Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Trăm Nhớ Ngàn Thương


Nhớ Cảnh Nhớ Người...

Hơn mấy chục năm biệt cố hương
Nhớ bao kỷ niệm dẫu tha phương
Nhớ trường nhớ lớp khi đùa phá
Nhớ bạn nhớ bè lúc ghét thương
Nhớ sắc nhớ hình từng góc phố
Nhớ tên nhớ cảnh mỗi con đường
Nhớ tình vụng dại thời hoa bướm
Đêm mộng ngày mơ mãi vấn vương
(nhất hùng)

Dẫn Nhập:

Thời niên thiếu tôi ở Sài Gòn, lúc trung niên vẫn ở đấy nhưng phố đã bị đổi tên. Đổi gì thì đổi, mỗi lần nhắc đến nơi thân yêu ấy tôi vẫn gọi là Sài Gòn, thế mà ai cũng biết, ngay cả thế hệ sinh ra, lớn lên sau cái ngày oan nghiệt của tháng tư đen cũng vẫn biết Sài Gòn là đâu. Tôi tin cái tên Sài Gòn sẽ đời đời sống mãi trong lòng người dân Việt.

Hôm nay được đọc hai bài trên Net: NHỚ SÀI GÒN CHỐN CŨ ĐƯỜNG XƯA của Chàng Hiu và bài TÂN ĐỊNH VÀ ĐA KAO THỜI THƠ ẤU - NAY CHỈ CÒN TRONG KỶ NIỆM của Trần Đình Phước.

Tôi từng ở “Gần Cổng Xe Lửa Số 7 (nhà Bà Nội) - Bàn Cờ Nguyễn Thiện Thuật - Phan Thanh Giản (khúc gần Mì Cây Nhãn, gần Đa Kao Tân Định). Bài viết gợi cho tôi bao kỷ niệm, kể sao cho hết. Tôi gởi bạn đọc hai bài trên và viết ké vài kỷ niệm của tôi. Vì nhớ và yêu Sài Gòn nên bắt gặp bất cứ “Hình Ảnh Sài Gòn Xưa” nào, tôi đều lưu lại và làm thành một Album.

Nhắc ké vài kỷ niệm:

Nhớ những lúc ở Phú nhuận, tụ bạn tụ bè đến Đình PN bắn bi, đánh lộn… Nhớ những ngày hè, sách ná giả vờ đi bắn chim nhưng để trộm trái cây, có lúc trèo qua cả những rào tường cao, trên cắm đinh hoặc mảnh chai, một lần “báo động”, thằng bạn trèo ra bị hàng rào có mảnh chai cắt đứt tay, máu chảy kinh lắm. Nhớ lúc cả bọn đi tắm piscine Chi Lăng, đùa nghịch đè nhau, có thằng xém chết đuối.

Nhớ ngày Tết Mậu Thân, đứng trên sân thượng nhà Bà Nội, khu cổng xe lửa số 7 để xem Trực Thăng bắn rocket vào Tổng Tham Mưu, cứ như là ciné. Nhớ khoảng tháng ba năm ấy, về lại nhà ở Bàn Cờ Quận 3, một hôm, cả xóm, có tôi xúm lại đầu hẻm để thản nhiên xem Nhảy Dù đánh nhau với đặc công vc đột nhập nơi cuối hẻm, mặc cho đạn bắn đùng đùng. Vài giờ sau, một anh lính, tay cầm súng, vai khoác hai khẩu AK đi ra rồi lượn qua lượn lại, nom hãnh diện lắm, dân kháo nhau - một mình anh ấy bắn chết hai đặc công - một người lính khác ra sau, tay xách bình xăng nhựa và kể - tụi nó chuẩn bị đốt nhà -. Một lúc sau, xe cứu thương đến, từ trong hẻm khiêng ra hai xác, chẳng che phủ gì, thây chi chít lỗ đạn và một nữ đặc công, tay bị trói, giải lên chiếc Jeep rồi xe lao vút đi. Hết phim, tan hàng. Về nhà, thấy mẹ tôi, hớt hơ hớt hải túm quần áo các con vào những chiếc mền để chuẩn bị chạy giặc. Tôi trấn an mẹ: “chết hết rồi”. Mẹ chỉ hỏi lại: “chết hết rồi hả”. Rồi thản nhiên ra bán hàng, chợ búa lại đông như ngày thường. Chẳng còn ai nhớ đến chuyện vừa xảy ra. Xóm tôi chẳng ai quan tâm, chỉ tích tắc thôi, nếu “anh nhảy dù” không ra tay kịp, cả xóm sẽ ra tro, cả ngàn người sẽ màn trời chiếu đất. Trước đấy, trong những ngày Tết, khu Bà Lớn, đối diện nhà tôi, bị đặc công đốt trụi, sau này xây lại thành chung cư, gọi là chung cư Nguyễn Thiện Thuật.

Nhớ bạn gái, bạn trai, nhớ lớp, nhớ trường Chu Văn An, những lần dại dột đua xe, những lần đi đánh lộn với trường khác, những lần đi bán bích báo xuân, những lần cúp cua xuống Trưng Vương tán “gái”…Nhớ thời sinh viên, nhớ trường Sư Phạm, nhớ trường Văn Khoa, nhớ trường Luật, nơi học ghi danh…, học thì ít, chơi thì nhiều…nhớ mùa hè đỏ lửa năm 1972, một ngày vào lớp, râm ran có lệnh tổng động viên, hầu như tất cả bạn nam đều vô tư, sẵn sàng trình diện lên đường chiến đấu…

Nhớ tháng Tư đen, tin xấu dồn dập đưa về, sinh hoạt bề ngoài của Sài Gòn có vẻ vẫn bình thường, hàng quán vẫn mở, những ngày 25, 26/04 nhóm bạn tôi vẫn hẹn nhau ở quán café. Gần ngày 30, gia đình tôi tứ tán, sau đó thì ly tán. Nhớ, chẳng hiểu sao mà chỉ một hai ngày sau nhà tôi nghèo kinh khủng…cả Sài Gòn cũng nghèo kinh khủng…Rồi Sài Gòn mất tên.

Kẹt giỏ, ở lại thành phố mất tên. Vất vả tìm việc làm để sống, cái đói cái nghèo nhiều lần làm mất danh dự, mất nhân phẩm ghê gớm…bạn đến thăm, mừng lắm, mến lắm nhưng đến giờ ăn rồi sao vẫn chưa về, chả lẽ đuổi, không đuổi thì đâu có đủ gạo mời bạn, nhà mình còn đói mà. Bạn thân ở xa đến, bất ngờ mượn cái xe đạp, phải nói thẳng, mày muốn đi đâu, tao chở đi, chứ mày vô ý làm mất xe thì tao cùi chân luôn (nhiều chuyện khốn nạn lắm, bây giờ nhớ lại, thật ân hận, thật hối tiếc). Nếu bảo buồn vui gì cũng là kỷ niệm, thế thì nhiều lắm nhưng “khúc đời trung niên” vui ít buồn nhiều nhưng kể ra, hầu hết những người từng “kẹt giỏ” sẽ nói, ối giời ơi, buồn thế nhằm nhò và thấm tháp gì với tôi.

Mời bạn xem HÌNH SÀI GÒN XƯA và đọc hai bài viết thật hay, thật công phu của Chàng Hiu và Trần Đình Phước.

Nhất Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét