Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Nhân Ngày Giỗ Cha


Cha tôi sinh ngày 15/02/1910,mất ngày 01/12 năm 2009,thiếu 2 tháng rưỡi thì đủ 100 tuổi. Người gầy gò ốm yếu,lại bị suyễn từ nhỏ, nhưng ngoài ra thì rất dẻo dai, không bệnh hoạn gì, tỷ như cao máu,cao mỡ, tiểu đường...Dù đã ngoài 90 tuổi,cụ vẫn đi chợ mua trái cây,đồ ăn nhẹ,làm vườn,trồng hoa.Năm 2001,trong lúc đang trồng cây,cụ bị đau bụng và theo triệu chứng và khám bụng,tôi đoán cụ bị sạn ống dẫn tiểu.
Vào nhà thương, làm scan, thì đúng,nhưng cụ lại bị rất nhiều cục sạn trong bàng quang, mấy cục này, khi thay đổi vị trí,làm bí tiểu.Ngoài ra,nhiếp hộ tuyến cũng rất lớn,bác sĩ chuyên khoa khuyên nên mổ,một phần lớn vì tiểu ra máu, không cầm được.Mổ xong, tới khuya, sút chỉ,chảy máu phải mổ lại,biến chứng tùm lum...Lúc đó là tháng 05/2001. Cụ nằm Soins Intensifs gần 2 tháng, intube, đủ thứ giây nhợ, mà rốt cuộc cụ qua khỏi...

Mợ tôi mất năm 2004, 93 tuổi ta.Lúc đó, chúng tôi nghĩ, cha tôi chỉ trụ được vài ba tháng,nên đã lo hậu sự, giống hệt của mẹ tôi, hũ tro thì có 2 ngăn,một ngăn để trống, phần của ông cụ. Nhưng không ai ngờ, cha tôi trụ được 5 năm...Cha tôi minh mẫn, nhớ đủ thứ chuyện, không ở nhà già ngày nào, anh chị em chúng tôi chia nhau tới ở với cụ, tại căn nhà tôi mua năm 1986 khi tôi đi làm đã có tiền, để hai cụ ở cho thoải mái.(Cụ mất năm 2009, căn nhà bỏ trống, gần 5 năm, tới 2014 tôi mới dụ được con gái tôi về ở, tôi bán cho vợ chồng nó với giá vừa bán vừa cho, và tôi giữ căn nhà đầy kỷ niệm với cha mẹ) 

Khoảng hơn một tháng trước khi mất, chúng tôi phải đưa cụ vào nhà thương, vì không đủ thì giờ và khả năng để lo mọi thứ. Trong thời gian này, cụ hơi lẫn,và có hai điều làm cụ bị ám ảnh:
- Buổi nào tôi bận, không lo cho cụ ăn được là cụ lẩm bẩm: chắc ông Bình lại đi đánh bài rồi. Thì ra thằng con cờ bạc đã ám ảnh cha tôi cả đời..
- Cha tôi đi kháng chiến,hồi cư năm 1954, rồi đi cư vào Nam,xin hồi ngạch công chức,nhưng bị điều tra,cũng mất một thời gian. Trong khi chờ đợi,cha tôi đi làm ở sở Ba Soong,khi đó còn Tây.Buổi trưa,cụ ăn cơm do mẹ tôi sửa soạn từ nhà.
Cha tôi, vốn dân trường Bưởi, nói tiếng Pháp rất hay, tụi Tây có cảm tình, thường mời đồ ăn nhưng cha tôi đều từ chối.. Có một lần cụ nhận quả táo nhưng không ăn, đem về cho con. Tới giờ mỗi khi nhớ tới chuyện này là tôi lại khóc...

Muốn hồi ngạch, cha tôi cần một cái decret của bộ Tư Pháp, cái đó nó làm cụ lo sợ và bị ám ảnh, nên khoảng mấy tuần cuối đời, lâu lâu cụ lại hỏi đã có decret chưa.Có lần, tôi đưa cho cụ cái menu và dỗ "đây rồi,cậu đừng lo". Cha tôi chăm chú đọc,rồi thắc mắc:"decret gì mà có soupe với carotte". Nhớ tới chuyện này, tôi vừa thương cha,vừa cười ra nước mắt.


Cha tôi được chuyển về nhà thương cho người ở thời kỳ cuối,và cụ mất 2 ngày sau. Lúc đó tôi đang ngồi cạnh cụ đọc sách, nghe một tiếng thở dốc và cụ đi,  khoảng gần 2 giờ sáng.
Bài thơ tôi làm năm 2009,không có đề:

Trăm năm luân lạc chốn trần gian,
Một sớm ra đi thật nhẹ nhàng.
Sáu kỷ chăn chung tình lai láng,
Năm năm gối lẻ ,dạ bàng hoàng,
Con buồn tiễn biệt cha dưa muối,
Ta mừng gặp lại bạn tào khang.
Kháng chiến,di cư rồi viễn xứ,
Nơi đây xin gửi nắm xương tàn.


Chú thích:
- Một kỷ là 12 năm.Cha mẹ tôi sống chung 72 năm,là Sáu kỷ.
- Mẹ tôi mất 2004, trước cha tôi 5 năm.
- Cha tôi vốn dân nhà quê,l àng Phúc Tằng,huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tuy cụ ăn đủ thứ, nhưng vẫn thích những món nhà quê,như cà bung,dưa chua..

Nhân tiện đây, tôi xin nói thêm một chút về mấy người bạn của gia phụ. Cha tôi,quê ở làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên,tỉnh Bắc Giang.( Nhà thơ Hoàng Cầm sinh ở đây,ngụ cư,không phải gốc và có tên là Bùi Tằng Việt).
Hồi nhỏ, cha tôi có học chữ nho, về sau mới học quốc ngữ,rồi vào trường Bưởi.
Bạn tiểu học của cụ là bác Nguyễn Kim Trọng,thân phụ của BS Nguyễn Hữu Hiệp và bác Nguyễn Huân Lãng,thân phụ của anh BS Nguyễn Huân Trường, cả hai đều ở Montreal. Còn nhiều lắm, kể hết thì quá dài, tôi chỉ muốn nhắc đến hai bạn thơ, dù cha tôi chưa bao giờ làm thơ:
- Bác Đoàn Văn Thăng, tức nhà thơ Mai Lâm. Bác sinh năm 1915, nhỏ hơn cha tôi 5 tuổi, ở làng Hoàng Mai, gần quê tôi. Làng bác có cây thị rất lớn, nhưng chắc cũng nhiều mai, nên mới lấy Mai Lâm làm bút hiệu. Bác là người vì nghe tin vịt,tưởng Tản Đà qua đời,nên làm thơ viếng. Mấy câu đầu như sau:

Ôi thôi,hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.
Xa trông mây nước ngậm ngùi,
Tấm lòng thương nhớ,mấy lời viếng thăm.

(Khi đó bác đang làm công chức ở Lạng Sơn)
Tản Đà đọc xong thì rất thích chí,và trả lời:

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau,
Suối vàng ai đã vội đâu,
Mà cho ai nhớ ai sầu hỡi ai.
(Đây cũng là 4 câu đầu)

Trong thời gian đi kháng chiến(không phải cộng sản) chắc bác ở gần cha tôi, miền Sơn Tây, Thái Nguyên, làm nhiều thơ,cha tôi còn giữ một bài,đề tháng 12/1950:

Thoi thóp nắng chiều tắt nẻo khơi,
Núi rừng man mác,tứ u hoài
Thì thầm gió nhắn,đồi lau chạy,
Lặng lẽ cây nhìn bóng nguyệt trôi,
Phút phút mong tin,tin chẳng đến,
Ngày ngày đợi khách,khách là ai,
Ba Vì,Yên Thế,sao xa quá,
Hờ hững sông Đà,nước chảy suôi.

Sau khi di cư vào Nam,bác và cha tôi vẫn qua lại thân thiết.

Bác mất ở Việt Nam,năm 1995. Con gái bác là Đoàn Ngọc Kiều Nga ở Mỹ,  nhưng tôi không có tin tức.
- Bác Đông Xuyên Nguyễn Gia Trụ, người làng Đông Ngạc,sinh năm 1906, hơn cha tôi 4 tuổi. Bác làm nhiều thơ chữ nho, viết trên giấy rất đẹp, nhưng là thơ ca tụng cha tôi nên không giám đưa lên đây.
Sau khi mất nước, bác và bác Mai Lâm vẫn qua lại thường xuyên với cha tôi.
Khoảng cuối 1981, đầu 1982, cha mẹ tôi lo bán nhà,sửa soạn qua Canada, bác tặng bài thơ:

Nghe nói ông anh sắp bán nhà,
Qua Gia Nã Đại,nước người ta,
Tự do muốn kiếm,hoa sai lắm,
Hạnh phúc không kỳ trái nẩy ra,
Há vị áo cơm mà chậy vậy,
Mặc dù sương tuyết cũng xông pha.
Bác đi,tôi ở,ai vui khổ,
Quả đất hai đầu,nhớ bạn xa.
Bác Mai Lâm đã hoạ bài thơ này:
Nước còn phải bỏ,nói chi nhà,
Cảnh ấy riêng gì bọn chúng ta,
Bàn độc một đàn chân nhẩy đến,
Nằm vùng mấy đứa mặt ườn ra,
Chập chờn cơn mộng giang hà tỉnh,
Tan tác dư đồ huyết lệ pha,
Đất lạ rồi đây ai bạn cũ,
Trùng phùng buổi ấy ước không xa.

Bài xướng của bác Đông Xuyên thì bình thường, nói về sự chia ly và nỗi nhớ mong, Bài họa của bác Mai Lâm thì cay đắng, có vẻ rất hận tụi VC và đám nằm vùng.Bác mong ngày trùng phùng,nhưng buồn thay,ngày ấy không bao giờ tới,vì bác qua đời năm 1995,bác Đông Xuyên năm 1994 và cha tôi năm 2009. Thơ tiễn biệt thành thơ vĩnh biệt.

Ngày xưa,cụ Tôn Thất Thuyết,lưu vong và mất ở Long Châu, dân địa phương đã cảm thương mà phúng câu đối:

Nhất đán hương hồn quy Tượng Quận.
Bách niên tàn cốt ký Long Châu.

Cha tôi bây giờ cũng vậy, trăm năm tàn cốt ở nơi xứ lạ quê người...

Nguyễn Thanh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét