Theo Bách Khoa Toàn Thư mở (Wikipédia):
Chữ Nôm (𡨸喃), còn được gọi là Chữ Hán Nôm (𡨸漢喃), Quốc âm (國音)[a] hay Quốc ngữ (國語)[b] là loại văn tự ngữ tố - âm tiết dùng để viết tiếng Việt. Đây là bộ chữ được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán, các bộ thủ, âm đọc và nghĩa từ vựng trong tiếng Việt.
Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Sơ khởi, chữ Nôm thường dùng ghi chép tên người, địa danh, sau đó được dần dần phổ cập, tiến vào sinh hoạt văn hóa của quốc gia. Vào thời Nhà Hồ ở thế kỷ 14 và Nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính. Đối với văn học Việt Nam, chữ Nôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là công cụ xây dựng nền văn học cổ truyền kéo dài nhiều thế kỷ.
Giáo sư Nguyễn văn Sâm một người đa tài, nhất là lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm. Muốn viết về một khuôn mặt văn hóa nổi tiếng, tôi phải bỏ một thời gian dài để có thể viết thành cuốn sách hàng trăm trang mới nói hết được con người và tác phẩm của ông. Trong vài trang giấy này chỉ là chút tình của chúng tôi về một người bạn văn chương.
Trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm của giáo sư Nguyễn văn Sâm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần đã nhận định:
“… Cũng như chữ Hán, chữ Nôm là kho tàng gìn giữ một phần quan trọng văn hóa dân tộc. Muốn tiếp xúc với văn hóa dân tộc, phải biết chữ Hán và chữ Nôm. Muốn học chữ Nôm, phải biết chữ Hán. Nhưng chưa đủ, mà còn phải biết lịch sử, đời sống xã hội, cách cấu tạo chữ Nôm qua các thời kỳ… Người nghiên cứu, phiên âm, chú giải chữ Nôm ra quốc ngữ để phổ biến là người giữ hồn dân tộc. Giữ Hồn Nước!
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là người trong số rất hiếm quí làm công việc không còn mấy người làm này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay tre đã già đang chờ măng mọc!”
Trong một bài viết khác, GS Trần Huy Bích ở Hoa Kỳ đã nhận định:
“GS Nguyễn Văn Sâm đã rất công phu khi phiên âm và chú giải bản Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Kinh). Dựa theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh). Phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ là: Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm… GS Nguyễn Văn Sâm đã có những chú giải rất cần thiết. Bởi vì, nếu, không có chú giải, chúng ta không hiểu được chữ của tiền nhân.”
Ở Paris những người giỏi Hán Nôm, hiện nay còn rất ít. Cuối thế kỷ 20.
Những người giỏi Hán Nôm ở Paris:
Học giả Đào Trọng Đủ bút hiệu Cô Đầu, một nhà thơ uyên bác trong Ba lê thi Xã. GS Đoàn Đức Nhân, có thời là thư ký của nhà cách mạng, Cụ Nguyễn Hải Thần ở Trung Quốc vào thập niên 40, và là giáo sư dạy Hoa Ngữ ở đại học Đài Loan. GS Học giả Hoàng Xuân Hãn. GS, BS Trần Văn Bảng, bút danh Bằng Vân tác giả nhiều thi tập. Dịch giả Phạm Xuân Hy, bút danh Bạch Phát Tú Tài, tác giả chuyên dịch những tác phẩm Liêu Trai Chí Dị, Trung Hoa. Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách, bút danh Cung Chi, tác giả bộ thi tập Thương Ngàn Thương. Nhà thơ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc (Anh Quốc).
Những người giỏi Chữ Hán:
Nhà chiêm tinh Phan Quốc Uy cựu sinh viên Đài Loan trước năm 1975. Nhà văn Trần Đại Sỹ, tác giả những bộ sách Dã Sử Việt Nam. BS Nguyễn Đương Tịnh, bút danh Trúc Cư, tác giả cuốn Tống Tự. BS, học giả Trần Văn Tích (Đức Quốc), tác giả nhiều bộ sách biên khảo. Nhà báo Nguyễn Ang Ca một cây bút nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 gốc là người Minh Hương.
Năm 2018 Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức Chiều Văn Học đề tài Hán Nôm do giáo sư Nguyễn Văn Sâm từ Hoa kỳ sang Paris thuyết trình. Buổi nói chuyện quy tụ rất nhiều trí thức ở Paris đến tham dự.
Vài Nét Về Nhà Văn Hóa Nguyễn Văn Sâm:
Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1940 tại Sài Gòn. Quê ngoại Chợ Đệm, Tân An. Quê nội Thanh Lương, Thừa Thiên. Ông là người đa tài: nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà dịch thuật. Ông tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết học Tây Phương (1965), Cao Học Văn Chương Việt Nam (1972), và Năm Thứ Nhứt Tiến sĩ Văn Chương Việt Nam (Khóa độc nhất trước 1975).
Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn), và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hòa Hảo, Cần Thơ. Ông vượt biên bằng đường biển sang Mỹ từ năm 1979, tiếp tục sống bằng nghề dạy học cho tới khi về hưu năm 2006.
Tác Phẩm: Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học, đặc biệt là văn học Miền Nam như:
Văn Học Nam Hà (1971, 1973)
Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam (1969)
Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (1972).
Ông hiện định cư ở California, từ khi ở quê người, hằng ngày đối diện với cuộc sống nên ông hiểu được nỗi buồn tha hương và chân giá trị của sự tự do, tất cả những vui buồn đó đã thôi thúc ông muốn viết về tâm tình những người Việt tha hương. Do đó nhà văn tiếp tục viết mấy tập truyện ngắn và đã xuất bản:
Miền Thượng Uyển Xưa (1981, in chung với Đặng Phùng Quân)
Câu Hò Vân Tiên (1984)
Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987)
Khói Sóng Trên Sông (2000)
Quê Hương Vụn Vỡ (2012).
Những năm gần đây, ông trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu:
Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lôi Phong Tháp, Sơn Hậu Diễn Truyện, Trương Ngáo Tây Du Diễn Truyện, Tội Vợ Vợ Chịu. Chàng Lía Truông Mây, Tỉnh Mê Một Cõi.
Ông là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm. Trích Dẫn một tự điển chữ Nôm rất đầy đủ. Giáo sư Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ.
GS Nguyễn Văn Sâm là Thành viên Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris. Ông trong Ban biên tập chủ trương cuốn Những Khuôn Mặt văn Hóa VN Hải Ngoại, được xuất bản và ra mắt ở Paris tháng 10 năm 2022.
Nhận định về Tác phẩm Truyện ngắn:
Nhà văn Nguyễn Văn Sâm có lối văn miệt vườn Nam Kỳ Lục Tỉnh năm xưa, nhưng diễn tả đời sống, con người và các thành phố Miền Lục Tỉnh một cách hiện đại. GS Đàm Trung Pháp là đồng nghiệp dạy học ở các đại học Sài Gòn trước 1975 với giáo sư Nguyễn văn Sâm, và sau này cùng hoạt động trong Viện Việt học ở Cali. GS Đàm Trung Pháp trong bài viết nhan đề “Giới thiệu tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ của Nguyễn Văn Sâm” đã nhận đnh:
“Quý bạn đọc đang cầm trong tay một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Tôi có cảm tưởng mỗi truyện anh viết là một kỷ niệm đậm sâu trong đời anh, hoặc trong đời một người rất thân của anh, mà khi đọc xong, dù vui hay buồn, tôi còn lưu luyến mãi trong lòng như một nhắc nhở ray rứt. Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía. “Văn dĩ tải đạo” là sứ mệnh văn chương của anh mà anh đã thực hiện một cách ngoạn mục trong tập truyện. Phương tiện để anh đạt mục tiêu vừa kể là một văn phong truyền cảm, thành tâm, sâu sắc, quan sát tận tường…”
Hai nhà văn Nguyễn Văn Sâm& Trần Ngọc Ánh với bằng hữu Paris:
Con Người:
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm bản tính hiền hòa đôn hậu và rất giản dị nên ông được bằng hữu ở Paris rất quý trọng. Những lần ông và phu nhân là nhà văn Trần Ngọc Ánh sang Paris đều được các bằng hữu Paris từ người cao tuổi đến những người trẻ đã tổ chức đón tiếp nồng hậu, họp mặt trong các nhà hàng, hay những tư gia. Do đó chúng tôi phải lập một danh sách hẹn.
Trong lần sang Paris vào tháng 10 vừa qua, BS Trần Văn Tích từ Đức sang Paris thuyết trình trong buổi ra mắt cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Hải Ngoại, ông liền đến thăm nhà văn hóa Hán Nôm Phạm Xuân Hy. Trước ngày ra mắt sách, chúng tôi: BS Nguyễn Bá Linh, GS Nguyễn Văn Sâm, Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng và tôi đến thăm Dịch giả Phạm Xuân Hy. Dù sức khỏe của ông rất yếu nhưng ông vẫn chống gậy ra tận đường đón chúng tôi. Lần đầu tiên GS Nguyễn Văn Sâm đến nhà dịch giả Phạm Xuân Hy nên rất thích vì thấy những bộ sách quý chữ Hán, chữ Nôm lên đến hàng trăm cuốn, có cuốn đã vài trăm năm. Chiều hôm đó nghe giáo sư Nguyễn Văn Sâm và học giả Phạm Xuân Hy đàm luận về Chữ Nôm khiến bác sĩ Nguyễn Bá Linh, Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng và tôi mở rộng thêm kiến thức.
Trong suốt 4 năm soạn thảo cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã qua Paris nhiều lần để nghiên cứu, tìm tài liệu Hán Nôm trong Viện Viễn Đông Bác Cổ và các Thư viện Paris, nhân dịp đó cùng chúng tôi làm việc. Trong hội thảo ông tích cực góp ý, không câu nệ hình thức mà chỉ nhìn vào trọng tâm vấn đề.
Ngày ra mắt sách ông cùng một số nhân sĩ trong ban chủ trương ở xa được mời phát biểu: GS TS Ngyễn ĐăngTrúc (Strasbourg), BS Trần Văn Tích (Đức quốc), DS Nguyễn Hiền (Hòa Lan). Những người ở Paris lên diễn đàn: Nhà thơ Đỗ Bình, GSTS Trần Văn Cảnh, TS Nguyễn Thị Phượng Anh, BS Nguyễn Tối Thiện, Luật gia Đoàn Trần Thiều, BS Nguyễn Bá Linh lên đọc lời cảm tưởng của nhà báo Hoài Thanh ở Mỹ. Nha sĩ Thẩm Thái Hà đọc lời cảm tưởng của GS Nguyễn Thùy ở Marseille.
Lời phát biểu của giáo sư Nguyễn văn Sâm: “Qua Paris lần này, tôi có cơ hội tham dự buổi sinh hoạt văn hóa, mà theo tôi là rất thú vị và đáng giá. Buổi ra mắt cuốn sách " Những khuôn mặt văn hóa hải ngoại do nhóm anh Đỗ Bình tổ chức vào giữa tháng 10/2022. Là người tham dự tôi nhìn thấy mấy vấn đề sau:
Đây là cuốn sách dầy hơn 800 trang, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, được Ban Biên Tập sưu tầm và biên soạn rất công phu và sắp xếp thứ tự rất khoa học theo từng thể loại như văn thơ họa... cho người xem dễ dàng tìm hiểu.
Những người có tên trong cuốn sách này đã được Ban Biên tập chọn lựa và cân nhắc thận trọng, nói lên sự công tâm của người làm công việc văn hóa, không phe phái hay thiên vị, tuy nhiên vẫn có những sai sót khi danh sách không đầy đủ tất cả mọi khuôn mặt văn hóa ở hải ngoại vì lý do tế nhị nào đó, hay không cập nhật kịp thời thông tin cá nhân đã bị thay đổi theo thời gian hiện tại. Nhưng không vì những thiếu sót đó mà mất đi giá trị đáng tôn vinh của cuốn sách, nhưng đây là cuốn sách mở, vài năm sau biết đâu lại có thêm những tên tuổi văn hóa được lưu danh vào đây, cuốn sách được tiếp nối để chúng ta luôn có nhiều khuôn mặt mới trong văn đàn hải ngoại.
Điều cần khen ngợi ở đây là tấm lòng của các anh chị trong Ban Biên Tập, họ đã cần cù kiên nhẫn như con ong thợ chăm chút cho cái tổ Văn Hóa đồ sộ của mình, công trình chọn lựa và biên soạn hơn 4 năm trời để hoàn thiện một cuốn sách có giá trị để đời, quả thật không phải là công việc dễ dàng gì nếu không có tấm lòng thiết tha đối với quê hương đất nước, bảo vệ và phát triển nền văn hóa ở hải ngoại dưới bất cứ hình thức nào cũng đều là thể hiện lập trường yêu nước của mình khi nghĩ về quê cha đất tổ, với sự nỗ lực và tâm huyết hết lòng dành cho công trình biên tập của mình, các anh chị trong nhóm chủ biên đã thành công khi nhận được nhiều sự khen ngợi , khuyến khích từ các bạn bè thân hữu gần xa ở hải ngoại khi cuốn sách được phát hành.
Điều tôi muốn nói thêm ở đây là nền văn học như dòng chảy liên tục trong quá khứ cũng như hướng tới tương lai "mai sau dù có bao giờ", tuy nhiên vì phải trải qua nhiều biến động lịch sử của đất nước, văn học có thể cảm xúc theo từng thời điểm khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn không lệch ra ngoài mục đích duy trì và phát triển nền văn hóa có nhiều nét độc đáo của dân tộc mình.
"Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm dạ lưu kỳ danh" của ông Lý Bạch có nghĩa là từ xưa đến nay những bậc Thánh Nhân đều bị người đời lãng quên, chỉ có người uống rượu là được để tiếng lại, dĩ nhiên đây là sự ngông nghênh của một ma men như ông ta, nhưng trong giai đoạn hiện tại thì phải thay đổi cho phù hợp.
"Duy hữu văn hóa giả lưu kỳ danh" có nghĩa là những người góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa đều rất đáng được trân trọng tôn vinh.
Nên những cuốn sách như thế này là bằng chứng của "lưu kỳ danh" và trong tương lai , các thế hệ sau muốn tìm hiểu về những hoạt động văn hóa của lớp người đi trước, thì những loại sách như thế này rất thiết thực cho ai muốn nghiên cứu về một nền văn hóa Việt Nam đã qua.”
Nguyễn Văn Sâm
Paris tháng 10/2022
Kết
Duyên Nợ
Từ thuở còn đi học Trần Ngọc Ánh đã thích văn chương và đã viết bích báo, những trang lưu bút học trò. Từ khi gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm một tâm hồn đồng điệu, một người thầy miệt mài vì văn chương chữ nghĩa đã khơi dậy chất văn chương trong tâm hồn Ngọc Ánh. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm khuyến khích Ngọc Ánh cầm bút viết lại ký ức, giải bày những nỗi niềm liên quan đến dân sinh và một giai đoạn đen tối của lịch sử hiện đại còn ẩn sâu trong tâm hồn Ngọc Ánh. Như ngọn sóng lòng, con chữ đã tuôn trào trên những trang giấy với lối văn thuở Sài Gòn năm xưa thuần tâm hồn Việt, rất nhẹ nhàng trong sáng và đượm chất buồn, nhưng chưa bị ảnh hưởng những cuốn sách văn chương, tiểu thuyết Âu Mỹ. Từ đó bà trở thành nhà văn và đã cùng phu quân là nhà văn Nguyễn Văn Sâm sang Paris ra mắt sách do Câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức, được rất đông người đồng hương đến tham dự.
Có Phải đây là duyên nợ từ kiếp trước nên hợp ý hợp tình. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là người yêu văn hóa dân tộc, tận tụy với văn chương chữ nghĩa, còn nhà văn Trần Ngọc Ánh yêu sự tự do nên tranh đấu cho nhân quyền, đòi lại những quyền căn bản của con người. Hai người nương nhau trong cuộc sống để cùng hướng về dân tộc, cũng như sinh hoạt cộng đồng. Thời gian thấm thoát đã trôi nhanh, hai nhà văn đã vào tuổi xế chiều vẫn an vui bên nhau bước trên con đường văn hóa dân tộc.
Đỗ Bình
Paris 28.02.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét