Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Đất Phương Nam I - Thủ Đức Trước Năm 1975



Thủ Đức Trước Năm 1975

Vùng đất Ngãi An chính là vùng Thủ Đức về sau nầy. Đây là một trong những vùng đất trù phú nhất của vùng đất Gia Định. Trước năm 1975, Thủ Đức có nhiều ruộng mía, và một số rất lớn mía làm đường được Thủ Đức cung cấp cho nhà máy đường Hiệp Hòa. Dưới thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An được chuyển sang cho tỉnh Gia Định. Trong suốt hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Thủ Đức nằm về cực bắc của tỉnh Gia Định, là cửa ngõ đi vào Gia Định từ các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Phần như Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Tuy, Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Tuy, vân vân. Từ xưa đến nay, Thủ Đức vẫn luôn là một vùng dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập, thương mãi phồn thịnh với nhiều khu công nghiệp và chế xuất vững chắc. Trước năm 1975, Thủ Đức là quận trù phú nhất của tỉnh Gia Định. Theo thống kê của bộ Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1970, quận Thủ Đức(9) có tổng diện tích khoảng 200 cây số vuông, với tổng dân số khoảng 184.989 người trong 15 xã. Thủ Đức nằm sát cạnh Sài Gòn, trước năm 1965, từ Sài Gòn lên Thủ Đức thường phải đi qua Cầu Bông tại Đa Kao, vào vùng Bà Chiểu, qua ngã tư Bình Hòa và ngã năm Bình Hòa, qua cầu Băng Ky, cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa, rối đến cầu Ngang trước khi vào chợ Thủ Đức. Theo con đường nầy thì từ Sài Gòn lên Thủ Đức khoảng 15 cây số, nơi đây có nhà ga xe lửa đi miền Trung. Sau năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thêm xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy xi măng Hà Tiên, đến khu làng Đại Học Thủ Đức, rồi rẽ trái tại ngã tư Xa Lộ để vào chợ Thủ Đức. Nếu quẹo phải là đi vào trường bộ binh Thủ Đức.
Về phương diện tôn giáo, ngay từ thời các chúa Nguyễn, vùng Gia Định, Sài Gòn và Thủ Đức đã từng là trung tâm tôn giáo cho toàn cõi Nam Kỳ. Ngay từ những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, các nhà sư từ miền ngoài đã vào Nam xây dựng chùa chiềng. Hiện tại vùng Thủ Đức có rất nhiều chùa, như chùa Huê Nghiêm, chùa Huỳnh Võ, chùa Long Nhiễu, chùa Vạn Quang, chùa Pháp Trí, chùa Vô Ưu, chùa Thiên Phước, chùa Nhất Trụ, chùa Bửu Long, chùa Thanh Sơn, chùa Xá Lợi, chùa Kiều Đàm, chùa Pháp Bảo, và chùa Thiên Minh. Bên cạnh đó, Thủ Đức còn có một số nhà thờ Thiên chúa như nhà thờ Francisco, nhà thờ dòng Đa Minh, nhà thờ Tu Viện Khiết Tâm, nhà thờ họ đạo Thủ Đức, và Hội Thánh Tin Lành Hiệp Phú. Về phía Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ thì có Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung tại xã Linh Xuân. Về đình miễu, Thủ Đức còn có rất nhiều ngôi đình cổ như đình Phong Phú trong xã Tăng Nhơn Phú. Ngoài ra, Thủ Đức còn có nhiều kiến trúc đáng kể như Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức, trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trong những trường quân sự nổi tiếng nhất tại Đông Nam Á. Kế bên trường Bộ Binh Thủ Đức là trường Sĩ Quan Thiết Giáp. Bên cạnh đó còn có nhiều kiến trúc đáng kể khác như trường Đại Học Thủ Đức, làng Đại Học Thủ Đức, trường Dòng Lasan Thủ Đức, trường Quân Nhạc Việt Nam Cộng Hòa, và nhà thờ Cổ Vinh, vân vân.
Bên cạnh những kiến trúc tôn giáo vừa kể, hiện tại trong phạm vi quận Thủ Đức còn có khu lăng mộ của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, ngoại tổ của vua Thiệu Trị. Cụ Hồ Văn Bôi là cha của bà Hồ thị Hoa, phối thất của vua Minh Mạng, người đã sanh ra hoàng từ Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau nầy. Tại làng Phong Phú, thuộc tổng An Thủy, có ngôi đình cổ Phong Phú. Sau năm 1940, làng Phong Phú được đổi tên thành Tăng Nhơn Phú, nhưng ngôi đình vẫn giữ tên Phong Phú. Từ Sài Gòn theo xa lộ Biên Hòa, qua khỏi làng Đại Học Thủ Đức, rẻ phải tại ngả tư xa lộ, đi về hướng trường Bộ Binh Thủ Đức, khoảng hơn một cây số, chúng ta sẽ thấy bên tay phải là ngôi đình Phong Phú. Từ ngoài cổng đình đi vào bằng một con đường đá ong quanh co, hai bên là những khu vườn cây ăn trái, bên trái là chùa Linh Phong, xa hơn chút nữa là đình Phong Phú. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất ở miền Nam. Theo các bậc kỳ lão địa phương thì ngôi đình nầy đã được xây dựng trên hai thế kỷ nay. Theo họ, sở dĩ đình không có tên của vị thành hoàng bổn cảnh cũng như không có sắc phong vì sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm thành Gia Định, dân trong vùng xây dựng ngôi đình để thờ một vị tướng của Tây Sơn tên là Nguyên Hóa nên họ không dám nói tên và cũng chính vì vậy mà đình cũng không có sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Năm 1948, trong thời chiến tranh Việt-Pháp, đình bị thiêu hủy hoàn toàn. Sau năm 1954, cư dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ, nhưng đến năm 1968, trong trận Tết Mậu Thân, đình lại bị thiêu rụi lần nữa. Năm 1969, cư dân trong vùng lại tái xây dựng theo như mô hình hiện nay.

Trước Năm 1975, Thủ Đức Đã Từng Là Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn:

Sau năm 1955, mặc dầu Thủ Đức đã được phát triển rất mạnh về mọi phương diện, từ xây cất đến công thương nghiệp và kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất thời VNCH, như nhà máy dệt Vimytex, nhà máy sửa hộp Foremost, nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy nước Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, nhà máy kim khí Vikimco, nhà máy làm tôle Vinaton, vv..., và bên cạnh những khu rừng cao su, Thủ Đức vẫn còn có những ruộng lúa, những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi. Chính vì vậy mà cư dân thành phố Sài Gòn trước năm 1975 thường gọi Thủ Đức là mảnh sân sau của Sài Gòn, vì sau những ngày làm việc mệt nhọc họ có thể đi Thủ Đức nghỉ xả hơi. Có nhiều lý do khiến cư dân Sài Gòn trước năm 1975 chọn Thủ Đức làm nơi nghỉ xả hơi cuối tuần, vì thứ nhất Thủ Đức không xa Sài Gòn, thứ nhì trong thời chiến tranh Quốc Cộng, Thủ Đức là vùng tương đối có an ninh hơn các vùng phụ cận khác, thứ ba như trên đã nói Thủ Đức hãy còn những ruộng lúa và những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi, và thứ tư là vùng Thủ Đức có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như món nem nướng Thủ Đức đã nổi tiếng từ thời còn Pháp thuộc. Phải nói vào khoảng những thập niên 1920 đến 1950, nem Thủ Đức nổi tiếng vào bậc nhất của đất Nam Kỳ, nhưng sau năm 1955, nhiều nơi ở Lái Thiêu và Sài Gòn cũng mở nhà hàng chuyên bán nem nướng cũng rất ngon, không kém gì nem Thủ Đức, nên số lượng người đi Thủ Đức ăn nem cuối tuần đã giảm đi rất nhiều. Nói tóm lại, dưới thời VNCH (1955-1975) khi mà Thủ Đức chưa bị hoàn toàn đô thị hóa, mỗi cuối tuần đều có hàng ngàn thị dân nghèo và trung lưu của vùng Sài Gòn lên đây nghỉ xả hơi, và họ có nhiều nơi để lựa chọn, một là họ có thể lên Thủ Đức nghỉ xả hơi và thưởng thức món nem nướng “số dách” tại đây, hai là họ có thể lên Lái Thiêu hoặc Bình Dương ăn trái cây. Trong khi đó những người khá giả hơn có thể đi Long Hải hay Vũng Tàu tắm biển.

Thủ Đức Sau Năm 1975:
Đến Sau năm 1975, chánh quyền mới bãi bỏ và sáp nhập toàn thể lãnh thổ tỉnh Gia Định vào thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức. Chánh quyền mới xây thêm một con lộ mới từ Sài Gòn đi Thủ Đức, từ đường Hồng Thập Tự(10), qua ngã tư Hàng Xanh, theo quốc lộ 13, qua cầu Bình Triệu, qua ngã tư Bình Triệu rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa. Xe đò đi từ Thủ Đức xuống Gia Định thường qua hai ngã cầu Bình Lợi và ngã tư Hàng Xanh. Trước năm 1975, giữa Cầu Gò Dưa và chợ Thủ Đức hãy còn rất nhiều cánh đồng lúa, xen kẽ những khu vườn cây ăn trái, nhưng sau năm 1975 người ta cất nhà dầy đặc dọc theo con đường nầy, biến Thủ Đức hoàn toàn thành một quận nội thành(11), chứ không còn cảnh quang nửa quê nửa chợ như trước đây nữa. Đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Quận Thủ Đức mới(12) có diện tích khoảng 4.726 mẫu tây, với tổng dân số khoảng 151.818 dân, gồm 12 phường. Trong khi quận 2 có 6 xã(13). Quận 9 cũng có 6 xã(14).
Trước năm 1975, cảnh quang Thủ Đức hãy còn nửa quê nửa chợ, nhưng kể từ năm 1975 trở về sau nầy, Thủ Đức đã hoàn toàn bị đô thị hóa. Một trong những lý do chính khiến Thủ Đức không còn nửa tỉnh nửa quê do bởi hiện tại phạm vi của quận Thủ Đức thời trước đã trở thành những quận nôi thành: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Riêng quận Thủ Đức mới về bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía nam giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp quận 2, và phía tây giáp quận 12, bao gồm các phường Linh Đông, Linh Trung, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh và thị trấn Thủ Đức, với diện tích khoảng 48 cây số vuông và dân số 175.165 người, theo thống kê năm 1997. Chính vì thế mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông và điện nước. Về diện tích canh tác, toàn quận Thủ Đức ngày nay chỉ còn khoảng 2.000 mẫu đất trồng trọt, nhưng trong một tương lai rất gần sắp tới, 2.000 mẫu đất ruộng vườn còn lại nầy cũng sẽ chịu chung số phận đô thị hóa. Tuy nhiên, về mặt công nghiệp, ngày nay Thủ Đức có rất nhiều nhà máy cũng như xí nghiệp của cả trong nước lẫn nước ngoài, như các công ty sơn ICI, công ty thuốc thú y BIOS Pharmachemie của Bayer, công ty Panasonic, công ty nước ngọt Cocacola, công ty nhớt Castrol, vân vân. Riêng tại phường Linh Trung có khu chế xuất Linh Trung với diện tích trên 150 mẫu đất, được xây dựng từ năm 1993. Khu chế xuất nầy quy tụ khoảng 32 công ty ngoại quốc với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 170 triệu Mỹ kim. Đến năm 1996, Thủ Đức có thêm khu công nghiệp Linh Trung-Linh Xuân, rộng trên 450 mẫu, và khu công nghiệp Bình Chiểu, rộng khoảng 200 mẫu. Về thương mãi, ngoài những ngôi chợ đã có từ trước như Bình Triệu, Linh Xuân, Phước Long, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Tân Phú, vân vân, quận Thủ Đức còn có rất nhiều khu thương mại lớn tại các phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Bình Chiểu, và Linh Xuân. Về mặt du lịch, hiện tại quận 9(15) có khu du lịch Suối Mơ trong phường Long Bình, khu du lịch Suối Tiên trong phường Tân Phú, Sân Chim trong phường Long Thạnh Mỹ, đây là một cù lao của sông Đồng Nai. Công viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc có diện tích trên 400 mẫu đất, hiện đang được xây dựng trong phường Long Bình, thuộc quận 9. Công Viên Nước Sài Gòn, tọa lạc trong phường Linh Đông, và Thế Giới Nước tọa lạc trong phường Long Thạnh Mỹ, thuộc quận 9. Ngay từ trước năm 1975, Thủ Đức đã rất nổi tiếng là xứ nem, với đủ các loại nem từ nem chua đến nem nướng. Ngoài ra, Thủ Đức còn là quê hương của những loại hoa kiểng cung cấp cho các vùng Sài Gòn-Gia Định.
Không riêng gì các vùng Sài Gòn, Gia Định hay Thủ Đức, mà hình như bất cứ nơi nào của vùng một thời mang tên Nam Kỳ Lục Tỉnh đều bàng bạc những kỷ niệm về một thời mang gươm đi mở cõi của tiền nhân. Riêng về vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” ngày trước là cái nôi phát triển văn hóa, chính trị và kinh tế chính yếu của dân tộc Việt Nam trên bước đường Nam Tiến. Ngày nay, khu nầy cũng chính là nơi có tiềm năng kinh tế rất lớn, nhờ có những ưu điểm thuận lợi về giao thông thủy bộ và đường sắt. Nói tóm lại, lúc nào vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” cũng đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế, không riêng của miền Nam, mà còn cho cả nước nữa.

Chú Thích:

(1) Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đã cho thấy trên các vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Đức, Gia Định, Sài Gòn, vân vân, đã có cư dân cư trú từ thời tiền sử. Văn hóa của những cư dân cổ nầy có liên hệ tới văn hóa đá cũ tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh và Định Quán, liên hệ tới văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn tại vùng Suối Chồn, liên hệ tới văn hóa đá mới tại vùng Cầu Sắt, liên hệ tới văn hóa đá mới và đồng tại các vùng Núi Gốm, Bến Đò, An Sơn, liên hệ tới văn hóa đồng-sắt tại các vùng Dốc Chùa, Suối Chồn và Rạch Núi, liên hệ tới văn hóa Sa Huỳnh tại các vùng Hàng Gòn, Thủ Đức, Phú Hòa, Giồng Phệt, và Giồng Cá Vồ, liên hệ tới văn hóa Đông Sơn tại các vùng Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Lộc Khánh và Phú Chánh. Ngoài ra, toàn vùng, trong đó có Thủ Đức đều có những di chỉ liên hệ tới văn hóa Óc Eo và Hậu Óc Eo. Điều nầy cho chúng ta thấy trước khi vương quốc Phù Nam được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch thì đa phần các bộ tộc cổ đã cùng nhau sống cộng cư chứ chưa có sự phân định cương vực và lãnh thổ một cách rõ ràng.
(2) Các cư dân cổ trong vùng nầy bao gồm người Mạ, Stiêng, Mnông, Cơho, Churu, vân vân, mà người Việt gọi họ là “Man” hay “Mọi”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho. Theo B. Bourotte trong Essai d’histoire des populations montagnardes du Sud – Indochinois jusqu’à 1945, Saigon 1955, tr. 31, tuy phải triều cống Cao Miên, Mạ vẫn là một tiểu quốc tự do. Tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam trên lưu vực sông La Ngà và về phía Bắc trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng ngày nay.
(3) Tệ nạn buôn bán nô lệ người Mạ của người Khmer chỉ chấm dứt khi người Việt đến đây thiết lập bộ máy hành chánh để trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, lúc đầu những lưu dân Việt Nam cũng cần một số đông tôi tớ để phụ giúp trong chuyện khai hoang nên nạn mãi nô vẫn tiếp diễn. Theo Phủ Biên Tạp Lục: “Từ các cửa biển như Cần Giờ, Soài Rạp... đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn ngàn dặm... Nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất... Lại cho họ thâu nhận người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ...”
(4) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ đời các tiên hoàng, tức thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên, vùng Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá và định cư sớm nhất. Cũng theo Trịnh Hoài Đức, vùng Mô Xoài, tức Bà Rịa ngày nay là vùng địa đầu của Trấn Biên, tức là vùng mà những lưu dân người Việt đặt chân vào để khai phá mở mang vùng Nam Kỳ ngày nay.
(5) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, trước khi người Việt đến khai khẩn vùng Đồng Nai thì nơi đây hãy còn là một vùng rừng rậm cả mấy ngàn dặm, nơi chỉ có một vài cộng đồng cư dân của các bộ tộc cổ cư trú mà thôi.
(6) Theo hồi ký của Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý, đã từng sống tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
(7) Theo số liệu của Bộ Thông Tin Văn Hóa VNCH năm 1970.
(8) Vì theo nghị định số 3 CP do Thủ Tướng CSVN Võ văn Kiệt ký ngày 6 tháng 3 năm 1997, quận Thủ Đức ngày trước được tách ra làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9.
(9) Quận Thủ Đức gồm 15 xã: Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Phú Hữu, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng, Linh Xuân, An Phú, Phước Long, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình, Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú, và Phước Bình.
(10) Bây giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
(11) Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam và Danh Mục Các Đơn Vị Hành Chánh Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê, xuất bản vào năm 1993, huyện Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, gồm thị trấn Thủ Đức và 20 xã: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Linh Trung, Tam Phú, Tam Bình, Phước Long, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, An Phú, Bình Trưng, Phú Hữu, Long Trường, và Thạnh Mỹ Lợi.
(12) Quận Thủ Đức mới có 12 phường: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân, Linh Chiểu, Trường Thọ, Bình Chiểu, Linh Tây, Bình Thọ, Tam Bình, và Linh Trung.
(13) Quận 2 bao gồm các xã An Phú, Bình trưng, An Khánh, Thủ Thiêm, và Thạnh Mỹ Lợi.
(14) Quận 9 bao gồm các xã Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Trường, Phước Long, Tân Phú, và Hiệp Phú. 
(15) Thuộc phạm vi huyện Thủ Đức ngày trước.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét