Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Văn, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Văn bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.
Nguyên tác Dịch âm
紇那曲其一 Hột Na Khúc Kỳ 1
楊柳郁青青 "Dương liễu" uất thanh thanh,
竹枝無限情 "Trúc chi" vô hạn tình.
周郎一回顧 Chu lang nhất hồi cố,
所唱紇那聲 Sở xướng "Hột na" thanh.
Chú giải
楊柳 Dương-Liễu: Tức "Dương liễu chi", tên một khúc dân ca. Khục dân ca này rất cũ.
竹枝 Trúc-chi: Tức "Trúc chi từ", tên một khúc dân ca. Khúc dân ca này cũng rất cũ.
紇那 Hột-na: Tức Hột-na khúc, tên một khúc dân ca. Khúc dân ca này mới hơn hai khúc trên.
郁 uất: thơm tho, rực rỡ, lộng lẫy, ngào ngạt.
周郎 Chu lang*: Tức Chu Du, danh tướng Đông Ngô thời Tam Quốc, đã đánh thắng Tào Tháo trong trận Xích Bích. Ông rất thạo âm nhạc; mỗi khi một nhạc công tấu sai một nốt nhạc thì ông ngoảnh mặt lại nhìn họ. Điển này rất thông dụng từ thời Tam-Quốc và sau này được dùng rất biến báo tùy trường hợp; thí dụ có trường hợp một nữ nhạc công muốn khách chú ý đến mình thì cố tình gảy sai một nốt để khách ngoảnh mặt nhìn mình.
回顧 hồi cố: ngoảnh mặt lại. Dùng điển của Chu Lang (nói ở trên) ám chỉ người điều khiển chương trình ra hiệu đổi bài.
唱 xướng: hát trước để cho người ta hát theo gọi là xướng.
所 Sở: (danh từ) Nơi chốn, xứ sở. (đại danh từ) Chỉ người làm chủ sự gì, vật gì. Trong bài này ám chỉ người điều khiển chương trình hòa nhạc.
回顧 hồi cố: ngoảnh mặt lại.
Dịch nghĩa
Hột Na Khúc Kỳ 1
Bài ca “Dương liễu" xanh xanh thơm lừng,
Bài ca “Trúc chi" cũng vô cùng tình tứ.
Chu Lang ngoảnh mặt lại, (Lấy điển của Chu Du ám chỉ rằng người điều khiển chương trình ra hiệu muốn đổi bài khác)
Sẽ được chuyển sang điệu mới "Hột na".
(“Dương liễu” và “Trúc chi” là hai khúc dân ca cũ. “Hột-na” là một khúc dân ca mới).
Năm 805, đang làm đồn điền viên ngoại trong triều, tác giả có lỗi bị biếm ra làm tư mã Lãng Châu (nay là huyện Thường Đức, tỉnh Hà Nam) gần 10 năm mới được triệu hồi kinh. Trong thời gian này, ông đã lợi dụng nhàn rỗi, nghiên cứu các điệu khúc và ca khúc dân gian nhuần nhuyễn. Ông đã phổ thơ Đường vào các điệu khúc và ca khúc dân gian và để lại nhiều bài từ theo các điệu "Hột na khúc", "Dương liễu chi" và "Trúc chi từ".
Dịch từ
Hột Na Khúc Kỳ 1
“Dương liễu” ngạt ngào xanh,
“Trúc chi” vô hạn tình.
Chu Lang* một ngoảnh mặt,
“Hột Na” đổi âm thanh.
Lời bàn của Con Cò
Lưu Vũ Tích dùng điển Chu Lang* trong bài này không sáng sủa nên rất khó hiểu (xin đọc kỹ điển Chu Lang*): Con Cò tóm tắt toàn bài như sau:
- Câu 1: Thoạt đầu chơi bài “Dương liễu chi” thật là ngào ngạt xanh,
- Câu 2: Rồi chuyển sang bài “Trúc chi từ” rất tình tứ.
- Câu 3: Bỗng Chu lang* (ám chỉ người điều khiển chương trình) ra hiệu đổi bài,
- Câu 4: Thì khúc “Hột Na” được chơi để kết thúc buổi hòa tấu.
Con Cò dịch hai câu 3 & 4 đại ý nói rằng tác giả dùng điển Chu Lang* để ám chỉ người điều khiển chương trình lúc này ra hiệu cho ban nhạc đổi sang khúc “Hột Na”.
(Ngũ ngôn tứ tuyệt rất súc tích & cô đọng: điển tích dùng trong thể thơ này rất khó khăn; muốn hiểu cách dùng điển trong ngũ ngôn tứ tuyệt thì nên đọc thơ của Lý Bạch và Lý Thương Ẩn và nên đọc cách giải thích về điển của Chu Hy)
Con Cò
***
Hột Na Khúc Kỳ 1
"Dương liễu" biếc hương bay,
"Trúc chi" tình tự dài.
Chu Lang một ngoảnh mặt,
Khúc "Hột Na" đàn sai.
Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jun. 28/2022.
***
Góp ý:
Kỳ này ÔC chọn một bài thật lạ, BS chưa đọc bao giờ, lạ vì đọc hai chữ hột na thì giật mình tưởng là tiếng Việt!!!
Thật ra bài này chẳng có gì đặc sắc, nhưng là dịp để ta thấy sự cẩu thả của Thi Viện, vì họ giảng chữ uất trong câu đầu là thơm lừng, và hồi cố là trở lại. Uất là sum xuê, rậm rạp, uất ức, buồn bã, không phải thơm, và hồi cố là quay đầu lại (nhất cố khuynh nhân thành, thơ của Lý Diên Niên)
BS không những biết điển Chu Lang Hồi Cố, mà còn biết cả bài Minh Tranh của Lý Đoan, có 2 câu chót giải thích điển tích đó như ÔC giải thích:
Dục đắc Chu Lang cố,
Thời thời ngộ phất huyền.
Hột Na Khúc Kỳ 1
Dương liễu rậm xanh xanh,
Trúc Chi chan chứa tình,
Khi Chu Lang quay mặt,
Sẽ nghe Hột Na thanh.
Bát Sách
(Ngày 29 tháng 06 năm 2022)
@ Phí Minh Tâm xác nhận:
Anh Bát Sách,
Anh nói đúng Lý Đoan mới là người đầu tiên xài điển tích Chu Lang cố trong bài Thính/Minh Tranh. Hai thi nhân khác, không mấy có tên tuổi, có xài điển tích này là Lưu Canh trong bài Hòa Chủ Tư Vương Khởi 和主司王起 và Pháp Tuyên trong bài Hòa Triêu Vương Quan Kỹ 和趙王觀妓.
Lý Đoan chết khá lâu Lưu Vũ Tích mới bắt đầu làm thơ và viết từ. (Phí Minh Tâm)
***
Hột Na Khúc Kỳ 1
“Dương liễu” tốt xanh xanh
“Trúc chi” vô hạn tình
Chu lang quay đầu hướng
Nơi xướng “Hột Na” thanh!
Tốt tươi Dương Liễu xanh xanh
Trúc chi từ khúc long lanh tình người
Chu lang quay mặt về nơi
Hột na ngâm khúc một thời xướng sai!
Lộc Bắc
***
Nguyên tác: Phiên âm:
紇那曲其一-劉禹錫 Hột Na Khúc Kỳ 1 – Lưu Vũ Tích
楊柳郁青青 Dương liễu uất thanh thanh
竹枝無限情 Trúc chi vô hạn tình
周郎一回顧 Chu lang nhất hối cố
所唱紇那聲 Sở xướng hột na thanh
Sách có mộc bản bài thơ/từ:
Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Nhạc Phủ Thi Tập - Tống - Quách Mậu Thiến 樂府詩集-宋-郭茂倩
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Ghi chú:
Hột Na khúc: các khúc ca dân gian; sau đó trở thành từ khúc, một điệu, hai mươi chữ, bốn câu, và ba vần bằng (xem thêm bên dưới).
Hột Na: các hình thức ca múa nhạc truyền thống của nhiều dân tộc, có đặc điểm chung là tính tập thể, người tham gia đứng thành vòng tròn hoặc sắp xếp thành hàng, nắm tay hoặc vịn vai nhau, động tác thân không nhiều, chủ yếu là động tác chân, vừa hát vừa nhảy, chân đạp đất làm nhịp điệu (do đó có tên đạp ca).
Uất: đẹp đẽ, tươi tốt, sum sê, sầm uất
Chu Lang cố: Chu Lang ngoảnh đầu; điển cố miêu tả tâm tình của người đàn - cố tình gảy sai để được chú ý. Chu Lang là Chu Du, tướng nước Ngô thời Tam Quốc, 24 tuổi đã làm Đô Đốc thống lĩnh toàn quân đội nước Ngô. Chu Lang tinh thông âm nhạc, khi nghe đàn sai chỗ nào, cho dù đang say, cũng sẽ quay đầu nhìn người đàn. Do đó có câu nói: Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố 曲有误,周郎顾.
Lý Đoan là người đầu tiên xài điển tích Chu Lang cố trong bài Thính Tranh. Hai thi nhân khác, không mấy có tên tuổi, có xài điển tích này là Lưu Canh trong bài Hòa Chủ Tư Vương Khởi 和主司王起 và Pháp Tuyên trong bài Hòa Triêu Vương Quan Kỹ 和趙王觀妓. Lý Đoan chết khá lâu Lưu Vũ Tích mới bắt đầu làm thơ và viết từ.
Dịch nghĩa:
Hột Na Khúc Kỳ 1 Khúc Đạp Ca
Dương liễu uất thanh thanh Dương liễu xanh xanh tốt tươi,
Trúc chi vô hạn tình Cành trúc dễ thương vô cùng.
Chu lang nhất hối cố Nếu Chu Lang có chiếu cố,
Sở xướng hột na thanh Chắc ộng sẽ khởi xướng khúc Hột Na.
Dịch thơ:
Khúc Đạp Ca
Dương liễu đẹp tươi xanh,
Trúc tình cả ngọn cành.
Chu Lang nếu có mặt,
Sẽ xướng khúc ca thanh.
He Na Folk Song by Liu Yu Xi
The green willow is beautiful
While the bamboo is extremely lovely.
If Zhou Lang were present,
He would start the He Na song.
Thơ và Từ:
Bị biếm làm Tư Mã Lãng Châu (nay là huyện Thường Đức, tỉnh Hà Nam), Lưu Vũ Tích đã để 10 năm nghiên cứu các ca khúc dân gian và phổ nhiều bài thơ vào từ khúc trong đó có các bài từ được nêu trong bài này: Hột na khúc, Dương liễu chi, Trúc chi từ…
Bản bên dưới đối chiếu yêu cầu của luật thi và từ phổ. Luật thi khắt khe hơn từ phổ nếu không áp dụng biệt lệ nhất tam bất luận cho bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt. Khi áp dụng biệt lệ từ phổ trở nên khắt khe hơn. Thanh trắc của chữ 1 trong câu 4 đúng cho bài thơ tứ tuyệt, nhưng chưa đạt được yêu cầu của từ phổ.
Phí minh Tâm
***
Âm Giai Hát Xướng
Khúc ca "Dương liễu" thanh tao,
Thơm lừng xanh biếc, dạt dào bên tai.
"Trúc Chi", điệu nhạc trang đài,
Vô cùng tình tứ - ngân dài tiếng vang.
Chu lang để ý giọng đàn,
Ngâm nga âm vực, dịu dàng "Hột Na".
Khánh-Hưng
***
Hột Na Khúc Kỳ 1
Dương liễu mơn non xanh
Trúc chi biêng biếc tình
Chàng Chu vừa xoay mặt
Vang khúc Hột Na thanh
Lục Bát
Liễu xanh, dương biếc tươi cành
Trúc thanh yểu điệu khua nhành đong đưa
Chu lang ngoảnh mặt… chào thua
Tiếng đàn Na Khúc như thừa… một âm
Kiều Mộng Hà
June22th2023
***
Góp ý:
Cũng tựa như kỳ 1 của 授經臺=Thụ Kinh Đài, nếu không thấy kỳ 2 của 紇那 曲=Hột Na khúc thì người đọc không hiểu gì cả!
周郎一回顧=Chu Lang nhất hồi cố không có nghĩa là Chu Du ngoảnh mặt lại mà có nghĩa là (chính) Chu Du cũng phải để ý. Điển cố trích từ Chu Du truyện của Tam Quốc Chí với câu 瑜少精意于音乐虽三爵(酒器) 之后其有阙 (缺)误,瑜必知之,知之必顾, 故时人谣曰:曲有误,周郎顾。 Du thiểu tinh ý vu âm , tuy tam tước (tửu khí) chi hậu kỳ hữu khuyết (khuyết) ngộ, Du tất tri chi, tri chi tất cố, cố thì nhân dao viết: khúc hữu ngộ, Chu Lang cố.[Từ thuở nhỏ Du đã hiểu âm nhạc, và sau ba chén rượu, nếu có chỗ thiếu Du (cũng biết) liền, biết thì để ý, vì thế người đồng thời có ca dao: nhạc có chỗ sai, Chu Lang để ý.] Về sau các thi nhân dùng điển cố này để nói muốn làm Chu Du để ý thì cố ý đàn sai, hay nếu đàn đúng thì không sợ Chu Du để ý.
Hột na khúc xuất hiện từ đời Đường nên không có lý do gì liên hệ đến hay do Chu Du sáng tác cả. Theo Đường Âm Quý Thiêm của Hồ Chấn Hanh, 崔成甫= Thôi Thành Phủ (tk 8, bạn của Lý Bạch) dịch Đắc Thể Ca trong đó có câu “得體紇那 也,紇囊得體那”=đắc thể hột na dã, hột nang đắc thể na, và đó là nguồn gốc của hai từ 紇那=hột na. Bài Hột Na Khúc kỳ 2 cho ta biết là Lưu Vũ Tích làm bài khúc này để khen (hay chê?) một nhạc sĩ nào đó bằng cách so sánh nó với những điệu nhạc nổi tiếng khác.
Điều lạ về hai bài khúc là thế này: nếu điển cố bảo Chu Du chỉ để ý nếu có gì sai trong bài hát thì bài Hột Na của người nào đó đúng hay sai?!
Huỳnh Kim Giám
bài rất hay
Trả lờiXóa