CLASS OF 1978 REUNION
Hôm nay, một ngày cuối tháng 5, năm 2023 trong một buổi xế trưa, tôi cảm thấy lành lạnh nhưng rất khoan khoái khi ra ngoài ban công xem xét thời tiết.
Bèn mặc quần áo ấm, đội mũ len và ra ngoài ban công để ngồi viết và ghi lại những gì trong nội tâm, những cảm nghĩ khi còn đi học bên Úc và nhất là sau khi tôi đã trở thành một nhà giáo bất đắc dĩ.
Năm đầu tiên khi bắt đầu đi dạy, tôi có trách nhiệm phải phụ giúp ông GS George Sand phần thực tập của môn Cơ Học Đất Đá (Soil Mechanics) liên quan đến phần
(TRIAXIAL SHEAR TEST)
Nhiều năm về sau, nhất là sau khi tôi đã có ý định viết một loạt bài liên quan đến nghề đi dạy của tôi trong những lúc rảnh rỗi, tự nhiên tôi muốn trở thành… “một thám tử” để đi lùng các manh mối liên quan đến ông GS George Sand và nhất là cách ông đối xử với “Civil Engineering Technology Department” của chúng tôi tại Centennial College, Canada.
Mùa thu năm 1970, khi tôi mới bắt đầu đi dạy, trong thời khóa biểu, tôi có phận sự phải chỉ dẫn sinh viên năm thứ Hai ngành Công Chánh môn Soil Mechanics mà người “course leader” là ông George Sand. Trong cái “Fall 1970 Term” này,ông Inskip Thomas và tôi cùng “team teach” dạy môn Soils Testing (ông ta là course leader), chúng tôi đã đồng ý vể phận sự mỗi ngưới phải làm những gì ngay từ ban đầu.
Theo thông lệ đó, tôi muốn bàn thảo với ông George Sand về nhiệm vụ chúng tôi phải làm những gì theo thứ tự thời gian… Công việc ổn thỏa được 3, 4 tuần đầu gì đó… Nhưng rồi, về sau, mỗi lần ông đều xua tay và cho tôi biết ông còn bận việc đi họp! (không những họp ở trong trường mà còn đi họp với Hiệp Hội Kỹ Sư Ontario, không có liên quan gì tới College của chúng tôi nữa…)!
Ông GS G.Sand này làm tôi nhớ đến một ông GS bên Úc. Chúng tôi có một ông thầy dạy môn Soil Mechanics rất là đặc biệt.
Ông luôn luôn ngồi trên cái bàn, 2 chân đong đưa trước cái bục giảng và bắt đầu nói và nói, không cần biết tới bọn sinh viên chúng tôi có nghe ông nói gì, chúng tôi có hiểu hay không… Bọn chúng tôi chỉ biết là ông thầy đang giảng cái chương thứ mấy ở trong cuốn sách “textbook” mà thôi. Ông thao thao “diễn thuyết” như một cái máy, không cần biết đến sinh viên…
Chúng tôi không hề có “Assignment” để nộp cho ông, không hề có “Term tests”…Trong kỳ thi Final Exam, ông cho chúng tôi 4 câu hỏi và chúng tôi chỉ phải trả lời có 3 câu hỏi mà thôi. Thú thật là cho tới khi tôi đi dạy học, tôi cũng vẫn chưa biết phải trả lời các câu hỏi đề thi của ông ra sao nữa.
Sau khi tôi đã ra trường tôi, tôi được “class mates” cho biết 4 câu hỏi đó, ông đã tự tiện lấy ra từ cái “Masters degree thesis” của của ông khi ông đi học ở bên Mỹ. Vì điểm số của các sinh viên chúng tôi quá nhỏ (rất nhỏ so với điểm số trung bình 50% ) khi thi cuối năm, ông tự tiện vẽ cái “bell curve” về điểm số của sinh viên chúng tôi để mà rồi từ đó, tự ông “lựa xem” ai trượt, ai đậu môn học này! Hỡi ơi!!!
Ông thầy này cho tới giờ này tôi chưa làm sao quên được. Thật là có một không hai!
May mắn thay, sau khi tôi đã ra trường, rồi làm việc cho chính phủ Úc, tôi đã được một ông kỹ sư trông coi về cái Soil Mechanics Lab chỉ dẫn cho nhiều thứ trong lúc giờ ăn trưa. Ông Peter Holland đã nói với tôi:
– Này anh bạn trẻ, tôi đã chỉ cho anh tất cả những cái ngóc ngách trong cái Triaxial test này để anh hiểu rõ phần lý thuyết mà trong sách vở họ ít khi chỉ dẫn cho các anh. Nếu cần biết thêm, anh cứ tự ý mà hỏi tôi.
Nhờ cách chỉ dẫn về tính toán của ông Peter Holland, tôi thấy thích thú rồi đi mua thêm một cuốn textbook mới về “Soil Mechanics” và tự ý giải tất cả các bài toán trong cuốn sách này. Cũng nhờ vậy mà tôi mới cảm thấy vững tâm sau khi đi dạy tại Centennial College.
Nhiều năm về sau này, nhất là sau khi tôi đã có ý định viết một loạt bài liên quan đến nghề đi dạy trong những lúc rảnh rỗi, tự nhiên tôi muồn trở thành một thám tử để đi lùng các manh mối về các ông thầy dạy của tôi bên Úc, cũng như các ông/bà thày dạy trong Centennial College theo kiểu ông George Sand.
Cuối tháng 3 năm 1979, ông George Sand đã bị tất cả các sinh viên năm thứ Hai của trường công chánh làm reo. Họ viết một cái “petition letter” gửi đến cho ông Super Chair Chuck Cobourne, và bà Dean Margo Kenny yêu cầu nhà trường sa thải ông George Sand, nếu không tất cả các sinh viên nắm thứ hai sẽ bỏ sang học tại Seneca College hết.
( Lý do chính: ông G. Sand đã nhiều lần không đến lớp dạy và trong kỳ “Term test 1”, đáng lẽ ra ông phải phát bài thi lúc 10:30 AM sáng hôm đó, nhưng ông lại bắt học trò đợi ông cho đến lúc 11:00 PM vì ông ta còn phải đang bận in bài thi! Người viết cho rằng, ông đã ỷ i và cho rằng ông ta đã có “tenure” cho nên nhà trường không thể “fire” ông ta được..!?)
Để tránh việc mất các sinh viên, Ông Chair và bà Dean đã có buổi họp với tât cả các sinh viên năm thứ Hai cùng với tất cả các giáo sư trong Department. Hai người đó xác định là sau ngày 18 tháng 04 ,năm 1979, ông G. Sand sẽ không còn được phép dạy sinh viên nữa. Các GS như Tom Transit, Rick Chan, Phan Dam, Mohammed Ali sẽ dạy thế ông G. Sand suốt khóa Mùa Đông năm 1979 và khóa Mùa Thu năm 1979. Các GS chúng tôi không được nhận thù lao gì hết trong khi đó, ông G. Sand vẫn “ngồi mát, ăn bát vàng”!
Những việc làm trái cẳng ngỗng này, cũng như nhiều những vấn nạn khác đã và đang xấy ra trong 23 Community Colleges trong tỉnh bang Ontario lúc đó đã đưa đến vụ đình công đầu tiên của “Ontario Faculty Strike” trong năm 1984…
Giáo Út đã hứa với vợ rằng khi sinh đứa con út, cả hai vợ chồng chúng tôi cùng phải theo phương pháp “Lamaze Method of Child Birth”- có nghĩa là khi sinh con, cả người chồng lẫn người vợ phải luôn luôn thở theo cùng nhịp điệu với nhau và bổn phận người chồng là phải nhắc nhở người vợ phải thở đúng theo phương pháp để cho vợ có sức mà “push” cái bào thai và không cần phải tiêm thuốc mê.
Hai vợ chồng chúng tôi đã phải theo một khóa học để thực tập cách thở cùng với nhau. Nghe tin giáo Út phải sửa soạn dạy thêm một môn nữa trong lúc cặp vợ chồng trẻ sắp sinh con, cả hai chúng tôi đều cảm thấy bàng hoàng vì e rằng tôi sẽ gặp nhiều trở ngại, cộng thêm việc mới của nhà trường thì chúng tôi sẽ dễ dàng gặp vấn đề… khi sinh con. Thú thực là chưa bao giờ trong đời, tôi cảm thấy lo âu như khoảng thời gian từ đầu tháng tư năm 1979 cho đến khi con út sinh ra đời vào khoảng giữa tháng tư năm 1979.
Cái gì xảy ra, đã xảy ra: mẹ của thằng cu bắt đầu cảm thấy chuyển bụng từ lúc 5:00 sáng ngày 18 tháng 04 năm 1979. 8:00 giờ sáng, chúng tôi lái xe đưa con trai lớn đến trường trước. Sau đó, tôi định đưa vợ đến văn phòng bác sĩ nhưng rồi phải đổi ngay ý để lái xe đến thẳng nhà thương luôn vì bắt đầu có triệu chứng sắp sinh con. Gần 9:00 sáng, sau khi đã đưa vợ vào trong nhà thương, tôi lái xe ra “parking lot”. Vừa vào đến cửa nhà thương, tôi đã nghe người ta gọi tên tôi và nhắn phải vào phòng “Delivery room” ngay. Trong khi tôi đang luống cuống thắt cái giải rút quần mà nhà thương mới đưa cho, họ gọi gấp Mr. Đàm vào ngay phòng sinh.
Năm phút sau, bác sĩ báo tin cho tôi: “Chúc mừng ông đã có một đứa con trai khỏe mạnh!”
Tôi thở phào vì không phải … nhắc việc vợ phải thở… gì hết. Bất chiến, tự nhiên thành…!
Tự nhiên, tôi thấy mệt lạ thường: kiệt sức, và rất buồn ngủ nhưng vẫn không quên nắm lấy cái quần của nhà thương trước khi chạy vào phòng thay quần áo!
Thật là vui khi nhìn thấy mặt mũi con đứa trai út của mình đang nằm trong trong “incubator”. Tội nghiệp, thằng cu phải nằm ở lại trong nhà thương hơn một tuần vì bị bệnh jaundice.
Hôm đó, đáng lẽ ra tôi phải bước vào lớp học để dạy thay thế cho ông George Sand, tôi gọi điện thoại báo tin cho bà thư ký biết là tôi đang ở trong tình trạng “paternity leave” ở lại nhà để lãnh nhiệm vụ làm phận sự “Mr. Mom”!
Buổi chiều, tôi đến trường đón con trai lớn rồi cho cu cậu ăn “spaghetti with meat balls” để rồi buổi tối hai cha con đi đến thăm mẹ/vợ và em trai/con trai út.
Thế mà đã 44 năm! Chàng Út nay không còn là một “baby” nữa mà anh chàng đã hoàn toàn “đủ lông, đủ cánh”, bận rộn tổ chức phần fashion show và ca nhạc cho chương trình MET GALA tại New York, Hoa Kỳ!
Bắt đầu từ sau giữa tháng 4 năm 1979, Giáo Út bận mệt nghỉ vì phải phụ giúp vợ trông nom hai đứa con trai còn nhỏ tuổi. Giáo Út nhà tôi cảm thấy lo âu cho “Civil Technology Department” của chúng tôi: nó đang thực sự có vấn đề liên quan sự sống còn của nó!
Cả mùa hè năm đó, ngày nào hàng xóm cũng thấy một ông bố trẻ đang đi bộ và đẩy xe cho con trai trong cái park gần nhà.
Tôi chọn một cái “picnic table” ngay phía ngoài của cái rừng thưa với bóng mát và các tổ chim lớn trên cành cây. Khi con đang ngủ, tôi lôi các sách giáo khoa mà tôi đã để sẵn trong gầm xe, dưới chỗ con nằm ngủ để ngồi đọc và sửa soạn phần “lecture notes” cho môn học mới dậy lần đầu tiên trong khóa học Mùa Thu năm 1979. Khi nào con thức giấc, bố đẩy xe cho con ngủ tiếp mà cũng để cho bố đi bộ cho đỡ mỏi cái chân.
Hạnh phúc biết bao!
Tôi cảm thấy mãn nguyện và an tâm: ít ra mình đã có tay nghề trong đời đi dạy học để mà quên đi cái vụ đi kiếm việc làm kỹ sư ở ngoài nữa. Bây giờ hai đứa con trai của chúng tôi là… trọng tâm… trong đời!
Tuy rằng cá nhân tôi phải bận rộn suốt ngày nhưng càng đọc sách giáo khoa, tôi càng cảm thấy say mê và càng cảm thấy mình cần phải soạn bài cho thật kỹ càng: không những tự cho mình học thêm được nhiều điều mà cần nhất là học trò phải cảm thấy hứng thú vì ông thày phải “nói có sách mách có chứng” nữa!
Tháng 7 năm đó, chúng tôi lái xe đưa gia đình lên Montreal để cho ông nội được xem mặt đứa cháu nội mới nhất của ông.
Tôi không còn cảm thấy ao ước làm sao để mà cho ông cháu gặp nhau như hồi con trai đầu lòng của chúng tôi sinh ra năm 1972 nữa!
Trường Công Chánh của chúng tôi đang thực sự có vấn đề: nhà trường không thể sa thải ông G. Sand được vì ông ta đã có “tenure” của một giáo sư thực thụ. Các giáo sư trong department phải cùng nhau dậy thế cho ông ta. Ông Tom Transit còn phải khổ sở hơn chúng tôi nữa: ông ta bị bắt buộc trở thành Giáo Sư Trưởng Phòng để thay thế cho G. Sand. Nói tóm lại ông G. Sand được hoàn toàn ngồi chơi xơi nước mà vẫn được trả lương trong suốt cả niên khóa mùa Đông năm 1979 cho đến hết niên khóa Mùa Thu năm 1979…
Ông Rich Chan và Phán Đàm thường hay trao đổi ý kiến với nhau và tiên đoán tương lai của Trường Công Chánh sẽ ra sao: đầy rẫy những trở ngại vì sự làm việc tắc trách của ông G. Sand. Nhưng rồi, cuối cùng thì ông ta đã phải tự ý xin nghỉ việc vào đầu tháng 10, năm 1979… vì ông ta đã hoàn toàn bị biệt lập không những trong Civil department, mà ông ta không còn có thể nhập cuộc được với các nhân viên khác trong college nữa …
Ông đã không kiếm được việc làm của một kỹ sư công chánh vì hồi đó, nền kinh tế của Canada đang đi xuống dốc. Tôi nghe học trò nói là ông ta đã làm việc như một “Soil Technician” để thử đất, đá như các cán sự công chánh mà chúng tôi đã từng đào tạo…
Điều tai hại nhất cho ông G. Sand: vì ông tự ý xin nghỉ việc với nhà trường trước khi ông thực sự có đủ tiêu chuẩn về hưu non cho nên trong những năm về sau này, ở tuổi 65, khi ông bắt đầu có thể ăn lương hưu trí, ông hoàn toàn không hội đủ tiêu chuẩn để được nhận tiền hưu trí của quỹ hưu trí nhà trường như các giáo sư khác.
Giá mà ông thấu hiểu được luật nhân quả trong những lúc ông ăn chay trường đã bao nhiêu năm trời của ông…
&&&
Tôi có thói quen thường hay giữ lại tất cả những”lecture notes” của những môn mà tôi đã học tại đại học bên Úc và nhất là những lecture notes mà tôi đã dạy tại Centennial College.
Môn học về Public Health của năm Thứ Ba tại UNSW chẳng giúp ích gì cho tôi gì hết. Nó liên quan tới vấn đề nước uống và nước thải nhưng chúng tôi không học được ông thầy gì cho lắm liên quan đến ngành công chánh: “cuốn textbook“ rất dầy liên quan tới các bệnh tật từ nước uống mà ra và ông thầy bắt chúng tôi phải nhớ tên rất nhiều các con vi khuẩn, các bệnh tật thì làm sao mà chúng tôi nhớ được? Chúng tôi là những sinh viên về ngành kỹ thuật chăm lo về xây cất các hệ thống dẫn nước trong thiên nhiên, nước đã được lọc…chứ chúng tôi đâu phải là những bác sĩ hay là y tá để chẩn bệnh cho bệnh nhân???
Khi ông thầy đang dạy trên bảng, nói luyên thuyên, tôi nhìn ra thấy rất nhiều sinh viên trong lớp (phần lớn là dân Úc và phái nam) đang mở những tờ báo để xem những hình ít mặc áo, mặc quần vì bị họ cảm thấy là buồn ngủ với những gì ông thầy đang dạy … Tôi học được một điều: tránh xa lối dạy như vậy và phải tự ý mình duyệt xét lại cái “course content” của môn mình đang dạy…
Tuy nhiên, môn học về Luyện Kim (Metallurgy) mà tôi cũng học năm đó, chúng tôi rất may mắn có được một ông thầy dạy rất hay. Chữ thầy viết rất rõ ràng, thày vẽ hình bằng phấn màu đẹp tuyệt vời. Sinh viên rất thích thú với phần “course content”.
Thầy còn để ý xem chúng tôi có nghe Thầy giảng bài hay không. Tôi cảm thấy rất thích thú nghe lời dạy của thầy và ghi chép rất kỹ lưỡng.
May thay, trong 2 năm 2000 và 2001, tôi đã có dịp để xung phong dạy môn này cho các sinh viên năm thứ Hai ngành Cơ Khí tại Centennial College trước khi tôi về hưu.
Đặc biệt là tôi đã có dịp được dạy một em nữ sinh viên Việt Nam khi tôi dạy môn Metallurgy này trong năm 2000. Em viết chữ rất đẹp: rõ ràng mà lại có phần…calligraphy nữa. Sau khi em học xong niên khóa đó, tôi đã mượn em phần “lecture notes” mà em đã ghi chép trong lớp học. Tôi đã in lại và giữ làm kỷ niệm! Tiếc rằng, trước khi về hưu non ở tuổi 60, tôi đã đánh mất phần này!
Em là sinh viên duy nhất được điểm A+ trong lớp đó, có khoảng 30 sinh viên! Em đã học xong bằng B.Sc. tại một ĐH của Ontario trước khi em theo học ngành Mechanical Technology. Ngoài ra, em lại còn là sinh viên giỏi nhất trong năm thứ Hai của ngành Cơ Khí khi tôi dạy em môn này (với điểm số GPA – Grade Point Average – cao nhất trong lớp).
Em có thói quen gọi tôi là Chú và xưng Con, chứ không gọi tôi là Thầy và xưng Con.
Em có đôi mắt bồ câu đen lánh: một hình ảnh mà tôi trân quý vô cùng!
Ước gì tôi có được một mụn con gái… giống như em… Hmm…
Đàm Trung Phán
GSKS hồi hưu
May 1, 2023
vất vả quá
Trả lờiXóa