Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

Đọc Thơ " Như Sóng Thần Lên" - Phạm Anh Dũng Tưởng Nhớ Trần Xuân Dũng (1939-2023)

  

Như Sóng Thần Lên, tập Thơ Sử của Trần Xuân Dũng do tác giả tự xuất bản.

Anh Trần Xuân Dũng sinh năm 1939 tại Hà Nam, học Trung Học Nguyễn Trãi và Chu Văn An, tốt nghiệp Ðại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1965. Hiện nay thi sĩ hành nghề Y Khoa Tổng Quát ở Úc. Anh là Tổng Thư Ký Tập San Hội Y Nha Dược Sĩ tại Úc Châu. Tờ báo có Hà Ngọc Thuần là Chủ Biên và Lê Thanh Cảnh phụ trách Ðiều Hành.

Trần Xuân Dũng hoạt động văn học nghệ thuật ngay từ những ngày còn ở trong khuôn viên trường Ðại Học Y Nha Dược ở số 28 đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Cùng với Nghiêm Sĩ Tuấn, Lê Sĩ Quang... anh chủ trương tờ báo nổi tiếng Tình Thương của các Sinh Viên Y Khoa. Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương là bạn thơ cố tri, thân thiết của anh và đã đem thơ Trần Xuân Dũng lên mục "Thơ và Thi Nhân" của báo Tự Do nhiều lần. Năm 1967, Trần Xuân Dũng và thi sĩ Phùng Kim Chú có in chung tập "Thơ 28 Sao" tại Sài Gòn. Trần Xuân Dũng là một trong những người làm thơ loại Nhị Thập Bát Tú này khi nó mới bắt đầu được phổ biến.

Anh cũng viết văn xuôi. Những bài viết khá hay gần đây đăng trên báo Y Khoa và Chu Văn An như Phiếm Luận Về Sợ, Phiếm Luận Về Xương, Cứ Ðể Yên... Những bài này tuy là phiếm luận dí dỏm, nhưng đọc và suy nghĩ kỹ, chung cuộc cũng có chỗ trở về chuyện đả kích Cộng Sản.

Trần Xuân Dũng là người chống Cộng. Thơ hay văn của Trần Xuân Dũng là thơ văn chống Cộng. Giản dị như vậy. Ðó là Trần Xuân Dũng. Ðó là Như Sóng Thần Lên.

Như Sóng Thần Lên của Trần Xuân Dũng có 3 vấn đề "nặng": nặng nợ, nặng tình và nặng ký. Quyển sách lại có cả 3 điều tốt: nhân, trí và dũng.

Trần Xuân Dũng là Nguyên Y Sĩ Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH. Và do đó sau biến cố ngày 30-4-1975 anh đã phải trải qua các trại cải tạo Long Giao, Suối Máu, Bù Gia Mập và sau đó vượt biển tìm tự do 1978. Thập niên 1990, khi biết bao người đi đi về về Việt Nam như đi chợ, thật hiếm có người vẫn công khai "ăn thua đủ" với Cộng Sản. Trần Xuân Dũng vẫn vững chí và, rất rõ ràng, vẫn muốn "nặng nợ" với người Cộng Sản. Những thơ văn anh viết, đọc thì thấy ngay. Niềm đau, hận của Trần Xuân Dũng đối với Cộng Sản vẫn vậy. Ðối với anh cuộc chiến chưa tàn. Ngày 30-4-1975 chỉ là lúc đánh dấu sự thất bại một trận đánh. Trong thâm tâm anh, Chính Nghĩa Quốc Gia cuối cùng sẽ thắng cuộc chiến. Cuộc chiến của Trần Xuân Dũng chỉ tàn khi lá cờ vàng 3 sọc đỏ trở về với đất nước, với dân tộc. Ðó là dũng.

Phải nói Trần Xuân Dũng có nhiều tình cảm, nhiều tâm huyết, vẫn "nặng tình" đối với các chiến hữu, Quân Ðội VNCH và Ðất Nước. Thơ anh nhắc đầy đủ đến mọi binh chủng từ các đơn vị Tổng Trừ Bị như Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù qua Không Hải Quân, rồi Bộ Binh, Thiết Giáp, Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân... Một lần nữa, anh không nghĩ cuộc chiến đã tàn khi những chiến hữu của anh, những người đã nằm xuống chưa được ghi danh. Cuộc chiến đối với Trần Xuân Dũng vẫn chưa chấm dứt nếu những Nguyễn Ðan Quế, những Ðoàn Viết Hoạt... vẫn còn trong lao tù, vẫn còn bị hành hạ, bị khủng bố chỉ vì lên tiếng đòi Tự Do Dân Chủ. Ðó là nhân.

Còn cái trí của Trần Xuân Dũng là như sau. Dù quá khích một cách rõ rệt với Cộng Sản như vậy nhưng trong ngôn ngữ của anh không hề thấy có sự đả kích rẻ tiền đến những người chống Cộng theo một đường hướng khác. Sự đả kích nhiều khi đến độ mù quáng thường thấy của một số nhân vật chống Cộng bằng lời nói hay tuyên ngôn ồn ào xa xôi mãi từ Hải Ngoại. Họ tự coi mình, tổ chức của mình và chính sách chống Cộng của mình là tuyệt đúng còn ai chống Cộng kiểu khác mình là đi ngược đường lối của dân tộc và đương nhiên trở thành Cộng Sản! Thơ Trần Xuân Dũng thì không thấy gì cả. Văn xuôi, nặng nhất trong Phiếm Luận Về Xương cũng vì chỉ quá bực tức thành tác giả mỉa mai những thành phần Y Sĩ ở Mỹ chỉ vì thủ lợi mà đã "cuống quít, loay hoay, lăng xăng, bợ đỡ phản lại cả dân tộc..."

Như Sóng Thần Lên là một tập thơ rất "nặng ký" về cả hình thức và nội dung.


Hình thức: sách dày 128 trang, khổ tương đối lớn so với những tập thơ khác. Sách in bằng giấy láng, thật đẹp và thật tốt do đó khá nặng, gần 1/2 kilogram! Bìa trước là một bức ảnh một chiếc nón sắt của lính Thủy Quân Lục Chiến với những dòng chữ như TQLC Sát Cộng, Quảng Trị, Ðông Hà... Bìa sau là bức họa "Bảo Vệ Tự Do" của họa sĩ Chen.

Nội dung: nhìn vào bìa, đã đoán được.

Nội dung của tập thơ phần lớn là chiến tranh, là lửa và máu hòa với mồ hôi và nước mắt, cùng những gian lao trong nắng mưa, bụi bậm... Ða số là những trận đánh anh dũng của các binh chủng khác nhau của QLVNCH, từ trận Bình Giả qua đến trận Mậu Thân 1968 và đến những trận cuối cùng như Xuân Lộc. Vì là thơ sử, những bài thơ về những trận đánh dài với nhiều chi tiết liên kết với nhau và rất khó trích ra thành đoạn ngắn để trình bầy ở đây vì e có sự gián đoạn về ý tưởng. Nhưng hãy đọc:

"... Trần Xuân Dũng đã viết hàng chục bài thơ kể lại tất cả những trận đánh lớn. Với
cùng một chất liệu chiến tranh nhưng tác giả đã viết với ý tứ mới lạ khác nhau. Chữ và vần
điệu không trùng hợp. Cảm xúc rồi rào mạnh mẽ...

... Trong ông, cũng như trong thơ ông, lúc nào cũng có lửa. Lửa bừng bừng từ tim tới
óc. Lửa cháy ngập từ trang thơ này qua trang thơ khác...

... Nhiều người, trong đó có tôi, mến lửa của ông, nhưng cũng sợ lửa của ông..."

(Bùi Khiết viết tựa cho Như Sóng Thần Lên )

Thơ của Trần Xuân Dũng không những chỉ cho những người chiến hữu mà cho cả tượng chiến hữu, bức tượng nổi tiếng của điêu khắc gia tài hoa Nguyễn Thanh Thu ở Nghĩa Trang Quân Ðội cạnh xa lộ Biên Hòa:

"...Ðem sâu em nghe rờn rợn
Mắt anh rực lá quốc kỳ
Hãnh diện đền ơn tổ quốc
Chiến trường nào anh ra đi?
(Bức Tượng Thương Tiếc, Nghĩa Trang Quân Ðội")

Trong không khí chiến tranh, chết chóc của Như Sóng Thần Lên, tuy nhiên, đôi khi trong thơ người
đọc cũng chợt bắt gặp:

"...Chiều thu người yêu chẳng đến
Làm gì có lá vàng rơi
Súng ôm trong tay trìu mến
Cánh đồng nắng úa không lời..."
(Người Nghĩa Phương Quân và Ðịa Phương Quân)

Ðó là ý tưởng khác, con người khác của Trần Xuân Dũng, con người của anh với tâm tình lãng mạn trước khi gia nhập vào guồng máy chiến tranh.

Trong tập thơ có phần Phụ Lục là một số bài thơ đã có trong tập "Thơ 28 Sao", tác giả
xuất bản trong thập niên 1960 và đã bị thất lạc:

"Ôm gối đêm, thầm lăn lóc xuông
Giường xuôi chiếu ngược giá như chuông
Giai nhân! Ðã hết thời xuân hẳn?
Mà tháng năm trôi, khép kín buồng"
(Mùa Thu Ðã Sang)

Hoặc là:

"Nhạc Tình Tư Mã vỡ xa xôi
Góa phụ nhìn gương đổi dáng ngồi
Nếp áo vân vê mày thoáng nhíu
Lòng băng mặt sắt giữ hay thôi?"
(Ðàn Phượng Ý Hoàng)

Phải chăng đó mới chính là con người thật của Trần Xuân Dũng?

Phạm Anh Dũng

Nhớ Trần Xuân Dũng (1939-2023), một người bạn, một người anh, một đồng nghiệp và một chiến hữu.
Mời xem Đọc Thơ Như Sóng Thần Lên và nghe Hôn Anh Nồng Nàn.





--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét