Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Vui Xuân Cùng Rượu Và Thơ


Bước sang năm mới mọi người đều hoan hỷ chào đón chúa Xuân. Khi “xuân vừa về trên bãi cỏ non…” thì hơi rượu lại được dịp bốc lên nhịp theo tiếng nhạc “ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…” Chút men đón Xuân này vừa mong muốn xua tan đi nỗi buồn xa quê hương, giúp quên đi tất cả buồn phiền đời sống lưu vong hiện tại, mong xua đi tất cả những điều không may mắn đã xảy ra ở năm cũ và đón một năm mới sung túc, an khang thịnh vượng. Ta cứ việc thoải mái cùng nâng ly rượu “Chúc Mừng Năm Mới”. Bắt chước các tiền bối như cụ Tam Nguyên Yên Đổ vừa... nhậu vừa làm “câu đối”: “Sáng mồng một, rượu tràn Quí Tỵ, ái chà Xuân!”. Hoặc theo gót cụ Nguyễn Công Trứ thì: “Sáng mồng một, rượu chè say tuý lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà...”

Tuy thế trong sách Giáo Khoa Thư dạy học trò tiểu học thuở trước ở nước ta đã vạch rõ ra cái tai hại trong bài “Người say rượu”: “Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa. Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ. Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.”

Tại phương trời Tây, cái ông thi sĩ Shakespeare cũng nghiêm khắc phê phán chuyện rượu khi phán rằng: “Thượng đế ôi! Con người đã đặt một kẻ thù ở trong miệng họ để lấy cắp trí não họ đi! Thế mà chúng ta lại hoan hỷ, vui thú, hớn hở và tán dương để tự biến chúng ta thành những thú vật”
(transform ourselves into beasts).

Nói thế thì cũng hơi quá đáng đấy! Xin nhớ rằng Rượu còn được nhiều “danh nhân” khác lớn tiếng ca ngợi! Nào là Napoléon, vị Hoàng đế nước Pháp nói về Champagne là một món rượu Pháp sủi bọt (sparkling wine) nổi tiếng thế giới, ông ấy nói rằng: “Khi thắng trận ta uống Champagne để mừng chiến thắng / Khi bại trận ta càng cần phải uống Champagne để giải sầu!”. Nghe thật là… “ba phải” nhưng quả đáng vỗ tay hoan hô cái ông Hoàng đế này!
Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Victor Hugo phụ họa: “Thượng Đế chỉ sáng tạo nước, con người đã chế ra rượu” và tuyên phán rằng cần phải uống rượu để tìm cảm hứng.

Phương Đông ngày xưa các cụ quan niệm "không có rượu thì sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích." Ngoài ý tưởng “tán gái và nịnh đầm” tuyệt vời trong câu này các cụ ta còn nhấn mạnh là người sành rượu phải biết "tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh" (biết vị của rượu, biết hương thơm của rượu, biết sự huyền ảo, biết linh hồn của rượu). Ai dè thi sĩ Baudelaire ở tuốt tận phương trời Tây cũng từng đồng điệu và nói lả lướt rằng: “Chiều nọ, linh hồn của rượu hát trong chai” (Un soir, l’âme du vin chantait dans les bouteilles).

Hơn nữa nhiều người ca tụng rằng kẻ phong lưu phải biết uống rượu và con người lịch sự thì phải “tửu tam bôi”, nghĩa là rượu ba chén. Nhất là đàn ông, con trai mà không biết uống rượu thường bị chê là “nam vô tửu như kỳ vô phong”, trai mà không uống rượu như là cờ không có gió. Chao ôi! Cờ mà không có gió thì nó teo lại và rũ xuống như “kim đồng hồ chỉ sáu giờ rưỡi”, trông... mất hào khí và mất thẩm mỹ vô cùng. Dân nhậu khi có chút rượu vào thường hứng chí tự xưng là con Trời tức là các ông vua ở nơi trần thế vì vua tự xưng là “thiên tử” như câu ca dao:

“Hiu hiu gió thổi đầu non,
Những người uống rượu là con Ngọc Hoàng.”

Người ta còn khoe rằng các nhà “Lưu Linh học” vừa tuyên dương 5 đặc tính quý giá của dân nhậu chuyên nghiệp: Một là “can đảm” vì biết rượu độc hại mà vẫn uống. Hai là “thật thà” vì có bất kỳ chuyện gì trong lòng cũng trình bày ra hết. Ba là “dũng cảm” vì chuyện gì cũng sẵn sàng làm, dù động trời sập đất. Bốn là “giản dị” vì đâu cũng là nhà, chỗ nào cũng làm giường ngủ được và Năm là có “từ tâm”, có lòng yêu thương súc vật, nhậu xong còn “cho chó ăn chè”. Ha! Ha! Ha!

Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao nói hết, chỉ xin kể lại lai rai vài ba chuyện thôi. Trước tiên phải kề tới Lý Bạch đời Đường được thiên hạ tặng cho mỹ danh là “Trích tiên”, “Tửu tiên” không chỉ nổi tiếng vì uống rượu tràn cung mây mà vì những khúc tửu ca hào sảng, đầy sinh khí: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, Duy hữu ấm giả lưu kỳ danh”. Thần cú trong bài “Tương tiến tửu” này được dịch là:

“Thánh hiền bặt tiếng xưa nay
Chỉ dân uống rượu mới hoài lưu danh.”

Kế đến là Nguyễn Du. Khi tóc đã ngả màu cụ đặt bút viết bài “Đối Tửu”. Đây là bài thơ duy nhất trong số 249 bài thơ chữ Hán của cụ chỉ tả việc uống rượu:?: “…Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi”. Cụ mong ước trăm năm cứ được say mèm vì nêu thắc mắc không biết khi qua đời thì ai sẽ tưới rượu vào nấm mộ của mình đây? Tạm dịch:

…“Sống không cạn hết rượu bầu
Chết rồi ai tưới rượu vào mộ đây?”

Tản Đà cũng đã từng hưng phấn với thú uống rượu dù biết là “hư đời”:

“Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say”.

Vì: “Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng cũng đỏ gay ai cười?”

Theo Tản Đà thì dù là Vua hay nợ nần như chúa Chổm thì khi lìa đời cũng như nhau:

“Vua Ngô 36 tấn vàng
Chết xuống âm phủ có mang được gì. 
Vua Chổm uống rượu tì tì
Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô!”

Nguyễn Khuyến từng ngỏ ý muốn ngưng uống rượu nhưng lại tự thú là khó chừa: “Những lúc say sưa cũng muốn chừa, Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa

Hay ưa nên nỗi không chừa được. Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.”

Nhà thơ Bùi Giáng của chúng ta khi uống rượu vào thời tỏ ra rất... dễ thương như lời thơ trong bài “Uống xong về ngủ chiêm bao thấy gì”:

“Uống xong chén rượu nồng nàn
Về vườn nằm võng dịu dàng ngủ say.”

Lưu Trọng Lư cũng thường mượn hơi men để giải sầu, đổi lấy những giây phút say sưa chuếnh choáng hầu lãng quên và dứt khoát với dĩ vãng:

“Mời anh cạn chén rượu này

Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn… 
…Để lòng với rượu cùng say
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường…”

Còn Vũ Hoàng Chương trong tập “thơ say” (1940) thời đầy tràn hình ảnh men rượu:

…”Say sưa tràn miệng cốc.
Cùng nâng, hãy uống đi!..”

…“Đắng cay này chén tiễn đưa, 
 Uống đi, uống để say sưa ngập lòng…” 
…“Có ai say để quên sầu?
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn”

Khi nói tới chuyện rượu tất nhiên phải giới thiệu về… ông thầy Lưu Linh (221-300) bên Tầu này. Ổng là thành viên của nhóm Trúc Lâm thất hiền, một nhóm rất nổi tiếng về văn chương. Thời đó, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lợi, xâu xé, tàn sát lẫn nhau. Xã hội đầy rẫy bọn mua quan, bán tước hợm hĩnh, mọi người đều chán ghét, nhất là giới trí thức, học giả. Họ trốn tránh chốn quan trường, tìm vui trong văn chương, và rượu. Lưu Linh, tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng một chút gì về chuyện đời, về danh lợi.

Ông thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn và uống rượu triền miên, rồi sai người vác cuốc theo sau bảo nếu ông chết ở đâu thì chôn ở đấy. Ông suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Để ca ngợi rượu, ông đã viết “Tửu Đức Tụng” (ca ngợi đức rượu) coi như một tuyên ngôn. Đời sau coi đấy là một áng danh văn về rượu.

***

Nhiều dân làng nhậu mời chúng ta “cùng nâng chén” và khuyên mọi người hãy nhớ câu châm ngôn: “If you drink, you will die. If you don’t drink, you will die, too. So, let’s drink and die. And die happy.” (Nếu anh uống rượu, anh sẽ chết ngỏm. Nếu anh không uống, anh cũng sẽ chết toi. Cho nên, ta hãy uống đi rồi chết. Và chết sung sướng). Nghe có vẻ giống như tâm tư của văn sĩ Trương Hàn đời Tây Tấn bên Tầu nói trong sách Tấn thư rằng “Sử ngã hữu thân hậu danh, bất như tức thời nhất bôi tửu”, nghĩa là “Cho ta cái danh sau khi chết không bằng cho ta một chén rượu ngay bây giờ.”

Nhiều người khác lại còn nhắc tới thơ Quang Dũng nghe thật… lãng mạn và sành điệu quá xá:

“Thoáng hiện em về trong đáy cốc 
Nói cười như chuyện một đêm mơ.” *

Cảm tưởng về ngày Tết trong miền Nam nước ta khi so sánh với miền Bắc cụ Vương Hồng Sển nói: “Các thi ông ngoài nớ hơn chúng tôi ở trong Nam vì được thưởng Xuân trọn vẹn, khi chén rượu ấm lòng, khi câu thơ phấn khởi, khi nhắp chén trà hương đượm…”

Quả đúng vậy! Rượu thường đi với Thơ. Có “Bầu Rượu” thường là có cả “Túi Thơ”. Từ xưa đến nay, có rượu thì ra thơ, mà thơ thì ca tụng rượu. Rượu luôn gơi hứng, luôn mang lại “yến sĩ phi lý thuần” (inspiration) cho thơ. Rượu và thơ vốn như hình với bóng. Uống rượu để làm thơ và làm thơ để

mà uống rượu. Dường như trời đất đã tạo ra men nồng của rượu để khi uống vào thấm trong từng mạch máu, khơi động nguồn tư tưởng, quyện vào hồn chữ… rồi đưa thơ chắp cánh bay vào cõi nhân gian. Nói thế không có nghĩa là ai uống rượu vào cũng xuất khẩu ra thơ được cả. Thơ là của trời cho, chỉ ai có căn cơ mới nhận được. Với những người làm bạn với thơ túi rượu bầu, rượu chỉ là chất “xúc tác” giúp họ thăng hoa trong nghệ thuật gieo câu nhả chữ…

Chính hai món rượu và thơ này đã được Nguyễn Công Trứ ca tụng hết mình trong bài thơ “Cầm Kỳ Thi Tửu”:

“Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi. 
Dở duyên với rượu không từ chén, 
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời…”

Trong Truyện Kiều, có những câu khi nói đến rượu cũng cảm xúc tới thơ:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.”

Riêng Tản Đà tự nhận mình là một tín đồ trung thành với rượu tuy sống cuộc đời “say sưa nghĩ cũng hư đời” nhưng thi nhân mượn thơ và rượu thoát khỏi thực tế chua chát, đắng cay. Cụ cũng có cái “ngông” của Lý Bạch đời Đường. Trong bài “Thơ Rượu” cụ viết:

“Rượu say, thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình 
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi, rượu vò…”

Tản Đà cũng mượn thơ và rượu để nói lên cái u uất, khát vọng và tình người trong bài “Ngày xuân thơ rượu”:

“Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa…” 
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

Có lúc cụ rất hào hứng:

…”Còn thơ còn rượu còn xuân mãi 
Còn mãi xuân còn rượu với thơ.”

Phong thái ung dung, nhàn nhã của văn nhân thời trước là bên mình luôn có bầu đựng rượu và túi đựng thơ. Bầu rượu túi thơ, lãng du giang hồ là điển hình cho kẻ

muốn tìm lối thoát cho cái thời bị Khổng giáo và xã hội đè nén. Nguyễn Khuyến cũng từng phán:

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?...”

Rượu và thơ dưới ngòi bút của Cao Bá Quát có câu sau nghe cũng rất hào khí: “Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên.

Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa hẹn hò Lão Đỗ.”

Rượu và thơ quấn quýt với nhau như hình với bóng nên sau này khi Nguyễn Vỹ làm bài thơ “Gửi Trương Tửu”, dưới đầu bài cẩn thận ghi “Viết trong lúc say”, cuối bài thơ, trước khi ký tên ông lại nhấn mạnh “Viết rồi hãy còn say”:

…”Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!”

Lưu Vũ Tích thời Trung Đường là thì thích vừa uống rượu vừa làm thơ khi ngắm hoa. Đặt bút viết: “Kim nhật hoa tiền ẩm / Cam tâm tuý sổ bôi” Tạm dịch là:

“Hôm nay uống rượu bên hoa
Say sưa mấy chén quả là lòng vui”.

Không chỉ nâng chén rượu để giúp vui khi đón Xuân mà còn nâng chén để tiễn khi nàng Xuân từ biệt ra đi nữa. Vương Duy, nhà thơ kiêm họa sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng đời Thịnh Đường vừa nhâm nhi men nồng, ghi lại chút tâm tư trong những vần thơ đưa tiễn xuân trong bài “Tống xuân từ”: “Nhật nhật nhân không lão / Niên niên xuân cánh quy” Tạm dịch là:

“Hãy vui cùng chén rượu này
Tiếc làm chi cánh hoa bay vật vờ.”

Những “tư tưởng lớn” có lẽ thường gặp gỡ nhau cho nên tận bên trời Tây người ta cũng được nghe Jacques Prévert khề khà bên chén rượu vang và cũng “mần” thơ rất bay bướm trong bài “Ce n’est pas moi qui chante”:

Ce n’est pas moi qui chante
c’est les fleurs que j’ai vue
ce n’est pas moi qui ris
c’est le vin que j’ai bu
ce n’est pas moi qui pleure
c’est mon amour perdu.

Chuyển dịch thành vần “lục bát” ta có bài thơ “Không phải anh hát” (Tâm Minh dịch):

Anh đâu cất tiếng ca vang
Chính hoa anh thấy rộn ràng hát vui 
Anh đâu thốt tiếng reo cười
Chính men rượu chát cất lời hoan ca 
Anh đâu than khóc xót xa
Chính cuộc tình mất chan hòa lệ rơi.

Vậy chính là rượu đã gợi hứng cho thi sĩ cất tiếng ca. Sau hết cũng chính nữ sĩ Hồ Xưân Hương từng hăng hái xúi thiên hạ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già xồng xộc nó thì theo sau!”

Nghe có vẻ chí lý! Nhưng trong dịp vui Xuân Giáp Thìn 2024 người viết cũng thấy có bổn phận nhắc nhở bà con là hãy coi chừng, đừng quá chén, kẻo phải ra hầu tòa đấy nhé:

“Rượu Xuân xin chớ quá đà
Kẻo mà vác chiếu ra tòa thì nguy!” 

LS. Ngô Tằng Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét