Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Giữ Trọn Tình Quê - Hội Ngộ Đồng Hương Sịa Hải Ngoại Kỳ 5 Tại Bắc California

(Tác Giả: Minh Thúy Thành Nội)

Lời phi lộ

Kính thưa quý đồng hương Sịa . Trong niềm cảm xúc MT muốn viết đôi điều về tổ chức ĐHS hải ngoại lần thứ 5 tại Bắc Cali như cất một kỷ niệm đầy niềm vui. Vì là dâu Sịa , chưa hề biết hoặc về Sịa, nên cần nhờ ông Google chỉ lối, nhưng không thấy và không hiểu về nhiều làng có đặc điểm chi, nên đã viết trong sự hiểu biết hạn hẹp .

Bài này chỉ viết theo cảm xúc riêng tư của mình, vì còn lu bu nhiều việc chưa giải quyết khi wifi , máy móc đang bị xáo trộn, hơn nữa MT có mời nhạc sĩ Trần Đại Bản ở lại chơi một tuần để họp mặt bạn văn thơ trên diễn đàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, cho nên đang còn bận rộn, chưa tròn nhiệm vụ chi thu tiền bạc rõ ràng và chưa kể hết được tên của những người ủng hộ không tham dự. Xem như đây là bài viết nháp “đang còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn “, tuần sau MT sẽ điều chỉnh lại.
Xin quý đồng hương đọc trong sự hoan hỷ . Kính chúc sức khỏe và bình an
MT
nhạc sĩ Trần Đại Bản
(Nhạc sĩ Trần Đại Bản & Minh Thúy)
 
​Cuối tháng hai chú Lê hữu Thọ (em chồng) dặn tôi nếu có phone người lạ vùng SF nhớ mở lên nghe. Thì ra anh Thuận sinh hoạt chung với tôi nơi “Văn học cỏ thơm”, tôi chỉ biết chứ không quen. Anh T mời tôi làm MC cho đại hội Sịa sẽ mở đầu tháng 7.

​Tôi được biết 3 người bạn thân cùng là lính VNCH, cùng đi tù nơi Ái Tử, Bình Điền, có nguồn gốc con dân Sịa đứng ra tổ chức. Các hội ngộ ĐHS Hải Ngoại 1, 2 & 4 tổ chức ớ Nam Cali, Hội Ngộ 3 tổ chức ở Arlington Dallas (TX).
Đáng lý anh Bùi Phước Ty tổ chức kế tiếp kỳ 5 tại Bắc Cali, nhưng năm 2020 bị trình trạng Covid-19 xảy ra, 2022 anh Ty định thực hiện thì bị mổ tim cần dưỡng bệnh. Ba người bạn Thuận, Hoá, Thọ xin phép cố vấn Bùi Ty tổ chức và được khuyến khích. Tôi cũng phân vân vì thường MC phải đủ điều kiện dáng dấp, trẻ đẹp, ăn nói hay, mà mình thì đã già và chỉ có con zero. Kế tiếp anh Hoá (trưởng ban) gọi nhắc lại vai trò MC và muốn tôi hứa một tiếng để ban tổ chức yên tâm, tôi cũng thắc mắc tại sao không mời người chuyên làm MC, anh Hoá nói “chỉ muốn dân Sịa, anh em cây nhà lá vườn mình làm cho vui, gắng giúp một tay chứ trong 3 năm vừa qua dân Sịa từ giã cõi đời nhiều lắm. “Câu nói sau như sự nhắc nhở “ cuộc đời ngắn ngủi, mọi sự đều vô thường” đã gây sự xúc động nên tôi nhận lời vì biết phần nghi lễ, giới thiệu quan khách đã có chú Thẩm, phía văn nghệ chỉ giới thiệu người hát thì cũng đỡ lo.

​Mạ chồng tôi là con quan Thượng Thư Nguyễn viết Song(ngày nay các đài truyền hình Huế có đến phỏng vấn con cháu và chụp hình ngôi nhà). Mạ lấy chồng gốc Sịa tên ba Lê hữu Dãn, cha chồng là ôn Lê hữu Hàm (thường được gọi là ôn Quản Hàm), ông nội chồng là cố Lê hữu Hiệu làm quan dưới triều Nguyễn. Nghe trong nhà kể lại thời đó được tin mật báo cho biết ôn Lê hữu Hàm và ba Lê hữu Dãn có tên trong danh sách sẽ bị VC thủ tiêu, nên gia đình chạy trốn lên Huế, phần ba Dãn làm việc trong ngành thông tin, đổi đi nhiều nơi nên chọn đất Huế sinh sống từ đó.

​Mạ ngày xưa là hoa khôi trường Đồng Khánh, tiểu thư đài các hiền thục, khi về làm dâu mạ chồng gốc Sịa, được bà nội dạy nữ công gia chánh, nên mạ giỏi giang không thua ai. Mạ sinh con, hầu hạ ba mạ chồng nơi căn nhà trên đường Mai thúc Loan hướng ra cửa Đông Ba.


​Tôi lấy chồng xứ Sịa, nhưng chưa hề biết Sịa và về Sịa. Hồi xưa có thấy xe đò “ Huế- An Lỗ -Sịa “ đậu bến xe Nguyễn Hoàng ( giữa trường Thượng Tứ và Kỳ đài Phu Văn Lâu, thỉnh thoảng nghe bạn bè hay nói làm đày “ con ni Sịa hí “câu nói quen miệng chứ tôi cũng không hiểu ý, có lẽ chê hỉ ?, hay là ví theo câu “ui cha Sịa ! Láo thiên láo địa láo từ bên Sịa láo qua… Nội Thành” nếu ngày xưa tôi hiểu và đã lấy chồng Sịa thì sẽ trả treo lại “Nhất Huế nhì Sịa” đó tề.

​Khi gia nhập vào gia đình nhà chồng, tôi thường nghe mấy O em chồng, hoặc chồng tôi kể lại “mỗi lần có tế làng hay cúng giỗ, thường đi theo ông Nội về Sịa ăn uống no nê, hoặc lúc ba làm ngành thông tin, thỉnh thoảng chở mấy anh em về thăm bà con, ở lại ngôi nhà ông Nội xây để con cháu về nghỉ ngơi vào dịp mùa hè, hiện nay ngôi nhà vẫn còn, cho con cháu người làm giữ dùm và hương khói mồ mả tổ tiên.

​Sau 75 có cơ cực mới hiểu bà con xứ Sịa sống rất giàu tình nghĩa. Dù nơi đâu cũng thiếu thốn tả tơi, nhưng ở Sịa còn có mảnh vườn trồng rau trái, khoai sắn. Nhiều lần ông xã tôi và chú Thọ đạp xe về làng, bà con cắt bầu bí, mướp ngọt gởi theo, hoặc thỉnh thoảng họ đem khoai sắn lên thành phố tiếp tế, mạ chồng níu tay mời ở lại dùng ...bột mì nướng, nhưng O chú, dì , dượng nhất định không ở lại, bảo về cho kịp chuyến xe đò, nhưng ai cũng hiểu ngầm bà con tránh, sợ tốn miếng ăn của gia đình đông con thiếu thốn. Nghĩa cử đó cả đời không quên, anh em trong gia đình nhắc nhở hoài, nhắc để biết đền đáp mỗi dịp Tết đến hoặc những lúc bà con đau yếu bệnh hoạn.


Tôi tìm hiểu về đất Sịa, nhờ ông Google đưa đường dẫn lối trên các websites, rất muốn biết đặc điểm của các làng, nhưng tìm chẳng thấy, đành đại khái đôi điều :

“Sịa là thị trấn của huyện Quảng Điền, nằm ở phía Bắc Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ một. Sịa là vùng quê trù phú với bao giá trị văn hoá lâu đời mà nay vẫn còn được lưu lại ở làng Khuông Phò và một số làng khác như Thủ Lễ, An Gia, Thạch Bình, thuộc huyện Quảng Điền. Đó là những di sản viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm như các sắc chiếu, gia phả, bằng cấp giá trị vô cùng”.

​Làng Sịa có gốc gác quan quân và vua chúa. Ngày trước, vua Lê Thái Tông vào Nam dẹp giặc Chiêm Thành ở Thuận Hóa và Quảng Nam khi trở về Bắc, khu vực Sịa vua giao phó cho một số quan quân tình nguyện ở lại khai canh. Thế là có Khuông Phò, Thủ Lễ, Tráng Lực. Từ ba làng chính này, sau này Sịa phát triển thêm một số làng khác. Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam đã thay các ngài khai canh. Đời hậu Lê dựng nghiệp, vua Lê Thánh Tông lấy một bà họ Nguyễn làng Tráng Lực. Nghe ông bà kể lại, bà này xinh đẹp, cốt cách quý phái, dáng dấp thanh tao, sinh được một thái tử khôi ngô, tuấn tú… Vì vậy dân làng Sịa mới có truyền thống văn hóa, sống có khuôn phép, lễ nghĩa, đạo đức. Cuộc sống của dân làng sung túc, buôn bán phồn thịnh“Làng Thủ Lễ - thị trấn Sịa- huyện Quảng Điền là một vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang. Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa”. Các công trình dù lớn hay nhỏ cũng đều là sự đóng góp, xây dựng của dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng. Nơi đây có ngôi đình làng Thủ Lễ, là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật với sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm, đã giữ gìn nếp sống tốt đẹp. “Sịa nổi danh là một vùng quê trù phú, văn vật, với biết bao giá trị văn hoá mà cho đến nay vẫn còn ngời sáng”

Theo sử sách của làng, Thủ Lễ có nghĩa là “giữ lễ”, họ có cuộc sống về tinh thần, văn hoá rất là phong phú. Hàng năm, làng tổ những ngày lễ tế như tế làng, cúng cô hồn không nơi nương tựa diễn ra trong 3 ngày đêm. Tế trời đất thánh thần cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, dân làm ăn ra, sống an lành hạnh phúc. Tế các bậc tiền nhân có công với làng nước để dạy con cháu sống phải biết ơn với tổ tiên theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngày xưa đời các cố, hai bên nội ngoại như ông Lê hữu Hàm, ông Hồ đăng Sao ăn mặc chỉnh tề cúng tế thể hiện sự tôn trọng việc làng nước. Thêm vào các sinh hoạt nhân gian : hò giã gạo, hò mái nhì, vè rất được lòng dân ưa chuộng. “Hiện nay làng có 14 họ tộc, những ngôi nhà thờ họ được con cháu giữ gìn chu đáo, nhiều họ còn có cách làm hay để giáo dục con cháu giữ nếp nhà bởi làng có truyền thống giữ lễ. Sịa có rất nhiều nhân tài đỗ đạt vào làm quan như ông Trần hữu Khác sinh làng Thạch Bình, năm 27 tuổi đậu bằng tiến sĩ dưới thời Tự Đức thứ sáu, và 54 người thuộc làng Thủ Lễ được làm quan dưới triều Tây Sơn. Đó là điều hãnh diện cho làng Thủ Lễ có 2 đền Văn Thánh và Võ Thánh. Đình làng Thủ Lễ có lối kiến trúc độc đáo nhà cổ, được công nhận di tích quốc gia. “Sịa nổi danh là một vùng quê trù phú, với nhiều giá trị văn hoá mà cho đến nay vẫn còn sáng ngời”. Tâm tánh con người thì hiền lành thật thà, có nếp sống đạo đức nhân hậu, đặc biệt những con dâu Sịa giỏi việc buôn bán, bếp núc giỏi việc gia đình, khéo tay làm đủ món nem tré, chả tôm, chả lụa, cho đến bánh trái nữ công gia chánh đều hoàn hảo. Sở dĩ tôi biết vì nhìn qua bà mụ, bà nội bên chồng là...tái mặt vì mình không được một phần của thế hệ xưa (tìm hiểu tài liệu qua bài viết của cô Bùi Kim Chi và Diên Thống).

Trở lại chuyện tổ chức Đại Hội Sịa Kỳ 5.

​Buổi họp đầu tiên tại nhà Hồ đăng Nghĩa (con chú Hồ đăng Lang), anh Hóa xin địa chỉ email và số phone để liên lạc làm việc chung. Buổi thứ hai trưởng ban cần tìm người thủ quỹ, chỉ định, yêu cầu nhưng không ai nhận, anh than thở “tiền ủng hộ gởi tới rồi không biết giao ai”, thế kẹt nhờ tôi, cuối cùng tôi cũng xuôi tai nhận làm thủ quỹ.


​Anh Hóa và anh Thuận bắt đầu in thiệp, dùng địa chỉ nhà tôi gởi đi khắp nơi và trên tấm thiệp ghi luôn số phone của tôi. Nghe mấy anh kể lại truyền thống của 4 kỳ đại hội trước do 3 ông trưởng bối (trong đó có chú Trực bà con nhà chồng tôi), đặt ra phương châm là: không bán vé, không nói giá tiền, tùy bà con ủng hộ. Kết quả những lần trước rất phấn khởi dư được số tiền khả quan dùng làm việc cứu giúp anh em Thương phế Binh, hoặc cho “Cây Mùa Xuân” bên quê nhà, bây giờ đại hội kỳ 5 cũng phải đi theo đường lối đó. Tôi là người luôn ăn chắc mặc bền, tính chuyện thực tế rõ ràng trong cuộc sống khác hẳn với thơ văn thì luôn buộc gió thả mây. Từ khi in thiệp mời, có nhiều người hỏi giá vé trên diễn đàn hội Sịa,

​Anh trưởng ban Ngô Hóa trả lời hiền lành thật thà “Mời bà con về dự, đừng hỏi chuyện tiền bạc, tôi sẽ không nhận tiền của ai hết ...” ôi trời! không biết bữa đó anh có uống lộn thuốc hay có men rượu không?!!! tôi vừa đọc xong là mặt tái xanh cỡ màu nước biển, miệng muốn á khẩu, tự dưng thấy hồi hộp lo âu vô cùng.

​Tôi so sánh ngày trước giá đặt tiệc chỉ khoảng $25, $30 hay hơn một tý nơi các vùng khác, kinh tế thời đó cũng sung túc, bà con làm ăn khấm khá nên được nhờ. Vật giá tại bắc Cali nổi tiếng đắt đỏ nhất, sau vụ Covid -19 bùng nổ, đến nay đã có 4 nhà hàng đám cưới, tiệc tùng đóng cửa, chỉ còn lại một nhà hàng Dynasty. Kinh tế khủng hoảng, bà con thất nghiệp chung quanh, vật giá leo thang kinh khủng. Ban tổ chức đã đến chọn đặt loại trung bình $65, chưa kể phần mua rượu bỏ lên bàn, như vậy giá chót bèo lắm cũng phải $75 một ghế ngồi. Thôi thà mất lòng trước được lòng sau, “đứa cháu dâu này xin lỗi chú Trực...phải vượt rào đi lối khác thôi, chỉ mình con ...sai trái chứ BTC đàng hoàng thật thà lắm. Con vô cùng xin lỗi cả những tiền bối khác, ai tha thứ thì nhờ, ai ghét thì chịu, dù giờ này chú đã yên giấc nghìn thu, nhưng con vẫn mong được chú...chấp nhận.
Tôi nhảy vào diễn đàn lên tiếng:
- Anh Hóa nói chi nghe như ở Chùa rứa? Hôm trước đặt mỗi bàn là $650, dù tui không thể ủng hộ thêm, nhưng tui cũng phải trả phần ăn của mình chớ, nếu anh không nhận $ thì tui không đi mô nghe, mà anh không nhận lấy tiền mô trả nhà hàng?
​Ông trưởng ban có vẻ mắc cỡ trả lời:
- Nói đến tiền bạc Hóa ngại ngùng lắm, không muốn đề cập tới

​Tôi mắc cười nghĩ thầm “Ui...dzậy thì chết cha ngộ dzồi, mấy ông tổ chức hiền lành mở miệng không ra, thì thôi để mình tui ...quậy vậy, ai biểu kêu tui làm thủ quỹ ...”
​Từ đó mỗi ngày tôi nhận tiền tới tấp, xa gởi check hoặc qua zelle, gần nhắn đến nhà lấy. Phone gọi liên tục, bình thường tôi không mở phone lạ, nay mở ra đúng toàn bà con Sịa.

Gia đình đầu tiên là anh Phan gia Hòa ghi tên 22 người.
​Tôi ngạc nhiên và ngầm thán phục hỏi anh
- Răng anh dụ mấy cháu nhỏ chịu đi tài rứa?
Anh cao giọng
- Không đi mà được à, nơi chốn ông cha nó sinh ra, gầy dựng nuôi chúng nó nên người, phải đi để biết tông biết tổ, anh tuyên bố trước để chận đứng “không được đứa mô đi chơi xa trong khoảng thời gian đó, phải có mặt đi dự hội Sịa”.

​Tôi nghe vô cùng kính nể lối sống trọng tình trọng nghĩa của anh, có được phước báu đàn con cháu vô cùng hiếu thảo với ba má. Thời gian ở VN, nhà anh chứa biết bao nhiêu gia đình có diện HO qua Mỹ từ Huế vào, được tá túc nhà anh cho đến ngày đi, ngày cả người không quen, chỉ biết dân làng Sịa đã vào lập nghiệp vùng Qui Nhơn từ lâu, cũng được ở nhờ qua bà con giới thiệu. “ Hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng tốt đồn xa, cho đến bây giờ mọi người vẫn thường nhắc ân tình quý báu năm xưa.

​Kế tiếp gia đình anh Hồ đăng Lăng ủng hộ 22 người, khỏi nói về gia đình anh và chị Nguyệt thì ai cũng biết. Tuy làm ăn phương xa đến đất Sài Gòn, nhưng anh chị luôn hướng lòng nơi quê Sịa, về thăm và đóng góp rất nhiều việc đại sự cho đất Sịa, nên được khắc tên để dân làng ghi ơn. Qua Mỹ anh chị lại càng thiết tha hơn về quê cha đất tổ, quyên góp hàng năm trong việc cúng tạ trời đất của dân làng.

​Gia đình con cháu chú Hồ Lang ghi danh 22 người, rất vui vẻ náo nức mong chờ ngày họp mặt bà con Sịa, hăng hái làm tài xế đón đưa đồng hương từ các tiểu bang xa về.

​Gia đình con cháu ba Lê hữu Dãn 25 người. Rể Anh làm trưởng ban văn nghệ và MC, con gái Tịnh Tâm trưởng ban tiếp tân, con trai Lê hữu Thọ đưa đón phi trường và xe đò Hoàng, dâu Minh Thuý làm thủ quỹ, góp một bàn tay chung vai gánh vác lần này.

Cũng kể luôn gia đình cố vấn Trần Quỳ, gia đình O Diệu Thanh & chú Bùi Miều cũng hăng hái ghi danh 1 bàn.

​Từ xa chú Võ Minh, anh Nguyễn hữu Lợi, chị Như Khuê, Lê Quyên, chị Hoàng thị Nga, anh Trần Đại Bản, chị Ngọc Khánh, em Võ Quỳnh Phương & Huy Thái, anh Nguyễn khoa Hoạt, Lê Thành, Hoàng Vũ Khiêu & Mỹ Lệ, ghi tên tham dự đã ủng hộ hậu hỷ.
​Có lần Võ Đạo (con chú Võ Minh) email riêng cho tôi, muốn ghi danh thêm 2 khách nữa, gởi zelle liền $600 nhưng dặn tôi dấu tên, vì ngày đại hội cũng là ngày Anniversary 58 năm của ba mạ, Đạo muốn xếp bàn chung dành surprise 2 người khách, nên tôi ghi trên list là “cháu Sịa”.

​Ngoài ra còn các chú, O, anh chị không tham dự, gởi tiền ủng hộ như chú Phan gia Nhuận, chú Ngô Chương, chú Lê Ngà, chú Phan gia Quýnh, O Phan thị Hoa, anh Nguyễn Đạt & Ngô Thuỳ Dương, anh Phan văn Lập & Nguyễn thị Ái, Hồ Thể, Kim Chiến, Trần đình Sắc, Bành Kim Lệ, Trần Đức Túc, Thái Quang Minh, tôi vô cùng cảm kích những tấm lòng đậm đà tình đồng hương trong nghĩa cử đẹp.

​Nhờ vai trò thủ quỹ mà tôi quen được rất nhiều O, chú gọi phone hỏi thăm “rứa con là con của ai “,dạ “là dâu Sịa”. Thỉnh thoảng chú Hội bắn qua chọc, chú Tô, chú Thẩm gọi phone khuyến khích bày vẽ, Chú Minh thư thăm hỏi kèm check, chị Như Khuê chuyện trò bằng email, anh Lợi tâm sự chuyện đời, anh Bành Kim Lệ nhận bà con, cùng làng thơ, đọc thơ cho nghe, chưa kể các em các cháu bắn tin chuyển tiền, bà con gọi ghi danh tham dự ...thiệt là vui và bận rộn.


Trong vòng 2 tháng đã có hơn 200 người chuyển tiền. Nhìn kết quả đã giúp tôi bớt bị stress, ổn định tình thần trở lại, cùng cố vấn Trần Quỳ, anh Thuận đến nhà hàng Dynasty deposit tấm check, lòng yên ổn nhẹ nhõm khi đã trả hơn 2/3.
​Lúc thuê tầng dưới của nhà hàng, BTC dự trù 200 người, không ngờ số ghi tên cứ tăng dần tới 250 mọi người đều lo chỗ chật chội ngồi ép không thoải mái. Cho đến khi con số lên gần 280, BTC bắt buộc phải điều đình với nhà hàng, xin phép dời lên lầu. Quy luật nhà hàng phía trên lầu yêu cầu trên 28 bàn, và may mắn đêm đó không có hội đoàn nào tổ chức, nên được chấp nhận.
​Đến nay đã lên 30 bàn, ai nấy thở phào nhẹ nhõm nhìn nhau cười rạng rỡ.

Bất ngờ một ngày có tin không vui: thím Võ Minh ở Boston bị té gãy xương, gia đình ghi danh 4 người gồm chú thím, Võ Đạo và em gái, nay cancel. Mọi người ai cũng buồn trước tin bất ngờ này. Chú Võ Minh thông báo và ủng hộ số tiền đã đóng. Nhận thấy tấm lòng chú thím quá tốt, cộng thêm sự rộng rãi của con trai, trong lúc thím đang bệnh nên BTC quyết định trả lại $ cho con trai, chỉ nhận $ của Chú Minh.
​Điều này đã khiến tôi có nhiều cảm xúc, nhất là được biết chú thím ăn trường chay, và cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Võ Đạo (con trai chú).

​Trong hội Sịa có bác Trần In năm nay đã 98 tuổi thọ là điều quá quý và hãnh diện cho làng Sịa. Ông xã tôi kể “bác rất thân với ba từ bên Sịa, đã từng làm ông mai giới thiệu cô M, nhưng không thành. Vào Sài Gòn cũng thân thiết qua lại, bác nhớ hết tên anh em lớn trong gia đình mình”. Tôi thấy kính trọng vô cùng, nên hứng khởi sáng tác 2 bài thơ Thất Ngôn Bát Cú, nhưng nghĩ chỉ một bài thì không nhân danh hội Sịa, nên gọi anh Thuận ( thi sĩ chuyên làm thơ Đường Luật ) họa lại, nhờ ông anh BT làm tranh thơ, tôi sang lớn mua khung bỏ vào, làm quà tặng bác và chú thím Võ Minh trong ngày đại hội.

​Lòng tôi sung sướng khi được đóng góp chút tình riêng không đụng chạm tới quỹ của hội. Các anh em trong ban tổ chức cũng mua xài dè dặt trong vấn đề làm sân khấu và các thứ linh tinh khác, anh Hóa đi dảo giá so sánh rồi cuối cùng ra chợ trời mua giá rẻ.


Riêng tôi lại càng tiết kiệm sát nút nơi nhà hàng về chuyện thuê người bọc ghế, hoặc trang trí những bình hoa trên bàn, khi nghĩ đến dân nghèo bên Sịa “Cây Mùa Xuân”mỗi năm, và việc khác như Thương phế binh VN, nhất là càng quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con đóng góp, nếu sau này có ai chê trách thì tôi gắng mở tai ra nghe “lỗi tại tôi mọi đàng” mà.

Điểm họp mặt ngày tiền hội ngộ tại nhà anh Hồ đăng Lăng vùng Fremont. Phe đàn ông hằng ngày miệt mài làm sân khấu, đặc biệt Phong ( con nhạc sĩ Đinh Miên) yểm trợ vật liệu, Ngô Hoá yểm trợ lều bạt cũng như sự đóng góp công sức của các anh em: Hà Thuận, Hồ đăng Anh, Hoàng Lương, Lê hữu Thọ, Hồ đăng Quỳnh, kể cả 2 ông cố vấn Trần Quỳ và Hồ đăng Lăng cũng phụ giúp chung tay đã thiết lập sân khấu ngày tiền họp mặt trong vườn nhà anh Lăng đẹp mắt làm mọi người rất ưng ý. Thức ăn uống, trái cây có người nhà anh Lăng quan tâm, cũng như anh Quỳ, anh Hóa bồi dưỡng đủ món, lúc bánh lọc, bánh ít, khi chả lụa, bánh nậm, bánh cuốn tràn trề kể cả những buổi họp. Nói riêng về cố vấn Trần Quỳ đúng là cây cổ thụ che nắng mưa cho ban tổ chức kỳ này. Tánh tình anh cởi mở, nụ cười thân mật hiền hoà, luôn khuyến tấn và sát vai cùng các em bất cứ việc lớn nhỏ, cho chúng tôi cảm giác hăng say quên mệt nhọc.

Ngày tiền hội ngộ bà con Bắc Cali quá dễ thương, mỗi người tự nguyện làm một món đem tới điểm tụ nhà anh Hồ đăng Lăng thiệt hấp dẫn như cá salmon nướng, gà bóp rau răm, món Ý, món Mỹ, chả giò, xôi, bánh bột lọc trần, gói lá, bánh ít ram, gỏi bò khô, gỏi mít tôm thịt, cơm, mì xào, trái cây, chè Thái Lan, bánh đông sương, chị Hồ thị Tơ nấu dùm nồi bún chay trong khi trước đó một ngày vừa xong chuyện soi ruột, nàng dâu Sịa đáng nể mặt dám gồng mình trong khi sức khỏe đang còn yếu ớt . Cũng kể thêm Hồ Dũng ( con chú Hồ Lang) tặng bia, nước ngọt, Hồ đăng Anh & Lê hữu Thịnh tài trợ phần ban nhạc ngày tiền hội ngộ, Lê hữu Vinh tài trợ phần rượu Ý đem đến nhà hàng. Không khí càng gần đến ngày càng quýnh quáng hơn, tuy mệt mà vui, vợ anh Hoá, vợ anh Thuận kể “ thao thức cả đêm không ngủ được, gần sáng mới thiu thiu thì ông dôn đã thức dậy nhắc nấu món đem đi.


Tin giờ chót cũng có chuyện vui lẫn chuyện buồn: buồn vì chồng chị Lương Trinh thấy mệt trong người, nên chị không yên tâm, con chị và chị Như Khuê cũng hủy bỏ chuyến đi vì mang tâm trạng “ mọt con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Vui : là O Duyên Tấn ( Thuận ), O thuộc vai vế trong bà con nên tôi gọi là O chứ đang còn trẻ, chuyên đi vác ngà voi, lo phần trang trí những tiệc hội chợ, sinh viên, nhà thờ, chùa, hay bất cứ hội đoàn nào nhờ đến. O là người của đất Sịa, vì quá bận rộn không hứa trước sẽ đi dự, nhưng giờ phút chót O đã đủ duyên lên Bắc Cali. Không thể tưởng tượng được vợ chồng O lái 2 xe , gởi thêm xe đò Hoàng các vật liệu trang trí khổng lồ về cảnh thôn quê VN. Vợ chồng O tới nhà hàng xin phép manager , rồi âm thầm trang trí 2 ngày nào là gánh hàng trái cây, ruộng lúa, nón lá , vòm hoa khổng lồ và chữ Sịa to hết chỗ diễn tả. Khi tôi đến sớm thấy O trèo lên cao , chui xuống dưới bò quanh làm việc với đầu bù tóc rối , mặt mày nhợt nhạt, trong khi bà con thi đua nhau xếp hàng chụp hình. Tôi tiếc lúc đó cũng quá lu bu, tại sao không chụp lưu lại hình ảnh người phụ nữ đam mê hết mình vì nghệ thuật và trái tim đầy nhiệt tình hy sinh, dâng hiến niềm vui cho đời. Nhìn công lao O & Chú mọi người muốn ứa nước mắt vì cảm động, O đã đem niềm hạnh phúc lớn lao cho ĐHS và lưu lại kỷ niệm quý giá vô cùng từ hình ảnh .

​Buổi tiền hội ngộ dù trời nóng tới 100 độ, nhưng bà con đến đầy khu vườn trong sự chuẩn bị hết sức công phu. Ban tổ chức mới được bầu lại gồm Hồ đăng Anh giữ vai trò trưởng hội Sịa, Hồ đăng Quỳnh phó ban, Hồ Thuận giữ chức nội vụ và thư ký. Trong thời gian qua nhờ làm việc mới biết rõ anh Hoá( trưởng ban tổ chức ) tánh tình rất hiền hậu đằm thắm, chạy loanh quanh lo đủ thứ việc, anh Thuận ( phó ban tổ chức), thiệt ganh tỵ vì trên đời này có bao nhiêu cái tài đều nằm trong người anh hết, thi sĩ chuyên trị thơ Đường, biết lay-out bài vở, viết thư pháp đẹp , design mẫu mã tài, giỏi Computer thật đáng khâm phục. Hồ đăng Anh là rể trong gia đình nên tôi rành từ lâu, hát hay, hò vè chuyên trị, người có sức khỏe tháo vác, rành chuyện cúng tế. Anh Đăng Quỳnh máu văn nghệ hăng say trời phú giọng hát mạnh, hiền lành dễ chịu. Riêng tôi được bầu lại chức thủ quỹ địa phương, tôi xét rõ đầu óc mình đã nhớ nhớ quên quên, sợ lúc quên cầm tiền của hội tiêu xài thì nguy, nên nhất định từ chối không đảm trách tiếp tục nữa.


Thật may mắn cho hội Sịa có những người giỏi như vậy, cộng thêm các cố vấn Bùi Phước Ty, anh Thẩm, anh Tô, anh Quỳ, anh Hội, anh Lợi, anh Lăng, anh Hoà nhiều kinh nghiệm, luôn góp ý xây dựng và khuyến khích các em bằng sự thương yêu như người một nhà. Anh Hội, anh Tô, anh Lợi rất vui tính và thân thiện, đặt biệt anh Thẩm rất khôi hài, ăn nói duyên dáng uyển chuyển tài khéo trong phần MC.
Ngày chính thức diễn ra bầu không khí rộn ràng vui nhộn không thể tưởng. Bà con xúm xít hỏi thăm nhau, chụp hình khoe những tà áo dài rực rỡ dưới tranh chiếc xe đò “Huế, An Lỗ, Sịa, ruộng lúa như muốn trở về ngôi làng thân thương, nơi đồng quê hiền hoà, có lũy tre xanh, có khói lam chiều, có những con người chất phát, những tấm lòng rộng mở chân tình, đầy ắp yêu thương trong tình làng mạc.

Ngày nay, vì hoàn cảnh người con Sịa sống tha phương nhiều nơi. Đặt biệt nơi xứ người, bà con làng mạc đã tìm tòi, liên hệ nhau gầy dựng sự đoàn kết, tổ chức những buổi họp mặt nhắc nhở về nơi chốn chôn dau cắt rốn, và không quên những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật bên quê nhà để chia sẻ tình nghĩa.

​​​Giữ Trọn Tình Quê

 
Tháng bảy xôn xao mùa họp mặt
Bắc Cali hạ kết vành hoa
Hân hoan chào đón đồng hương Sịa
Từ khắp muôn phương tụ một nhà

Tung cánh bầy chim bay biệt xứ
Bên ni, bên nớ dõi trăng thề
Ngậm ngùi năm tháng niềm mơ ước
Xa cách nghìn trùng nhớ rứa thê

Đất tổ cố hương đành bỏ lại
Đàn con lưu lạc chốn quê người
Răng quên được thủa dầm mưa nắng
Ruộng lúa câu hò vẫn thắm tươi

Hoài niệm không ngưng miền đất Sịa
Ai về đầm phá bến Tam Giang
Dòng sông kỷ niệm khơi thương nhớ
Hãnh diện quê ta đậm nghĩa làng

Gặp gỡ vui mừng ôi thỏa mộng
Bà con ấm dạ phút sum vầy
Hò vè, khơi lại hương mùa cũ
Giữ trọn tình quê mãi mãi đầy

​​​​​​​​​Minh Thúy Thành Nội
​​​​​​​​ ​Tháng 7/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét