Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Chân Dung Người Mẹ



“… Con thuyền chật cứng lúc bắt đầu ra Bãi Giá. Bây giờ chắc không ai chợt thấy lòng thuyền bỗng rộng hơn. Mọi người đã đói lả, không còn nghĩ gì ngoài cái ăn. Sau 39 ngày lênh đênh trên biển, hơn một nửa đã vắng mặt vì bịnh và vì đói khát. Xác họ đã làm mồi cho cá mập. Cơn đói khát và mất người thân khiến nhiều người phát điên. Chị Út V. ôm cứng con vào lòng bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Con bé mới tuổi rưỡi cũng đang thoi thóp. Từ hai hôm nay những người trên thuyền chỉ muốn ăn thịt con bé. Họ nói dầu gì thì con bé không thể sống được. Chị Út V. biết chị không thể nào chống trả hay kêu gọi nhân tính của họ, những người tìm mọi cách để sống còn. Nửa đêm chị Út V. lần mò ra trước mũi thuyền, nhẹ nhàng thả con trên lượn sóng biển Đông.
Chị thấy từng đoạn ruột của mình đang rỉ máu trên những ngọn sóng vô tình”. (Cắt Ruột Thả Xuống Biển Đông – Trần Bang Thạch)
Tôi cố gắng giữ giọng đọc của mình đến dòng chữ cuối cùng. Không dám quay qua, nhưng biết bà xã đang xúc động và mắt tôi cũng lưng tròng. Còn bao nhiêu câu chuyện nữa về người mẹ. Hoàn cảnh chỉ là một điển hình, con thuyền trên biển chỉ là một nơi chốn. Còn biết bao hằng triệu triệu hoàn cảnh và nơi chốn khác trên cùng khắp đời này để hiển vinh trái tim người mẹ. 

Hằng năm mùa lễ Vu Lan chúng ta nhắc đến, nhớ ơn và thương tưởng đến mẹ mình – như một biểu tượng về Mẹ. Lần này xin làm một chút khác hơn, tôi viết về một “người mẹ” đang có mặt bên cạnh mình, người mẹ của các con tôi... Câu chuyện bắt đầu từ một đêm tháng 5, 1981:

Đêm của biển thật sâu thẳm, thật hãi hùng trong cơn bão nổi. Sóng bủa vây, nối tiếp và không ngừng đẩy chiếc thuyền bé nhỏ, mong manh nghiêng xuôi về hướng gió. Mưa biển đêm như giận dữ, trút những ngọn giáo thép bằng nước đâm thẳng vào ba mươi sáu sinh mạng con người trên mảnh gỗ (gọi là thuyền) giữa biển trời vô tận. Chừng như tôi nghe từng hơi thở vô vọng của mọi người trên con thuyền, trong sự chờ đợi một đợt sóng dậy cuối cùng. Không hiểu sao tôi cảm thấy thật bình thản và tỉnh táo đến như vậy. Tôi thật sự không nhìn thấy mỗi một con người trên thuyền đang làm gì, hay đã say sóng nằm ngất lịm không ý thức chung quanh. Nhưng lờ mờ trong biển đêm bão nổi, tôi nhìn thấy một người mẹ trẻ đang cố hết sức nối chiếc khăn rằn với vài chiếc áo và dùng nó buộc chặt đứa con trai vào sát lồng ngực của mình (đứa bé trai chừng 6 tháng tuổi). Cả hai mẹ con trở thành một khối, chờ đợi…

Ba mươi chín năm trôi qua, tôi chưa lần nhắc lại và cũng không dám hỏi bà xã về hành động đêm năm đó. Người mẹ trẻ buộc chặt đứa con trai vào sát lồng ngực của mình chờ đợi cơn sóng dữ, chính là bà xã của tôi. Đứa bé ngày xưa nay đã trở thành người đàn ông 40 tuổi, đã là một tiến sĩ dược khoa. “Nó già đầu rồi, em không thể cứ theo cưu mang nó hoài được”, tôi thường nói với bà xã. Nhưng hình như lần nào bà ấy cũng cười, “biết rồi, khổ quá nói mãi”, mà chẳng bao giờ nghe theo. Người đàn ông 40 tuổi, một tiến sĩ dược khoa vẫn mãi là đứa trẻ trong lòng người mẹ... Cuộc hôn nhân đầu của đứa con trai đổ vỡ sau chưa đầy ba năm chung sống. Cũng may là cả hai chưa có con, nên mọi chuyện ly dị không thêm nông nổi. Điều đáng nói là, người đau khổ nhất, mất ăn mất ngủ nhiều nhất chính là bà xã, là người mẹ… Đứa con trai cố gắng cắt nghĩa sự đổ vỡ cho mẹ thế nào đi nữa, bà ấy vẫn “nhất định” không chịu hiểu. Đến nổi hai mẹ con không nói chuyện với nhau cả mấy tuần lễ! 


Rồi mọi chuyện cũng qua đi, hòa bình tái lập, người mẹ tiếp tục nấu phở gọi con về ăn và nhắn đem quần áo dơ của nó về mỗi cuối tuần để giặt. Những năm tháng đứa con trai làm ở nước ngoài, Thái Lan và Myanmar, bà ấy đóng góp rất nhiều cho các công ty điện thoại viễn liên. Và “life goes on”, như lời bài hát:

“… Life goes on while you're miles away
I need you
Time rolls on as night steals the day
There's nothing I can do

You heal up my wounds
I tasted your tears
You spilled out your heart
So I let out my fears

But one fear I kept to myself
How I prayed that you'd love no one else
Like you're saying you love me…” (*)

Năm ngoái, thằng con trai về báo với mẹ, “con đang chung sống với người bạn gái mới”. Cũng là một y tá, người Mễ gốc Tây Ban Nha, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Bà xã nghe cười vui rồi chợt thoáng buồn. Tôi hiểu tại sao. Ước mơ của bà ấy là, vợ hay chồng của các con mình phải là người Việt hay ít nhất là người châu Á. “Gần gũi tập quán, chia sẻ món ăn là nhịp cầu gần nhất nối liền với tình cảm”, ngày trước ao ước và bây giờ bà ấy thở dài… Mọi việc cũng trôi qua, sau khi gặp mặt con dâu mới, “con yêu ai thì mẹ cũng thương người đó!”, bà xã nói với đứa con trai. Vai trò người mẹ ngày nay không phải dễ dàng gì, so với thời kỳ chinh chiến, gian khổ những năm tháng ngày qua. Nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Vượt qua cái chết và sống trên xứ lạ quê người, ngôn ngữ là "rào cản" thứ nhất; phong tục tập quán, láng giềng hàng xóm, chưa kể người thân quyến thuộc… lại là những vấn đề trong trái tim của người mẹ. “Nhập gia tùy tục”, người mẹ phải lần mò: vừa học, vừa sống, vừa “nhập gia” để phải vừa nuôi dưỡng và dạy dỗ con mình! 

Đã hơn một năm sống chung, “chừng nào hai đứa làm đám cưới?”, người mẹ hỏi con trai. “Lần này không cần gấp đâu mẹ”, nó thường trả lời cho qua “trạm”. Bà ấy lại thở dài và thỉnh thoảng hối thúc. Cô con gái út của tôi cũng không khá gì hơn. Năm nay đã 36 tuổi đời vẫn sống qua lại với bạn trai người Mỹ mấy năm rồi, mà chưa chịu mặc “áo cưới”. Mẹ gặng hỏi, con nhỏ cười trừ, lần khân “Vội chi mẹ. Rồi lại ly dị như anh hai, rắc rối, đau buồn và tổn thương vật chất lẫn tình cảm”. Bà mẹ nhìn con gái lắc đầu, không hiểu. Tất cả thời đại đang từng phút từng giây trôi qua với những đổi thay, nhưng trái tim người mẹ vẫn đập theo từng nhịp riêng của mình. Những nhịp đập riêng hay chung với cuộc sống, trái tim người mẹ vẫn chỉ có một nhiệm vụ, đẩy mọi dòng máu của mình luân lưu cho mỗi bước chân đi và hơi thở của con, trong bất cứ không gian và thời gian nào có thể…

Đây chỉ là phác họa chân dung một người mẹ tầm thường đơn giản, mà các bạn có thể bắt gặp hằng ngày, ở bất cứ nơi nào trong mọi hướng mắt nhìn. Hằng triệu, hằng tỷ người phụ nữ trên cùng khắp toàn cầu đã, đang và sẽ trở thành người mẹ. Hoàn cảnh địa lý, sắc màu dân tộc, phong tục tập quán hay trong mọi thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại mai này, chân dung và trái tim của người Mẹ sẽ mãi mãi là điều kỳ bí, không thể thiếu trong sự sống còn và phát triển của nhân loại: 

" Vũ trụ không có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ" (Bernard Shaw - kịch tác gia người Anh).

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
(*) "Life Goes On", sáng tác và trình bày bởi ban nhạc Poison, Hoa kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét