Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Nguồn Gốc Của Viola và Violin


Kính thưa quý Anh

Tên gọi chưa được thống nhất; violon là "hồ cầm" nhưng còn dịch là "vĩ cầm",thông dụng tại Saigon.
Vĩ cầm có kích thước không thay đổi, nhưng người làm đàn (luthier tiếng Pháp) có thể làm violon với kích thước nhỏ có quy định 1/2, 1/4 cho trẻ nhỏ mới học.

Người Việt có Ông Nguyễn Chánh Tín, tức Mỹ Tín (có cửa tiệm bán sách nhạc gần Nhà Thờ Huyện Sĩ) là có nghề "luthier" (làm đàn violon) tên được ghi vào danh sách chính thức những "luthier" trên toàn cầu. Người Việt nổi tiếng nhất về vĩ cầm có lẽ là Nhạc Sĩ Đỗ Thế Phiệt. Cố nhiên là có rất nhiều danh tài khác tôi không được biết.

Viola là nhạc khí chưa được phổ thông tại Việt Nam, dường như chỉ có Nhạc Sĩ Nguyễn Quý Lãm??? sử dụng; chưa nghe thấy có tên bằng tiếng Việt; tôi có mạo muội đề-nghị (rất táo-bạo) dịch là "thứ vĩ cầm". Tuy nhiên cứ gọi là "viola", không dịch cũng không sao.

Viola thường dùng làm bè thứ 3, phía dưới bè vĩ cầm 1 và vĩ cầm 2. Thường được coi là người bạn tốt, lúc thì giúp vĩ cầm bè cao ở phía trên, lúc thì giúp cello bè trầm ở phía dưới.

Chúng ta ít có sáng tác về nhạc cổ-điển, dường như Nhạc Sĩ Văn Giảng (Ai về Sông Tương) [đã qua đời tại Melbourne] đã có soạn một "tứ tấu khúc"(quartet). Tôi chưa được coi nhưng nếu có dịp đi Melbourne sẽ nhờ bạn bè đến thăm gia đình để coi bản thảo.

Nhạc Sĩ Văn Giảng có một người con gái tốt nghiệp bác-sĩ y khoa (?).
Viola có kích thước thay đổi, người sử dụng tùy nghi chọn lựa cho vừa tầm tay.
Trong nhạc cổ điển tây phương, những bản nhạc soạn dành cho viola cũng tương đốiít có.

Hồ cầm hay (trung) hồ cầm, tiếng Pháp là violoncelle, tiếng Anh là cello, người sử dụng là "cellist" - trong y khoa người chuyên khảo về "cellule" là "cytologist" ! Cellist luôn luôn ngồi trong khi trình diễn. Tôi biết tại Anh quốc có một bác sĩ y khoa đã bỏ nghề y để trở thành full time cellist (tôi không nhớ tên ông này!) và rất thành công.

Vì kích thước lớn và có lẽ vì nhạc sĩ người Pháp ít mang theo sang Đông Dương (?),mặc dầu trên tầu thủy dư chỗ, không khó như trên máy bay ngày nay, violoncello dường như ít được biết đến tại Việt nam (??). Tại Hà Nội tôi chỉ biết có Nhạc Sĩ Nguyễn Trí Nhường sử dụng nhạc khí này. Khi Ban Gió Nam trình diễn tại Hà Nội với Nhạc Sĩ Võ Đức Thu dương cầm (piano) thì có Nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp vĩ cầm và Nhạc Sĩ Nguyễn Trí Nhường cello hòa tấu vài bản "tam tấu khúc" (trio) - lúc ấy tôi còn nhỏ c.1952 ?

Khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc thành lập tại Saigon thì có một người Trung Hoa là Ông Phùng Hán Cao cộng tác về cello (?). Chắc là BS Nguyễn Đức An biết nhiều và biết rõ. BS An cũng đã học cello tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc.

Ngoài ra có Ông Pierre Faucon, ký giả báo "Journal d'Extrême-Orient " tại Saigon cũng là cellist tài tử (amateur), thỉnh thoảng vẫn có bài báo hay phóng sự viết về âm nhạc.
Sau này tại Trung Tâm Văn Hóa (Tây) Đức (Goethe Institut) có một chuyên viên thường trình tấu nhạc violoncello, người thường có mặt là BS Lê Sỹ Quang, BS Đàm Xuân Khôi (hai bạn này đều đã qua đời) và tôi thường xuyên có mặt.

Có một danh cầm của Mỹ là Gregor Piatigorsky tới Saigon trình diễn cello, và đã có một bài của Luật Sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận và ca ngợi: "Tiếp Nhận Piatigorsky".

Sau này cello trở nên phổ thông hơn tại Âu Châu và Mỹ Châu, với rất nhiều tài năng mới.
Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cư ngụ tại Sydney có 3 cháu gái đều học cello. Vì ở xa nên tôi không biết rõ. [Chị Nguyễn Mạnh Tiến tốt nghiệp Dương cầm tại Saigon].

BS Nguyễn Thượng Vũ nói tới người cellist giữ đàn kẹp giữa hai chân, có lẽ giống như thời trước người ta vẫn có "viola da gamba" (?). gamba (hoặc giamba là chữ jambe của Pháp).

Đại hồ cầm, tiếng Pháp contre-basse tiếng Anh "bass" hay "contrabass" thì lớn hết cỡ nhưng lại được biết đến tại Việt Nam và có khá nhiều người sử-dụng. Tiếng đàn trầm, dùng thay cho tiếng trống để giữ nhịp. Có thể dùng ngón tay để nhấn dây đàn, nhưng cũng có thể dùng "archet".

Người sử dụng thường thường là đứng, nhưng cũng có khi ngồi ghế đặc biệt rất cao.
Bản nhạc dành cho contrabass trong nhạc cổ điển thì có rất ít, gần như là một thứ "curiosity" (?).

Thân kính

Hà Ngọc Thuần QYHD13
Brisbane 11 July 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét