Nguyên tác: Phiên âm:
讀老子-白居易 Độc Lão Tử - Bạch Cư Dị
言者不如知者黙 Ngôn giả bất như tri giả mặc, *
此語吾聞於老君 Thử ngữ ngô văn vu Lão quân.
若道老君是知者 Nhược đạo Lão quân thị tri giả,
縁何自著五千文 Duyên hà tự trước ngũ thiên văn.
*Lão Tử có nói: "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh 道可道 非常道,名可名非常名" Cái đạo lý mà có thể nói ra được thì không phải là đạo vĩnh cửu, cái tên mà có thể đặt được bằng tên thì không phải là cái tên vĩnh cửu.
Bạch Hương San Thi Tập 白香山詩集-唐-白居易 cho mộc bản không dị bản bên trên.
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản với chữ tri知 thay vì chữ như如 trong câu 1.
Bài thơ còn được đăng trong các sách:
Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易
Thư Họa Vị Khảo - Thanh - Biện Vĩnh Dự 書畫彙考-清-卞永譽
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
Công Quý Tập - Tống - Lâu Thược 攻媿集-宋-樓鑰 cho dị bản với chữ tri知.
Lão Tử
Ghi chú:
Lão tử: là một nhà tư tưởng thời Xuân Thu. Người sáng lập Đạo giáo. Họ Lý tên Nhĩ, tự Tương, cho nên còn được gọi là Lão Tương. Tác phẩm Đạo Đức Kinh gồm 5 ngàn chữ là kinh điển của Đạo giáo. Người cao tuổi tự xưng, tên gọi chung cho người cao tuổi, tên thường gọi của người cha, người tự cao tự xưng; tên của ngôi sao cổ.
Ngôn giả: người nói
Bất như: không thể so sánh được: không giống nhau; không phù hợp
Tri giả: người có thể hiểu được; người có kiến thức
Lão quân: chỉ Lão Tử
Duyên hà: tại sao
Dịch nghĩa:
Độc Lão Tử Đọc Lão Tử
Ngôn giả bất như tri giả mặc Người nói ra thì không biết, người biết thì im lặng,
Thử ngữ ngô văn vu Lão quân Lời đó ta nghe được từ Lão Tử.
Nhược đạo Lão quân thị tri giả Nếu bảo rằng Lão Tử là người biết được đạo,
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn Thì sao ông lại tự viết ra một áng văn năm nghìn chữ (Đạo Đức Kinh)?
Bài thơ nói về Lão Tử và triết lý Lão giáo. Ta nhận thấy có sự trào phúng khi BCD “chọc quê” Lão Tử và triết lý Lão giáo, tức “chọc quê” chính mình vì BCD cũng sống theo triết lý này.
Dịch thơ:
Đọc Lão Tử
Người biết lặng im chẳng nói ra,
Đấy lời Lão Tử dạy người ta.
Nếu ông là đấng biết trời đạo,
Sao viết năm ngàn chữ văn hoa?
Reading Lao Zi by Bai Ju Yi
Those who preach don’t know, and those who know are silent,
I hear that this saying was from Laozi.
If he really knew the Way,
Then why did he write a 5000-word essay (Dao De Jing)?
On Reading the “Lao Zi” - Bai Juyi (772-846)
He who preaches knows not, he who knows is mute.
These are the words, I'm told, of Laozi the master of old.
But if, it be said, the master, was one who truly knew,
O why did he pen a treatise, a thousand words five-fold?
Translated by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)
Those who speak don't know, those who know are silent.
So says old Lao Tzu.
Well, if he was such a knowing old guy,
What got into him to write five thousand words?
Translated by Bruce Patterson
The wise’s silent, the unwise talks a lot;
That's what I heard Lao Zi the sage had taught.
If we say, a sage so wise that was Lao Zi;
Why then, words five thousand in a book wrote he?
Translated by Walter Lo
Lao Tzu
“Those who speak know nothing-;
Those who know are silent."
These words, as I am told,
Were spoken by Lao-tzu.
If we are to believe that Lao-tzu
Was himself one who knew,
How comes it that he wrote a book
Of five thousand words?
MC Phí Minh Tâm
***
讀老子
言者不知知者默,
此語吾聞於老君。
若道老君是知者,
緣何自著五千文?
Độc Lão Tử - Bạch Cư Dị
Ngôn giả bất tri, tri giả mặc,
Thử ngữ ngô văn ư Lão quân.
Nhược đạo Lão quân thị tri giả,
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn?
Dịch nghĩa:
Đoc Sách Lão Tử
Người nói ra thì không biết, mà người biết thì im lặng,
Lời đó ta nghe được từ Lão quân.
Nếu bảo rằng Lão quân là người biết (đạo),
Thì vì sao tự viết ra áng văn năm nghìn chữ kia?
Phỏng dịch:
Đọc Sách Thánh Hiền
"Người hay khoác lác khắp đàng,
Dạ không tường thấu rõ ràng điều chi.
Kẻ thông cặn kẽ từng li,
Lại thời im lặng - chớ gì nhọc tâm."
Lời vàng nghe được há lầm,
Từ nơi cửa miệng Lão quân phán truyền.
Nếu Ngài biết đạo bao niên,
Cớ sao thảo bút triền miên khôn ngừng:
Áng văn bất hủ vô cùng,
Đến năm nghìn chữ vẫy vùng rồng bay...
Khánh-Hưng
***
Đoc Sách Lão Tử
Người hay không nói, nói không hay,
Từ Lão Quân nghe được ý này.
Nếu bảo Lão Quân người biết rõ,
Năm ngàn chữ tự thảo sao đây?
Mỹ Ngọc
Feb. 18/2023.
***
Đoc Sách Lão Tử
1/
Người nói không rành, người biết nín
Lời đó ta nghe tự lão quân
Nếu bảo lão quân người biết đạo
Thì sao rốt ráo chữ năm ngàn?
2/
NÓI, không biết; BIẾT, lặng thinh
Ta nghe lời đó thực tình Lão quân
Nếu người ngộ đạo mười phân
Để năm ngàn chữ phong trần thế sao?
Lộc Bắc
Fev23
***
Đọc Lão Tử
Người viết chẳng rành, rành chẳng viết,
Lời đó ta nghe từ Lão quân.
Nếu bảo Lão quân hiểu rành đạo,
Thì sao viết chữ tới năm ngàn. *
Con Cò
*Đạo Đức kinh dài 5 ngàn chữ.
***
Góp ý:
Lão Tử là một nhân vật có rất nhiều huyền thoại, tỷ như bà mẹ có thai tới 70 năm mới sinh, nên khi ra đời, tóc đã bạc trắng, và người ta gọi ông là lão tử.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử tên là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, thuỵ là Đam, sinh vào thời nhà Chu, lớn tuổi hơn Khổng Tử, làm một chức quan nhỏ dưới đời Chu Chiêu Vương, nhưng thấy chiến tranh liên miên, đạo đức suy đồi nên từ quan, cưỡi trâu đi về hướng tây. Tới ải Hàm Cốc, quan trấn thủ là Doãn Hỷ biết ông có tài, nên cố thuyết phục ông viết lại những triết thuyết của mình trước khi tiếp tục đi vào sa mạc. Đó là cuốn Đạo Đức Kinh, dài 5000 chữ. Lão Tử được coi là ông tổ của Đạo Giáo.
Theo truyện Phong Thần, thì Lão Tử là một trong 3 vị tiên tài nghệ phi thường, có hiệu là Thái Thượng Lão Quân, chuyên luyện đan, có lò bát quái, quạt ba tiêu để quạt lò, kim cang trát để xỏ mũi con trâu ông vẫn cưỡi. Con trâu này, tuỳ theo sách, khi thì xanh, lúc thì vàng.
Tới đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh, bị Độc Giác Tỷ chặn đường, đánh 3 người học trò là Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng thua liểng xiểng. Sau nhờ Quan Âm chỉ điểm, Tề Thiên mới biết Độc Giác Tỷ là con trâu của Thái Thượng Lão Quân, lén chủ, ăn cắp bảo bối xuống trần phá phách, nên nhờ Lão Quân xuống thu phục trâu về.. Vì vậy mà trong thơ dùng Lão Quân để chỉ Lão Tử.
Về bài thơ chữ Hán của anh Tâm, chữ thứ 4 câu đầu là NHƯ, theo mộc bản đính kèm, và có nhắc dị bản dùng chữ TRI, theo ý BS thì chữ này hợp lý hơn, và Thi Viện cũng viết như vậy.
Bài thơ có ý chê Lão Tử không hành động giống như mình nói.
Đọc Lão Tử
Nói thì không biết, biết lặng im,
Lời của Lão Quân ta vẫn tin,
Nếu thật Lão Quân đà hiểu đạo,
Chữ kinh sao viết tới năm nghìn.
Bát Sách.
(Ngày 22 tháng 2 năm 2023)
***
Góp ý:
言者不如知者黙=Ngôn giả bất như tri giả mặc
Câu đầu bài thơ chứa hai chữ trong bút hiệu của người ni nên xin góp ý. Đạo Đức Kinh là một trong những cổ thư khó đọc và khó hiểu nhất vì lối hành văn không ... giống ai cảm thiếu nhiều yếu tố văn phạm và cú pháp của các cổ thư khác cùng thời. Có phải chăng có thể rằng tác giả - ai đó - không biết nên nói/viết không thông?
Không biết thì không (nên) nói nhưng ta biết gì chính xác về Lão Tử? Cho tới thế kỷ 20, cổ văn tương đối đáng tin nhất về Lão Tử đến từ bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên và chính sử gia này cũng không biết rõ gốc gác, thời điểm của Lão Tử và bộ Đạo Đức Kinh vì hoặc Lão Tử là người đồng thời với Khổng Tử (551–479 BC), hoặc Lão Tử là Lão Đam (老聃) một sử gia và thiên văn gia thời Tần Hiến Công (384–362 BC) và nếu Tư Mã Thiên không thể biết chắc thì khó mà tin ai khác.
Dựa trên lối hành văn và lối kỵ húy trong các phiên bản trên lụa và thẻ tre sưu tập được ở Mã Vương Đôi (1973) và Quách Điếm (1993) thì Đạo Đức Kinh có thể gọi là Đức Đạo Kinh vì phần đức (德) đi trước phần đạo (道). Sự phân tích các phiên bản đó cho thấy một phần của Đức Đạo Kinh ra đời sau Trang Tử - và Trang Chu là người của tk 4 BC; Phiên bản trên thẻ tre được viết trước thế kỷ 3 BC.
Ngoài việc ta không biết thời điểm chính xác của Lão Tử, ta cũng không biết ông có phải là tác giả, hay hay tác giả độc nhất của cuốn Đức Đạo Kinh, vì phân tích bố cục, cú pháp và lối hành văn trong kinh cho thấy, cũng như cuốn Trang Tử, có nhiều tác giả đời sau thêm thắt vào.
Vì chỉ một phần trong 5000 ngàn chữ có thể do chính Lão Tử viết - hay nói, ta không thể bắt chước Bạch Cư Dị chê Lão Tử nhiều lời!
Huỳnh Kim Giám
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa