Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Dạ Túc Sơn Tự 夜宿山寺 - Lý Bạch(Thịnh Đường)


Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga Mi ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,...

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

Lời phi lộ

Hôm nay mời các bạn bàn tới kỹ thuật tả độ cao trong thơ của Lý Bạch.

Trong bài Thục Đạo Nan, câu mà Lý Bạch đã dùng để tả độ cao của nóc đường sạn Đạo, 捫參歷井仰脅息 Môn Sâm, lịch Tỉnh ngưỡng hiếp tức (mà Con Cò dịch là Sao Tâm sao Tỉnh với tay khều) đã làm mê mẩn độc giả khắp 5 Châu.

Trong bài Dạ Túc Sơn Tự, ngoài kỹ thuật dùng cảm giác sờ mó (Sờ tay với sao đêm), Lý Bạch còn dùng thêm thính giác (Không dám cười lớn tiếng, Sợ kinh động thần tiên), làm cho thơ tả độ cao linh hoạt cực kỳ.

Bài thơ 夜宿山寺 Dạ Túc Sơn Tự tả một ngôi chùa cao xây trên một ngọn núi cao. Hai độ cao nối tiếp nhau, phò trợ cho nhau thì tất nhiên phải cao lắm. Cái khó khăn là phải mô tả cái độ cao tuyệt đỉnh ấy bằng một bài thơ chỉ có 20 chữ. Vì vậy cho nên bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt này, ngay từ lúc vừa sanh ra, đã là yêu tinh rồi, chả cần phải tu luyện lâu năm cho mất thì giờ.

Nguyên tác Dịch âm

夜宿山寺 Dạ Túc Sơn Tự

危樓高百尺 Nguy lâu cao bách xích
手可摘星辰 Thủ khả trích tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Dịch nghĩa

Lầu cao vòi vọi trăm thước,
(với) Tay có thể hái được trăng sao.
Không dám nói lớn tiếng,
Sợ làm kinh động đến người trên trời (thần tiên).

Dịch thơ

Đêm Trú Chùa Núi

Vòi vọi lầu trăm thước*
Với tay hái sao đêm
Không dám cười lớn tiếng
Sợ kinh động thần tiên

*100 thước Tàu dài bằng 40m, muốn nói tới một lầu cao bằng một tòa nhà 13 tầng ngày nay.

Lời bàn

Đề tài là ngủ đêm trên chùa núi mà tuyệt đối không có chữ nào liên quan tới chùa. Không phải họ Lý thiếu chỗ để tả chùa; ông chỉ muốn tả cái độ cao của chùa ấy thôi. Độ cao này được mường tượng trong suốt 4 câu (lầu cao vòi vọi trăm thước, với tay cũng hái được sao đêm, không dám cười lớn tiếng ở trên đó, vì sẽ kinh động thần tiên).

Nhà chọc trời ở Nữu Ước, tuy trên thực tế, cao gấp 8 lần, nhưng trong bài thơ, không cao bằng ngôi chùa này. Nói cách khác, lên đến tầng thứ 100 của tòa nhà chọc trời New York cũng chưa mó được sao đêm và dù chơi nhạc Rock trên ấy thần tiên cũng không nghe thấy (bởi vì nó còn qúa thấp); trong khi chỉ cười lớn một chút trên gác Sơn tự là sẽ làm kinh động thần tiên (bởi vì chùa quá cao).

Chưa thấy chùa nào cao bằng chùa Túc Sơn!
Chưa thấy bài thơ nào tả độ cao tinh vi như bài thơ này!
Gọn khỏi chê. Hay cực kỳ. Cao ngất trời.

Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:

Trọ Đêm Chùa Núi.

Ngất nghểu lầu trăm thước,
Giơ tay hái được sao.
Dám đâu to tiếng nói,
Hoảng sợ người trên cao.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Jan. 6/2024.
***
Nhận được bài của LB gửi, đọc lời bàn của ÔC, BS đang định lên tiếng thì lại nhận được góp ý của Đạo Mò gửi rất sớm, nên phải tra cứu chút đỉnh, và vận trí nhớ để bàn luận cho vui.

# ÔC nói “trăm thước Tàu dài 40 mét” thì BS không đồng ý. Một thước hay XÍCH của Tàu là 1/3 mét, hay 33.33 phân (centimètres). Vậy bách xích chỉ hơn 33 mét thôi.
# Như anh Giám nói, trong y học, khi nói về huyệt đạo, thì xích không phải là đơn vị đo chiều dài. (cũng như trong tiếng Pháp, cellule là phòng giam tù, trong y học là tế bào), nhưng ngoài ra thì nó là 1/3 mét.
# Nhân nói về chiều dài, BS nhớ tới truyện của Kim Dung (Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp) kể về 3 anh em nhà họ Cừu, có tên bằng các đơn vị đo chiều dài, theo thứ tự từ dài tới ngắn.

1) Anh cả là Cừu Thiên LÝ. (Lý là 500 mét). Anh chàng này không có tài cán gì, chuyên giả làm người em để lừa thiên hạ.

2) Anh hai là Cừu Thiên NHẬN. (Nhận là thước đời Chu, bằng 7 xích, cỡ 2.33

mét): Nhận là bang chủ Bang Thiết Chưởng, có 2 môn độc đáo là thiết chưởng và khinh công nên có hiệu là Thiết Chưởng Thuỷ Thượng Phiêu. Nhận rất tàn ác, đã giết con tư sinh của Lưu Phi và Châu Bá Thông, dù đứa nhỏ chưa tới 1 tuổi.
(Lưu Phi là phi tần của Đoàn Nam Đế. Sau Nam Đế đi tu, pháp danh là Nhất Đăng Đại Sư, và Cừu Thiên Nhận lại theo Nhất Đăng đi tu luôn, pháp danh Từ Ân)

3) Cô em út là Cừu Thiên XÍCH: Bà này cũng giỏi võ, lấy Công Tôn Chỉ, chủ Tuyệt Tình Cốc, bị hắn phụ bạc, cho uống mê dược, cắt gân chân tay, thả xuống hang sâu khoảng 20 năm…

# Anh Giám giảng về chữ NGUY rất đúng, có nghĩa là nguy hiểm, còn có nghĩa là cao và không chắc chắn. Câu đầu dùng cả hai chữ nguy và cao, rất khó dịch, chỉ có Bùi Khánh Đản dùng chữ CHÊNH VÊNH là hết xẩy, nên BS sẽ bắt chước.
# Anh Giám thắc mắc về thiên thượng nhân, tôi thì không. Có thể là ngọc hoàng, các vị tiên…hay bất cứ ai cũng vậy thôi.

Đêm Ở Chùa Trên Núi

Chênh vênh lầu trăm thước,
Tay với được trăng sao,
Chẳng dám lên to tiếng,
Sợ kinh người trên cao.

Bát Sách.
(Ngày 06/01/2024)
***
Đêm Ngủ Chùa Núi

Chọc trời cao vợi vợi
Tay vói chạm ngàn sao
Chẳng dám xì xào nói
Ngại kinh động thánh cao

Kiều Mộng Hà
Austin,Texas
***
Ngôi Chùa Trên Núi

Lầu cao vút mây ngàn
Tay với tinh tú chạm
Khe khẽ trò chuyện thôi
Cõi yên tĩnh tiên thần

Thanh Vân
***
Qua Đêm Noi Sơn Tự
 
Lầu cao chót vót đầu non,
Dễ chừng trăm thước, dạ hồn đảo chao.
Tay ngà với được trăng sao,
Muôn vì tinh tú, lao xao canh tàn.
Dám đâu lớn tiếng cười vang,
Sợ e kinh động thiên đàng thượng tiên.

Khánh- Hưng
***
Đêm Trọ Chùa Núi

Ngất ngưởng lầu trăm thước
Trăng sao tay hái liền
Lời to không dám thốt
E động đến thiên tiên!

Lộc Bắc
Jan24
***

Nguyên Tác: Phiên Âm:

夜宿山寺-李白 * Dạ Túc Sơn Tự - Lý Bạch

危樓高百尺 Nguy lâu cao bách xích
手可摘星辰 Thủ khả trích tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Ghi chú:

Nguy lâu: tòa nhà cao tầng (nguy hiểm)
Xích: thước thời cổ Trung Hoa, dài khoảng 1/3 mét
Tinh thần: tên gọi chung các ngôi sao
Bất cảm: không dám, không có can đảm để làm điều gì đó
Cao thanh: lớn tiếng
Thiên thượng: bầu trời
Thiên thượng nhân: người sống chung một bầu trời; các vị trời

Dịch Nghĩa:

Dạ Túc Sơn Tự Đêm Ở Chùa Trên Núi

Nguy lâu cao bách xích Lầu cao vòi vọi trăm thước,
Thủ khả trích tinh thần Tay có thể hái được trăng sao tinh tú.
Bất cảm cao thanh ngữ Không dám nói lớn tiếng,
Khủng kinh thiên thượng nhân Sợ làm kinh động đến người trên trời.

Night At The Mountain Temple by Li Bai

The high tower is hundreds of feet tall,
One's hand could pluck the stars.
I dare not speak loud,
For fear of disturbing the Gods in heaven.

Dịch Thơ:

Đêm Ở Chùa Trên Núi

Lầu cao trăm bộ tít chơi vơi,
Vói hái được sao thật dễ ơi.
Không dám nói năng to tiếng quá,
Sợ làm kinh động các người trời.


*Tựa và Tác Giả Bài Thơ:

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt bên trên là một tuyệt tác thường được cho là thơ của Lý Bạch cũng không phải là vô cớ. Các trang web bên dưới và nhiều trang web khác cũng đồng ý như thế:

全文_解釋_中華古詩文古書籍網 (arteducation.com.tw)
夜宿山寺(李白诗作)_百度百科 (baidu.com)
夜宿山寺原文、翻译及赏析_李白古诗_古诗文网 (gushiwen.cn)
Bài thơ: Dạ túc sơn tự - 夜宿山寺 (Lý Bạch - 李白) (thivien.net)


Trang Bách Khoa Bách Độ bên trên cho bài thơ là tác phẩm của Lý Bạch làm ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc viết về Giang Tâm Tự trên đỉnh Thái Sơn.

Sách Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白 có chép 2 câu cuối và trang 17b tiếp theo cho câu 1 Nguy lâu cao bách xích 危樓高百尺 của bài thơ.

Sách Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書 cho mộc bản có ghi thi nhân là Đường Lý Bạch.

Tuy nhiên bài thơ không được Ngự Định Toàn Đường Thi của nhà Thanh công nhận là thơ của Lý Bạch và không có trong NĐTĐT cũng như trong Toàn Đương Thi Khố.

Trang Sưu Vân cho bài thơ này là của Dương Ức楊億 đời Tống với tựa là Đăng Lâu登樓. Bài của Dương Ức có mộc bản trong các sách:

Xích Thành Chí - Tống - Trần Kỳ Khanh 赤城志-宋-陳耆卿
Sự Thật Loại Uyển - Tống - Giang Thiểu Ngu 事實類苑-宋-江少虞
Thị Tộc Đại Toàn - Nguyên - Khuyết Danh 氏族大全-元-闕名
Từ Thị Bút Tinh - Minh - Từ Bột 徐氏筆精-明-徐𤊹
Toàn Mân Thi Thoại - Thanh - Trịnh Phương Khôn 全閩詩話-清-鄭方坤

Trang Sưu Vân còn cho bài sau đây mới là thơ của Lý Bạch:

烏牙寺 - 李白 Ô Nha Tự - Lý Bạch

夜宿烏牙寺 Dạ túc Ô Nha tự
舉手捫星辰 Cử thủ môn tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Chùa Ô Nha

Ngủ đêm ở chùa Ô Nha,
Giơ tay hái được trăng sao tinh tú.
Không dám nói lớn tiếng,
Sợ làm kinh động đến người trên trời.

Bài thơ này có 2 câu chót giống như bài Dạ Túc Sơn Tự và có mộc bản trong các sách:

Chủ Sử - Tống - Vương Đắc Thần 麈史-宋-王得臣
Mạn Đường Tập - Tống - Lưu Tể 漫塘集-宋-劉宰
Vĩnh Nhạc Đại Điển 永樂大典

và được các trang web bên dưới sử dụng:

Chùa Ô Nha -_Lý Bạch (shuzhai.org)
"Ô Nha Tự" Lý Bạch (ximizi.com)
Thơ cổ chùa Ô Nha - Lý Bạch (shicizhi.com)

Điều đáng lưu ý là không thấy sách nào của Lý Bạch ghi chép bài thơ với tựa Ô Nha Tự.

Một bài thơ khác được chép trong sách Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白:

題峰頂寺 Đề Phong Đính Tự

夜宿峰頂寺 Dạ túc Phong Đính tự
舉手捫星辰 Cử thủ môn tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Bài thơ này chỉ khác bài Ô Nha Tự ở cái tựa và hai chữ Phong Đính thay vì Ô Nha trong câu 1. Bài này cũng không được công nhận trong NĐTĐT và không có trong Toàn Đường Thi Khố.

Kết luận:

Tất cả các bài thơ dù với tựa Dạ Túc Sơn Tự, Đăng Lâu, Ô Nha Tự hay Đề Phong Đính Tự đều có chung 2 câu thơ chót. Ý trong 2 câu đầu cũng gần giống nhau. NĐTĐT của nhà Thanh chu đáo và bao quát, nhưng không công nhận bài thơ này là của Lý Bạch. Sách Lý Bạch thời Đường có ghi nhiều ý của bài thơ, nhưng không có ghi chép trọn vẹn như các bài thơ khác. Gần 300 năm sau, Dương Ức đã dùng những ý này và viết thành thơ và phổ biến chính thức. Ngày nay nhờ internet và các phương tiên truyền thông, chúng ta có thể xem các sách cổ xưa để biết nguyên bản, tác giả và xuất xứ tương đối chính xác hơn.

Xét dưới khía cạnh niêm luật Đường Thi, nếu 2 câu cuối đã cố định thì bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt phải theo luật bằng (thanh của chữ 2 câu 1). Bài Dạ Túc Sơn Tự đúng niêm luật. Hai bài Ô Nha Tự và Đề Phong Đính Tự thất luật và thất niêm ngay ở câu 1, không như phong cách của thơ Lý Bạch.

Phí Minh Tâm
***

Góp ý:

危樓高百尺 nguy lâu cao bách xích.'Cao bách xích' là cao bao nhiêu?

Lối viết 危=nguy tương đối mới, không có trong giáp cốt văn và ra đời trong thời Chiến Quốc, vẽ hình một người đứng trên một đỉnh núi ngụ ý tình cảnh nguy hiểm; lối viết trong tiểu triện là lối hội ý vẽ hình một người quỳ trên vách núi.


Từ nguy về sau cũng được hiểu là cao (như trong nguy lâu), và cái nghĩa hiểm nghèo vẫn còn trong đó. Mặc dù nhiều bàn luận chữ Hán về bài thơ hiểu nguy lâu là lầu cao ngất ngưỡng, không từ điển cổ nào cho từ 危 nghĩa cao cả. Và một điều tạo khó khăn khi tìm cách hiểu cổ thư/thi là vì ta không biết người xưa dùng từ ngữ với nghĩa nào; rất có thể rằng thời Đường chưa có nghĩa cao cho chữ 危!

Các nhà nghiên cứu ngữ học vẫn chưa biết ngữ nguyên của chữ 尺=xích là gì, có lẽ chữ 尺 luôn được hiểu như là một đơn vị đo chiều dài (Thuyết Văn: xích, thập thốn dã; thốn, thập phân dã). Điều phiền toái là thế này: không ai biết chắc phân, thốn, xích dài bao nhiêu, một phần có lẽ vì thời nguyên thủy, thốn không phải là một đơn vị đo lường mà là một từ để chỉ một trong ba điểm chẩm mạch trong y học Hoa Lục, vì chữ 寸vẽ hình một bàn tay với một nét ngang chỉ thốn khẩu (寸口) hay thốn mạch (寸脈), hai điểm kia là 關=quan và 尺=xích. [quan cũng là styloid process, mấu xương tận cùng gần bàn tay của radius]. Theo ngữ nguyên trên, xích này không thể là một đơn vị đo chiều dài.

Cho dù độ dài của xích đã thay đổi nhiều qua lịch sử, nó thường được xem tương đương với 1/3 mét. Và trung bình mỗi người đi 3 bước mỗi mét. Nếu hiểu như thế thì ta có thể đoán rằng người Tàu thời xưa vẽ hình một người đang bước để tượng hình xích và xích nghĩa là bước (step, pace).


Dù sao chăng nữa, 百尺=bách xích tương đương với 30-33 mét - trừ trường hợp ta nhớ rằng bách cũng là một từ để chỉ số nhiều, không hẳn 100 - và 30 mét thì không cao ngất ngưỡng gì lắm; cái sơn tự này chỉ chọc trời vì nó tọa lạc trên đỉnh núi. Xây chùa trên đỉnh núi để được gần, với được ... trời, hay được yên tĩnh để tu hành thì mạnh ai nấy đoán. Trời, thương đế là những khái niệm văn hóa của Hoa Lục vì đạo Phật không thờ trời, thế thì 天上人=thiên thượng nhân của Lý Bạch là ai?

Sau khi bị Đường Huyền Tông tặng vàng bạc, cho uống rượu khắp nơi miễn phí (theo giai thoại) và mời ra khỏi triều đình khoảng tuổi 43-44, Lý Bạch tiếp tục sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ và trở thành đạo sĩ. Rất tiếc rằng ta không biết ông làm bài Dạ Túc Sơn Tự này lúc nào nhưng ta có thể để ý rằng cho dù tựa đề có chữ tự, bài thơ không tả cảnh chùa ngoài chữ nguy đầu câu nhất. Nếu chữ nguy không có nghĩa là cao và nguy lâu có nghĩa là một cái lầu điêu tàn, có nguy cơ bị sập thì người đọc nên hiểu bài thơ thế nào? Cảnh chùa điêu tàn vì không có khách thập phương cúng dường hay vì Phật không độ? Chùa có một cái lầu cao với tới tinh hà nhưng người ở đó không dám nói lớn tiếng vì sợ kinh động thánh thần. Nếu sợ làm kinh động thánh thần thì xây lầu chọc trời trên núi cao để làm gì? Người nào sợ, du khách Lý Bạch hay thầy tu trong sơn tự?

Lý Bạch làm bài thơ này trong tư cách đạo sĩ hay triết gia?

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét