Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Hồi Ức: Việc Học Hành Thi Cử Của Tôi


Đọc những trang blog bạn bè, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những hình ảnh, văn bằng, học bạ, chứng chỉ của bạn in ra, tôi thật ngưỡng mộ, thích thú như thấy hỉnh ảnh của chính mình thuở còn đi học. Ngày nay tuổi đã xế chiều tôi cũng muốn ôn lại những kỷ niệm thời đi học, những tháng ngày miệt mài học hành thi cử, có khi thức trắng đêm để ôn bài cho kỹ, sáng mai vào trường thi. Có bạn còn giữ nguyên học bạ từ tiểu học cho tới trung học, thật là may mắn! Nhìn học bạ ta có thể hiểu được lúc ấy ta học ra sao qua lời phê của thầy cô dạy lớp. Sự phê bình của thầy cô rất quan trọng, nhất là thầy chủ nhiệm, có thể ảnh hưởng quyết định cuộc đời của học sinh. Nói tới đây tôi lại nhớ tới một người bạn tên P. ( hiện ở Mỹ), anh học giỏi nhưng vì xích mích, hiểu lầm với thầy giáo trẻ dạy Đệ Nhị B vừa là Giáo Sư Hướng Dẫn của anh, khi hai thầy trò cùng có cảm tình với một nữ sinh của trường. Anh cứ tưởng mọi việc rồi cũng đi qua không ngờ khi đậu xong tú tài I, anh chuyển về Sài Gòn xin vô Petrus Ký (vì lúc đó Trung Học công lập Tây Ninh chưa mở Đệ Nhất), trường từ chối vì anh bị giáo sư phê là "học trò vô phép, vô kỷ luật, vô đạo đức". Tới chừng đó anh mới ngã ngửa, không ngờ thầy lại phê như thế! Anh ôm mối hận trong lòng đành ra học trường tư, tốn nhiều tiền nhưng biết làm sao? Năm đó anh đậu dễ dàng Tú Tài II ( năm 1961).


Cá nhân tôi không giữ được học bạ trung học, chỉ còn học bạ trường Sư Phạm Sài Gòn.
Nhìn học bạ tôi bùi ngùi xúc động, nó theo tôi 55 năm, bây giờ mới mở ra xem! Tôi đọc kỹ lời phê và nhận xét của thầy. Nói chung việc học của tôi không đến nổi tệ. Có những tờ giấy ố vàng màu xám xịt, rách lưa tưa, chữ in lem luốt mờ nhạt, khó nhìn ra chữ. Tôi đọc tên từng thầy nhớ từng cử chỉ, lời nói của thầy. Kỷ niệm ngày xưa hiện ra trước mắt. Năm thứ hai, việc học của tôi sa sút không thể tưởng: bị đuổi khỏi nhà trọ vì thiếu tiền, chạy tới chạy lui, tôi không còn tinh thần để tiếp tục học, tôi muốn bỏ cuộc. Nghèo đói bịnh tật, tinh thần sa sút hẳn. Còn lại độ nửa năm mà tôi đuối sức, tôi phải tính cách khác: tự nấu cơm ăn với rau muống mỗi ngày. Trong lớp 44 học sinh cuối năm tôi đứng thứ 40! Thi ra trường nhờ tôi làm trúng câu hỏi phân tích cú pháp một câu cho sẵn (lâu rồi không nhớ): Tôi nói đúng được chủ từ, động từ, túc từ và nhiệm vụ theo văn phạm Việt Nam (túc từ: bổ nghĩa cho động từ). Sách nhà trường, cuốn “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam” không nói rõ phần nầy, chỉ bàn nhiều về phát âm học và khả năng kết hợp các “từ” trong câu (giống sách của học giả Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê). Còn tôi đọc thêm sách “Văn Phạm Việt Nam” của Bùi Đúc Tịnh nên trúng tủ câu nầy! Kết quả tôi đậu hạng 180/344. Hú hồn! tưởng đậu hạng chót đi dạy Cà Mau, Bến Hải!


Nói về kỳ thi vào Đệ Thất trường công năm 1955, tôi thật may mắn nên đậu ngay khóa đầu tiên của trường mới vừa mở. Năm ấy đang học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) trong giờ học, người bạn tên Hai ngồi cạnh tôi kéo ra cuốn sách “147 Đề Thi Đệ Thất" của tác giả Bùi Văn Bảo, tôi ngạc nhiên thích thú. Vốn con nhà nhèo, tôi không hề có một quyển sách để đọc, chỉ học bài trong lớp mà thôi, hơn nũa ba tôi là một công nhân thường, hồi nhỏ do hoàn cảnh nên không tới trường như những đứa trẻ khác do đó ba tôi không biết gì về chuyện học hành của con cái, nói chi tới việc mua sách luyện thi. Tôi mừng trong bụng nên năn nỉ bạn cho mượn sách một tuần để chép bài thi. Bạn từ chối, tôi năn nỉ tiếp, sau cùng bạn cho mượn một đêm, sáng mai nhớ trả nghen! Chiều hôm đó sau khi ăn cơm xong tôi chép bài suốt đêm không ngủ, tính ra được 10 bài. Từ đó tôi cứ luyện những đề thi đó, vậy mà hai tháng sau tôi thi đậu vào Đệ Thất! Còn Luận Văn và câu hỏi Thường Thức thì tôi chỉ trung bình, nhưng nhờ trúng bài Toán nên đậu hạng 80/120. Đề Toán tôi nhớ đại khái: Hai xe chạy ngược chiều, vận tốc xe 1 là 30km/giờ, xe 2 là 40km/giờ. Đoạn đường 170km, xe 1 khời hành lúc 8 giờ sáng, xe 2 khởi hành sau xe 1 là 1 giờ. Hỏi khi gặp nhau mất mấy giờ, khoảng cách từ chỗ gặp tới A, B là bao nhiêu?


Lên Đệ Tứ, hoàn cảnh nhà tôi không có gì khá hơn, trái lại nhà đông con, lớn lên ăn nhiều nên càng hao tốn. Lúc nầy việc học trở nên khó khăn tôi cũng không có một quyển sách Toán Lý Hóa để luyện thi, ngoài chợ Tây Ninh cũng không có nơi nào bán sách. Cuối năm tôi thi rớt dễ dàng! Lúc nầy có vài đứa bạn thi rớt bị gọi đi quân dịch, ba má tôi sợ tôi đi lính trơn nguy hiểm nên cắn răng cho tôi xuống Sài Gòn ở đậu nhà người cô đường Nguyễn Thông để luyện thi trung học và Tú Tài I. Viết tới đây tôi càng thương ba má tôi đã vì con mà hy sinh vật chất, chịu đựng cam khổ lo cho tôi ăn học. Công ơn cha mẹ như trời biền, tôi chưa kip đền đáp thì song thân đã ra người thiên cổ! Dạo đó tôi nghe má tôi nói lương tháng của ba tôi chỉ có 750 đồng (năm 1960). Tôi ghi tên học trường tư thục Phan Sào Nam đường Trần Quý Cáp, bữa nọ sau khi đi học về, ngang qua trường Nguyễn Khuyến thấy quảng cáo sách luyện thi Trung Học Đễ Nhất Cấp môn Đại Số, tác giả Bùi Hữu Đột. Tôi ghé vào mua ngay quyển nầy. Mừng hết sức! Tôi cần thêm một quyển toán Hình Học mà không biết ở đâu bán? Một tháng sau, lúc trời vừa tối, tôi đạp xe xuống trường, thằng tới tư thục Trường Sơn, bất ngờ tôi thấy người ta đổ một đồng sách báo bên lề đường bán “xôn” thật rẻ. Tôi ghé vào ngồi xuống lựa, thấy quyển “Toán luyện thi Trung Học Đễ Nhất Cấp môn Hình Học”, tôi mua ngay rồi vội vã quay về để đọc sách. Đã quá! Toàn là những đề thi toàn quốc từ hơn 20 năm qua thật đặc sắc mà tôi chưa từng nghe nói. Tất cả 100 bài! Lạ nữa là sách in tại Hà Nội sao lại bán xôn trong Nam? Có hai ”bửu bối” trong tay, tôi ôn luyện hằng ngày, cuối năm thi đậu dễ dàng. Thi Tú Tài I không có gì đáng nói. Tú Tài II mới gay go.


Chương trình Tú Tài II ban Toán rất nặng, tôi không có tiền mua sách vở, phải đợi khi ra trường, đi dạy tôi mới có tiền mua đủ bộ sách Toán Lý Hóa luyện thi. Tú Tài II tôi nộp đơn thi khóa 2 (1966) với tư cách thí sinh tự do, khi đậu viết thì phải qua kỳ vấn đáp, thật hồi hộp. Năm đó tôi thi vấn đáp tại trường Petrus Ký Sài Gòn. Cuộc thi bắt đầu 8:30 sáng, nhà tôi cách trường 300m (đường Trần Bình Trọng, sau trường Sư Phạm Thực Hành), không hiểu tại sao tôi cứ đinh ninh rằng cuộc thi bắt đầu 9:00 sáng, mà chủ quan không xem lại phiếu báo danh, nên tôi tới trễ nửa giờ! Cửa trường khép kín, quấn bằng dây lòi tói, khóa bằng ống khóa to tổ bố không cách nào lách vào được. Tôi hoảng hồn la inh ỏi, không ai ra mở cửa, bất chợt ông lao công từ phía trong bước ra hỏi tìm ai? Tôi trả lời: "đi thi vấn đáp!". "Sao giờ nầy mới tới? Thầy cô về hết rồi!". Tôi tá hỏa tam tinh. Khóa nầy mà rớt thì coi như xong, phài đợi sang năm thi lại từ đầu! Tuy nói thế nhưng ông vẫn mở cửa cho tôi vào (sau khi tôi trình giấy báo danh). Tôi phải cám ơn ông rất nhiều vì nếu ông không mở cửa thì tôi đành chịu vì lỗi tại tôi, và thêm cái may nữa là thầy giám khảo vẫn còn ngồi tại lớp đợi tôi.


Tôi không biết phòng thi ở đâu? Trường rộng quá lại có lầu, tôi chạy giáp vòng tầng dưới, không thấy phòng, mất 10 phút mệt lả. Tôi tìm đường lên lầu, chạy nửa vòng thì gặp phòng thi, tôi nhìn thấy ông thầy đi tới đi lui một mình, bên dưới không còn một thí sinh nào hết! Thầy nghiêm mặt hỏi tôi sao tới trễ , 5 phút nữa mà tôi không tới thì thầy đi về! Tôi xin lỗi rồi ngồi xuống bàn đợi thầy hỏi bài (môn Pháp Văn). Thầy đưa sách bảo tôi đọc một đoạn, xong hỏi: Ông Pasteur tìm ra được gì? Tôi đáp: "thuốc ngừa bệnh chó dại". Thầy hỏi tiếp: "Còn gì nữa?" Tôi ú ớ…thầy nói: "Thuốc ngừa bệnh đậu mùa!" Thầy hỏi thêm: "Hằng ngày gọi là gì?" Tôi đáp: "Au jour le jour."  "Còn cách nói khác?" Tôi ú ớ…Thầy nói:" journal". 
Xong rồi! Tôi lật đật chạy qua phòng kế bên thi tiếp môn Toán, nhưng phòng trống trơn! Đàng kia có một thầy vừa trong phòng bước ra, tôi chạy theo xin thầy cho thi, thầy quay vào lớp bảo tôi ngồi đó, đưa giấy cho tôi làm bài.
Hình Học: Câu 1/ Conic là gì? Cho ví dụ mỗi thứ, vẽ hình minh minh họa. Câu 2/ Hình vẽ sẵn, hãy trả lời: nghịch đảo tiếp tuyến là gì? Nghịch đảo vòng tròn là gì? Đáp: Nghịch đảo của tiếp tuyến là vòng tròn và ngược lại.
Đại Số câu 1/ Tính đạo hàm của hàm số dạng y=u/v. Câu 2/ tính nguyên hàm của hàm số y=2x( mũ 3)+3x( mũ 2). Tôi làm 10 phút thì xong, đưa bài cho thầy.
Ra về nghe lòng thanh thản, nhẹ tưng nhưng lại lo không biết có pass nổi môn Pháp Văn không? Chuyện nầy kể lại cho bạn bè nghe có người ngờ vực cho rằng tôi nói dóc! Làm gì có chuyện đi thi trễ giờ? Làm gì mới có nửa giờ mà tan học? (ông lao công nói vậy, chứ thực tế thầy vẫn còn ngồi trong lớp, chưa ra về). Xin thưa: hội đồng thí sinh tự do dành cho người lớn công chức, quân nhân, họ đi thi cốt nghỉ phép, ít người thi lấy bằng cấp vì họ không có thì giờ ôn luyện, nhưng Bộ Giáo Dục vẫn phải tổ chức cuộc thi, một hội đồng dành riêng cho họ. Kỳ đó hội đồng thi đậu có 10 người thôi bà con ơi! cho nên giám khảo chỉ mất nữa giờ là xong! May mắn kỳ đó tôi thi đậu (còn giữ văn bằng làm kỷ niệm).


Năm 1967 tôi bị động viên đi Thủ Đức. Năm 1969, biệt phái về dạy học, năm 1970 thi đậu chứng chỉ Khả Năng Sư Phạm Trung Cấp Sài Gòn (đề thi gồm ba bài viết, bài 1: Luận Văn, bài 2: Sư Phạm lý thuyết, bài 3: Sư Phạm thực hành, cho trước một bài thơ, dựa vào đó soạn một bài lên lớp. Không có thi vấn đáp) cải ngạch giáo sư, dạy trung học, tôi ghi danh học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đậu Cử Nhân năm 1973. Tôi thích nhất là Văn Chương Việt Hán nên theo học chứng chỉ nầy, đậu năm 1974. Tôi đã học với các thầy: Trần Trọng San, thầy trích một phần trong Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du để dạy sinh viên, nhiều nhất là trích từ Thanh Hiên Thi Tâp. Thầy vừa giảng vừa đọc cho sinh viên chép. Xin nói thêm về nội dung các phần nầy như sau:

Cùng với kiệt tác Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Các thi tập này không chỉ góp phần làm nên diện mạo thơ ca trung đại mà còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu thế giới nội tâm của chính tác giả.
1. Thanh Hiên Thi Tập (清軒詩集, Tập thơ Thanh Hiên) chứa đựng tình cảm quê hương thân thuộc, có khi ốm đau mà chẳng thuốc thang gì, có lúc đói rét phải nhờ cậy vào lòng thương của người khác. Tâm sự của tác giả trong thời kỳ này là một tâm sự buồn rầu, có khi chán nản, uất ức…
2. Nam Trung Tạp Ngâm (南中雜吟, Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) là tập thơ chữ Hán thứ hai (sau Thanh Hiên thi tập) của Nguyễn Du (阮攸, 1765 – 1820), một nhà thơ rất nổi tiếng của Việt Nam.
3. Bắc Hành Tạp Lục (北行雜錄, Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) là tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814. Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc.

Thầy Bửu Cầm: Dáng thầy gầy, cao lêu khêu, trưởng ban Văn Chương Việt Hán, thầy đi dạy bằng xe xích lô đạp, chở đến trường, bất kể nắng mưa gì thầy cũng mang theo cây dù thật to. Thầy phụ trách môn Chữ Nôm và Văn chương kháng chiến chống quân Minh. Cụ thể thầy giảng “Bài Ca Côn Sơn” (Côn Sơn Ca) nguyên tác chữ Hán, được Nguyễn Trãi sáng tác trong thời gian ông bị chèn ép, đành phải cáo quan về sống ở Côn Sơn. Thỉnh thoảng thầy trích dẫn những bài thơ cổ bằng chữ Hán từ quyển Hoàng Việt Văn Tuyển.
Thầy Nguyễn Khuê: dạy văn học đời Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, thầy chép bài xong trên bảng rồi bắt đầu giảng. 
Thầy Phạm Văn Diêu: dạy văn học đời Trần, tác phâm tiêu biểu Trần Nguyên Đán. Thầy đang soạn sách Văn học đời Trần gồm 3 quyển chép tay dày cộm. Vào lớp thầy bảo một sinh viên sành chữ Hán chép bài trên bảng, rồi thầy đi đâu đó hoặc uống cà phê dưới câu lạc bộ Sinh Viên, độ một tiếng đồng hồ thầy quay lại lớp giảng bài , trước hết phiên âm chữ Hán sau đó dịch nghĩa, giảng bài . Hai phần đầu thầy nói nhanh lắm không cách nào ghi kịp, Sinh Viên phải phân công mỗi người ghi một câu, sau cùng ghép lại thành bài.Sinh Viên chép bài trên bảng mà sai thì thầy bảo Sinh Viên đó lên bảng sửa lại, tôi không hề thấy thầy cầm phấn viết một chữ Hán trên bảng! 
Thầy Nghiêm Toản: dạy những tác phẩm cổ bằng chữ Hán trong văn học Việt Nam.
Còn vài thầy nữa mà tôi không nhớ tên.
Trong các chứng chỉ theo học tôi thấy chứng chỉ nầy là khó nhất, mình vừa luyện chữ Hán vừa học bài, trong nhà tôi lúc nào cũng đầy giấy nháp chữ Hán!


Sau khi miền Nam thất thủ, tôi trình diện đăng ký diện sĩ quan chế độ cũ ở Nhà Bè. Chị “Út Tịch” mặc đồ đen, tuổi độ 30, khăn rằn quấn quanh cổ, đi tới đi lui đôn đốc cán bộ điều tra lấy lời khai, thu giữ giấy tờ anh em chế độ cũ. Tôi đoán quân hàm của chị chắc cũng khá cao. Chị có một cái túi rút đựng mộc đóng dấu và mực in bỏ vào túi áo, khi nào cần chị lấy ra, đóng dấu rồi cất vào ngay, hình như chị sợ người ta lấy cắp cái mộc đó, nên chị rất cẩn thận. Tôi đang đứng sớ rớ đầu nầy bỗng chị gọi lại, bảo đưa giấy tờ cho chị xem. Chị hỏi: "Thẻ căn cước quân nhân đâu? Quân hàm gì?" ( ngày 30/4/75 khi bộ đội tiến vào thành phố, bà xã tôi gom hết giấy tờ của tôi, căn cước quân nhân đem đốt sạch). Tôi hết hồn ú ớ: "dạ …lúc lộn xộn đánh mất rồi!".  Chị nghiêm giọng: "Giỡn mặt với cách mạng hả? vừa là quân nhân, vừa là giáo sư, vừa là sinh viên, ai tin?" Tôi cãi lại: "Thật mà! tôi dạy học, là thầy giáo!".  Chị bỏ đi một lát rồi quay lại nói: "Tôi cho anh về lấy giấy chứng minh anh là thầy giáo, còn học thêm đại học, rồi trình diện tôi". Tôi vội vã đạp xe thật nhanh về nhà, lục trong tủ kiếm thêm giấy tờ, lấy tờ chứng chỉ Văn Chương Việt Hán đậu năm 1974, quay lại chỗ cũ Nhà Bè, cách nhà độ 8 cây số, may là còn gặp chị, tôi đưa giấy tờ cho chị xem, cố giải thích đây là giấy tờ chứng tỏ tôi đang theo học tại Văn Khoa. Chị ghi trong một tờ giấy, chứng nhận tôi có trình diện tại Nhà Bè rồi lấy mộc ra đóng dấu. Tôi nhận giấy, lòng mừng khôn tả. 

Hôm nay hơn nửa đời người, tôi đâu có màng chứng chỉ nầy chứng chỉ nọ, nay lục lại thấy mất tờ chứng chỉ đó, tôi chợt nhớ ra đã nộp bản chánh cho chị Út Tịch cách nay gần nửa thế kỷ mà dạo đó vì gấp rút tôi không kịp copy bản sao, làm sao đòi chị Út đây hỡi trời!

Nguyễn Cang 
(August 15, 2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét