Võ sư Đặng Thông Phong (giữa) và các võ sinh vừa được lên đai.
1*. Mở bài
Môn võ Aikido được biết đến với cái tên Việt là Hiệp Khí Đạo. Khoảng năm 1969, Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, chỉ huy trưởng trường Bộ Binh Thủ Đức, kêu gọi các sĩ quan cần phải tham gia một môn thể thao, như chơi tennis, hoặc học võ Aikido.
Thế rồi, một lớp huấn luyện võ Aikido được thành lập. Lớp học có khoảng 30 người, trong đó có vài sĩ quan cấp tá. Như vậy, sĩ quan trường Bộ Binh Thủ Đức đã có trên 30 môn sinh Aikido của sư phụ Đặng Thông Phong.
Sensei=người thầy, sư phụ.
Lớp học đầu tiên được đặt trên sàn tập của trường Vũ Thuật và Thể dục Quân sự, trường do Trung tá Nguyễn Văn Cư làm chỉ huy trưởng. Trường Vũ thật nằm trong khuôn viên của Trường Bộ Binh.
Thiếu tướng Lâm Quang Thơ và sensei Đặng Thông Phong, chủ tọa các buổi học, ba ngày trong một tuần lễ.
Huấn luyện viên chính là ông Nguyễn Hữu Huy, quân số thuộc trường Vũ Thuật. Một vài phụ tá huấn luyện viên là quân nhân của trường Vũ Thuật
Lớp học chấm dứt khi Thiếu tướng Lâm Quang Thơ được chuyển sang làm tư lệnh Sư đoàn 18 BB, thầy Đăng Thông Phong cũng theo sang sư đoàn 18BB.
2*. Võ sư Đặng Thông Trị mang Aikido vào Việt Nam.
Hình võ sư Đặng Thông Trị * Tổ sư Morihei Ueshiba ra đòn
Võ sư Đặng Thông Trị, là người đầu tiên đưa môn võ Aikido vào Việt Nam.
Võ sư Đặng Thông Trị sinh năm 1930 tại Huế, Việt Nam. Khi còn là học sinh trung học, ông được người anh rể là Bác sĩ Nguyễn Anh Tài, hướng dẫn các môn võ thuật, đặc biệt là võ của Hàn Bái Đường, do danh sư Lê Bái lập ra.
Sau khi đậu tú tài, võ sư Đặng Thông Trị qua Pháp, theo học khoa luật của trường nổi tiếng là Sorbonne (Paris).
Tốt nghiệp khoa luật năm 1952.
Trong thời gian ở Pháp, ông theo học Judo và Aikido với hai võ sư Tadashi Abe và Mutsuro Nakazono.
Năm 1958, võ sư Đặng Thông Trị được võ sư Mutsuro Nakazono mời làm phụ tá dạy môn Aikido ở miền nam nước Pháp.
Cuối năm 1958, GS Đặng Thông Trị về Việt Nam và mở võ đường ở số 94 Phan Thanh Giản.
Cuối năm 1960, Hội Hiệp Khí Đạo chính thức ra đời và bắt đầu thu nhận thanh niên Việt Nam, vào học môn võ nầy.
Đầu năm 1961, đại sư Mutsuro Nakazono, đai đen 8 đẳng, đến Việt Nam, góp phần xây dựng phong trào Aikido Việt Nam.
Giữa năm 1962, thì Việt Nam đã có những đai đen đầu tiên, gồm có: Bs Thái Minh Bạch, Lê Xuân Phong, Nguyễn Thành Nhơn, Bùi Minh Cảnh, Trần Kỉnh, và Đặng Thông Phong.
Năm 1964 võ sư Đặng Thông Trị, được trường nhu đạo Monterey mời sang Pháp dạy môn Judo. Võ sư Đặng Thông Trị trao đạo đường cho người em là Đặng Thông Phong.
GS Đặng Thông Trị, đệ lục đẳng huyền đai, là nhân vật Việt Nam đầu tiên được ghi vào Bách khoa tự điển Aikido của nhà báo Stanley A. Praning.
Võ sư Đặng Thông Trị qua đời tại Sacramento (Hoa Kỳ) năm 1995, hưởng thọ 65 tuổi.
3*. Morihei Ueshiba là người sáng tạo ra Aikido
Morihei Ueshiba
Morihei Ueshiba (14-12-1883 – 26-4-1969. 86 tuổi, là người Nhật lập ra hệ phái Aikido Nhật Bản. Một hệ phái nhu hòa nổi tiếng, được đánh giá là một võ phái phụng sự hòa bình cho con người trên trái đất.
Morihei Ueshiba sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiệp võ sĩ đạo.(Samurai).
Thuở nhỏ, thể chất yếu đuối, thường hay bị bịnh nên ở trong nhà đọc sách.
Lớn lên, ông quyết tâm tập luyện để trở thành một người có thân thể cường tráng, bằng cách rèn luyện trong thể dục, bơi lội và học cả môn đô vật (Sumo).
Năm 1897, 15 tuổi, sau một thời gian khổ luyện, Ueshiba đã đạt được sức mạnh không ai sánh kịp.
Thời gian nầy, ông đến Tokyo theo học với võ sư Takusaburo Torawa, lừng danh với môn võ Jujitsu, nhu thuật. Trong 10 năm khổ luyện với các danh sư, Morihei Ueshiba đạt được đẳng cấp cao nhất, được quyền ban phát đẳng cấp cho các môn sinh.
Năm 1942, ông đã tạo ra môn phái Aikido. Năm 1928, 45 tuổi, ông được thừa nhận là một trong những người có võ công cao nhất Nhật Bản.
Với thân hình mảnh khảnh, chiều cao 1.55m, cân nặng chưa tới 50Kg, ông đã quật ngã cùng một lúc nhiều võ sĩ cơ bắp cuồn cuộn.
Nắm vững võ thuật để nhận đòn của đối phương và chuyển hướng nó đi một cách vô hại với đối phương.
Khi di chuyển, thân pháp của Morihei Ueshiba trông rất đẹp như đang biểu diễn một vũ điệu Nhật Bản.
4*. Môn võ Aikido
(Những đòn của Aikido)
Về kỹ thuật, Aikido là sự tổng hợp những tinh túy của nhiều môn võ Nhật Bản, như Daito-Ryu, Aiki-jujutsu, và Sojutsu.
Mục đích của sự luyện tập thể chất Aikido, là vận động các khớp xương như xương ngón tay, cổ tay, cùi chỏ và khớp xương vai.
Tập té. Trước hết phải tập té để giữ an toàn cho các khớp xương.
Trong buổi tập Aikido, thường có những cập 2 người, luân phiên nhau thực tập một đòn, kẻ tấn công và người hóa giải.
Kỹ thuật Aikido thường là những biện pháp chống lại một cuộc tấn công. Aikido không phải là một công cụ đánh ngã đối phương, bằng sức mạnh hay bằng vũ khí.
4.1. Căn bản của võ thuật Aikido
Căn bản của võ thuật Aikido là nhận đòn và chuyển nó đi theo một đường tròn ly tâm, thường là đưa người xuống mặt đất.
Aikido bao gồm những đòn thế ném, quật, khóa.
Aikido là môn võ hòa bình và tình thương.
4.2. Quan tâm đến sự an toàn của người tấn công
Trong triết lý của môn võ Aikido không chủ trương tấn công trước, thậm chí không cho phép tự biến mình thành mục tiêu khiêu khích sự tấn công. Với những kỹ thuật đặc sắc của mình, Aikido chỉ hóa giải các đòn tấn công của đối phương, thay vì tiến hành phản ứng, tấn công đối thủ theo bản năng.
5*. Aikido, môn võ phù hợp với phái nữ
Với đặc điểm là môn võ tự vệ thuần túy, Aikido phù hợp với cá tính dịu dàng, đằm thắm của phái nữ. Aikido không có những đòn sát thương. Hóa giải đòn tấn công của đối phương, và kềm chế họ mà không gây nguy hiểm chết người, hoặc làm cho đối phương bị thương tật nặng nề.
Tổ sư của môn võ Aikido là người thấp con, chưa cao đến 1m60, cho nên ông truyền lại cho thế hệ sau, những đòn dành cho người nhỏ con. Sư phụ Đặng Thông Phong cũng là hình tượng điển hình như ông. Huyền đai đệ bát đẳng.
Học võ để tự vệ là nhu cầu cần thiết cho đời sống hiện tại. Người phụ nữ có võ thể hiện tính trầm tĩnh, can đảm, tự tin trước những cảnh tượng như đi một mình ra bãi đậu xe vắng vẻ lúc ban đêm.
Thanh kiếm bên trái
Đòn “một chống hai” do các tân huyền đai Aikido Jeslyn Trần, Alex Bùi, và Kimberly Nguyễn biểu diễn.
6*. Sư phụ Đặng Thông Phong
Sư phụ (Sensei) Đặng Thông Phong
“Chưởng Môn” Hiệp Khí Đạo Việt Nam (Aikido). Là võ sư quốc tế được Đại Hàn và Nhật Bản công nhận.
Sư phụ (Sensei) Đặng Thông Phong:
- Đệ thất đẳng huyền đai Aikido. (7th Dan)
- Đệ lục đẳng huyền đai Taekwondo (6th Dan) Thái Cực Đạo
- Đệ ngũ đẳng huyền đai Judo (5th Dan) Nhu Đạo
- Đệ bát đẳng Hàn Bái Đường (8th Dan)
- Đệ tứ đẳng Kendo (Kiếm đạo)
Ông sinh năm 1935, năm nay (2023) 88 tuổi), hiện định cư ở Nam Cali sau hơn 10 lần vượt biên. Sau khi ra trại tù cải tạo, ông vượt biên bằng ghe, bằng đường bộ, 17 lần thất bại. Mỗi lần đều bị cầm tù. Đến lần thứ 18 thì thành công. Và ông đến Hoa Kỳ vào ngày 26-2-1986.
Các tân huyền đai Aikido trong ngày nhận văn bằng từ võ sư Đặng Thông Phong
Ông là một sư phụ đã đào tạo nhiều môn đồ Aikido, mà hiện nay họ cũng đã trở thành sư phụ, đang phổ biến môn võ nầy ở VN. Thiếu tướng Lâm Quang Thơ chỉ huy trưởng trường Bộ Binh Thủ Đức đã mở phòng tập, để Sư phụ Đặng Thông Phong huấn luyện cho các sĩ quan trong đơn vị. Ngoài ra còn có võ sư Nguyễn Hữu Huy, Thạch Cẩm Tòng cũng đến làm phụ tá huấn luyện.
Võ sư Đặng Thông Phong cho biết: “Tôi quyết tâm thực hiện cho được hoài bảo của mình, đó là phát triển môn phái Aikido để trả ơn những vị thầy của mình là các võ sư Tổng đàn Aikido Thế giới, mà tôi đã thụ giáo, như: Đại Võ sư Mutsuro NakaZono, Đại Võ sư Nobuyoshi Tamura”
Trước kia, Võ sư Phong sang Nhật, để đến Hombu Dojo bổ túc kỹ thuật và thi lên đai đen 3 đẳng. Dưới sự huấn luyện và chỉ dẫn trực tiếp của tổ sư Morihei Ueshiba và con ông Ueshiba Kisshomaru, ông đạt được huyền đai đệ tam đẳng vào tháng 12 năm 1967.
Thầy Đặng Thông Phong đã cống hiến cả cuộc đời của ông để phát triển môn võ hòa bình và tình thương, Aikido. Từ thời niên thiếu đến lúc bạc đầu, võ sư đã miệt mài, tận tụy phát triển Aikido. Khi còn ở Việt Nam và ngay cả ở Hoa Kỳ. Môn sinh rất quý mến sư phụ, và Tổng Đàn Aikido ở Nhật Bản cũng đã vinh danh sư phụ.
Năm 1986, sau khi đến California thầy Phong cho hồi sinh Tổng cục Aikido Tenshinkai dưới cái tên mới là Liên đoàn Aikido Tenshinkai Quốc tế. (International Tenshinkai Aikido Federation) với đạo đường Westminster Aikikai Dojo.
Ở Hoa Kỳ, võ sư chăm sóc hai đạo đường ở California với gần 800 môn sinh, đa số là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Hồi tháng 12 năm 2006, Võ sư cùng với Tiến sĩ Lynn Steiner đồng tác giả, đã phổ biến tác phẩm “Võ thuật Aikido Weapon Techniques”, bằng tiếng Anh, do nhà xuất bản Tuttle Publishing phát hành. TS Lynn Steiner là môn đồ 12 năm của Aikido.
Trước đó, hai tác phẩm Aikido Basics và Advanced Aikido cũng do nhà phát hành nầy phát hành.
Võ sư Đặng Thông Phong là nhân vật Việt Nam đầu tiên được ghi vào cuốn Bách khoa tự điển Aikido.
6*. Cựu Trung úy Chu Tất Tiến nói về sensei Đặng Thông Phong
6.1. Chu Tất Tiến nói về sensei Đặng Thông Phong.
Chu Tất Tiến cho biết, Sensei Đặng Thông Phong không chỉ huyền đai đệ thất đẳng của Aikido, mà còn là đai đen 5 đẳng Judo (Nhu Đạo), 6 đẳng Taekwondo (Thái Cực Đạo), 4 đẳng Kendo (Kiếm Đạo). Và đệ bát đẳng Hàn Bái Đường.
Võ sư Chu Tất Tiến thuật lại: “Hồi trước năm 1975, có một lần mãn khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa. Võ sư Đặng Thông Phong biểu diễn một tuyệt chiêu, của một người nhỏ con trước sự tấn công của 5 võ sư khổng lồ, như võ sư Nguyễn Bình, võ sư Nguyễn Ngọc Huy, võ sư Lê Kim… đến bóp cổ, khóa tay của người nhỏ con, chỉ đứng ngang vai của những người tấn công, thế mà chỉ sau vài phút, với những thế vặn mình, cuốn tay mà “người nhỏ con” đã quật ngã 5 người khổng lồ văng xa ra. Mọi người đều kinh ngạc.
Trình diện cho Tổng thống xem không phải là chuyện đùa. Mà đó là sự thật.
6.2. Chu Tất Tiến. Nhà binh, nhà võ, nhà văn.
1). Nhà binh
Chu Tất Tiến * Sĩ quan Trường BB/TĐ * Lễ ra mắt 3 cuốn sách
Chu Tất Tiến nhập ngũ khóa 25 trường Bộ Binh Thủ Đức. Mãn khóa, ở lại trường làm sĩ quan cán bộ của Liên đoàn Sinh Viên Sĩ Quan. Làm trung đội trưởng, đại đội trưởng khóa sinh.
Trường Bộ Binh Thủ Đức có hai sĩ quan: Hà Văn Duyệt và Chu Tất Tiến, được chọn sang Mỹ theo học Trường Sinh Viên Sĩ Quan Lục Quân OCS Fort Benning, bang Georgia, Hoa Kỳ. (OCS=Officer, Candidate School).
2). Nhà võ
Chu Tất Tiến, đai đen Judo và Aikido, cho biết, rất vui khi được làm huynh đệ của “Đại sư huynh Đặng Thông Phong, trong mấy chục năm liền.
3). Nhà văn
Ngày Chủ Nhật, 5-2-2023, nhà văn Chu Tất Tiến có buổi lễ ra mắt để giới thiệu 3 cuốn sách: “Tự truyện của người nữ tù chung thân”, A Cry Justice, và Tuyển tập 100 bài thơ.
Chu Tất Tiến. Văn võ song toàn.
7*. Tài tử điện ảnh Steven Frederic Seagal là đệ tử của tổ sư Morihei Ueshiba.
Steven Frederic Seagal
Seagal sinh ngày 10-4-1952 tại bang Michigan, Hoa Kỳ. Năm 17 tuổi đến Nhật làm đệ tử của Ueshiba Morihei. Seagal dạy tiếng Anh để sinh sống và học võ Aikido.
Seagal đã đạt được những đai đen về các môn: Aikido, Karate, Judo và Kendo (Kiếm thuật)
Sau 15 năm bôn ba ở các nước châu Á, Seagal về Mỹ và mở trường dạy võ.
Seagal làm cận vệ cho tài tử điện ảnh và nhà tài phiệt Hollywood, Michael Ovitz. Ông nầy giúp Seagal ký những hợp đồng đóng phim võ thuật với những công ty điện ảnh như Warner Bros…
8* Kết luận
Aikido là môn võ hòa bình và tình thương.
Giáo sư Đặng Thông Trị là người đưa môn võ Aikido vào Việt Nam năm 1958. Đến năm 1962 ông giao Aikido Việt Nam lại cho người em là Đặng Thông Phong.
Thầy Đặng Thông Phong đã cống hiến cả cuộc đời của ông để truyền bá môn võ học của tình thương và hòa hợp.
Để kết luận, xin mượn lời của nhà báo Kiều Mỹ Duyên nói về sư phụ đáng quý mến. “Hy vọng thầy khỏe mạnh để mỗi năm anh chị em tổ chức mừng sinh nhật cho thầy, đồng thời anh chị em gặp lại nhau, thắt chặt tình đồng môn.
Kính chúc thầy Đặng Thông Phong sống lâu 100 tuổi, để dìu dắt võ sinh, và hy vọng môn Aikido sẽ phát triển khắp nơi trên thế giới”
Trúc Giang MN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét