Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Những Thiên Thần Có Thật


Hôm nay là ngày 4/7/2023. Tôi chào tháng 7, chào thứ ba của tuần đầu tháng 7.

Ở Pháp năm nay, nếu tháng 6, sau mấy tuần oi bức liên tiếp, với cái nhiệt độ lòng vòng con số 30 ( chủ nhật 24, nơi tôi ở, là 34°C ! ), đã khép lại. Bằng những buổi sáng như những buổi sáng của những ngày cận Tết quê nhà, nghĩa là sáng sớm, phải một cái áo len khoác ra đường hay có hôm, phải thêm một cái khăn mỏng quàng cổ, nhưng chiều đi làm về, bước ra vườn, lại là một ly bia mát lạnh trong tay, thay cho cái quạt phe phẩy của người Xuân Hương :’’càng nóng bao nhiêu càng muốn mát’’ .

Nhưng, trời chỉ dịu đi ban ngày, khi bóng đêm bắt đầu chụp xuống, thì, ở những thành phố lớn nhất: Paris, Marseille, Lyon, Lille, Bordeaux, Toulouse, cũng như ở một số các thành phố trung bình (Amien, Nice, Etampes .. ) cái nóng đã bắt đầu dấy lên. Vì lửa. Lửa cháy. Cháy từ ngoài đường ( thùng rác, xe hơi) cháy đến một số công sở : tòa thị chính, trường học, bót cảnh sát, nhà văn hóa, hồ tắm, thư viện .vv : những biểu tượng của chính quyền . Cháy lan sang các cửa tiệm, quán ăn, không phân biệt ‘lớn, nhỏ’’ ! Lửa cháy không do thiên tai, không do tai nạn. Mà do người đốt. Người đây, nói theo Bộ Trưởng Nội Vụ Darmanin trong tuyên bố sáng qua ,03/07, ở Reims, là đám ‘’voyous’’ xuất phát từ các ‘’xóm nhà lá’’, ngoại ô các thành phố ! Nội vụ bắt đầu từ sáng thứ ba tuần rồi ( 27/6)

Theo công tố viên của thành phố Nanterre, sáng thứ ba 27/6 (khoảng 8h), Nahel M., 17 tuổi , cư dân Nanterre, lái chiếc Mercedes vàng mang bảng số Ba Lan, bị cảnh sát công lộ thổi còi vì chạy nhanh trên ''đường'' ( ligne ) dành cho xe bus, trên đại lộ Jacques-Germain Soufflot, thành phố Nanterre (vùng Hauts- de-Seine , ngoại ô Paris) , gây nguy hiểm cho một bộ hành và một người đi xe đạp. Xe ngừng ở đèn đỏ, hai viên cảnh sát đến, yêu cầu tài xế tấp vào bên đường. Nhưng chiếc Mercedes bất ngờ rồ ga, vượt đèn đỏ, bỏ chạy. Hai moto cảnh sát phóng theo, đến gần nhà ga, do kẹt xe, chiếc Mercedes bị buộc phải dừng lại, hai cảnh sát đến bên cửa phía tài xế, chĩa súng vào và kêu tắt máy. Nhưng tài xế lại phóng xe chạy tiếp. Một viên cảnh sát nổ súng . Chiếc Mercedes chạy thêm vài chục mét và đâm vào cột đèn gần đó. Nahel chết do viên đạn bắn xuyên qua tay trái đi vào ngực . Lúc 9h15! (1)

Theo báo chí, tuy không có tiền án, nhưng đây không phải là lần đầu cậu Nahel bỏ chạy khi bị cảnh sát bắt ngừng lại (cậu đã bị ra tòa hồi tháng 9 năm ngoái về chuyện này)! Ngay tối hôm đó, bạo loạn bắt đầu ở Nanterre!

Mặc dù, sáng hôm thứ tư 28/6, khi được hỏi về cái chết của Nahel, Tổng thống Macron đã tuyên bố, đại khái, là “không có gì để biện minh và tha thứ cho chuyện bắn chết một thiếu niên như Nahel” nhưng bạo loạn ngày càng lan nhanh trên nhiều thành phố khác. Với một cường độ ngày càng dữ dội !

Dĩ nhiên, bắn một người chỉ vì họ ‘’không tuân lệnh cảnh sát, bỏ chạy’’ là một hành động sát nhân ( viên cảnh sát nổ súng đã bị truy tố về tội ‘’cố sát” ) nhưng nội vụ còn trong vòng điều tra. Không chỉ dựa vào một đoạn video mà đòi ‘’giết cảnh sát” , mà tấn công, thiêu đốt các công sở, đồn bót, mà cướp bóc, đập phá các cơ sở thương mại ! Trả lời cuộc phỏng vấn của đài BFMTV (?), mẹ của Nahel cho biết là bà chỉ “quy trách nhiệm vào người cảnh sát bắn con bà mà không phải là tập thể cảnh sát Pháp !”

Chỉ đến tối chủ nhật vừa qua, 2/7, bạo loạn mới bắt đầu “dịu” bớt. Theo tổng kết sơ khởi của Bộ Nội Vụ ( Franceinfo ), trong 6 đêm bạo loạn ( 27/6 -2/7 ):
- Bộ Nội Vụ đã quy động 45000 nhân viên công lực ( nhiều hơn quân số các sư đoàn bộ binh chủ lực của mỗi vùng chiến thuật VNCH ! ) trên toàn quốc để đối phó với bạo loạn
- 3354 người bị câu lưu , trong đó 1/3 vị thành niên , tuổi trung bình 17, nhưng cũng có cả những đứa bé 12, 13 tuổi !
- 11000 đám cháy trên đường
- 1313 công sở bị đốt
- 722 nhân viên công lực bị thương
vv!

Ông Geoffroy Roux de Bézieux , chủ tịch Nghiệp Đoàn chủ nhân Pháp (Mouvement Des Entreprises de France) ước tính thiệt hại của các cơ sở thương mại, ngân hàng vv là trên 1 tỷ âu -kim ! Chưa nói đến những mất mát tài chánh của các cơ sở du lịch ( 25% du khách đã hủy bỏ du lịch Pháp tháng 7!). Riêng các phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô và các vùng phụ cận, thiệt hại lên đến 200 triệu Âu kim!

Tôi không biết Nahel có anh chị em gì không. Chỉ biết mẹ cậu, bà Mounia, là một người Pháp gốc Algérie, đã một mình nuôi cậu. Nếu chỉ có hai mẹ con đùm bọc nhau mà sống, thì cái nỗi đau của bà Mounia từ đây, không chỉ là nỗi mất con, mà còn là nỗi cô đơn, không người thân thuộc trong đời ! Trước nỗi đau lớn lao này, tôi không có gì để thêm vào ‘’chuyện cậu Nahel’’ : vì sao cậu bị bắn chết ? Vì sao cậu vi phạm luật giao thông? Vì sao cậu có tiền mướn chiếc Mercedes? Vì sao cậu lại bỏ chạy? vv Có phải vì cậu ‘’gần mực hơn gần đèn’’ hay vì xã hội Pháp đã không cho những đứa bé có hoàn cảnh như cậu vươn lên? !!! vv

Bà Mounia không làm được như mẹ thầy Tăng Sâm, có thể do không có điều kiện để dọn nhà, đổi ‘’xóm’’ (công việc, tài chánh vv) nhưng chắc chắn là phải hơn trường hợp những bà vợ các tù nhân chính trị ở Việt Nam sau 75, nhất là những quả phụ của những quân nhân VNCH (tử trận trước 75).Tiếc là, Nahel đã không được như 3 người con của bà quả cố Đại Tá Dù Nguyễn Đình Bảo ! Như lời kể lại của Kiến Trúc Sư Nguyễn Bảo Tuấn, người con út: …”

Khi Bố ra đi, Mẹ mới 32 tuổi và vẫn đang tuổi sắc nước hương trời, vẫn đang là một trong những người đẹp của hàng không Việt Nam, có rất nhiều người đã tìm đến ngỏ lời nhưng Mẹ đều từ chối, Mẹ luôn dành một tình yêu bất tận cho Bố.

Rồi biến cố 75 ập đến, gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó, một mình Mẹ vất vả làm đủ nghề để nuôi 6 miệng ăn, ban ngày thì làm bánh làm trái để bán, tối thì lo đan áo cho người đi xuất cảnh, nhiều đêm Mẹ thức đan áo đến ba bốn giờ sáng dưới ánh đèn dầu, bao nhiêu cơ cực không thể nào kể xiết. Có lẽ những vất vả mà Mẹ phải gánh chịu được vơi đi phần nào khi anh Tường và chị Tú luôn đạt được những thành tích xuất sắc trên con đường học vấn,

Anh Tường đậu vào trường Y với thứ hạng rất cao khi mới 17 tuổi và tốt nghiệp ra trường với vị trí thủ khoa, dù là trong suốt 6 năm học Y, ngày nào 5 giờ sáng anh Tường cũng phải dậy sớm lên Gò Vấp lấy bánh đậu xanh về đi bỏ mối để kiếm tiền phụ Mẹ. Ngày anh Tường được học bổng đi Pháp để học tiếp, Mẹ mừng không nói nên lời. Ngày chị Tú được tuyển vào làm ở lãnh sự quán Anh quốc sau khi vượt qua mấy trăm hồ sơ dự tuyển, Mẹ cũng mừng không nói nên lời, và dường như đó là phần quà ông Trời muốn bù đắp lại cho những hy sinh không mệt mỏi của Mẹ. ..’’ (2)

Không có gì thêm vào ‘’chuyện cậu Nahel’’ nhưng tôi lại có vài thắc mắc.

Nahel là người thứ 13 bị cảnh sát bắn chết từ đầu năm nay vì ‘’bỏ chạy khi cảnh sát chận lại”. Đồng ý là người cảnh sát ‘’cố ý’’ bắn nhưng chưa biết thực hư ra sao thì Hạ Viện đã kêu gọi một phút ‘’mặc niệm’’ cho Nahel ! Gì dữ vậy ? – Mặc niệm cho tuổi trẻ bị bắn chết ? Hay mặc niệm vì chết oan ? !!! Giả dụ, sau điều tra, người ta phát hiện … ngược lại , rằng viên cảnh sát bắn vì tự vệ thì bà Chủ Tịch tính sao ? – Làm sao ‘’đi lấy lại thời gian đã .. mặc niệm’’ ??!!

Lần này, thủ quân Hội Tuyển Túc Cầu Pháp, Kilian Mbappe, một người mà tôi rất yêu mến, có lẽ vì quá xúc động đã vội vã lên tiếng về cái chết của Nahel : j'ai mal à ma France / tôi đau (‘’với’’) nước Pháp của tôi ! Rồi Koundé, Tchouaménie, Maignan, những cầu thủ trong Hội Tuyển, rồi Omar Sy, một tài tử quen thuộc cũng lên tiếng. Chấn động đến thế sao ? – Thế khi Sophie Le Tan, một nữ sinh viên 19 tuổi, gốc Việt, bị thằng Tây già Jean-Marc Reiser (58 tuổi) mượn cớ cho viếng nhà để thuê, đã hãm hiếp Sophie, xong thủ tiêu, chặt xác ra từng khúc, dấu trong rừng ở Strasbourg (2018) thì có ai “j’ai mal à ma France ‘’ không?!!!

Nahel bị bắn chết buổi sáng, ngay tối đã xảy ra bạo loạn, với súng bắn hỏa châu, với cocktail Molotov đốt xe , với đầy đủ “chiến cụ’’ để đập phá, tấn công ‘’kẻ thù cảnh sát’’, chưa đến hai ngày sau, chiều thứ năm, đã có cuộc biểu tình quy mô với 6000 người tham dự ở Nanterre, trong đó có Assa Traoré, người nổi tiếng ‘’chống cảnh sát’’, chị của Adama Traoré, người đã bị tiền án và bị chết trong một bót cảnh sát. Chỉ trong 2 ngày thôi, mà cuộc biểu tình rất phức tạp đã được diễn ra một cách ''có tổ chức'', trơn tru, suôn sẻ ,với nhiều áo thun in chữ “Công lý cho Nahel’’, với bà Mounia ngồi trên kiệu xe đưa tay vẫy chào cám ơn ''bà con'', với loa phóng thanh rền vang, với người giữ trật tự vv Làm được những chuyện đó, phải có người, phải có tiền. Ai bỏ tiền ra ‘’trang bị’’ cho mấy binh đoàn ‘’thanh niên … xung phong’’, tổ chức cuộc biểu tình ?!  

 (tòa thị chính Villeneuve-Le-Roi / ngoại ô Paris, nguồn: Le Parisien - nguồn: internet)

Khuya chủ nhật 2/7, 1h30, một chiếc xe tông thẳng vào nhà thị trưởng L’Hay-les-Roes ( ngoại ô Paris ), trong lúc ông này còn đang làm việc ở tòa thị chính, phòng chống bạo loạn. Bọn côn đồ sau đó đã đốt chiếc xe tông vào, đốt cả xe ông thị trưởng và cổng vào nhà ông .Trong khi dắt 3 con ( trong đó có 2 đứa bé 7, 5 tuổi ) chạy trốn qua nhà hàng xóm, vợ ông bị thương và đã được đưa vào bệnh viện sau đó.

Cả chính giới nước Pháp đều lên án cái âm mưu giết ‘’người-của-chính-quyền-Cộng-Hòa’’ này , ngay cả ông Mélenchon, thủ lãnh ‘’nước-Pháp-bất-khuất’’, là đảng duy nhất không chịu kêu gọi giảm bạo loạn!!!

Không thể nào đổ hết tội vào các phụ huynh ‘’da màu’’. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong ‘’cộng đồng’’ đã kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhường chỗ cho đối thoại, xây dựng ‘’Con hư có thể tại mẹ, cháu hư có thể tại bà”. Nhưng, chính bà ngoại của Nahel đã kêu gọi “ngưng bạo loạn’’, và rất nhiều bà mẹ Hồi giáo đã nửa đêm xuống đường, tìm đến đám “quá khích” , khuyên lơn, can gián!

Khi thấy bạo loạn bùng phát ngày càng nhiều, “Hội tuyển túc cầu Pháp” , qua Mbappe, đã kêu gọi chấm dứt bạo lực, khác với những giây phút đầu tiên than thở “J’ai mal à ma France’’ khi gởi chia buồn đến những người thân của Nahel , người mà Kilian gọi là một ‘’thiên thần đã ra đi quá sớm” (ce petit ange parti beaucoup trop tôt )

Đúng là Nahel ra đi quá sớm. Định mệnh đã khiến cho em ra đi ở tuổi 17, tuổi mà em còn có nhiều cơ hội để thay đổi, để trở thành một người hữu ích cho gia đình, xã hội. Nhưng, với tôi, em chỉ là một thiếu niên xấu số, đáng thương. Không phải ‘’thiên thần’’. Không có ‘’thiên thần’’ nào vi phạm luật lao thông (có thể giết chết người khác , lại không tuân lệnh nhân viên công lực, phóng xe bỏ chạy.

‘’Thiên thần’’ mà tôi biết là những ‘’thiên thần’’ có thật. Đó là những ''thiên thần tuổi nhỏ'' Việt Nam đã bỏ mình vì đạn pháo trong chiến tranh hay chết trên biển Đông sau '' hòa bình''. Đó là những ‘’thiên thần áo trắng’’ đã cứu người trong cơn đại dịch Covid_VH . Và đó, là những ‘’thiên thần mũ đỏ’’, từ trời cao miền Nam đáp xuống, đuổi giặc thù ra khỏi quê hương.

BP
04/07/2023

1 nhận xét: