độc trên bầu trời. Ban tổ chức, đã tạo bất ngờ khi mời tất cả quý vị trên 80 tuổi lên cắt bánh và tặng hoa chúc mừng tuổi thọ. Quan khách ngỡ ngàng: 28 vị, và tuy bát tuần, quý vị vẫn tráng kiện, tinh anh. Có lẽ "nhị thập bát tú" trong thi xã Tao Đàn đang trở lại để chờ đón Quân Vương Lê Thánh Tôn (1442)(1460-1497) của một Việt Nam thịnh trị.
Thi hào Đỗ Phủ (712-770)(THoa), xưa quá rồi, khi nói:"Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Cụ đã không còn để cập nhật hóa tư tưởng, để "mis à jour", để "update" nhận định của mình.
Đúng là:
"Chân tâm, tài tất đáo. Hữu phúc, phúc tự lai.
ĐỨC trọng, nhân trường thọ. T M hoan, Phúc tự lai".
Mỗi vị lão niên được tặng một bông hồng. Riêng 6 vị 85 tuổi, có thêm cuốn "Những Khuôn Mặt Văn Hóa Paris". Những vị dưới bát tuần cũng không bị bỏ quên. Đúng là Paris hào hoa, phong nhã, mọi người đồng hát :
"Happy birthday, happy birthday to you".
GSTS Quỳnh Hạnh trình bầy dân ca: "Lý Qua Đèo để mừng tuổi thọ mọi người..
Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 18h00.
Paris 2.04.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét