Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Biệt Đội Trưởng Tình Báo Thiên Nga: Nữ Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy

Nhóm cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân vinh danh bạn đồng môn, Biệt đội trưởng tình báo Thiên Nga: nữ Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy

 

Trúc Giang MN thân tặng quý độc giả Quán Văn

1*. Mở bài

Chị Nguyễn Thanh Thủy thân mến,

Chúng tôi là hội viên của Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho. Lưu lạc khắp nơi, chúng tôi tìm về với nhau, liên lạc nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về trường, lớp, về bạn đồng môn và về những thầy cô giáo trên tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.

Đa số trong chúng tôi là học trò của người thầy kính yêu, thầy Nguyễn Ngọc Phái, ở trường tiểu học nhà lá Cầu Bắc. Thầy là thân phụ của chị. Anh Nguyễn Tấn Phát, cựu Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình, hiện định cư tại Toronto, Canada, có gởi cho anh Lý Ngọc Cương (Úc) và phổ biến trong chúng tôi bài viết của tác giả Như Ngã nói về chị Nguyễn Thanh Thủy, cựu Thiếu tá Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga.

Qua nội dung bài viết, chúng tôi rất tự hào về người đồng môn Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân nầy, người đồng hương Mỹ Tho, đó là chị Nguyễn Thanh Thủy, ái nữ của người thầy kính yêu là Nguyễn Ngọc Phái. Đồng thời chúng tôi cũng ngậm nguồi thương cảm cho cảnh tù đày của chị trong suốt 13 năm tù Cộng Sản.

Chúng tôi cũng đồng cảnh ngộ như chị, nước mất nhà tan, cũng bị tù Cộng Sản, cho nên thấu hiểu những nổi khổ đau, nhất là về người phụ nữ đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ tự do cho đồng bào miền Nam. Việt Nam Cộng Hòa.

Trúc Giang sưu tầm tài liệu về tổ chức, công tác, vai trò của người Biệt Đội Trưởng Thiên Nga, phổ biến trong Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân để tự hào và vinh danh người đồng môn, đồng hương Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho.

2*. Nhóm cựu học sinh Nguyễn đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho

Sau ngày mất nước, cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân (NĐC-LNH) lưu lạc khắp nơi.

Riêng chúng tôi liên lạc được với nhau, gắn bó nhau là do chúng tôi cùng học một lớp ở trung học, cùng là sinh viên của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cùng khóa ở Võ Bị Quốc Gia (Đà Lạt)

Anh Nguyễn Tấn Phát, cựu Phó Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, khóa 11 Đốc sự của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, hiện định cư ở Toronto, Canada. Anh Bùi Văn Tâm, định cư ở Canada, giáo sư Đại học ở Kingston. Anh Lý Ngọc Cương (Australia) và Lê Trình California, USA, cùng tốt nghiệp QGHC khóa 14. Anh Nguyễn Ngọc Thạch khóa 20 Võ Bị Quốc Gia.

3*. Bức thơ của anh Nguyễn Tấn Phát gởi cho Lý Ngọc Cương

Hi Cương và các bạn,

Chị Thanh Thủy cũng là một vị nữ lưu kiệt xuất của xứ Mỹ Tho địa linh nhân kiệt mà tôi cũng thấy hãnh diện lây.

Ngày xưa, với tài tổ chức móc nối tình báo trong suốt thời gian làm Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, chị đã ngăn chặn kịp thời những âm mưu khủng bố phá hoại lớn lao của bọn đặc công nội thành.

Chị là ái nữ của Thầy Nguyễn Ngọc Phái sau là Thanh Tra, nhà ở đường Ông Bà Nguyễn Trung Long xéo trường Nữ Tiểu Học. Chồng chị là Đại Úy Lê Thành Long, trưởng ban nghi lễ trường Võ Bị Đà Lạt, không biết anh Ngọc Thạch có biết không?

Vào giữa thập niên 2000, tôi thường tham dự họp mặt NĐC-LNH Nam Cali và có vinh hạnh gặp chị vài lần. Lúc đó chị còn khỏe và rất là “thân tình Mỹ Tho. Chị Nguyễn Thanh Thủy là Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Tình Báo Thiên Nga, nổi tiếng là tài ba bất khuất, anh hùng lúc đương nhiệm cũng như trong trại tù cải tạo.”

Sau cùng xin chúc nhóm Mỹ Tho chúng ta và gia đình luôn nhiều sức khỏe an bình.

Thân ái.

Nguyễn Tấn Phát

Lý Ngọc Cương phát biểu: “Thuỷ Thiên Nga” là một Vị Nữ Lưu đáng kính phục, rất xứng đáng là Hậu Duệ của Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Bùi Thị Xuân và những Anh Thư Liệt Nữ khác của MẸ VIỆT NAM.

Lnc. (Lý Ngọc Cương)

4*. Những yêu cầu khắc khe của người làm tình báo

4.1. Không nói thật. Không bạn bè. Không chia xẻ tâm sự

Người làm tình báo phải tuân thủ những điều kiện khắc khe của nghiệp vụ. Đó là “Không nói thật. Không bạn bè. Không chia xẻ tâm sự”.

Chị Thanh Thủy kể lại: “Không một ai trong gia đình tôi, kể cả chồng tôi, biết Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy là một Thiên Nga, một Thiên Nga chỉ huy những nữ tình báo trong Biệt Đội Thiên Nga.

Cha tôi, một nhà giáo ở Mỹ Tho, cũng chỉ biết con gái mình là một thiếu tá cảnh sát mà thôi.

Chồng tôi, một sĩ quan phục vụ ở trường Võ Bị Quốc Gia (Đà Lạt) cũng chỉ biết vợ mình làm việc ở Khối Đặc Biệt tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng không biết công việc cụ thể của vợ mình là gì. Gia đình chồng cũng chỉ biết con dâu họ là một sĩ quan cảnh sát, dạy học sinh ở trường học cảnh sát Trung Thu.

Những bạn cùng khóa huấn luyện sĩ quan ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia không ai biết Thanh Thủy là tình báo cả.

4.2. Hy sinh tình cảm cá nhân

Người làm tình báo phải chịu đựng cuộc sống khép kín, đơn độc. Không được nói thật. Không được tâm sự về việc làm của mình.

Chị Hà Thị Đông Nga, một trung úy cảnh sát, xướng ngôn viên của đài phát thanh và truyền hình thuộc Tổng Nha CSQG, cũng là một Thiên Nga, cho biết: ”Ngoài những khó khăn và nguy hiểm, người làm tình báo, đôi khi cũng phải hy sinh tình cảm cá nhân của mình.

Những Thiên Nga hầu hết là ở lứa tuổi mười mấy, hai mươi mấy, dưới 30, ai cũng có tình cảm cá nhân của mình.

Tình cảm nầy đôi khi bị gãy đổ vì oan ức. Một buổi chiều hẹn hò gặp người yêu nhưng công tác dồn tới, hoặc chưa ra khỏi mục tiêu, thì làm sao mà giữ được cuộc hẹn?.

Công tác tình báo không có ngày giờ nhất định, lúc thì 11, 12 giờ đêm hoặc 1, 2 giờ sáng. Cay đắng nhất đôi khi tình cảm gãy đổ, mang tiếng oan ức, nhục nhã mà không có quyền bào chữa.

Vì nhu cầu công tác, người nữ tình báo phải đóng vai một người ăn chơi ở vũ trường.

Mới buổi sáng gặp người yêu trong vai một nữ sinh viên ngoan hiền. Đột nhiên buổi tối, người yêu thấy mình ăn mặc sexy từ vũ trường bước ra. Tình huống nầy không có lý do để giải thích. Họ sẽ cho mình là người lừa dối, hai mặt. Nhưng vì công tác cho nên không có quyền nói thật. Không biện minh được. Chỉ biết ngậm ngùi chia tay.

5* Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga

Hệ thống tổ chức của Biệt Đội Thiên Nga gồm có: Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương, Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô bao gồm 11 quận, Biệt Đội Thiên Nga 4 vùng chiến thuật I, II, III và IV, và ở các tỉnh.

5.1. Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương

1). Nhiệm vụ

Có văn phòng tại Khối Đặc Biệt của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.

Biệt Đội Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ.

Lập cơ sở, văn phòng. Tuyển mộ nhân viên. Tổ chức huấn luyện. Tìm đầu mối phát triển công tác.

Hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia thành lập các Biệt Đội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Đô thành và ở các tỉnh trên toàn quốc. Biệt Đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nhân viên và gởi về trung ương huấn luyện các khóa tình báo tại trường tình báo trung ương. Về học lực, các phụ nữ phải có ít nhất là bằng trung học đệ nhất cấp hoặc cao hơn. Nữ nhân viên được tuyển chọn gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thơ ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo, vũ nữ. Xử dụng các nữ hồi chánh, các can phạm chính trị, công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ. (Ngoài cảnh sát)

2). Chương trình huấn luyện

– Các lớp tình báo căn bản (4 tuần)
– Theo dõi (6 tuần)
– Cán bộ điều khiển (8 tuần)
– Tác xạ.

Ngoài các lớp kể trên, các khóa sinh còn theo học các lớp kỹ thuật như chụp hình bí mật, học lái xe gắn máy, xe hơi. Học các lớp thẩm vấn.

Trong thời gian huấn luyện các khóa sinh phải nội trú và mang bí số. Việc giảng dạy do các giảng viên tình báo, còn việc giám thị và quản lý thì do nhân viên Thiên Nga đảm trách. Sau khi thụ huấn, các khóa sinh được trả về địa phương, nơi gởi người đi học. Bắt đầu nhận công tác do ngành cảnh sát đặc biệt phân nhiệm. Báo cáo gởi trực tiếp về trung ương.

5.2. Những bí danh của Biệt Đội Thiên Nga

Vì Thiên Nga là tên một loài chim nên mỗi kế hoạch công tác đều mang tên một loài chim như: Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến…

Những công tác phối hợp với những cơ quan khác thì dùng ám danh của sông núi như: Trùng Dương, Trường Sơn…

Do thay đổi tổ chức của Khối Đặc Biệt thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, nên cuối năm 1972, Biệt Đội Thiên Nga mang ám danh mới: “Đoàn Đặc Nhiệm G423g” để bảo mật.

5.3. Hoạt động của Thiên Nga

Các nhân viên Thiên Nga phải có những ngụy tích (lý lịch) và ngụy thức (cách trang phục) để len lõi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình nên cũng phải chịu hơi cay hay dùi cui của Cảnh Sát.

Một trong những công tác điễn hình là vấn đề cung cấp thực phẩm cho phái đoàn bốn bên VC, CS Bắc Việt, Mỹ và VNCH sau khi hiệp ước được ký ở Paris. VC và CS Bắc Việt đòi để họ chọn nhà thầu. Biệt Đội Thiên Nga cử người vào thầu giống như những nhà thầu tư nhân. Đội Thiên Nga đã hoạt động âm thầm cho đến ngày cuối cùng. Công tác đó có ám danh là Trùng Dương.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết trong thời gian hoạt động với các cán bộ nằm vùng, các chị em cố thuyết phục và có những người CS đã giác ngộ, quay lại hợp tác với các chị em Thiên Nga. Công tác này gọi là công tác Hoàng Oanh.

Biệt Đội Thiên Nga có rất nhiều nhân viên chính thức khắp các vùng chiến thuật, nhưng sau 1975 Cộng sản không tìm ra đuợc nhiều người, vì hồ sơ đã được hủy trước khi Miền Nam mất. Vấn đề tình báo luôn  được giữ bí mật, trong thời gian thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo, các chị em có bí danh, bí số. Sau khi ra trường, trở về  đơn vị các chị em hoạt động độc lập, nhận lệnh và báo cáo với cấp chỉ huy trực tiếp, chứ giữa các chị em trong Biệt Đội Thiên Nga không có sự liên lạc với nhau như ở các đơn vị Cảnh Sát sắc phục hay các quân binh chủng khác.

5.4. Người đốt hồ sơ Thiên Nga

Trong trại tù, đã có hơn bảy chục lần, người Biệt đội trưởng Thiên Nga, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy, bị hỏi tới hỏi lui chung quanh một câu hỏi, mục đích tìm ra những mật báo viên và những người hợp tác với Thiên Nga. “Tại sao làm tình báo mà chỉ có những nhân viên chính thức mà không có những mật báo viên thì thật là vô lý”.

Thật ra thì người Biệt đội trưởng Thiên Nga nầy đã chính tay đốt toàn bộ hồ sơ vào ngày 29-4-1975.

Năm 1973, Mỹ rút quân. Họ có kết hoạch bốc những nữ sĩ quan của Thiên Nga sang Mỹ. Nguyễn Thanh Thủy cảm thấy một biến cố chính trị sẽ xảy ra, nhưng không biết lúc nào. Chị nghĩ, nữ sĩ quan được bốc đi, còn các hạ sĩ quan Thiên Nga ở lại thì làm sao mà bảo vệ được những đồng đội của mình? Ý nghĩ tiêu ủy hồ sơ đã manh nha từ đó.

Chị Thủy cho biết suốt cả tuần lễ chị băn khoăn về việc bảo mật hồ sơ, cuối cùng tiêu hủy hồ sơ là cách tốt nhất trước khi chị em bị địch bắt. Chị Thanh Thủy phân tích: “Tôi biết rõ hết mọi người, mà tôi không tiết lộ với bất cứ ai cho nên khi chị em bị địch bắt, họ muốn khai thế nào thì cứ khai nhưng không có hồ sơ để đối chứng”.

Tiêu hủy hồ sơ mật, nhất là hồ sơ tình báo, là một phần căn bản của các tổ chức tình báo, khi không còn khả năng bảo quản thì tiêu hủy là cách tốt nhất để bí mật không lọt vào tay đối phương.

Chị Thanh Thủy đốt hồ sơ mật vào ngày 29-4-1975 đã bảo vệ phần nào những đồng đội của Thiên Nga.

6* Vài nét về người đồng môn Nguyễn Thanh Thủy

6.1. Tiểu sử 


Nguyễn Thanh Thủy sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Mỹ Tho. Thi đậu hạng cao vào lớp đệ thất trung học Nguyễn Đình Chiểu nên được cấp học bổng. Học 2 năm ở Nguyễn Đình Chiểu rồi chuyển qua học trường nữ vừa mới thành lập. Lê Ngọc Hân.

Đậu Tú Tài 2. Thi đậu vào Đại học Dược Khoa, theo ý muốn của cha. Bị bịnh viêm xoang mũi quá nặng nên không thể tiếp tục học vì trong phần thực tập, phải tiếp xúc với nhiều hóa chất.

Người anh của chị lúc đó đang học Chính Trị Kinh Doanh ở Pháp, khuyên chị nên theo học ngành của anh. Chính Trị Kinh Doanh. Chị ghi tên vào Viện Đại Học Đà Lạt, nơi có 5 trường như: Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Chính Trị Kinh Doanh và Thần Học.

Có lẽ khí hậu Đà Lạt khá lạnh so với người sống ở Miền Tây, Mỹ Tho, nên chị bị bịnh thống phong, còn gọi là bịnh gút (Gout) đành phải bỏ học về Sài Gòn chữa bịnh. 

6.2. Vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia.

Một hôm, người bạn cảnh sát cho biết, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia sẽ mở lớp đào tạo nữ cảnh sát. Chị trúng tuyển và sau gần một năm huấn luyện, kết quả có 18 Biên Tập Viên, gồm những người có tú tài 2 và 30 Thẩm Sát Viên có tú tài 1.

Thanh Thủy được bổ nhiệm vào Khối Đặc Biệt của Tổng Nha CSQG. Tháng 8/1968 Bộ Tư Lệnh CSQG quyết định thành lập Biệt Đội Thiên Nga và chị Thủy được chỉ định làm Biệt Đội Trưởng.

6.3. Che giấu hành tung

Tài liệu của Việt Cộng thu được cho thấy chúng đã biết về hoạt động của Thiên Nga nhưng đang tìm hiểu về nhân sự của tổ chức tình báo nầy.

Chị Thanh Thủy không đi một mình. Vào cửa nầy, ra cửa kia. Đi làm mặc thường phục, đôi khi hóa trang thành những thành phần trong xã hội.

6.4. Bị triệu tập đi trình diện

Ngày 1-5-1975, trong khi chị Thủy đưa đứa con vào bịnh viện do sốt cao độ, thì ở nhà, chồng chị, Lê Thành Long, nhận giấy triệu tập trình diện. Giấy ghi rõ đích danh Nguyễn Thanh Thủy, Thiếu tá Biệt Đội Trưởng tình báo Thiên Nga. Anh Long ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên biết tên Biệt Đội Thiên Nga, mà là Biệt Đội Trưởng nữa.

7* Chuyến xe duyên phận

  

 

Long-Thanh Thủy, trước cổng Trường Võ Bị Quốc Gia 1967

Lê Thành Long quê ở Cần Giuộc, Long An. Tốt nghiệp khóa 13 Thủ Đức. Được biệt phái về Năm Căn, Cà Mau, trong chương trình gom dân lập ấp.

Lần đầu tiên về phép, trên chuyến xe từ Cần Thơ về Sài Gòn, Long và một thiếu nữ ngồi gần nhau. Tưởng đâu là chuyện trò cho quên quãng đường dài, có ngờ đâu tiếng sét ái tình nổ ra trên chuyến xe duyên phận nầy. Thời đó con gái giữ gìn ý tứ nên không cho biết tên và địa chỉ.

Ngay sau khi cô gái lấy taxi về nhà, thì người sĩ quan trẻ tuổi nầy liền đón taxi đuổi theo, đến nhà.

Hôm sau anh đến nhà, và người anh của cô gái tưởng đâu là bạn của em mình, nên ân cần mời vào nhà, niềm nỡ chuyện trò. Nhịp cầu tình cảm bắt đầu từ đó.

Khi Lê Thành Long tốt nghiệp khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp, thì trường Võ Bị Quốc Gia tuyển chọn anh làm Trưởng Ban Nghi Lễ. Sĩ quan độc thân nên được cho một chỗ ở tại khách sạn Thủy Tiên 2, đối diện với Đại Học Xá Đà Lạt, nơi Thanh Thủy theo học. Phong cảnh hữu tình của Đà Lạt gắn bó hai người trẻ đi đến hôn nhân.

Sau đám cưới, Long ở Đà Lạt, Thanh Thủy ở Sài Gòn.

 
Bà mẹ Thanh Thuỷ và ba con thơ tại Mỹ Tho

8*. 13 năm bị đày đọa trong lao tù CS

13 năm tù khổ sai. 13 năm bị hành hạ nhưng con chim đầu đàn của Biệt Đội Thiên Nga vẫn kiên cường bất khuất, không khai báo, cho nên thân xác và tinh thần luôn luôn bị tra tấn, khủng bố. Bỏ đói, biệt giam, cùm chân, hành hạ đủ điều. Khủng bố không moi được những tin tức mà chúng muốn, bèn chuyển sang màn mua chuộc…

8.1. Bịnh tật

Đói ăn, mất vệ sinh sanh ra nhiều bịnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ. Thiếu dinh dưỡng sinh ta tê liệt và phù thũng. Các bạn tù đặt cho người bị liệt là “liệt sĩ”. Phù thũng là “phù vương” hay là “phồn vinh giả tạo”. Liệt sĩ hay phù vương, góp phần tạo ra một cơ thể gọi là “thân tàn ma dại”.

8.2. Người thăm nuôi đặc biệt

Anh Lê Thành Long ra tù năm 1981. Nhà cửa đã bị bọn cướp của giết người chiếm đoạt, anh phải về quê làm ruộng sinh sống qua ngày. Người ta gọi anh là người thăm nuôi đặc biệt, vì đa số là vợ thăm nuôi chồng, còn anh, thì chồng thăm nuôi vợ. Đó là trường hợp ít thấy nên gọi anh là người thăm nuôi đặc biệt.

Sau 13 năm tù đày, chị Thanh Thủy là người phụ nữa ra trại cuối cùng của Biệt Đội Thiên Nga. Có câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” ( Ở tù một năm bằng ngàn năm ở bên ngoài).

Anh chị cố bám trụ ở Sài Gòn. Mở một quán nhỏ trên lề đường tạm sống qua ngày.

Năm 1990 chương trình H.O mở ra (H.O=Humanitarian Operation), anh chị Thủy nạp đơn nhưng hồ sơ bị ngâm suốt một năm nên đến Mỹ ở H.O 12.

8.3. Đau buồn ập đến

Chị Nguyễn Thanh Thủy đến Mỹ, và hình ảnh ngày xưa 

Gia đình sum hợp, sống trong bầu không khí tự do đầy tình người ở quê hương thứ hai, chẳng bao lâu thì đau buồn ập đến. Chị bị ung thư. Con gái đầu lòng qua đời nên phải đóng cửa cái quán nhỏ bán thực phẩm nhanh mà anh chị đã gầy dựng 7 năm trước đó. Cái quán tên Thiên Nga Deli.

Chị Thủy bị trầm cảm kinh niên, cộng thêm thân xác tả tơi trong tù Việt Cộng, và tuổi già, nên chị bị cao máu, cao mỡ máu và tiểu đường. Tiểu đường làm mờ yếu mắt nên anh Long phải dắt chị mỗi khi đi.

Cuộc đời của người đồng môn NĐC-LNH là thảm cảnh của một bi hùng kịch.

9*. Kết luận

Chị Thanh Thủy ơi!

Nhóm cựu học sinh NĐC-LNH chúng tôi rất tự hào về chị. Thương cảm sâu đậm đối với con Thiên Nga đầu đàn, ái nữ của người thầy kính mến của chúng tôi.

Xin mượn lời của anh Lý Ngọc Cương ở Úc, trích như sau: “Thuỷ Thiên Nga” là một Vị Nữ Lưu đáng kính phục, rất xứng đáng là Hậu Duệ của Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Bùi Thị Xuân, và những Anh Thư Liệt Nữ khác của MẸ VIỆT NAM”.

Trúc Giang MN


1 nhận xét: