Thơ là cõi bềnh bồng mà thi nhân là người có tâm hồn đa cảm nên đã tìm vào cõi mộng. Nguồn thơ là một phẩm vật tinh thần của trời ban đến với thi nhân nào có hẹn thời gian hay độ tuổi, tâm hồn thi nhân dù ở thời thanh xuân hay lúc xế chiều thì nguồn cảm hứng vẫn dạt dào cuồn cuộn. Nhà thơ Vân Uyên tuổi đời đã cao mới bắt đầu làm thơ nhưng thơ ông mượt mà, kỹ thuật vững vàng điêu luyện. Ông làm thơ không nhiều nhưng thơ của ông lại mang tính độc đáo vì ông quan niệm «cầu tinh bất cầu đa » nên rất cẩn trọng tỉ mỉ chọn lựa từng câu chữ, ngữ nghĩa cho ý thơ. Hơn nữa do tích lũy vốn sống và kiến thức rộng, ông lại thích nghiên cứu đọc rất nhiều sách của nhiều tác giả trên thế giới nên đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng trên con đường Thi Ca.
Nhà thơ Vân Uyên tên thật: Nguyễn Văn Ái, sinh năm 1920 tại Hà Nội và mất năm 2015 tại Paris. Sang Pháp học Y Khoa vào giữa thập niên 40 và đã tốt nghiệp bác sĩ trở về nước năm 1955 của thế kỷ trước. Ông nguyên là viện trưởng viện Pasteur Việt Nam (Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang 1955 1975), giáo sư Y Khoa Đại Học Sài Gòn bộ môn Vi- Sinh- Vật- Học, từ năm 1955- 1975. Ông là anh ruột của thi nhạc sĩ Tử Phác, người từng vang bóng một thời có những nhạc phẩm tiền chiến :Tiếng Hát Quay Tơ ,Tiếng Hát Lênh Đênh..vv…. Tử Phác là thư ký tờ báo Nhân Văn Giai Phẩm, và cũng là nạn nhân bị tù đày trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa!
Nhà thơ Vân Uyên là tác giả 4 thi tập: Những Vần Thơ Lưu Niệm, Tình Thơ Paris, Duyên Kiếp Thiên Tình,Nghĩa Nợ Tình.
Những tác phẩm trước năm 75: Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de “Chardin”do Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965.
Giáo sư Nguyễn Văn Ái dù là một nhà Khoa học nhưng mang tâm hồn thi sĩ luôn hướng đến một "chân trời lãng du". Tuy ông rất thích đọc thơ, nhất là cổ thi và những bài bình luận thơ nhưng Vân Uyên không bao giờ nghĩ sẽ có ngày làm thơ. Bất ngờ BS Tuyết Lan người ngẫu phối mà Vân Uyên yêu mến với biết bao kỷ niệm đẹp của thuở trẻ, thời cùng du học ở Paris hai tâm hồn như một, nguyện cùng đồng hành trọn đường cho đến ngày tóc bạc dù cho đường đời có trần bổng. Từ khi "Song song nhất thể lại rồi chia hai", sự ra đi của người bạn đời vào năm 1996 khiến Nguyễn Văn Ái cảm nhận tận cùng nỗi đau của sự mất mát, và thấm thía nỗi cô đơn nên những lúc hồi tưởng nhớ người bạn đời ngồi ghi lại một vài kỷ niệm tự nhiên thấy thơ từ nỗi đau sâu kín nhất ùa đầy trong tâm hồn theo dòng cảm thành suối thơ, và từ đó Vân Uyên làm thơ. Có lẽ chỉ có thơ mới chia sẻ được nỗi cô đơn, và những lúc cô đơn hồn dễ xúc cảm những ý hay. Chữ tình là điều thiêng liêng nhất mà con người không thể thiếu và tách rời từ đó khởi nguyên của những nỗi buồn vui đau khổ hay hạnh phúc. Trong tình yêu có tình yêu cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và còn nhiều thứ tình khác….
Trong tình yêu lứa đôi có tình phu thê là nặng nghĩa, mãnh liệt, tha thiết, đôi khi vượt lên mọi thứ tình khác, Đối với đức tin của một số tôn giáo tình nghĩa phu thê thật thiêng liêng vì là họ xương thịt của nhau.
Trong tập Thơ Vân Uyên ngoài những bài quê hương, tâm linh còn có những bài thơ tình về sự nhất thể, tình phu thê đậm sâu tính tôn giáo. Thơ Tình của Vân Uyên thuộc loại tâm linh nhưng đầy lãng mạn nói về sự chung thủy. Đây là những bài thơ tình độc đáo nói về tình yêu nối kết giữa người còn sống và người đã khuất, giữa sự hoang mang và đức tin.
"Tình chỉ tình, khi tình chung thủy
Có yêu nhau hồn xác mới là yêu
Có yêu nhau sống thác mới là yêu
Tình người ghép mối thiên tình "
…
Nhà thơ Vân Uyên ngước mặt nhìn trời nguyện cầu trong bài Tình Chỉ Tình:
"Con của Trời biết khổ vẫn yêu."
Chữ Tình thật bao la và vĩ đại , tình của Người, tình của Trời. Khi tơ duyên vợ chồng của Vân Uyên bị đứt đoạn nhà thơ đau khổ vì yêu thương nhớ người bạn đời đã mất ông viết:"Con của Người biết yêu là khổ". Là một tín đồ công giáo nên câu thơ Con của Người là con cái Chúa, và nỗi khổ đó chỉ đơn thuần là tình lứa đôi; Nhưng Thiên Chúa Con của Trời mang một tình yêu vĩ đại yêu nhân loại. Ngài biết thế gian đầy khổ ải nhưng vẫn xuống thế để chuộc tội cho nhân loại:"Con của Trời biết khổ vẫn yêu".
Nợ Tình là bài thơ tâm linh giữa người dương gian và người thiên thu:
Có yêu nhau sống thác mới là yêu.
Giữa đức tin và khoa học trong con người tín hữu GSTS Nguyễn văn Ái. Tình yêu lứa đôi dù tuyệt đẹp so với đời người thì cũng ngắn ngủi.
" Tình đến gặp tình một kiếp thôi" Tình yêu lứa đôi chỉ ở kiếp này bên nhau mới thật hạnh phúc, nhà thơ ngại rằng ở cõi khác nếu có gặp nhau chắc gì còn tình lứa đôi!
"Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ
Ai thấy hôn ai ở chốn nao ?"
Nhà thơ tự hỏi: "Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ?" "Con người từ nhất thể song đôi tại sao trời bắt phân ly? Phải chăng định luật của tạo hóa con người vẫn phải phân ly, cho dù sự phân ly đó chỉ ở phần thể xác, còn phần hồn vẫn quyến luyến không tách rời nhau?
"Nhẹ bụi điêu linh vẫn xót thương,trong đêm thoáng động dây tơ vương. Trở về gỡ mối tương tư cũ, điểm mộng vào thơ phảng phất hương. » Đoạn thơ tình tuyệt vời; nhưng "Ai thấy hồn ai ở chốn nao"
Có lẽ con người khoa học trong nhà thơ trỗi dậy đâm hoang mang!
Nợ Tình
"Gió thoảng hồn du phiếm hiếm cao
Bao la mở ánh huyền huyền sao
Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ
Ai thấy hồn ai ở chốn nao?
Nhẹ bụi điêu linh vẫn xót thương.
Tong đêm thoáng động dây tơ vương
Trở về gỡ mối tương tư cũ
Điểm mộng vào thơ phảng phất hương.
Tình đến gặp tình một kiếp thôi
Từ yêu sáng thế tình song đôi
Tâm in phúc hứa Thần linh ước
Trí tích vinh danh vịnh Thánh Ngôi.
Thập ác, huyền thân, tử ,phục sinh
Tình Trời duyên Tội lẽ u minh
Hồn về thử hỏi nơi nguyên tạo
Tân Cựu thiên thu nghĩa nợ tình."
Trong bài Khói Trầm Bay nhà thơ Vân Uyên tả lại cảm xúc khi nhìn thấy đôi chim khuyên mà chợt bùi ngùi nhớ người bạn đời xưa vì mỗi độ xuân về có đôi chim khuyên bay đến lượn hót trong vườn. Xuân này đôi chim khuyên lại đến nhưng thiếu tiếng người bạn đời gọi ra xem:
"Đôi khuyên chim chíp song song
Dâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi
Đường đời còn mấy nổi trôi
Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai.
thôi thì đến thế thì thôi
Tinh anh thể phách kiếp người biết sao!
Thiên nhan ước hẹn trời cao
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay.
Nguyện cầu hương khói trầm bay
Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu?
Kiếp này đành gẫy nhịp cầu
Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu niềm vui.
( Khói Trầm Bay)
Bài thơ tình đầy tha thiết diễn tả nỗi lòng tác giả khi nhìn cảnh cũ chợt tiếc nuối người xưa có sầu nhưng không bi lụy vì tác giả dựa vào đức tin sẽ có một ngày sẽ gặp lại người xưa ở Nước Chúa. Hai câu thơ:
"Thiên nhan hẹn ước trời cao,
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay."
Hai câu thơ đã nói lên niềm hy vọng tôn giáo sẽ gặp nhau trước mặt Thiên Chúa, dù tin tưởng nhưng tâm hồn thi sĩ đa cảm vẫn thắc mắc ở nơi huyền bí đó về thân phận của hai người có còn là vợ chồng nữa không ? (mặt nào, tay nào). Từ đó cùng với việc làm thơ đời sống đạo của Vân Uyên chuyển hướng về nội tâm, tuy bề ngoài trong khuôn khổ Giáo Hội vẫn là một con chiên ngoan đạo. Vân Uyên diễn tả nếp sống đạo nội tâm qua những vần thơ, không những trong những bài thuần túy tôn giáo: Cây Thập Tự, Tấm Mồ Không, Người Là Ai, Tình Ta Với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền, nhưng cả trong những bài thơ tình đời hay tả cảnh. Bài thơ Đọc Phúc Âm đã nói lên niềm tin và suy nghĩ của Vân Uyên:
Gặp ai khi đọc phúc âm
Khi nghe nhắn nhủ thì thầm tiếng yêu
Ngọc châu tòa giảng tín điều
Hướng đi niềm sống ít nhiều thấm trôi.
Hai ngàn năm thuyết ngược xuôi
Ý trào như sóng ngập lời người xưa..
Khởi đầu từ bốn chứng thư
Cộng đồng Dân Chúa tôn thờ thành kinh.
Nguyện cầu thành khẩn tâm tình
Xin ơn tín ngưỡng dâng mình vào mơ
Bí huyền khôn tả lời thơ
Tình người thập tự bên bờ xót thương.
Người, Trời sống chết tơ vương
Phúc Âm là phúc chung đường cùng Ai.
(Đọc Phúc Âm)
Nhà thơ Vân Uyên có thời làm bộ trưởng trong chính quyền VNCH và có thời gian dài bị tù đày dưới chế độ Cộng Sản nên khi qua định cư ở Pháp ông chán ngán thế sự. Nhà thơ đọc rất nhiều sách, trong đó có cuốn Đạo Đức Kinh do triết gia Lão Tử viết ra 600 năm trước Công Nguyên. Theo truyền thuyết thì Lão Tử chán thế sự nên cưỡi trâu đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại "nếu ngài quyết đi đi ẩn cư xin vì tôi để lại bộ sách." Lão Tử ở lại của ải Hàm Cốc viết ra bộ sách "Đạo Đức Kinh" dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.(Trích nguồn)
Bài thơ Thiên Chi Đạo nói lên sự chọn lựa cách sống thanh tịnh của ông:
Thâm thúy phi thường đạo đức kinh
Khí từ man mác gió thần linh
Trường sinh ẩn hiện đời hằng sống
Cương nhược lung linh ánh nước tình
Cây cả ngọn cao mầm hạt bụi
Trí bình tâm thản thuở sơ sinh
Công thành sự toại vô vi đợi
Thanh thoát huyền đồng thắng bất tranh.
(Thiên Chi Đạo)
Thơ của Vần Uyên thấm những tư tưởng của Lão Tử, trong bài Thiên Chi Đạo nhà thơ đã đưa tư tưởng đạo trời của Lão Tử và phúc âm của Thiên Chúa giáo vào thơ:"Đạo không thể dùng lời để diễn tả":
"Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh"
Câu:" Trường sinh ẩn hiện đời hằng sống"
Câu thơ chứa lời của đạo đức kinh (trường sinh) và lời của phúc âm (hằng sống).
Câu:" Cương nhược lung linh ánh nước tình"
Cương nhược là tư tưởng trong Đạo Đức kinh
Nhược nhi thắng cường. Nhu nhi thắng cương.( ĐĐK)
(Yếu thắng mạnh, mền thắng rắn)
Nước tình: Royaume de l'amour (Mt)
Câu:"Cây cả ngọn cao mần hạt bụi"
Hợp bão chi mộc sinh u hào mạt (ĐĐK)
( Cây gỗ tay ôm mọc lên từ từ cái mầm nhỏ)
Câu: "Công thành sự toại vô vi đợi"
Công thành sự toại thân thoái thiên chi đạo (ĐĐK)
(Khi công thành sự toại thân trở về với nguồn là Đạo
của Trời.)
Bài thơ nầy tương đối dễ hiểu nhất trong số thơ ông. Với ông, thi ca là những "rung động của tâm tư bắt nguồn từ những 'tín hiệu' (informations) của Ngôi Lời (le Verbe), cái Ngôi Lời đã tạo nên Sự Sống nơi thế gian rồi gọi mời thế gian trở về với cảnh giới Ngôi Lời". Qua thơ của ông, ta có thể nghĩ "Vân Uyên là 'ngôn sứ của Ngôi Lời ".
Trong một lần Hội Ba Lê Thi Xã hội thảo bàn về thơ Tâm Linh, nhà thơ Vân Uyên góp ý bằng cách đọc một bài thơ của ông để ca ngợi 4 người “đặc biệt” đã trải qua vòng tử sinh mà nhà thơ gặp trong đời, bài thơ mang tên:Đọc Thơ Bốn Người, trong đó có những đoạn về thi sĩ Hàn Mặc Tử:
"Đốt trầm hương tựa án thư,
Ý tình sinh tử đọc thơ bốn người.
Uống trăng say mộng khóc cười,
Hú hồn gánh huyết giữa trời hư vô.
‘ Máu đã khô rồi thơ cũng khô!
Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ"
(Đọc Thơ Bốn Người)
Do ông rất rõ căn bệnh phong nan y, ông giải thích hai câu thơ sau của Hàn Mạc Tử:
“ Khi làm câu thơ ấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đau đớn tột độ vì nguồn thơ sắp cạn, thi sĩ biết mình đã kiệt lực sắp chết trong lúc tuổi đời còn đang kết trái nở hoa! Hàn Mặc Tử là người công giáo có đức tin mãnh liệt nhưng theo tôi thi sĩ chưa thực sự hiểu đạo. Câu thơ:
"Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ"; đã minh họa sự vô định của Hồn sau khi lìa xác; thay vì phải về Nước Chúa".
Trong làng thơ Việt ở Paris nhà thơ Vân Uyên được các bạn thơ trong nhóm Ba Lê Thi Xã qúy mến gọi là “ẩn sĩ ”vì ít tham dự đám đông, thỉnh thoảng ông mới họp thơ và có những lời góp ý là những vần thơ độc đáo. Mỗi lần xuất hiện ông luôn tươi cười, tiếng cười âm vang rộn rã khắp phòng làm mọi người vui lây. Hội thơ Ba Lê Thi Xã đã ngưng sinh hoạt vì rất nhiều thi sĩ đã giã từ cõi đời Hiện nay chỉ còn vài người, tôi là người trẻ nhất trong hội nhưng các vị đó xem tôi là bạn thơ, là tri kỷ. Thi sĩ Bằng Vân Trần Văn Bảng, thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu và tôi rất hợp nhau, chúng tôi thường hay bàn luận về một bài thơ hay,một tác phẩm nghệ thuật giá trị. GS Trần Văn Bảng, GS Nguyễn Văn Ái, GS Thái Hạc Oanh đã về với thiên cổ, BS Nguyễn Bá Hậu đang ở bệnh viện cũng sắp đi, tôi tóc đã bạc bỗng trở nên cô đơn!
Năm 2000 nhà thơ Vân Uyên 80 tuổi, để mừng thượng thọ con cháu của ông đã tổ chức đại lễ thượng thọ mời gia đình và bằng hữu của thi sĩ đến chung vui hơn cả trăm người. Hôm đó có một số ít nhân sĩ được mời lên phát biểu cảm tưởng, tôi đã lên đọc một bài thơ làm tặng thi sĩ Vân Uyên. Năm 2010, thi sĩ Vân Uyên 90 tuổi, lần này con cháu của ông cũng tổ chức lễ đại thượng thọ, ngoài đại gia đình đến mừng tho, số khách mời được hi sĩ Vân Uyên yêu cầu giới hạn trong vòng thân hữu, là những người mà thi sĩ Vân Uyên qúy mến thường gặp gỡ, đó là:Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Ông Bà BS Tạ Thanh Minh, GS Lê Đình Thông, GS Trần Văn Cảnh, nghệ sĩ Thúy Hằng và tôi. Hôm đó tôi cũng làm một bài thơ tặng thi sĩ. Hai bài thơ cách nhau 10 năm đã được thi sĩ đưa vào thi tập hơn trăm bài thơ Vân Uyên, thi tập mang tên:"Nghĩa Nợ Tình" xuất bản tại Paris năm 2011.
Bằng hữu văn nghệ biết tôi biết âm nhạc nên có ít người muốn tôi phổ cho họ một bài thơ nhưng tôi đã từ chối, vì sợ mình không đủ khả năng làm đẹp âm thanh thành giai điệu đẹp cho bài thơ. Nếu tôi phổ chỉ để làm hài lòng bạn sẽ làm hỏng nghệ thuật, lời thơ hay ý đẹp của thi sĩ, dù rằng tôi sử dụng quen thuộc dương cầm và guitare và thỉnh thoảng có viết ca khúc nhưng chưa bao giờ dám phổ thơ của ai! Vào mùa hè năm 2015 gia đình thi sĩ Vân Uyên muốn tổ chức mừng thượng thọ 95 tuổi tại tư gia một biệt thự ngoại ô Paris và đã mời một số khách do chính thi sĩ chọn. Tôi và Thúy Hằng được mời, lần này tôi không thể làm thơ vì những ý hay lời đẹp tôi đều viết ở hai bài thơ trước, nếu làm thêm sẽ trùng ý và không thể hay! Do đó tôi đem những thi tập của Vân Uyên ra đọc nhiều lần để tìm cảm hứng phổ nhạc. Tôi đã thích bài Nợ Tình vì diễn tả tình đời ý đạo, và thi sĩ Vân Uyên cũng thích bài thơ này vì tính độc đáo của nó về sự huyền bí của Tình Trời Tình Người. Hôm đó con cháu của thi sĩ đến hơn trăm người, nhưng số khách chỉ có 4 người là: GS Trương Công Cừu người bạn thâm niên thuở còn du học ở Paris với thi sĩ, ông có thời làm bộ trưởng thời VNCH và là giáo sư các trường đại học ở Sài Gòn trước năm 1975.
Ba người thuộc thế hệ sau: GS Trần Văn Cảnh, Thúy Hằng và tôi. Chiều hôm đó tôi đã đàn và hát tặng thi sĩ bài thơ phổ nhạc lần đầu của tôi. Thi sĩ Vân Uyên rất vui vì thơ nhạc đã giao hòa phát lên âm thanh giai điệu về ý nghĩa Tình Đời Lẽ Đao. Hơn hai tuần sau thi sĩ Vân Uyên đã giã từ cõi trần về gặp người thương nơi Nước Chúa. Bài thơ Tín Điều Trần Ai như một lờ giã từ.
Tóc sương đâu biết ngày đi
Đôi vần cầu nguyện đến thì thì thôi
Đường đời đã cuối chân trời
Hồn nương theo gió những lời Phú Âm
Mai sau lưu lại đạo tâm
Vọng vang lời gọi, thì thầm tiếng yêu
Tình trời tình đất bấy nhiêu
Mỗi đời mỗi ngả tín điều trần aì.
(Tín Điều Trần Ai)
Đỗ Bình
Paris 20.08.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét